Nhà vật lý Albert Einstein và những lá thư chứa đầy bí mật bất ngờ
GS Fans Rush, khi đó là giảng viên vật lý tại một trường đại học kỹ thuật ở Trực Lệ (tên gọi của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc trước năm 1928) mở cái phong bì thư cũ kỹ ra. Trong đó là một tờ giấy có dính những vết mực, được ghi bằng nét chữ nguệch ngoạc như của trẻ con.
Năm 1921, lá thư này đã phải vượt qua một đoạn đường xa từ nước Đức tới tận Trung Hoa. "Tôi đang phải sống một cuộc sống náo động và vội vã. Tôi không có cả thời gian để dừng lại mà suy ngẫm nữa. Những phát minh vĩ đại, đó là sứ mệnh của những người trẻ chứ không phải của tôi" - người viết lá thư này than thở với GS. Người đó chính là Albert Einstein.
Lá thư trên của Einstein là một trong những tài liệu lần đầu tiên được công bố trong tập 12 của bộ toàn tập các tài liệu liên quan tới nhà bác học vĩ đại này. Lá thư được các nhân viên của Viện Kỹ nghệ California biên soạn và vừa được công bố trong mùa hè năm 2009. Trong bộ toàn tập có hơn 100 lá thư cũng như một số bài trả lời phỏng vấn và bài giảng của Albert Einstein.
GS Rush không nhìn thấy bất cứ sự làm mình làm mẩy nào của Einstein trong những lời than phiền đó. Khi nhà vật lý vĩ đại viết lá thư trên, những công trình chính yếu của đời ông - lý thuyết tương đối hẹp và lý thuyết tương đối tổng quát - đều đã được hoàn thành. Einstein dần dà ít quan tâm hơn tới vật lý và từ một nhà bác học chỉ được một hữu hạn không đông những nhà vật lý biết tới đã trở thành một "người của công chúng" trên quy mô toàn cầu.
Những lá thư mới được công bố năm nay của ông đã giúp chúng ta nhìn thấy ông dưới một ánh sáng tương đối bất ngờ - ông đã bớt phần là một nhà vật lý lý thuyết và thêm nhiều phần là một ... nhà hoạt động chính trị xã hội. Nhưng có lẽ đổ thêm dầu vào lửa của những cuộc tranh luận lịch sử sẽ là những tài liệu khác nữa, cũng có trong bộ toàn tập trên. Những tài liệu này có thể được sử dụng để gián tiếp chứng tỏ rằng, khi xây dựng những lý thuyết khoa học của mình, Einstein có thể đã sử dụng kết quả nghiên cứu của những nhà khoa học khác mà lại không nêu tên của họ ra.
Lý thuyết và thực tế
Năm 1921, Einstein lần đầu tiên sau nhiều năm rời khỏi ngôi nhà của mình ở Berlin để đi du lịch tại châu Âu và châu Mỹ. Ông đã nay đây mai đó tới hơn một năm rưỡi và chỉ riêng ở Mỹ đã đọc tới 17 bài giảng về các lý thuyết khoa học của mình.
Nhưng mục tiêu chính trong chuyến đi sang bên kia đại dương, tới châu Mỹ, của ông không phải là quảng bá khoa học, mà là để tìm kiếm phương tiện. Nhà vật lý vĩ đại quyên góp tiền để xây dựng một trường đại học tổng hợp Do Thái. Cũng ở Mỹ, Einstein đã tham gia quyên góp tiền ủng hộ cho việc xây nhà định cư cho người Do Thái ở Palestine. Với Einstein, tham gia vào đời sống chính trị xã hội không thể là việc xa lạ. Chỉ có một điều duy nhất mà ông luôn bác bỏ: đó là sự dính líu tới bất cứ một tôn giáo nào. "Tôi không có ý định vào bất cứ một cộng đồng tôn giáo nào và sẽ tiếp tục không theo bất cứ một tín ngưỡng nào" - nhà vật lý vĩ đại viết trong thư gửi cộng đồng Do Thái ở Berlin như thế.
Tất nhiên, những hành động như thế của Einstein đã không được những nhân vật thủ cựu hay cực đoan trong cộng đồng các nhà khoa học ở Đức tán thành. Và những người này đã lên tiếng phê phán ông. Thậm chí ngay cả nhà hóa học từng được giải thưởng Nobel năm 1918, Fritz Haber, đã công khai gọi những mối quan hệ trong các chuyến du lịch ra nước ngoài của Einstein là "phản bội nước Đức". Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn bởi việc Einstein tham gia vào tổ chức vì hòa bình "Tổ quốc mới".
