3 chọi 3
1. Đội hình
Sáng tạo, cái thiện, hòa bình thế giới
là 3 khái niệm được con người SÁNG TẠO ra
để tạo nên ý nghĩa cho thế giới này
để cạnh tranh với 3 sự vô nghĩa lớn nhất trong hiện sinh của muôn loài:
luẩn quẩn, dã man, tranh chấp liên miên bằng bạo lực.
2. Lối chơi
Xét trên mối tương quan với [sáng tạo, cái thiện, hòa bình thế giới] thì [luẩn quẩn, dã man, tranh chấp liên miên bằng bạo lực] vô nghĩa.
Vì chúng có thể tồn tại, lớn mạnh độc lập với ý nghĩa và cũng không có nhu cầu tự định nghĩa hay định nghĩa cái khác.
Chúng vốn dĩ là bản năng LỚN của sinh vật.
Chúng luôn có mặt trước khi những cảm thức hay ý niệm sáng tạo, cái thiện, hòa bình thế giới xuất hiện (tức là nảy ra trong cảm xúc, tư duy) và trở thành khái niệm (tức là được gọi tên chính thức).
*
Để so sánh lối chơi của hai bên, hãy thử hình dung về hai đội bóng.
Trước tiên, hãy thử hình dung về một đội chỉ dùng sự dã man để giành lấy quả bóng và bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích đưa bóng vào lưới nhiều hơn. Nếu trong mọi trận đấu đều giữ công thức chơi luẩn quẩn ấy, nó có xu hướng hủy tất cả các ý nghĩa khác mà những trận bóng có luật, niềm kiêu hãnh chơi đẹp, khao khát cống hiến, thể hiện tài năng có thể tạo ra và phát triển lâu dài.
Luật rừng sẽ hủy mọi luật chơi thú vị khác.
Nên, vấn đề quan trọng bậc nhất trong cuộc đấu tranh nhân bản của con người là xây dựng những luật chơi khác, với sự hấp dẫn riêng của chúng. Để những luật chơi ấy mưa dầm thấm lâu vào cuộc sống mỗi con người. Bằng cách đó, có thể kiềm tỏa luật rừng và sự hấp dẫn của luật rừng.
Mức độ văn minh ở các môi trường sống cũng có thể được đo bằng số trò chơi được sáng tạo, luật chơi được đảm bảo không vỡ thành luật rừng và khán giả luôn cổ vũ tinh thần đó: trước và sau thắng thua theo luật của một trận cờ vua, một trận đấu bốc, một cuộc chọi trâu, một cuộc bút chiến, một cuộc tranh cử..., không có sự sắp đặt tỷ số, sự đe dọa, gỡ gạc bằng bạo lực hay những trò chơi bẩn khác.
Nhưng thực tế cuộc sống cho thấy thế giới luôn chưa đủ văn minh, chưa đủ năng lực áp dụng rộng rãi những luật chơi tử tế, thông minh và bảo vệ chúng. Luật rừng vẫn thường xuyên được lôi ra trong ứng xử, ngay cả trong cái gọi là luật pháp.
Và đội bóng còn lại với lối chơi đẹp và mơ ước về sân chơi đẹp đang phải thi đấu với một đội bóng chơi xấu. Và phải nỗ lực tuân thủ luật chơi đẹp của mình.
3. Tính chất trận đấu
Nhân chi sơ tính không bản thiện cũng không bản ác mà trong người có cả những hạt mầm thiện, ác.
Tùy độ khỏe của mỗi loại hạt mầm được di truyền, tùy tính chất của mảnh đất cơ thể-tâm hồn mỗi người riêng có (và sự phát triển hay suy thoái của chúng), tùy tác động của “khí hậu” từ môi trường bên ngoài mà mỗi loạt hạt trở thành trội hay lặn và có mức độ/cấp độ trội lặn, nảy nở khác nhau ở mỗi người.
Trong mỗi con người, các hạt cũng có nhiều thời điểm trội, lặn khác nhau.
Các cây thiện, ác đã phần nào định hình cũng có thể lớn thêm, héo úa hoặc tàn lụi thông qua tác động của sinh tồn, sinh hoạt trong cộng đồng hoặc của tư duy.
Tính chất và quy trình cũng tương tự như vậy với những hạt mầm bảo thủ hay những hạt mầm cởi mở để kích thích sáng tạo, chấp nhận khác biệt, chúng đều có thể lớn thêm, héo úa hoặc tàn lụi.
Nếu bạn đặt cược niềm tin vào thuộc tính duy nhất thiện hay ác, cởi mở hay bảo thủ của loài người, của mỗi con người hay của con người mình và tuyệt đối hóa chúng, khuôn cứng chúng, có thể thấy bạn đã tiếp cận lệch quá xa trọng tâm vấn đề: tính vô thường của đời sống và sự cạnh tranh, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa những sinh vật (trong sự biến chuyển của tự nhiên). Vấn đề ở đây không đơn thuần là niềm tin ngoài cuộc, không ai có thể ở ngoài cuộc, mà là bạn có thể chọn hoặc bị đẩy sang thi đấu cho đội nào, ở những thời điểm nào. Tùy theo kết hợp của sự nhạy cảm với sự sợ hãi và lòng can đảm trong bạn.
4. Hiệp 1
Việc tạo ra được 3 khái niệm sáng tạo, cái thiện, hòa bình thế giới và rất nhiều giá trị tinh thần, cơ sở vật chất trong việc thực hành đã thể hiện đẳng cấp của con người và giá trị đẩy con người đi xa của ngôn ngữ, lao động. Nhân tạo không đồng nghĩa với không tốt đẹp.
Sự lan truyền, phát triển lên nhiều cấp độ, tự phủ định, chi tiết hóa trong lý thuyết và thực hành của 3 khái niệm sáng tạo, cái thiện, hòa bình thế giới chứng tỏ sự lớn mạnh của những mầm mống làm mới, hướng thiện trong nhân loại. (Cũng có thể thấy những mầm mống làm mới, hướng thiện trong những động vật khác như chó, mèo, khỉ, cá heo, chim...).
Sự lớn mạnh đó trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm với 3 bản năng LỚN (luẩn quẩn, dã man, tranh chấp liên miên bằng bạo lực) cổ xưa và vẫn luôn bám rễ trong mỗi con người .
Việc tìm ra khái niệm hòa bình thế giớicũng chứng tỏ khả năng tư duy khái quát của con người khi tìm thấy gốc rễ và rốt ráo của cái thiện nằm ở đó: hòa bình thế giới - cái chưa từng xảy ra. Chừng nào còn chưa có hòa bình thế giới thì chừng đó tổng lượng cái thiện trong loài người còn nhẹ hều.
Năng lực thực hành 3 khái niệm cạnh tranh với 3 bản năng LỚN vô nghĩa kia thể hiện đẳng cấp của từng cá nhân trong việc tạo nên những thứ có ý nghĩa.
Những khái niệm này trở thành cái đích vĩnh cửu vì không có giới hạn và luôn bị trì níu bởi sự đeo bám quyết liệt của những bản năng LỚN kia như một lời nguyền: không bao giờ con người có thể hoàn toàn sáng tạo, hoàn toàn thiện (với những gì biết đau) để có được một hòa bình thế giới hoàn hảo trong sự khác biệt (bao gồm cả hòa bình với những động vật ưa hòa bình).
Mỗi cá nhân (nếu muốn) chỉ có thể đóng góp phần của mình để xây đường tiệm cận cái đích vĩnh cửu đó. Những anh hùng, siêu nhân nếu có thì cũng chỉ có thể tạo ra cái thiện, sáng tạo cho bản thân hắn ta và may ra, kích thích được điều đó ở người khác chứ không tạo được ra những cái thiện hay sáng tạo để phân phối cho những người dựa dẫm vào họ. Một lần nữa, sự khẳng định thêm chắc chắn: bạn không có cơ hội đứng ngoài cuộc chơi.
5. Hiệp 2
Một cá nhân có thể nhiều lúc coi rẻ sáng tạo, xa lạ cái thiện, cười cợt khao khát hòa bình thế giới.
Có thể vì cá nhân đó đang phải hứng chịu những điều ngược lại trong môi trường của mình.
Có thể vì cá nhân đó không có mong muốn đó khi những hạt mầm mong muốn đó đang lặn.
Có thể vì hạt mầm đã nhú lên nhưng lờ đờ. Khao khát sáng tạo, khao khát hướng thiện của cá nhân đó không đủ mạnh hơn thói a dua phê phán, tuyệt vọng theo người khác.
Có thể bởi những sức tra tấn của cái ác công khai hay sức ì trệ kinh hoàng của đám đông làm cá nhân đó sợ hãi.
Cũng có thể đó là một nỗi sợ khác: mong muốn chân thiện mỹ của của cá nhân đó phải chịu nhiều cay đắng khi bị lừa phỉnh, hành hạ bởi những sự đội lốt sáng tạo, nhân danh cái thiện, hòa bình thế giới của những kẻ ưa duy trì sự luẩn quẩn, ưa sự dã man và ưa những tranh chấp bạo lực. Con chim sợ cành cây cong.
Có thể vì cá nhân đó vì nỗi sợ của mình mà mặc cảm trước những người vẫn còn mong muốn đó. Càng sợ càng mặc cảm. Càng mặc cảm càng sợ.
Cá nhân ấy rất dễ không coi cái thiện hay hòa bình là một cuộc chơi đẹp (nhất là trong trường hợp chưa từng được hưởng hay chạm vào chúng; chỉ tích tụ những cú đấm của dã man, bất công, thèm đàn hồn cái đau ấy trở lại cuộc sống).
Hoặc cá nhân ấy đã đầu hàng.
Có thể thấy sức lũ của bản năng LỚN kia vô cùng lớn.
Bạn luôn có nguy cơ đầu quân cho đội bạn.
6. Trận lượt về
Nhưng cũng có thể thấy dòng chảy của những khao khát sáng tạo, cái thiện, và hòa bình thế giới mạnh mẽ và bền bỉ thế nào để sau khi được tạo thành sản phẩm khái niệm và nảy nở (ở hiệp 1), tiếp tục tồn tại trên thế giới đến giờ dù luôn bị xung năng vô nghĩa của con người đánh tráo, lợi dụng, làm giả, vùi dập. Dù luôn có những người từng mong muốn sáng tạo, cái thiện, hòa bình thế giới đã đầu hàng (ở hiệp 2).
Nhìn vào chính mật độ đánh tráo, lợi dụng, làm giả, vùi dập các ý niệm này, có thể thấy, chúng đã thực sự trở thành những thương hiệu lớn để phải đánh tráo, lợi dụng, làm giả, vùi dập nhiều như vậy.
Nhìn vào sự dã man giảm dần trong thế giới vẫn còn đầy rẫy dã man này (nếu không thấy sự giảm (dù chậm) này, hãy tìm hiểu để biết những mức độ và mật độ dã man của nhiều giai đoạn, khu vực trước đây); nhìn vào sự trưởng thành của những con người, tổ chức, cộng đồng đang nỗ lực trực tiếp hoặc gián tiếp làm giảm sự dã man, đau khổ, chia tách, kỳ thị, thiếu thốn tri thức, ít ỏi cảm hứng sáng tạo, e dè khám phá trên thế giới, có thể thấy rõ hơn sự tiếp tục phát triển, hấp dẫn của thương hiệu ấy.
UNICEF, Chữ thập đỏ, Hòa bình xanh, WTO, Hiệp ước phi biên giới Schengen, Olympic, World Cup, các giải ngoại hạng cầu thủ đủ các quốc tịch màu da cùng chơi cho một câu lạc bộ, National Geographic, Current Tv, Wikipedia, mã nguồn mở, Microsoft, Google, Pixar, Youtube, NASA, Tây ba lô, Ta ba lô...
Bạn luôn có nguy cơ đầu quân cho đội bạn.
