Chi Bằng Học - tư tưởng Phan Châu Trinh
Bài “Chi bằng học“ – tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước (GS. Vũ Ngọc Khánh)
Đó là nhìn chung Phan Châu Trinh trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Nguyên nhân sâu xa "đã đưa đến mất nước và bị đô hộ ngày càng khốc liệt" không phải ở đâu khác mà là chính trong văn hóa, thấm đến từng người dân Việt từ trẻ đến già, ở "những nhược điểm cơ bản về văn hóa của xã hội ta so với phương Tây". Phan Châu Trinh đã gióng hồi chuông nhắc nhở chúng ta hãy giải quyết những vấn đề, công việc to lớn của hiện tại, của tương lai lâu dài: đó là nhân dân phải được thức tỉnh.
NHÂN QUYỀN và DÂN TRÍ không được nâng cao, học mà không biết được mình có quyền gì và thực hiện các quyền ấy như thế nào, mình đã được hưởng những quyền đó hay chưa... thì làm sao giữ được độc lập - tự chủ, làm sao cải thiện được dân sinh, giảm nghèo được hiệu quả, triệt để; làm sao xây dựng được một xã hội dân chủ - công bằng - văn minh, làm sao phát triển tiến kịp được văn minh, tiên bộ thế giới?
Có thể nói là Huỳnh Thúc Kháng đã chọn đúng một câu nói của Phan Châu Trinh, xứng đáng là một câu danh ngôn. Chi Bằng Học (chữ Hán là Bất như học) là quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh, là lời gọi thống thiết của Phan Châu Trinh gửi đồng bào Việt Nam. Không phải chỉ có giá trị đương thời, mà còn đến hôm nay vẫn xứng đáng là một danh ngôn, luôn luôn phát huy tác dụng.
Câu danh ngôn này được phát biểu vào năm 1907, trên tờ Đăng Cổ Tùng Báo(Huỳnh Thúc Kháng nhớ toàn văn bài báo, nhưng lại không ghi cho biết số báo mấy, ra ngày nào). Lúc này phong trào học mới đang sôi nổi, trở thành phong trào duy tân khởi phát từ Quảng Nam, do các nhà nho tiến bộ chủ trì. Ở Hà Nội, Đông Kinh Nghĩa Thục phát động phong trào này. Các nhà chí sĩ khắp ba kỳ đều nhất tề hưởng ứng. Đã có một số tác phẩm lý luận, chính trị nêu rõ đường lối của cái học mới này: đó là bản Văn minh tân học sách. Phan Châu Trinh không có bài viết nào đề cập đến cái sách lược mới này, nhưng ông cũng là người được Đông Kinh Nghĩa Thục mời đến nói chuyện, giảng bài. Có thể nói là khác với hầu hết chí sĩ duy tân, - (có thể có một số người mà chúng ta chưa có tài liệu để tham khảo kỹ) là ông rất kiên trì quan điểm “Chi Bằng Học” trong suốt cuộc đời mình…
Hiện trạng vấn đề
Tiểu dẫn của tòa soạn báo Đại Việt tân báo (Đăng Cổ Tùng Báo đổi tên):
Như một trong số các đồng nghiệp của chúng tôi, ông Tân Nam Tử, nguyên biên tập báo “Đại Nam” đã loan báo, sắp tới đây ông sẽ cung cấp cho chuyên mục “Tư tưởng của người An Nam” này một loạt bài báo nhằm thử xác lập những xu hướng của cái mà người ta có thể gọi là đảng Cải cách bản xứ.
Ông Tân Nam Tử sẽ phát ngôn chủ yếu nhân danh những người An Nam giống như ông đã tiếp thu nền văn hóa Pháp.