Năm 1921, tổ chức này trong một bản tuyên ngôn được công bố rộng rãi đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ việc giải trừ quân bị quá chậm trễ của Berlin. Các tác giả của bản tuyên ngôn đó kêu gọi nước Pháp không nên rời mắt khỏi chính phủ mới ở Đức và khi cần thiết thì không được chần chừ can thiệp vũ trang. Thái độ của Eisntein dĩ nhiên đã làm các phần tử cánh hữu ở Đức nổi giận và ngay trong năm 1921 trên một tạp chí thiên hữu ở đây đã xuất hiện những lời kêu gọi "thanh toán" nhà vật lý vĩ đại này.
Trong con mắt của những bộ phận xã hội lành mạnh, quyết định không xa rời chính trị của Einstein không hề ảnh hưởng gì tiêu cực đối với danh tiếng của nhà vật lý vĩ đại. Thậm chí, ngược lại, càng làm đẹp thêm hình ảnh của ông và khiến ông càng được ưa chuộng. Những bài viết về lý thuyết tương đối hẹp và lý thuyết tương đối tổng quát được công bố năm 1905 và 1915 đã mang lại danh tiếng cho ông chỉ trong một bộ phận khá nhỏ hẹp các chuyên gia. Còn phần thế giới còn lại đã chỉ nhắc tới tên Einstein vào năm 1919. Việc này diễn ra nhờ nhà thiên văn vật lý người Anh Arthur Eddington. Ông Eddington từ lâu đã có cảm tình với tâm lý ưa chuộng hòa bình của Einstein.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, người Anh và người Pháp đã không mời các nhà vật lý Đức sang tham gia các cuộc hội thảo khoa học và cũng không thảo luận một cách nghiêm túc các công trình nghiên cứu của họ. Lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ đối với Eddington và ông này đã làm mọi việc để mọi người ở Anh phải đề cập tới nó. Chính với sự hậu thuẫn của nhà khoa học Anh này mà Hội Thiên văn học Hoàng gia đã bỏ ra kinh phí để kiểm tra sự đúng đắn của lý thuyết tương đối.
"Đối với một người đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình như Eddington, rất quan trọng là phải làm sao xây dựng được một thí dụ về sự hợp tác quốc tế và chứng minh tính chân lý của lý thuyết tương đối của Einstein, người cũng kiên trì những cái nhìn chính trị như thế" - GS Aleksye Kozhevnikov ở Khoa Lịch sử Trường Đại học Anh Columbia nhận xét.
Theo lý thuyết cơ khí cổ điển của Newton, những tia ánh sáng khi đi ngang qua gần một vật thể có khối lượng lớn nào đó sẽ phải lệch đi một cách rõ rệt - bởi dòng ánh sáng bị tác động bởi lực hấp dẫn. Lý thuyết tương đối tổng quát cũng dự kiến sự lệch đi đó của ánh sáng, nhưng gấp đôi tới hai lần. Theo lý thuyết của Einstein, quỹ đạo của các tia sáng sẽ phải thay đổi vì độ cong của không gian.
Một đoàn các nhà thiên văn học Anh đã sang châu Phi để quan sát cảnh nhật thực. Trong thời gian diễn ra nhật thực, họ đã đo các chỉ số của dòng ánh sáng từ một ngôi sao. Ánh sáng của ngôi sao này đi ngang qua gần mặt trời và lệch đi đúng bằng những gì mà Einstein đã tiên đoán. Eddington đã thông báo về nước Anh các kết quả thực nghiệm của mình và cả thế giới bắt đầu nhắc tới Einstein. Tờ báo Anh The Times đã ra số báo đặc biệt với dòng tít in to và đậm ngay trên trang nhất: "Cách mạng trong khoa học - Lý thuyết mới của vũ trụ - Các tư tưởng của Newton đã bị bác bỏ".
Quả thực đã tới lúc nói tới một cuộc cách mạng thực sự trong vật lý. "Điều này đã trở thành sự chấn động, - GS Kozhevnikov nói. - Những ồn ào xung quanh sự kiện đó không thua kém gì so với khi phóng được vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo".
Nhưng bất chấp kết quả vang dội và tất cả những nỗ lực của Eddington, Hội Thiên văn học Hoàng gia đã không trao tặng ngay cho Einstein huy chương vàng mà ông xứng đáng được nhận. Chỉ sau hai năm ông mới được tặng huy chương vàng đó, khi ông sang thăm "hòn đảo sương mù". Cũng ở Anh, ông đã trực tiếp làm quen với GS Eddington. Trong các lá thư của mình, Einstein đã bày tỏ sự biết ơn đối với GS Eddington vì những hỗ trợ và sự ủng hộ của ông này. "Tôi rất muốn được trò chuyện với ông, - tác giả của lý thuyết tương đối viết cho nhà khoa học đã hâm mộ mình. - Điều đó cũng có ý nghĩa to lớn đối với tôi đến mức tôi cũng muốn học tiếng Anh".
