Tọa đàm: Hiện thực hóa khát vọng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc“
VOV.VN tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến “Cách mạng Tháng Tám và thôi thúc hiện thực hóa khát vọng “Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc” vào chiều 28/8/2015 tại Hà Nội...
Chiều 28/8, tại Hà Nội, Báo điện tử VOV (VOV.VN) tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến "Cách mạng Tháng Tám và thôi thúc hiện thực hóa khát vọng "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" để cùng phân tích về những vấn đề vừa nêu. Ba vị khách mời tham gia chương trình là: PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch Sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội); ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Invest Consult Group (chuyên về tư vấn đầu tư và kinh doanh) và ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước thuộc Trung Đông.
PV: Thưa PGS.TS Phạm Xanh, 70 năm trước, Cách mạng Tháng 8 thắng lợi là nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông có thể phân tích về điều này?
PGS.TS Phạm Xanh:Nhận định đó rất đúng. Đó là một trong những bài học lớn mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang lại cho chúng ta. Để hiểu được vấn đề này, chúng ta nên trở lại giai đoạn năm 1941, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; trở lại Pắc Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8.
Ở Hội nghị đó, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng của chúng ta đã giải quyết trọn vẹn, chu đáo mối quan hệ giữa dân tộc, dân chủ hay giai cấp. Có thể nói, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, vấn đề dân tộc được đẩy lên hàng đầu, cao hơn và trước hết.
Vì vậy, trên thực tiễn, chúng ta mới thành lập được Mặt trận Việt Minh (gọi tắt của Việt Nam Độc lập đồng minh hội) mà chúng ta đã biết, rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Nó nổi tiếng đến nỗi, sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người Pháp gọi những người đối lập với họ là cán bộ Việt Minh.
Ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Invest Consult Group (phải) |
Đấy là một nỗi lo toan của một người quán xuyến tất cả các quá trình của cuộc cách mạng. Rất ít các nhà chính trị có năng lực quán xuyến như vậy. Tất nhiên, nhân dịp này, chúng ta không nói đến những trường hợp khác để có thể so sánh cái này cái kia với nước khác, nhưng nếu chúng ta thử im lặng so sánh, chúng ta thấy Bác Hồ rất xuất sắc trong cộng đồng những nhà chính trị vào thời kỳ ấy để tạo ra một cuộc cách mạng thành công và sâu sắc.
Không chỉ cầm nắm được chính quyền mà còn xây dựng các tiền đề để có thể làm sâu sắc hơn toàn bộ cả tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam. Nếu nghĩ kỹ thêm thì chúng ta thấy rằng rất ít lãnh tụ ở khu vực châu Á này có được tuyên ngôn về các phổ quát của đời sống chính trị.
Liên tưởng đến vấn đề nhân quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ châu Á đầu tiên nói về nhân quyền. Sau 70 năm chúng ta rất vất vả để có thể nói to được khái niệm nhân quyền. Các nhà lãnh đạo của chúng ta nói về khái niệm nhân quyền một cách khá vất vả. Để nói to ra được, nói rõ lời ra được, nói một cách công khai ví dụ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói ở Hoa Kỳ là cả một quá trình.
Tôi nghĩ rằng chúng ta mất rất nhiều thời giờ để có thể nói được như vậy, nhưng 70 năm trước đầy Hồ Chí Minh đã nói về nhân quyền. Sự linh cảm vĩ đại về các đặc thù của nền chính trị của chúng ta cho thấy Hồ Chí Minh vô cùng tài giỏi. Đối với tôi, tôi nghĩ rằng Người là tiền đề của tất cả những gì mà chúng ta có thể có, đấy là cận trên của những cái chúng ta phấn đấu để có.
Đó chính là khát vọng Độc lập - Tự do của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của nguyện vọng đó.
PGS.TS Phạm Xanh (áo trắng) trao đổi cùng các khách mời tại buổi tọa đàm |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi rất nhiều thư đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của nước Việt Nam non trẻ. Với vai trò người đi đầu trong phe dân chủ đó, đi đầu trong nhân loại, thì nhờ Hoa Kỳ làm thế nào ngăn cản được Thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam. Trong những lá thư đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại.
Lần đầu tiên một người cộng sản Việt Nam nhìn thấy vai trò to lớn của Hoa Kỳ, nhờ vào vai trò đó để làm cho Việt Nam không lâm vào cuộc chiến tranh thứ hai với Thực dân Pháp. Đó là sự cố gắng hết sức to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, các thế lực thù địch lúc bấy giờ cố bao vây Việt Nam để tiêu diệt Chính phủ ta. Những cố gắng đó là cố gắng một phía của chúng ta mà không có sự đáp lại. Đó là điều rất tiếc.
Có nhiều học giả của Mỹ cũng đã nói như vậy. Như một nhà tình báo của Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam thời bấy giờ đã nói, ông cũng rất tiếc mối quan hệ mà Bác Hồ rất muốn bắt tay với Hoa Kỳ, sự công nhận của Hoa Kỳ đối với nước ta nhưng không được.
Bởi vì Hoa Kỳ không tin Hồ Chí Minh, không tin Chính phủ Hồ Chí Minh. Bởi vì người đứng đầu Chính phủ Hồ Chí Minh không ai khác mà chính là một người cộng sản.
Cho nên người Việt Nam tiếp tục cầm súng chiến đấu ròng rã suốt 30 năm cho đến khi Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris, mới công nhận nền độc lập của dân tộc ta, công nhận chủ quyền của chúng ta mà cả hai bên đã đánh đổi bằng sự mất mát hết sức to lớn...
Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Đúng là đã bỏ lỡ một cơ hội thiết lập mối quan hệ hữu hảo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lúc bấy giờ và lỗi này tôi cho rằng là từ phía Hoa Kỳ.
PGS.TS Phạm Xanh:Về bình diện ngoại giao, sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám, ngoại giao nhân dân của chúng ta phát triển rất mạnh. Tôi muốn nhấn mạnh Hội hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ lập ra là Hội hữu nghị sớm nhất trong lịch sử Việt Nam, hội được thành lập ngày 17/10/1945.
Nhân danh Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Tổng thống Truman một lá thư muốn gửi 50 học sinh, sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học, để tiếp nhận những văn minh, công nghệ mới nhất của Hoa Kỳ.
Điều đó thấy rằng ngoại giao nhân dân của chúng ta lúc bấy giờ phát triển mạnh, đặc biệt hướng với Hoa Kỳ.
Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai:Đặc biệt là cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua khiến tôi rất tâm đắc, bởi đây là một thông điệp mới nữa mà Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam gửi cho Chính phủ và nhân dân Mỹ.
Tổng Bí thư đã nói: Quá khứ không thể thay đổi nhưng nhưng tương lai thì có thể. Chúng ta cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiện với Mỹ trong thời gian tới đây để người Mỹ có thể sửa chữa được những sai lầm họ đã gây ra trong quá khứ đối với người Việt Nam.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Về kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giữ gìn nền độc lập của quốc gia, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, có thể khẳng định Hồ Chí Minh là người vô cùng thao lược. Nếu không có một vị lãnh tụ thao lược như Bác Hồ, cuộc kháng chiến của chúng ta, cách mạng của chúng ta sẽ vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Trần Bạt |
Làm thế nào để phân biệt được sự khác nhau giữa người Trung Hoa Tưởng Giới Thạch với Trung Hoa Mao Trạch Đông vào thời điểm ấy? Làm thế nào để hiểu được sự rắc rối mà chúng ta phải va chạm với người Pháp thay vì phải va chạm với người Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch? Làm thế nào để chúng ta tránh tất cả những sự va chạm để đạt được những hiệp định?
Đó là những cố gắng khủng khiếp, nó phức tạp đến mức phải cân nhắc từng tí một. Ngay cả khi kháng chiến xảy ra rồi thì những sự cân nhắc thao lược như vậy vẫn tiếp tục diễn ra, kể cả trong việc ứng xử nội bộ với nhau.
Không thể thiếu độc lập mà thành con người được. Một dân tộc mà không thành con người xét về mặt tổng thể thì mỗi một người rất khó cảm thấy con người của mình thật. Không thể có nhân quyền nếu không độc lập, độc lập là tiền đề để có thể nói đến nhân quyền. Tự do chính là bản chất của nhân quyền. Hạnh phúc là một phổ quát mà tất cả mọi nơi, tất cả mọi người, tất cả mọi thời đại đều đòi hỏi tương đối giống nhau.
Nếu không đưa ra được các phổ quát như vậy trong các tiêu đề để xây dựng nhà nước của chúng ta thì Hồ Chí Minh không thể tìm kiếm được sự cảm thông và thừa nhận nền độc lập của chúng ta trên thế giới. Để có được sự thừa nhận quốc tế về nền độc lập của mình, Hồ Chí Minh đã đi những bước vô cùng thao lược. Đầu tiên phải có những người đồng chí cùng hệ thống tư tưởng, nếu không tìm kiếm được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa thì chúng ta chưa có ai công nhận
Tôi nghĩ nói về chuyện này PGS.TS Phạm Xanh chắc chắn sẽ nói thú vị, mời anh tiếp chuyện này, vì chính độc giả cần phải ôn lại trật tự logic tâm lý là chúng ta có nền độc lập như thế nào và chúng ta yêu mến nó như thế nào?
PGS.TS Phạm Xanh: Lúc bấy giờ, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh Pháp, sau đó tiếp tục chống Mỹ trong 30 năm.
Hãy đặt cuộc kháng chiến của chúng ta trong bối cảnh chúng ta biết là trước khi được các nước trong phe Dân chủ, XHCN công nhận năm 1950, thì 5 năm sau Cách mạng Tháng Tám là chúng ta trong một vòng vây rất chặt. Lúc đó chúng ta chỉ có một lối thoát ra ngoài đó là qua cửa mở Bangkok (Thái Lan). Không có cửa ngõ Thái Lan và sau đó là Yangon, Myanmar thì Việt Nam không thể đến với thế giới từ 40-50 năm. Mở con đường đó không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Nguyễn Cơ Thạch, Trần Văn Giàu đi làm.
Tôi muốn khẳng định rằng chúng ta đã đặt cuộc kháng chiến của mình trong thời điểm phe XHCN bắt đầu khủng hoảng, chia rẽ, giữa Trung Quốc và Liên Xô, ta đi theo nước nào đây? Chúng ta biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta một tấm gương, một ví dụ điển hình trong việc tranh thủ hai nước lớn đó, không làm mất lòng ai.
Báo Nhân Dân lúc bấy giờ khi đưa tin bao giờ đưa 2 nước đó ngang bằng nhau. Tito của Nam Tư tách khỏi XHCN để cùng các nước khác thành lập khối Không liên kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã tranh thủ hết mực khối đó.
Ở Hội nghị Bandung (Indonesia), Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự, toàn bộ phe đó đã đứng về phía chúng ta, ủng hộ chúng ta trong cuộc chiến đấu giữ nền độc lập, giữ toàn vẹn lãnh thổ.
Điểm thứ 3 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tập trung vào phân biệt nhân dân Pháp và những người Pháp hiếu chiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, phân biệt giữa người Mỹ yêu nước, người Mỹ cách mạng, người Mỹ yêu hòa bình với những người Mỹ hiếu chiến.
Có thể nói chúng ta đã mở được một mặt trận, tranh thủ những người đứng về phía chúng ta trong lòng nước Pháp, nước Mỹ. Vì thế, việc chúng ta giữ được nền độc lập và hơn nữa giành được dải đất miền Nam của chúng ta một cách trọn vẹn, nói một cách khác là thu giang sơn về một mối chính là đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là động viên sức người, sức của cùng với tranh thủ sức mạnh của toàn thế giới đứng về phía chúng ta.
Đó là bài học kinh nghiệm trường tồn với dân tộc bởi chúng ta là một nước nhỏ, phải tranh thủ lực lượng những người ủng hộ để đưa dân tộc đi lên.../.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn