70 năm, Việt Nam đã vượt chặng đường không giống bất kỳ quốc gia nào

10:36 SA @ Thứ Năm - 03 Tháng Chín, 2015

Các vị khách mời phân tích về những thành tựu của Việt Nam sau 70 năm giành độc lập và những thách thức đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Chiều 28/8, tại Hà Nội, Báo điện tử VOV (VOV.VN) đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Cách mạng Tháng Tám và thôi thúc hiện thực hóa khát vọng "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Ba vị khách mời tham gia chương trình là: PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội); ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Invest Consult Group (chuyên về tư vấn đầu tư và kinh doanh) và ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước thuộc Trung Đông.

Xem thêm: Tọa đàm: Hiện thực hóa khát vọng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc“

Đây là phần tiếp theo của cuộc toạ đàm này:

PV: Thưa nhà ngoại giao Nguyễn Quang Khai, 70 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu gì xét trên mục đích phấn đấu để người dân có tự do và hạnh phúc?

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Có một số người so sánh tại sao Hàn Quốc, Nhật Bản sau chiến tranh có thể phát triển nhanh đến vậy, còn Việt Nam thì rất chậm, và những thành tựu của Việt Nam không phải là cái gì ghê gớm. Theo tôi, những thành tựu mà Việt Nam đạt được 70 năm qua, cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ, chúng ta đã giành được những thành tựu cực kỳ to lớn.

Sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, chúng ta phải bước vào một cuộc kháng chiến chống Pháp trong 9 năm. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta lại phải tiến hành một cuộc chiến tranh nữa với Mỹ kéo dài 20 năm. Sau cuộc chiến tranh với Mỹ, ta lại phải tiến hành một cuộc chiến tranh nữa ở biên giới phía Tây Nam và sau đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tức là sau khi giành độc lập, Việt Nam phải đối phó với 4 cuộc chiến tranh lớn và sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng ta phải chịu sự cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, kéo dài trong 20 năm từ 1975-1995. Đến năm 1995 họ mới bãi bỏ cấm vấn và bình thường hóa quan hệ với mình.

Thực tế, khoảng thời gian để tập trung xây dựng đất nước chỉ khoảng 10-15 năm. Sau năm 1995, còn có biết bao nhiêu vấn đề khác xảy ra như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; chưa kể trải qua các cuộc chiến tranh, đất nước bị tàn phá hoàn toàn, chúng ta gần như phải làm lại từ con số 0. Đến bây giờ, chúng ta đạt được một trình độ như vậy đó là một thành tựu vô cùng to lớn không phải nước nào cũng làm được.

Nhiều ý kiến phê phán vấn đề này, vấn đề kia, nhưng chúng ta phải nhìn vào bối cảnh như thế mới thấy được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự cố gắng của nhân dân ta trong xây dựng đất nước, phát triển kinh tế.

Về kinh tế, chỉ trong một thời gian ngắn, cho đến giờ, GDP của ta đã đạt xấp xỉ 200 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2000. Chỉ trong vòng 15 năm mà GDP tăng gấp 4 lần là con số cực kỳ ý nghĩa, không thể phủ định được. Cùng với đó, đời sống của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng phát triển không thua kém các nước láng giềng. Tôi cho đó là thành tựu về đối nội hết sức quan trọng.


Đặc biệt, chúng ta vẫn giữ được chế độ sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước XHCN tan rã năm 1990-1991. Thời điểm đó không ít người từng nghĩ rằng Việt Nam rồi cũng sẽ sụp đổ. Lúc đó, không có ai viện trợ, mà chúng ta làm được như thế là một cố gắng phi thường. Người nào nói ngược lại tôi cho rằng không hiểu tình hình Việt Nam.
Trong tình hình hiện nay, so sánh với các nước lân cận, trong các nước Đông Nam Á, có thể nói Việt Nam là ổn định nhất. Không phải là mình tự khen mình nhưng rõ ràng về chính trị, Việt Nam là ổn định nhất. Dù có chuyện này, chuyện khác nhưng chúng ta vẫn giữ được sự lãnh đạo của Đảng, yếu tố quyết định sự ổn định về chính trị, từ đó mới thu hút được đầu tư nước ngoài, đến nay đã được 275 tỷ USD – một con số rất lớn, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, cải thiện nền kinh tế của Việt Nam, cải thiện đời sống của người dân.

Về đối ngoại, từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, một nước không ai biết, giờ đây chúng ta đã có quan hệ với 185 nước, có quan hệ với tất cả các nước lớn (5 nước trong thường trực Hội đồng Bảo an LHQ) và đã ký được những Hiệp định hợp tác chiến lược với hầu hết các nước lớn trên thế giới. Các nước lớn đó đều cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam.

Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua, có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một Tổng thống Mỹ đi đón vị Tổng Bí thư của một Đảng Cộng sản, điều đó thể hiện uy tín của Việt Nam. Chưa kể Việt Nam gia nhập rất nhiều tổ chức quốc tế: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN, APEC, Hội đồng Bảo an LHQ, chuẩn bị ký kết đàm phán TPP (với 12 nền kinh tế lớn nhất thế giới). Những điều đó cho thấy uy tín của Việt Nam lớn mạnh rất nhanh.

Có thể khẳng định rằng, nói đến Việt Nam, với những người làm công tác ngoại giao, trước đây cũng khá mệt, tự ti nhưng bây giờ chúng tôi đã có thể hãnh diện và ngẩng cao đầu. Trình độ của cán bộ ngoại giao của ta hiện nay cũng phát triển rất nhanh. Trước đây, hầu hết cán bộ ngoại giao không biết ngoại ngữ, Đại sứ cũng phải có một phiên dịch đi cùng. Đến bây giờ chuyện đó không còn nữa, đại sứ nào cũng nói được tiếng nước ngoài, nhiều người nói được nhiều thứ tiếng. Trong khi đó nhiều nước phát triển hơn ta, họ không làm được như thế. Có thể thấy không chỉ uy tín của Việt Nam lớn mạnh, mà cán bộ của chúng ta cũng được đào tạo bài bản hơn, không kém gì các nước khác.

Đương nhiên, chúng ta không thể hài lòng với những gì đã làm được cho đến nay, nhưng trong khoảng thời gian 70 năm và trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta đã đạt được những thành tựu hiện nay là cực kỳ tuyệt vời.

PV: Là một doanh nhân, ông Nguyễn Trần Bạt đánh giá như thế nào về những thành tựu của Việt Nam trong 70 năm qua?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng thành tựu của chúng ta còn sâu sắc hơn những gì Đại sứ vừa phân tích. Chúng ta từ một nền kinh tế không có kinh tế học (nền kinh tế bao cấp) trở thành nền kinh tế thị trường. Dám tự tin đề nghị các nước thừa nhận tính chất thị trường của nền kinh tế Việt Nam đấy là một bước tiến lớn. Chúng ta mạnh dạn hội nhập và hội nhập vào tất cả các thể chế kinh tế (WTO, APEC, TPP) để điều hành nền kinh tế của mình, theo tôi đó là sự hội nhập vô cùng dũng cảm, là thành tựu khổng lồ.


Ông Nguyễn Trần Bạt (phải)

Về các giá trị phổ quát của nhân loại, chúng ta đi từ sự thừa nhận này đến sự thừa nhận khác, ví như việc Việt Nam tham gia Công ước của LHQ về chống tham nhũng trong bối cảnh tình hình tham nhũng ở Việt Nam ngày càng nặng nề, điều đó cho thấy dù chúng ta có một xã hội chưa trong sạch lắm nhưng rõ ràng Đảng ta có một ý chí trong sạch.

Tôi có theo dõi Đại hội Đảng các cấp kỳ này suốt từ lúc bắt đầu cho tới giờ tôi thấy một tinh thần cực kỳ nghiêm túc, công khai, rành mạch. Đảng ta vốn là trụ cột của nền chính trị, mà trụ cột của bất kỳ nền chính trị nào người ta cũng gán cho cái tên bảo thủ, nhưng tôi ngạc nhiên trước sự không bảo thủ của những người cộng sản. Xã hội chúng ta tiến bộ ở nhiều mặt, thành tích vĩ đại, không thể thống kê hết được.