Thực ra thì cuộc gặp gỡ giữa hai nhà khoa học cùng ưa chuộng tư tưởng hòa bình lại diễn ra rất lạnh lùng. "Trước lời chúc của bạn đồng nghiệp về việc cuối cùng thì lý thuyết tương đối cũng được chính thức công nhận, Einstein lại khô khan đáp rằng, ông sẽ lấy làm ngạc nhiên nếu kết quả không như vậy" - Guennadi Gorelik, nhân viên Trung tâm triết học và lịch sử khoa học thuộc Trường Đại học Boston, kể.
Sau khi đã trực tiếp làm quen với nhau, hai nhà khoa học đã chia tay. Einstein đã lịch sự đọc các công trình nghiên cứu của bạn đồng nghiệp người Anh nhưng đánh giá chúng rất vừa phải. Trong thư gửi cho nhà toán học người Đức Hermann Weyl, Einstein đã gọi một trong những công trình nghiên cứu của Eddington là "đẹp nhưng vô nghĩa nếu nhìn từ góc độ vật lý".
Điều cũ đã được quên lâu
Từ bộ toàn tập của Einstein cũng có thể tìm hiểu những thông tin mới trong thái độ của nhà vật lý vĩ đại đối với một công trình nghiên cứu khác - thí nghiệm nổi tiếng Michelson - Morley. Năm 1887, bằng một thí nghiệm rất thông hoạt, nhà vật lý Albert Michelson và nhà hóa học Edward Morley đã chứng minh được rằng, tốc độ ánh sáng là giá trị không đổi và không phụ thuộc vào chuyển động của trái đất.
Chính trên sự khẳng định này đã đặt cơ sở của lý thuyết tương đối hẹp của Einstein. Thế nhưng, trong bài báo lừng danh của mình, xuất bản năm 1905, Einstein đã không một lần nào nhắc tới tên họ của hai bạn đồng nghiệp người Mỹ này. Các nhà nghiên cứu lịch sử từ lâu đã cố gắng tìm hiểu xem những kết quả thí nghiệm của Albert Michelson và Edward Morley đã giúp đỡ Einstein đến đâu trong việc xây dựng lý thuyết của mình. Nguyên nhân dẫn tới các tranh luận là cách hành xử không nhất quán của bản thân Einstein.
Trong đời mình, Einstein đã đưa ra một số những tuyên bố mâu thuẫn với nhau. Trong tự thuật, nhà vật lý vĩ đại đã nói rằng ông coi các kết quả thí nghiệm của các đồng nghiệp Mỹ là không đáng kể, đồng thời cũng khẳng định rằng, ngay từ năm 16 tuổi, ông cũng đã tự nghĩ ra về sự không đổi của tốc độ ánh sáng trong mắt người quan sát.
Einstein cũng tuyên bố rằng, ông chỉ được biết về thí nghiệm Michelson - Morley sau khi công bố lý thuyết tương đối của mình năm 1905. Mọi sự đã ổn thỏa nếu như năm 1922, nhà vật lý vĩ đại đã không đưa ra một tuyên bố mang nội dung hoàn toàn ngược lại. Ông đã gọi thí nghiệm Michelson - Morley là bước tiến đầu tiên dẫn ông tới việc xây dựng lý thuyết tương đối hẹp.
Nhưng tài liệu vừa được công bố có thể sẽ giúp các nhà nghiên cứu lịch sử xác định được chân lý trong những lời tuyên bố mâu thuẫn nhau của nhà vật lý vĩ đại. Trong lần in mới có văn bản giải mã bài giảng mà Einstein đã đọc ở trường Parker (Mỹ) ngày 4/5/1921.
Theo lời nhà nghiên cứu lịch sử từ Viện Kỹ nghệ trong bài giảng của mình, nhà vật lý vĩ đại đã có một nhận xét rất "hấp dẫn". Einstein đã công nhận rằng, ông đã biết về thí nghiệm Michelson - Morley ngay từ khi còn là sinh viên. Chính lời thổ lộ này của nhà vật lý vĩ đại sẽ trở thành một luận cứ nghiêm trọng trong các cuộc tranh luận xung quanh lý thuyết tương đối hẹp. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là các cuộc tranh luận sẽ chấm dứt hoàn toàn, - bà Buchewald cảnh báo, - vì Einstein có thể đã nhắc tới thí nghiệm trên chỉ vì lịch thiệp, bởi đại đa số cử tọa nghe ông giảng bài hôm đó, cũng như nhà vật lý Albert Michelson, đều là người Mỹ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh