Sau khi chết, “Chúng ta là ai”?
Đó là tên cuốn sách của GS-TS Đoàn Xuân Mượu (NXB Thanh Niên – 2007). Tôi đã đọc một mạch cuốn sách này và lấy làm thú vị. Như tên gọi của sách, tác giả muốn tìm hiểu một vấn đề hãy còn nhiều bí ẩn, đó chính là Con Người chúng ta.
Tác giả đã dày công sưu tập và tổng hợp sự hình thành con người trên trái đất, các nền văn minh mà loài người đã trải qua, các công trình gây dựng được trên trái đất này, trong đó có các công trình tìm hiểu bản thân con người, để đến nay chúng ta vẫn đứng trước những bí ẩn của chính chúng ta.
Cuốn sách có 361 trang, đã dừng lại ở trang 221 để đặt ra vấn đề mà tôi hiểu chính là trọng tâm của sách này: Cần hiểu biết chính mình(Chương 6).
Điều khó nhất là tìm hiểu chính mình. Một triết gia cổ Hy Lạp đã nói thế, và điều khó nhất ấy còn nguyên vẹn đến những ngày này.
Tác giả dẫn chúng ta đến điều khó hiểu nhất ấy, là con người có linh hồn hay không, linh hồn là gì, có phải chính linh hồn là cái động lực mạnh nhất, siêu đẳng nhất, đang điều khiển mọi hành động của con người, mọi suy nghĩ, khám phá của con người hay không.
Dân gian ta vẫn có câu nói: Đi đâu mà như kẻ mất hồn ấy? “Lúc người ta sống, mọi hành động của ta đều do hồn. Chỉ cần mất tỉnh táo một chút, lung lay một chút đều bị người đời ví như kẻ mất hồn” (Trang 319).
Theo tác giả thì khoa học Vật lý đã khám phá được cái thực tế gọi là “linh hồn” ấy cũng thuộc về thế giới vật chất, các nhà khoa học thế kỷ 20 đã tìm ra sự tồn tại của phản vật chất, ngành vật lý lượng tử đã tạo ra được “phản-hydrogen”, cho thấy rằng trong những điều kiện nhất định vẫn tồn tại những vật chất ẩn thể, khi là sóng, khi là hạt, không nhìn thấy được.
Chúng có 5 đặc điểm: không có trong, không có ngoài; theo luật không gian ba chiều; theo luật thời gian mà trong đó quá khứ, hiện tại, tương lai diễn ra cùng một lúc; chuyển động với tốc độ lớn hơn ánh sáng; những thông tin truyền trên những đơn vị vật chất ấy sẽ được người tiếp nhận tức thì (Tr.242).
Đã xuất hiện hàng loạt các ngành khoa học khám phá cái thế giới bí ẩn, không nhìn thấy ấy: Đó là học thuyết Vô thức của Freud, các khoa học Cận tâm lý, Cảm xạ học...
Cuối sách, tác giả đưa ra những bằng chứng ở Việt Nam, người thật việc thật. Giờ đây, bạn đọc đã có thể hiểu những vần “thơ điên”của Hàn Mặc Tử tả linh hồn thoát ra khỏi cái xác trần tục và bay vào cõi phiêu diêu.
Thơ ấy không “điên” một chút nào, viết sau những lần chết đi sống lại, ghi lại những khoảnh khắc hồn lìa khỏi xác, những cảm nhận về đời sống linh hồn, những cảm xúc được ghi lại trong tiềm thức, được xuất hiện viết ra khi sống lại. Những vần thơ người đời không hiểu được và nhà thơ cũng không giải thích được.
Cuốn sách đi đến kết luận rằng con người ta có linh hồn, khi còn sống thì cảm nhận sự vật bằng thể vía, khi chết thì linh hồn ra khỏi cơ thể và tiếp tục một đời sống riêng, vĩnh cửu (thác là thể phách còn là tinh anh - Kiều).
Và con người không phải chết là hết. Đây là một bí ẩn của chính chúng ta mà chúng ta chưa thể biết được. Đã có những người tiếp cận được với đời sống linh hồn nhưng số người ấy tuy có thật mà không nhiều, hay nói đúng hơn.
Trước đây có nhiều, có những khả năng kỳ diệu ấy, nhưng cùng với sự phát triển của khoa học duy lý, những con người ấy, khả năng kỳ diệu ấy mất dần đi, con người tự phủ định mình.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có một thái độ mới, trân trọng với những tiếng nói của một nền văn hóa tâm linh, mở đường khám phá để chúng ta hiểu rõ chúng ta là ai trong vũ trụ này.
Có khám phá về cái tiểu vũ trụ thì mới mong có những khám phá nhiều hơn nữa cái đại vũ trụ vẫn ngày đêm hiển hiện trước mắt chúng ta mà chúng ta chưa bao giờ hiểu biết được.
Đoàn Xuân Mượu không làm hoặc chưa làm cái việc khám phá ấy, ông chỉ khiêm tốn tổng hợp từ một góc độ riêng những thông tin về công cuộc khám phá con người, và cố gắng trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu, xen với những cảm xúc khi chính bàn chân ông đã đi đến những cái nôi văn minh ở Trung Hoa, ở Hy Lạp.
Nhưng cũng đủ để người đọc chúng ta cảm nhận một cách vừa rõ ràng, vừa kinh ngạc, vừa mơ hồ về chính con người, và gợi ý cho các bạn trẻ về một chân trời khoa học mới, nơi cái bầu trời lại ở chính trong ta.
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Buổi hoàng hôn của những thần tượng
18/02/2009Friedrich NietzscheVũ trụ và con người dưới góc độ khoa học tâm linh
20/01/2009Trần Văn ĐìnhTrong vòng tay Sambala
13/01/2009Hoàng GiangNgũ hành nhịp điệu sáng tạo
09/01/2009Thu San Nguyễn Thế HùngChân trời có người bay
08/12/2008Đỗ Lai ThúyNghệ thuật cao siêu rất đời thường
05/12/2008Nguyễn Quân