7. Bình luận giờ giải lao
Một cá nhân có thể dè chừng trước những người luôn chỉ biết hô hào sáng tạo, cái thiện, hòa bình thế giới cốt để ăn bám những thương hiệu này và không có những hành vi chứng thực.
Nhưng nếu cá nhân đó cười cợt nhu cầu này trong người khác, trong chính bản thân mình và không cảm thấy nó là những cái đích có ý nghĩa cuối cùng và mãi mãi của con người thì (nếu không phải là một cá nhân sáng tạo kiệt xuất, đem lại cho thế giới những sản phẩm sáng tạo gỡ gạc cho sự bi quan của mình) cá nhân đó đang tham gia nuôi dưỡng sự vô nghĩa bẩm sinh của thế giới
[luẩn quẩn, dã man, tranh chấp liên miên bằng bạo lực].
Và nếu bạn đang sống ở một môi trường không còn dày đặc những điều như thế, cách chống lại hữu hiệu nhất đối với sự tấn công từ những nơi như thế đến tinh thần, tài sản, mạng sống của bạn và những người bạn yêu quý, muốn bảo vệ là hãy chia sẻ. Ít nhất là tri thức và tài sản. Ít nhất là với những con người ở những môi trường của những bản năng LỚN đó đang có mong muốn và có hạt mầm mong muốn
[sáng tạo, cái thiện, hòa bình thế giới].
8. 1 phút cho quảng cáo
Sáng tạo không có bản chất là thiện hay ác. Nhiều khi những phim kinh dị, bạo lực, những vụ án ghê tởm, những kẻ độc ác vẫn hấp dẫn chúng ta bởi tính sáng tạo trong chúng.
Nhưng nó vốn đã có được quá nhiều thành tích vang dội trong những cái gọi là lịch sử tội ác, chiến tranh nhân loại (nghệ thuật đánh nhau, nghệ thuật tuyên truyền, nghệ thuật dối trá, nghệ thuật hủy diệt, nghệ thuật tra tấn, nghệ thuật làm vũ khí, nghệ thuật làm ăn trong thời chiến...). Nó cũng là một kho tư liệu hiện sinh khổng lồ khiến không cần cuộc chiến nào nữa thì với tư duy phân tích, khái quát cùng trí tưởng tượng, con người có thể khai thác, triển khai mãi không hết trong tiểu thuyết, phim ảnh, hội họa, nghiên cứu...
Nên, khi những cuộc chiến lớn ấy vừa ngớt thì việc suy ngẫm và đẩy mạnh kiến tạo hòa bình thế giới (nơi vẫn còn sự hoành hành của tàn tích chiến tranh, sự hiện diện của các cuộc chiến “nhỏ”, cái đói, sự dã man, bệnh tật, thiên tai, ô nhiễm, hủ lậu, cuồng tín, vô cảm...) bằng vô số gói giải pháp cả về vật chất lẫn tinh thần có lẽ là thử thách lớn nhất của thời đại này đối với sáng tạo.
Để đối đầu với thử thách này (với một vũ khí trung lập là công nghệ - cái mà thứ bản năng LỚN kia cũng có thể xui lí trí lạm dụng để mở rộng cái ác) thì sáng tạo phải hợp tác với cái (tâm) thiện trong vô số hành vi của nó.
Những sáng tạo có xu hướng kích thích những sự dã man đẩy thế giới đến vô nghĩa cần bị giới hạn bởi câu hỏi vị nghệ thuật hay vị nhân sinh và cần cọ xát với những năng lượng kiểm duyệt, tự kiểm duyệt. Và câu hỏi hay sự cọ xát này cũng chỉ nên giới hạn ở việc đặt ra cho những sáng tạo dạng như vậy.
Thử thách lớn nhất tiếp theo của sáng tạo có lẽ là phát triển được sự đa bản sắc trong một thế giới dần phẳng, đông người, cạn dần tài nguyên, nhiều hiểu biết; bảo vệ nó khỏi những cuộc khủng hoảng, thiên tai ở mức toàn cầu; và gìn giữ được phong cách ấy khi ra vũ trụ.
9. Xin mời trở lại trận đấu
trong con người mình...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005