Về phần ông Phan Châu Trinh, tác giả của bài báo dưới đây vốn đã được đăng trên “Đại Việt tân báo”, lại đại diện cho tiếng nói của các nhà nho cải cách mà ông muốn chúng ta được biết. Ông Phan Châu Trinh là một vị Phó bảng và là tác giả của bức thư gửi quan Toàn quyền trước đây, đã gây tiếng vang mà bản dịch đã được nhiều tờ báo tiếng Pháp đăng tải.
Từ nhiều thế kỷ, người phương Tây đã đạt được sự phát triển lớn lao, họ đặt chân dần dần trên khắp mặt địa cầu. Nơi đâu có chỗ cho một con tàu cập bến, nơi đâu con người có thể tới, đều thấy dấu vết những bước chân của họ. Nơi nào họ tới, họ đều mang theo nền văn minh, nền thương mại, cả quân đội của họ.
Nơi đâu họ đã yên vị, họ đều áp đặt nền chính trị, truyền bá học vấn và sự khôn ngoan của họ. Họ không bo bo giấu diếm khoa học cho riêng họ mà luôn luôn tìm cách giúp các dân tộc khác cùng được lợi. Khi mở mang trí tuệ cho những dân tộc này, họ đã dìu dắt người bản xứ từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường cho đến khi đạt được trình độ cao ngang họ, ngang hàng mà không hề đòi hỏi một lời cảm ơn. Chính nhờ thế mà những con người trước đây cách xa nhau hàng ngàn dặm, ngăn cách bởi núi cao, biển cả, lại có thể có ngày tốt đẹp trở thành anh em, bè bạn và cùng hòa đồng trên con đường văn minh, ở đó họ đối xử với nhau như những người cùng một xóm thôn.
Đó là điều diễn ra bình thường khi những người Âu châu gặp một dân tộc thông minh am hiểu họ. Nhưng cũng lại có những dân chúng đối lập với mọi sự tiến bộ, những con người thù địch với mọi ánh sáng, đã lấy tay tự bịt mắt mình để khỏi phải nhìn thấy ngọn đuốc của văn minh. Những con người này yêu sự quê mùa thô thiển, lạc hậu của họ hơn mọi thứ, họ không muốn từ bỏ những thói quen hàng nghìn năm, họ ngủ cho đến giờ ăn trưa và chỉ thích nằm ườn ở trên giường. Và những người Âu châu, khi nhận ra sự đờ đẫn đó, đã bỏ mặc họ với căn bệnh cố hữu mà họ đã mắc phải. Và để cai trị những người này, họ đã định ra những luật lệ riêng: đối với những người man rợ, phải áp dụng những luật lệ man rợ.
Đêm đã tàn canh, qua các cửa sổ mở rộng tôi ngắm cảnh bình minh đang ló rạng; hơi lạnh buổi ban mai đã làm nguội chén rượu của tôi; ngồi trên ghế, trước ngọn đèn đã sắp lụi tàn, trên đùi tôi là cuốn sách nhan đề “Ngũ châu đương đại sử” và tựa như trong một giấc mơ, tôi buồn rầu nhớ lại những trang sách tôi vừa đọc. Tôi tưởng như tôi không còn trên cõi thế này, và đang lạc bước đến một thế giới cao xa, thanh khiết. Tôi đang ở đâu vậy? Thật khó nói ra cho đúng. Mà có lẽ đây là Paris hay New York, bởi tôi đang đứng giữa những người văn minh và có hai người đang dắt tay tôi trèo lên một ngọn tháp cao tới 300 m hay đang thăm một ngôi nhà 48 tầng. Ở phía xa xa, tôi tưởng như đang nhìn thấy một pho tượng đồng khổng lồ lơ lửng giữa tầng mây. Pho tượng thật sinh động và đang mỉm cười với tôi. Đó là pho tượng của Thần Tự do.
Ôi! Đây là niềm vui của những xứ sở tự do.
Chính vào lúc ấy tôi mở mắt và giấc mơ tan biến. Hình ảnh mà tôi nhìn thấy đưa tôi trở lại với hiện tình của đất nước quê hương tôi, và tôi cảm thấy một nỗi buồn khó tả. Tôi nổi một trận cười điên dại, một trận cười vọng lên thê thảm trong sự tĩnh lặng. Tôi gấp sách lại và chìm đắm trong suy tư. Tôi càng suy nghĩ bao nhiêu, nỗi khổ đau càng tăng thêm bấy nhiêu, và những giọt nước mắt thầm lặng từ từ lăn trên gò má.
Tôi tự nhủ: đầu óc chúng ta thật là ngớ ngẩn biết bao! Những cánh cửa hạnh phúc đã mở rộng trước chúng ta, vậy mà chúng ta lại cố tình ngoảnh mặt làm ngơ. Chúng ta chẳng khác gì một người đang hấp hối nhưng lại từ chối liều thuốc cứu mạng. Than ôi! Chúng ta hãy chỉ tự trách mình nếu chúng ta không được tự do bằng những người khác. Chúng ta chính là những kẻ cai ngục của bản thân mình.
Từ khi người Pháp bảo hộ chúng ta, hai dân tộc đã chỉ có với nhau những quan hệ bè bạn. Chúng ta giống như những người trong một gia đình, những người anh em. Khi những người An Nam đi trên những chiếc tàu thủy, tàu hỏa, thắp đèn pha lê, ăn những thức ăn ngon lành và bổ dưỡng, khi họ nhìn ngắm nhà máy nước, nhà máy điện, họ không thể không trầm trồ khen ngợi nền khoa học phương Tây. Có ai trong chúng ta lại không thừa nhận rằng coi người Pháp là người hướng đạo chính là đã đi vào con đường vinh dự.
Ấy vậy mà, điều rất ngạc nhiên là những người An Nam lại cứ bày tỏ sự khâm phục và thiện cảm đối với người Tầu mà gọi họ là “các chú” của mình.
Đầu óc chúng ta là thế nào? – bụng rỗng tuếch, nhưng lại vẫn làm thơ. Túi tiền của chúng ta trống trơn vậy mà chúng ta vẫn mải mê bàn luận về Khổng Mạnh.
Một số trong chúng ta có may mắn được học tiếng Pháp, mới chỉ viết được dăm ba câu, nói được vài ba chữ, đã tưởng rằng nắm được hết các môn khoa học của những vị thầy của mình. Không ai có thể vỗ ngực cho mình đã đạt tới đỉnh cao của khoa học, và khi mới chỉ bước chân vào ngưỡng cửa của những điều huyền bí của khoa học là đã có thể trở thành người hướng đạo cho đồng bào mình trên con đường cao quý của sự tiến bộ.
Thật đáng thất vọng! Phải chăng sự tiếp xúc qua nhiều thế kỷ với nước Trung Hoa đã dập tắt trong chúng ta mọi sinh khí tới mức chúng ta chỉ còn là những con rối cho các “chú thân thiết của mình” giật giây?
Nếu chúng ta chẳng phải là những con rối bằng gỗ thì sao chúng ta cảm thấy đau đớn khi bị áp sắt nung vào da thịt?
Tại sao chúng ta lại có thể bình thản khi sấm sét đang gầm thét trên đầu? Chúng ta có những người thầy tốt bụng, những người bạn chân thực, thế mà chúng ta lại từ chối những bài học mà họ sẵn sàng truyền dạy cho chúng ta. Chúng ta đóng chặt cửa, bưng tai bỏ chạy. Tóm lại, chúng ta coi những người muốn làm điều tốt lành cho chúng ta như những kẻ thù. Và trong sự hận thù điên dại đó, chúng ta đã đi đến chỗ muốn trao vận mệnh của Tổ quốc ta vào tay của một quốc gia mới xuất hiện, một quốc gia sẽ chỉ biến chúng ta thành những kẻ nô lệ.