Phải có những công trình nghiên cứu xã hội học sâu sắc mới biết được các thành tựu thật sự của xã hội chúng ta là gì, Đảng ta mới chọn được phương hướng để cải cách cho phù hợp, nếu không làm rõ được những tiến bộ của xã hội, nền tảng xã hội mà ta có, chúng ta sẽ không tự tin để cải cách.



Tôi phải cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tự tin nói về nhân quyền trên đất nước Mỹ, điều đó làm người dân Việt Nam vô cùng tự hào, cảm động. Bởi nhân quyền là vấn đề thuộc về con người, chúng ta không đủ tự tin để nói về nó, thì chúng ta không thể tự hào là người Việt Nam. PGS.TS Phạm Xanh có đồng ý với tôi không?

PGS.TS Phạm Xanh: Đúng thế. Những năm 80 của thế kỷ trước, những người Việt Nam đi công tác nước ngoài không tự tin để nói mình là người Việt Nam. Nhưng bây giờ, chúng ta đã ngẩng đầu nói với thế giới mình là người Việt Nam...Đấy là niềm tự hào rất lớn, kết quả của những năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

PV: Ba vị khách mời vừa nói đến thành tựu chúng ta đã đạt được trong 70 năm qua. Vậy song song với những thành tựu đó, hiện nay, đất nước ta đang gặp phải những thách thức gì?


Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Đất nước ta đã đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Về đối ngoại, chúng ta đã gia nhập rất nhiều tổ chức, định chế quốc tế, đấy là cơ hội để chúng ta hội nhập quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế đó, cũng có rất nhiều thách thức. Thách thức đó là gì? Theo tôi, trước hết là do trình độ phát triển chênh lệch quá xa. Ví dụ, giờ chúng ta vào TPP, các nước như Mỹ, Nhật… sẽ tăng cường đầu tư vào mình, thế nhưng, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ đứng trước một sự cạnh tranh rất khốc liệt nếu không cạnh tranh được sẽ thất bại.

Thách thức này là rất lớn mà chúng ta phải phấn đấu, doanh nghiệp của ta cũng phải phấn đấu thì mới có thể tranh thủ được sự đầu tư của nước ngoài. Còn đương nhiên khi đất nước hội nhập, người dân sẽ được lợi rất nhiều.

Về đối nội, thách thức lớn nhất ở trong nước theo tôi là tụt hậu. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng nếu cứ bằng lòng với những thành tựu ấy, so sánh với trình độ phát triển của thế giới của Việt Nam là thấp, giờ chúng ta phải làm sao để đuổi kịp những nước lân cận và tiến tới là phải trở thành một nước có nền kinh tế mạnh như Nghị quyết của Đại hội 11.

Và theo tôi, Đại hội 12 này của Đảng sẽ phải đề ra những chính sách mạnh mẽ để làm sao xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020, rất khó nhưng nó thể hiện quyết tâm chính trị, nguyện vọng thiết tha của Đảng.

Một thách thức nữa trong nước theo tôi là tham nhũng. Chúng ta đề ra rất mạnh mẽ là phải chống tham nhũng nhưng vẫn chưa xử lý được bao nhiêu, hơn thế, tôi thấy càng ngày tham nhũng càng phát triển.

Tham nhũng, nghèo nàn, lạc hậu, sự cách biệt giữa giàu và nghèo ngày càng xa, đó là nguy cơ và cũng là thách thức làm hủy hoại xã hội. Nếu không kiên quyết xử lý vấn đề này thì nó là nguy cơ rất lớn đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Xanh: Tôi nghĩ rằng tham nhũng, nguy cơ tụt hậu, yếu kém trong quản lý nhà nước, những trở lực đó nhìn thấy được, nhưng có một thách thức không mấy người nhìn ra và hiểu được đó chính là từ nền sản xuất nhỏ sinh ra một chứng tật gọi là tâm lý tiểu nông. Đó là một căn bệnh, nhưng nếu không giải mã căn bệnh đó thì nước ta 5 năm nữa, theo như Nghị quyết chúng ta phát triển định hướng công nghiệp thì không thể làm được.

Bởi vì trong nền kinh tế hiện nay còn 70% là nông dân, với tâm lý sản xuất tiểu nông thì nó ảnh hưởng đến mọi thứ trong xã hội, thậm chí thâm nhập vào giới lãnh đạo. Tâm lý tiểu nông trong lãnh đạo mà biểu hiện là lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm là gì? Bây giờ không tham nhũng cá nhân nữa mà tham nhũng nhóm. Đó là một biểu hiện rất rõ của tâm lý tiểu nông trong lãnh đạo.

Khi ra ngoài chúng ta thấy tâm lý tiểu nông đó thể hiện rất rõ trong việc xây dựng đường phố Hà Nội. Một anh xây vỉa hè ở đây, nhưng anh sau lại lấn ra một tí, vỉa hè méo mó đó là biểu hiện của tâm lý tiểu nông.

Một biểu hiện nữa trong nông nghiệp, khi giá cà phê được thì anh nô nức đi trồng cà phê. Khi giá cà phê tụt xuống thì anh phá cây cà phê để trồng hồ tiêu.

Phải nói rằng, tâm lý tiểu nông là cản trở lớn trong việc xây dựng một nền đại công nghiệp. Có nó thì chúng ta không thể nào xây dựng được một nền sản xuất lớn, kể cả nông nghiệp và công nghiệp. Vì vậy, cần phải nhìn nhận những thách thức mà có khi bằng mắt thường chúng ta không nhìn thấy được.

Rõ ràng đây là một hiện tượng của một đất nước nghèo, sản xuất chủ yếu bằng nông nghiệp – đó là căn bệnh ghê gớm và chúng ta khó chống nhất.

Ông Nguyễn Trần Bạt: Trong cuộc phỏng vấn mới đây anh em có hỏi tôi: là một nước bé, một nước nghèo nhưng tại sao Mỹ lại chọn chúng ta để xây dựng quan hệ có chất lượng đồng minh. Tôi trả lời rằng khi lựa chọn một quốc gia để làm đồng minh thì chỉ có nhà chính trị loại “xoàng” mới chọn tiêu chuẩn GDP, còn những nhà chính trị có chiến lược như Tổng thống Mỹ thì sẽ chọn các dân tộc có năng lực đột phá. Toàn bộ thành tựu mà chúng ta có trong 70 năm là do chúng ta có năng lực đột phá.

Ý chí chính trị của Đảng và Nhà nước thống nhất với ý chí chính trị của xã hội, đó là điều quan trọng nhất, nhưng hiện nay chúng ta đang đối mặt với nguy cơ mất dần ý chí chính trị.

Chúng ta không có ý chí chính trị của Đảng cầm quyền, chúng ta sẵn sàng xoa dịu mọi chuyện, sẵn sàng “gật gù” cho qua chuyện thì chúng ta sẽ mất nhiều thứ, thậm chí mất cả những gì mà chúng ta vẫn đang nói về truyền thống 70 năm.

Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất là sự mất mát ý chí chính trị và cần phải lấy lại ngay lập tức.

PV: 70 năm trước, thời gian đầu thành lập nước, mặc dù chính quyền vừa được thành lập còn rất non trẻ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh dám dùng cả những quan chức cấp cao của Triều đình Huế, của Chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định, vua Mèo…PGS.TS Phạm Xanh bình luận gì về việc dùng người của Bác?

PGS.TS Phạm Xanh: Đó là một quyết sách đúng đắn, rất thú vị trong việc dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.



Tháng 8/1945, khi giành được chính quyền, chúng ta vẫn nói với nhau, những người cộng sản khi giành được chính quyền và xây dựng được một đất nước giàu đẹp - chưa có tiền lệ trong lịch sử. Trong khi họ chưa phải là những nhà chính trị một cách công khai, chưa biết quản lý nhà nước như thế nào. Cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quyết định sáng suốt ngay từ đầu, kêu gọi những người có tài năng ra giúp Người.

Không ai có thể không nghe theo lời kêu gọi đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho nên đầu tiên nước Việt Nam thu phục được những con người, thậm chí, có người đó có tư tưởng chống đối trước đây.

Ví dụ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho cụ, mời cụ tham gia Chính phủ mới và sau đó như chúng ta biết cụ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là ai? Cụ là một người rất nổi tiếng trong lịch sử, là người thành lập tờ báo Tiếng Dân, Chủ tịch Viện Dân biểu Trung kỳ đầu tiên. Nhưng khi đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ sẵn sàng ra Hà Nội tham gia vào Chính phủ mới.

Hay như ông Vua cuối cùng của Việt Nam là Vua Bảo Đại đã tự nguyện bỏ vai trò đó và chỉ xin làm một công dân. Như trong chiếu thoái vị, Vua Bảo Đại đã nói “làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Hoặc như những người là thủ lĩnh của dân tộc thiểu số như ông Vi Văn Định, và Vua Mèo. Đây là hai nhân vật nắm được cả vùng rừng núi Việt Bắc và Tây Bắc. Rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ý tưởng rất thú vị đó là thu hút tất cả những người tham gia vào chính quyền trước đó vào chính quyền mới để xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đó xuất phát từ trái tim của Người và từ trái tim cho nên được những người đó ủng hộ. Đó là cách dùng người rất tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau này chưa có ai làm được như Người.

PV: Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” (viết tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Thời điểm này, chúng ta đang chuẩn tiến hành đại hội Đảng ở các bộ, ngành, địa phương, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XII. Công tác nhân sự là một nội dung được đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân hết sức quan tâm. Tại hội nghị Trung ương 11 vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ những tiêu chuẩn cụ thể với Ủy viên Trung ương như: Kiên quyết loại bỏ những cán bộ có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, tham vọng quyền lực, chạy chọt, mị dân, xu nịnh...

Theo các vị khách mời, chúng ta học được gì từ tư tưởng sử dụng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay?


Ông Nguyễn Trần Bạt: Đáng ra chúng ta phải học những kinh nghiệm đó từ lâu rồi. Tôi rất ngạc nhiên, năm 1947, khi chính quyền của chúng ta mới có một cách hình thức ở một số nơi, còn thực lực của chính quyền Việt Minh chưa nhiều lắm.

Thế nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới việc sửa đổi lề lối làm việc của cán bộ. Người phải có một trí tưởng tượng như thế nào mới nghĩ tới việc sửa đổi đó. Và cho đến bây giờ, chúng ta mới hiểu được sự tưởng tượng về “khả năng hư hỏng” của cán bộ, mà từ năm 1947, Hồ Chủ tịch đã nhìn thấy được thực trạng của năm 2015 này. Chúng ta phải học Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cái nhận biết mà còn phải học cách kiên quyết để khắc phục tình trạng đó.



Tham nhũng trở thành nguy cơ làm cho Đảng ta không còn trong sáng chính trị như trước đây nữa. Tôi không hiểu tại sao người ta có thể hy sinh tất cả những giá trị để đổi lấy một vài thứ, để người ta sợ mình hơn bằng uy quyền, bằng nhiều tiền. Tiền bạc và uy quyền có thể bắt nạt được con người nhưng nó không thu phục được con người. Có lẽ nên có một cách nào đó để chống tham nhũng.


Chống tham nhũng là chấn hưng đạo đức, là xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự và làm một cách bài bản để những kẻ xấu cảm thấy sợ. Như vụ án hình sự ở Bình Phước mới đây, tôi nhìn báo chí mà không thấy báo chí có những phản ứng tương xứng với quy mô của tội ác. Chúng ta không còn cảm thấy áy náy trước tội ác – đó chính là mất ý chí làm người.


Tôi đọc và nghe rất kỹ hội nghị Trung ương 11. Tôi rất mừng khi nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến đổi mới, “chúng ta đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế”. Nếu đọc sơ sơ thì không thấy nhưng nếu nghiên cứu nó với tư cách là người nghiên cứu chính trị thì đó là một ý rất quan trọng.


Nếu không đẩy xã hội đi lên thì nó sẽ sinh ra tham nhũng. “Nhàn cư vi bất thiện”, con người nếu không cố gắng thì lương thiện sẽ biến mất. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta có một lời kêu gọi cần phải xây dựng hệ thống đạo đức trên toàn xã hội.

Nhân diễn đàn này, tôi muốn kêu gọi các nhà lãnh đạo phải dũng cảm về mặt chính trị, duy trì ý chí chính trị một cách mạnh mẽ; kêu gọi xã hội duy trì trạng thái đạo đức và xây dựng lại các tiêu chuẩn đạo đức. Vì ý chí làm người của người dân và ý chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước chính là yếu tố quyết định tương lai.

Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Tôi hy vọng qua những quy định, những tiêu chuẩn do Bộ Chính trị đề ra đối với cán bộ Trung ương sẽ mang lại sự trong sạch cho bộ máy của Đảng. Trong Đại hội lần thứ XII, đây sẽ là một luồng gió mới thổi vào công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Như Lenin nói, cán bộ là vấn đề của mọi vấn đề, nếu không xử lý được vấn đề cán bộ thì không thể xây dựng Đảng, xây dựng đất nước được.

Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, Đảng và Bác Hồ đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho thời kỳ tái thiết đất nước và tôi vinh dự được nằm trong lớp cán bộ đó. Tôi nhớ năm 1968, lúc bấy giờ ta đang chuẩn bị cho cuộc tấn công Mậu Thân, lúc đó tôi học hết lớp 10, vừa thi tốt nghiệp chưa biết đỗ hay không thì Nhà nước bảo phải đi ngay vì cuộc tấn công Mậu Thân có thể xảy ra sớm. Tôi được chọn đi học tại Liên Xô.

Lúc bấy giờ, Đảng ta rất coi trọng công tác cán bộ cho công cuộc tái thiết vì tin tưởng rằng cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi. Khi sang đến Liên Xô, lẽ ra chúng tôi được lĩnh 90 rúp/người, nhưng chúng ta nói với các đồng chí Liên Xô: Bây giờ chúng tôi còn đang rất khó khăn, đáng lẽ đào tạo cho chúng tôi 2 người là 180 rúp thì bây giờ các đồng chí đào tạo 3 người là 180 rúp. Tức là khi đó chúng tôi chỉ được hưởng 60 rúp, là phải chi tiêu hết sức dè sẻn...


Các vị khách mời tham gia toạ đàm

Lúc bấy giờ, không ai nghĩ đến chuyện buôn bán như sau này, chỉ biết đến chuyện học. Thầy giáo của Liên Xô cũng hết sức nhiệt tình. Họ nói rằng: “Các em sang đây là phải học tập, bạn của các em đang chiến đấu và hy sinh trên chiến trường”. Nên chúng tôi không thể lười học được mà phải học ngày, học đêm để tiếp thu với kiến thức, trở về phục vụ đất nước.

Đến 1974, chúng tôi tốt nghiệp (học từ 1968-1974). Lúc đó, đang chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Tình hình trong nước đang rất căng. Chúng tôi đã tập trung ở Moscow rồi nhưng trong nước chỉ thị không về, vì đã mất công đào tạo mấy năm trời, về rồi lỡ có xảy ra chuyện gì thì mất hết cán bộ. Chúng tôi phải ở lại chờ chỉ thị mới, bao giờ yên ổn thì mới được về. Chúng tôi ở lại Moscow mấy tuần, rồi tình hình trong nước ổn định, chúng tôi mới về nước.

Kể lại câu chuyện này để thấy, ngay trong thời kỳ ác liệt nhất, Bác Hồ và Đảng đã chú ý đến việc đào tạo cán bộ để xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Đây là tư tưởng mà không Đảng nào, lãnh tụ nào có được suy nghĩ như vậy. Chúng ta phải biết ơn Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa đã giúp đào tạo cán bộ rất tốt để chuẩn bị cho công cuộc tái thiết đất nước.../.

Nguồn:VOV
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tọa đàm: Hiện thực hóa khát vọng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc“

    02/09/2015VOV.VN tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến “Cách mạng Tháng Tám và thôi thúc hiện thực hóa khát vọng “Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc” vào chiều 28/8/2015 tại Hà Nội...
  • Độc Lập và Tự Do

    25/09/2016Nguyễn Tất ThịnhĐộc Lập và Tự Do – hai khái niệm thiêng liêng, cao quý của toàn Nhân Loại, dần đang được hiện thực thuộc về đời sống của mỗi Con Người trưởng thành, trong xã hội văn minh tiến bộ. Tôi viết đối thoại dưới đây như tri ân về Độc Lập và Tự Do, không phải là khái niệm nữa với tư cách thực thể sống, như bậc sinh thành ra chính mình vậy!
  • Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập (1)

    15/08/2019Phùng QuánNhiều bạn đọc đã yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm tư liệu về ông Nguyễn Hữu Đang, người trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập 2-9-1945, buổi lễ đơn giản mà trang nghiêm sẽ mãi mãi in dấu trong lịch sử Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu độc giả, TS xin đăng lại nguyên văn bài viết "Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập" của nhà văn Phùng Quán...
  • Quốc khánh: Đối thoại về Độc lập - Tự do

    30/08/2015Phạm Mạnh Hùng (thực hiện)Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Quốc khánh 2/9, chúng tôi mời ông Nguyễn Trần Bạt đối thoại về chủ đề: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đây là tiêu ngữ thiêng liêng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt dưới Quốc hiệu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), từ khi lập nước đến nay...
  • Độc lập, và Tự do

    07/05/2015Hoàng Hồng MinhĐộc lập, và tự do, chúng không những phải đi cùng nhau, mà phải
    luôn luôn được chăm chút, được bảo dưỡng, được kiểm nghiệm lại, không
    ngừng, không nghỉ. Chỉ cần một cộng đồng lơ là, tuột tay khỏi chúng, là
    những điều khủng khiếp nhất trong lịch sử lại có thể ngóc đầu trở lại.
    Làm người là một cố gắng bền bỉ, công minh, dứt khoát để gìn giữ và đi
    về được bến bờ của nhân hậu và tự do...
  • Ký ức về người lo âm thanh cho ngày Độc lập

    01/09/2014Dương Trung QuốcKý ức sẽ góp phần phục dựng lại lịch sử ngày một tiệm cận với sự thật hơn...và câu chuyện về người chuẩn bị âm thanh ngày Độc lập là như vậy!
  • Trí thức cận thần và trí thức độc lập

    08/04/2014Giáp Văn DươngBài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên "Trí thức cận thần" để đi trên con đường mới - con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân - thì đất nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành "đất nước cận thần" và giữ được nền độc lập đúng nghĩa...
  • Hoài bão suốt đời của Bác là Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc

    31/07/2011Hoàng TùngBác từng nói, hoài bão lớn nhất của Bác là “dân tộc Việt Nam được độc lập, nhân dân được tự do, mọi người đầu có cơm ăn, áo mặc, đều được học hành”. Để lái con tàu cách mạng Việt Nam đi đến mục tiêu ấy Bác đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát. Cuộc trò chuyện mà ông Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban tuyên huấn Trung ương, người nhiều năm liền được làm việc bên Bác, dành cho báo Pháp luật TP. HCM phần nào nói lên sự vĩ đại của Người...
  • GS. Vũ Đình Hòe - Từ sinh viên đại học Đông Dương đến Bộ trưởng của nước Việt Nam độc lập

    31/01/2011Minh ThưCụ Vũ Đình Hòe - vừa từ trần ngày 29/1/2011, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi (Cụ sinh năm 1913). Cụ Vũ Đình Hòe là trí thức lớn của dân tộc. Cụ là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời tháng 8/1945, là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm từ tháng 3/1946 đến năm 1960. Đồng thời, cụ là vị đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 của Thủ đô Hà Nội...
  • Chính phủ Việt Nam những ngày đầu độc lập

    17/05/2010Khúc Hà LinhĐặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, 12 ngày sau (28/8/1945), Ủy ban Dân tộc Giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ Lâm thời. Nhiều ủy viên tự nguyện rút ra khỏi Chính phủ và mời thêm một số nhân sĩ tham gia, tiêu biểu rộng rãi cho Mặt trận dân tộc thống nhất, đủ sức gánh vác công việc quốc gia...
  • xem toàn bộ