Chính điều mong muốn ấy tự nó đã là sự điên rồ, bởi sẽ không bao giờ có thể thực hiện được, trừ khi trái đất có thể đuổi kịp mặt trăng.
Ôi! Thật là một hy vọng hão huyền! Không bao giờ chúng ta có thể tìm thấy cái quốc gia mà một số người trông chờ sự thống trị. Trên thế giới này người ta kính nể kẻ mạnh và coi khinh những kẻ yếu; và người ta cũng chẳng rủ lòng thương hại những kẻ dốt nát và những kẻ ngu ngốc. Sự mong đợi của các bạn thật đáng nực cười, hỡi các đồng bào của tôi. Và sự nực cười đó lại dội lên chính các bạn. Các bạn chờ mong cái gì? Mong nước sông Hồng trở nên trong trẻo chăng? Bao giờ điều đó mới xảy ra? Tại sao lại không lo trời cũng sẽ sập lên đầu chúng ta, và trời cũng sẽ sắp sập đấy; rồi các bạn sẽ thấy.
May thay nhờ có báo chí, tân thư dần dần xâm nhập vào dân chúng, và chúng ta đã bắt đầu thức tỉnh. Nước Pháp bảo hộ đã hào phóng ban phát cho chúng ta món ăn tinh thần. Ở khắp nơi, Nhà nước Bảo hộ đã mở trường học, cải tổ việc thi cử, phát hành rộng rãi báo chí, lại còn lập ra Hội đồng tư vấn. Những công trình ấy là những công trình khai hóa cao siêu. Song Nhà nước bảo hộ không thể làm tất cả trong một lúc. Dần dần Nhà nước sẽ hoàn thiện về sự nghiệp đang được tiến hành. Nếu Nhà nước thật sự có ý định dẫn dắt chúng ta vào con đường tốt lành, điều đó thật dễ dàng, bởi Nhà nước sẽ tìm thấy trong chúng ta những đệ tử dễ dạy và họ sẽ nhanh chóng làm rạng danh người dạy dỗ mình.
Hẳn là những người An Nam dường như chưa thoát khỏi cơn mê ngủ. Mắt nhìn chưa tinh, tai nghe chưa thính. Họ chưa qua khỏi căn bệnh đờ đẫn hàng thế kỷ. Họ đã thử lập các hội buôn bán, hội nông, nhưng họ chưa có kinh nghiệm và còn rụt rè. Họ cũng chưa biết nên chọn lọc chữ Nho hay chữ Pháp. Từ trạng thái bất định lưỡng lự chung ấy, xảy ra tình hình quái lạ, mọi người đua nhau nói cùng một lúc nhưng chẳng ai nghe người bên cạnh nói gì. Có những kẻ chẳng hiểu gì về sự ầm ĩ đó lại lớn họng hơn những người khác, khiến tình trạng càng thêm hỗn loạn. Rồi lại luôn luôn có những kẻ chuyên buông câu khi nước đục, lợi dụng sự hỗn loạn đó để thả những mẻ lưới nguy hiểm. Họ kích động dân chúng nổi loạn chống lại chính quyền, và những cuộc kích động đó đã gieo họa cho tất cả kẻ có ý xấu cũng như người có ý tốt. Đó là cái họa mà những người hiểu biết rất lấy làm tiếc nhưng biết làm sao được?
Bất hạnh thay, tôi xin nhắc lại rằng sự tình đó đã dẫn đến những sự hỗn độn rất đáng tiếc. Những người tốt bị nghi ngờ như kẻ xấu. Người đọc sách tân thư, nói lời tiến bộ bị đánh đồng với kẻ nổi loạn. Tình trạng hỗn loạn này cần phải được chấm dứt. Cần phải hiểu rằng những người có lương tri và ham hiểu biết không bao giờ muốn làm những điều phạm pháp. Họ ghê sợ sự cướp đoạt dù chỉ là một đồng chinh, cũng như ghê sợ sự đổ máu. Những người có đôi chút hiểu biết về lịch sử thế giới biết rõ số phận dành cho những người lính Cipayes ở Ấn Độ. Họ cũng chẳng muốn bắt chước người Philippin đổi chủ này bằng chủ khác. Họ cũng chẳng bao giờ dại dột lấy trứng chọi đá. Họ không bao giờ dại dột lấy trứng trọi đá. Họ không bao giờ hồn nhiên đẩy đồng bào mình xuống vực thẳm. Họ cũng chẳng bao giờ đồng tình với gương Kỳ Đồng Thiên Binh 1)vẫn để lại những dấu ấn lố bịch. Người Âu châu có nói “từ đỉnh Capitole đến mỏm Tarpeinne chỉ có một bước chân” 2). Còn người An Nam chỉ nói vinh quang và bất hạnh chỉ cách nhau một sợi tơ; bên này hố sâu là cái phúc, bờ bên kia là cái họa.
Phải chăng ý Trời không muốn điều bất hạnh sẽ xảy ra ở nước ta để dân ta phải đối đầu với những đại họa tồi tệ nhất? Chính là trời muốn trừng phạt những kẻ hung ác và chỉ nâng đỡ những người tốt và những người sáng suốt một lúc nào đó sẽ được minh oan trước con mắt của Chính phủ. Hạt giống tốt rồi sẽ loại bỏ loài cỏ dại, và cùng với mùa màng bội thu, nước Pháp sẽ nhận ra rằng nước ta dù trong 40 năm trở lại đây còn giống như người say, người chết, vẫn có thể biết phát huy những bài học mà nước Pháp đã dạy cho họ.
Những năm tháng nghi kỵ và rối loạn sẽ qua đi, Chính phủ sẽ niềm nở đón nhận tốt đẹp hơn, các hội học, hội buôn các loại. Chính phủ sẽ lập cho họ một quy chế thật rõ ràng giúp các hội này lập được chương trình hành động hữu hiệu. Nhờ đó, sự phát triển của nước An Nam sẽ trở nên ngày càng mạnh mẽ trên con đường tiến bộ và thịnh vượng.
Để kết thúc xin có lời khuyên với đồng bào chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Những sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ (tức là Chi Bằng Học - không chi bằng cái học cả)
2)Capitole là một đỉnh đồi ở La Mã, có đài đón người chiến thắng – Mỏm Tarpếinne ở cạnh Capitole là nơi người ta đẩy kẻ phạm tội xuống vực cho thú dữ ăn thịt. Có câu tục ngữ: “Mỏm Tarpếinne gần đỉnh Capitole” ý nói sự sụp đổ thường theo sát sự vinh quang
Hiện trạng vấn đề
Tiểu dẫn của Huỳnh Thúc Kháng
“Từ thế kỷ XIX trở đi, vết chân người Âu khắp cả thế giới, thương thuyền chiến hạm đi đến đâu, thì học thuật kỹ xảo cũng mang đến đấy, ai có ham muốn thì trút rương tuôn túi ra mà phân tặng, có ý khẳng khái ban cho mà không chút gì là bần rùn giấu tiếc. Đến lúc đã hấp thu đồng hóa thì dần dần bình đẳng với nhau, trên đàn giao tế không phân bờ cõi gì nữa. Trái lại, dân tộc nào mà giữ thói dã man, không mong tấn hóa, ôm lấy giấc mộng Hy Hoàng thì họ cứ để mặc, chỉ dùng pháp luật tương đương để cai trị mà thôi.
Trời thanh khí lặng, chén rượu dưới ngọn đèn khuya, tay dở quyền “Âu châu cận thế sử”, lúc bấy giờ hoa trái tim nở toe, tinh thần bay ra ngoài trời, mường tượng như mình đứng trên lầu cao mấy mươi tầng, thấy một vị thần mắt đưa tay ngoắt, trông ta mà mỉm cười, ấy là vị thần Tự do vậy. Úi chà! Đây là nơi nào? Mà xếp sách lại ngẫm nghĩ, nước mắt chảy tràn, tự than rằng: Trời mở ra mà mình tự đóng lại, không trách mình còn trách ai!
Nước ta từ ngày nước Pháp sang bảo hộ, trên mấy mươi năm, người mình học Tây học, chỉ làm được công việc phiên dịch, nói phô mà thôi, không có ai hấp thụ được chỗ tinh túy, phăn tìm đến nơi mầu nhiệm, về mà đào tạo ra học trò để làm việc vẻ vang cho nòi giống. Trái lại, bụng không một hột gạo mà nói chuyện thi thơ, tay không nửa đồng mà tự xưng Khổng Mạnh! Có lẽ da thịt huyết tủy của người nước mình, mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? Không thế vì sao lửa đốt bên da mà không biết nóng, sét đánh ngang trán mà không biết sợ, thày hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu mình thương mình mà vui lòng làm trò làm tớ?!
Ôi! Theo như tư tưởng người mình mà cầu có một ngày đạt được mục đích, thì khi nào địa cầu này thông với nguyệt cầu, nguyệt cầu thông với tinh cầu khác mà mối nguyện vọng ấy mới thỏa mãn được…
Hiện trong lúc ngủ say mới tỉnh xu hướng chưa định, học cũ học mới, ngả đường phân chia, công hội thương hội, chương trình chưa định, thành hiện ra một cái quái tượng, đầy nhà rối rít ồn ào, chưa giải quyết vội được. Nhân thế, có bọn phù hiêu vô ý thức, lợi dụng cơ hội, dựa hơi vương gió, truyền đơn dán giấy, phỉnh người lấy tiền, gây chuyện rắc rối. Những chuyện như thế, chính ai là người có học thức, có lòng với đời, đều lấy làm đau lòng xót dạ, muốn ngăn mà không sao làm được. Vậy mà nhiều kẻ không xét cho kỹ càng, hễ thấy ai cầm quyển sách mới, nói chuyện tân học, thì nhập chung với bọn kia, mà cho là một phái cử động dã man.
Ôi! Đã là người có học thức rõ tình lý, thì dầu như Ấn Độ nổi lên sụp xuống, Cao Ly đổi chủ thay thầy cũng không thèm làm thay. Dầu có không xét thời thế, không lượng tài lực, nỡ lùa mấy mươi vạn dân ngu không hay không biết kia, xô vào cái hầm nguy hiểm, để chồng dấu xe úp của bọn Kỳ Đồng “Thiên Binh” 1), sống bị người khác làm nhục, chết bị muôn đời mắng chửi sao? Bầy quạ đậu chung, không ai phân biệt con nào là trống mái, mà một con muông sủa bậy, thì toàn cả vùng ấy trở nên đám chông gai. Ấy chính là cái quái tượng hiện thời.
Tuy vậy, ở đầu mối giềng họa phúc, rẽ nhau không đầy một sợi tóc, ấy là cái chứng cứ của sự “được mất” xưa nay, may mà trong khoảng mấy năm gần đây, sách mới báo mới lần lần xuất hiện, người mình cũng dần dần tỉnh dậy mà nhân sự xẩy ra nói trên; Chính phủ Bảo hộ cũng hiểu rõ rằng cái giấc mê mộng của người Nam trên 40, 50 năm nay, nay đã tỉnh dậy mà đã biết hấp thụ Âu hóa. Nếu nhân thế mà thiệt lòng khai hóa cho dân mình, chỉnh đốn trường học, mở mang sinh kế nọ kia, lấy cái não chất thông minh của người mình mà được thầy dạy hết lòng chỉ đạo cho, thì trên thế kỷ XX này, người ta sẽ trở nên một nước thiếu niên mới nối chân theo nước Pháp, vẫn không phải là việc khó…
Vậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.
Ghi chú của Người biên soạn:
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý