Y phục người Việt
Y phục người Việt bước tiến triển và ý nghĩa xã hội của nó (Thông báo của trường Viễn Đông Bác Cổ ( EFEO,NO.22.1940). Giới thiệu bài thuyết trình ngày 18 -3 – 1940 của ông Nguyễn Văn Huyên).
“Trong việc nghiên cứu về y phục người Việt, chúng tôi không được sự giúp đỡ của nghệ thuật, của văn học, của truyền thống của chúng tôi, cũng như của thiên nhiên ở đất nước chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Huyên nói như vậy. Nghệ thuật Việt Nam chủ yếu mang tính tôn giáo. Thường, nó chỉ rút lại là việc cách điệu hóa vài mô – típ tượng trưng. Dầu thế nào đi nữa, nó vẫn chống lại những đề tài lấy trong thiên nhiên; nó coi thường những gì thuộc về con người bị xem như một lượng thể cực nhỏ. Có thể nói, ở nước Việt Nam, không có bức chân dung người nào trước thế kỷ XIX cả, ngoài vài bức tượng nhà sư, rất hiếm hoi…Văn học Việt Nam ngày xưa thù nghịch với những gì mang tính dân gian. Thường nó chỉ ghi chép những gì được bề trên chính thức ra lệnh hoặc chấp nhận. Đến cả truyền thống Việt Nam, nó cũng không cho các nhà nghiên cứu gửi gắm vào đó chút hy vọng cuối cùng nào để thành công. Nếu người chết được mặc cho đủ thứ quần áo đẹp thì đến lúc cải táng, tục lệ là lột hết áo quần của người chết. Đến mức những ngôi mộ cũ chắc là không bao giờ có thể mang đến một sự giúp đỡ hiệu nghiệm nào cả. Hơn nữa, nơi nào không có tục cải táng, thì vào những thời loạn lạc, những nấm mồ đã bị người ta xâm phạm làm uế tạp đi để trả thù. Thiên nhiên cũng góp phần đẩy nhanh thêm tai biến đó. Trên những cánh đồng ẩm ướt khắp Việt Nam, quan tài thường bị ngập trong nước pha đất làm cho vải của người chết cực kỳ bở. Rồi những trận lụt thường xuyên mang theo nhiều lớp bùn liên tiếp, nhiều ngôi mộ từ năm này qua năm khác vốn đã bị xén nhỏ dần bởi những con người bao giờ cũng hám đất trồng trọt trước sự tăng không ngừng số miệng ăn phải nuôi, những ngôi mộ đó đã biến mất. Tình trạng nghèo nàn tài liệu của Việt Nam càng thật đáng tiếc khi nghiên cứu về y phục của người Việt không phải chỉ là một công việc chỉ có lợi ích nghệ thuật. Nhiều phong tục, nhiều truyền thuyết chứng minh điều đó. Ngoài ra, ở nước này, quần áo ăn mặc còn có ý nghĩa xã hội của nó. Nó dùng để phân loại các hạng người trong xã hội. Luật pháp cũ của Việt Nam có nhiều điều quy định hạn chế xa hoa, cung cấp những điểm mốc quan trọng cho việc nghiên cứu y phục. Và ông Nguyễn Văn Huyên đã kể ra một số chỉ dụ từ triều Hậu Lê. Chẳng hạn đạo Dụ năm 1661 quy định tỷ mỉ loại quần áo của người đó, từ người thứ dân cho đến vua quan; đạo Dụ 1963 quy định bề rộng ống tay áo dài của mọi cấp bậc trong xã hội; một đạo Dụ khác lại quy định những ai cạo trọc tóc thì phải giữ lại đám tóc quanh đầu; một đạo Dụ khác lại cấm đàn bà con gái không được buộc thắt áo dài lại và không được mang quần như đàn ông. Điều 176 của Bộ Luật Gia Long nói rằng: “Nhà cửa cư trú, xe cộ, quần áo và mọi loại đồ dùng phải khác nhau, tùy theo cấp bậc của từng người. Những ai làm trái các quy định trên và những ai tự ý sử dụng công chức, phải bị đánh phạt một trăm gậy, và bị cắt hết chức quyền và không phục hồi lại được nữa; nếu không phải là công chức thì phạt năm chục roi song; tội có thể quy cho gia đình phải chịu; thợ thuyền, người làm nghề thủ công cũng bị phạt năm chục roi song”. Tất cả các quy định ấy đều nhằm mục đích làm cho trật tự xã hội được tôn trọng, tránh mọi sự linh động thay đổi luật lệ là nguồn gốc của các rối loạn xã hội. Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Huyên chỉ rõ rằng một số chi tiết là những biểu tượng thực sự. Chẳng hạn, về tang lễ, Bộ luật Gia long rất kiên quyết, mỗi chi tiết có ý nghĩa riêng của nó. Giá trị biểu trưng ấy của áo quần còn là nguồn gốc của sự thay đổi y phục do một trong những vị chúa Nguyễn cuối cùng quy định cho “người Nam Kỳ” phải theo vào giữa thế kỷ XVIII, hoặc lệnh của vua Minh Mạng ban bố cho người Bắc Kỳ vào đầu thế kỷ XIX. Ông Huyên nêu thêm nhiều ví dụ để chứng minh rằng ý nghĩa xã hội của y phục người Việt còn tồn tại đến ngày nay trong nhiều chi tiết về quần áo. Tiếp theo đó, ông nghiên cứu sự tiến triển của y phục Việt qua những tranh ảnh và những miêu tả của các du khách phương Tây để lại, như các ông: Christoforo Bori, Dampier, Vachet, Koffler, Barrow, Finlayson Crawfurd v.v… Dựa vào những bức ảnh lấy từ các sưu tập bưu ảnh cũ, các bản vẽ và chụp mới đây, ông đã điểm qua tất cả các bộ phận của quần áo đàn ông, đàn bà và trẻ con, cũng như các loại lễ phục khác nhau. Ông phân tích giai đoạn tiến triển mà Việt nam hiện nay đã đạt tới. Ông nói: “Ngày xưa, y phục là phản ánh của các đẳng cấp, tôn ty xã hội”. Y phục xác định vị trí của từng người trong nước. Ngày nay, y phục Việt đã mất đi ý nghĩa xã hội của nó. Nhiều giá trị khác nhau của nó đã được đổi mới. Màu vàng, tượng trưng cho uy quyền thiêng liêng của đấng Thiên Tử, ngày nay đang lấp lánh trên vai của những người khác, ngay cả trong lòng đế đô. Màu trắng xưa duy nhất là màu tang, nay trở thành thời trang trong những đám cưới hiện đại. Chỉ mới cách đây ít lâu, người ta còn thù ghét hàm răng trắng, làn tóc tết bím, mái tóc cắt ngắn, bởi vì phụ nữ chúng ta trước đây chú ý bảo vệ bản sắc của họ bằng cách giữ lại một số chi tiết quần áo cổ xưa như bấy nhiêu dấu hiệu phân biệt và phân loại trong xã hội. Ngày nay, người ta khó mà phân biệt được trên đường phố giữa một số bà thượng lưu với những cô gái nhảy ở ngoại ô Hà Nội, giữa các sinh viên và công chức trẻ với đám người mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao ngày xưa vẫn được coi là “cánh công tử bột”. Trong kết luận, ông Nguyễn Văn Huyên đã chỉ ra nguy cơ của một số mặt thái quá đã được ghi nhận trong hiện tình tiến hóa của y phục Việt. Vào cuối buổi nói chuyện, ông J.Y.Claeys đã cho chiếu cuốn phim quay năm 1939, cung cấp cho người xem một số ý niệm về sự xinh đẹp và phong phú của y phục phụ nữ xứ Huế, cũng như y phục của các nhà sư và quan lại ở Trung Kỳ. |
Người Việt kinh sợ một cách thánh thiện sự trần truồng. Tình cảm e thẹn đó hẳn có một nguồn gốc tôn giáo: cơ thể con người ta không lành mạnh, bởi vậy không nên để lộ nó ra trong các quan hệ xã hội thường ngày cũng như trong các buổi lễ, cả hai trường hợp đó đều có quy tắc luật lệ nhất định. Người ta bận quần áo rách, nhưng người ta không bao giờ cởi truồng, nhất là phụ nữ thuộc âm lại càng phải rất kín đáo. Họ không bao giờ để lộ cặp vú của mình mà luôn che kín bằng một vuông vải, ngay cả khi họ phải ngâm nửa người trong nước để cấy lúa hoặc bắt cá. Người đàn ông lành mạnh hơn, chỉ cần che kín từ vòng hông trở xuống là được.
Sự lõa thể ở nước Việt Nam, từ thời thượng cổ xa xưa đến nay, không hề có. Người ta không bao giờ để cho người chết phải ở truồng. Người ta còn kể lại chuyện thời Hùng Vương, anh thanh niên Chử Đồng Tử sau khi bố chết, đã cởi cái khố duy nhất của mình để bọc kín thi hài bố, còn anh thì ngâm nửa người dưới nước ở bến đò để xin ăn. Cũng câu chuyện đó chỉ rõ rằng việc nhìn thấy cơ thể trần truồng của ai đây là sự khởi đầu của tình dục. Một hôm, Chử Đồng Tử bất ngờ gặp một đoàn xa giá cương gia trên một bãi cát, sợ quá, anh ta giấu mình dưới cát. Nhưng khốn thay, cô công chúa trẻ sai dựng lều ngay tại đấy để tắm. Nước biển lúc này để lộ cơ thể của Đồng Tử và nàng phải cầu xin người hành khất trẻ trung cưới mình làm vợ.
Vì thế, ở mọi cấp độ của xã hội chúng tôi, mọi người dù rách lành ít nhiều cũng phải có cái che thân. Bộ quần áo ngày nay họ bận chắc chắn đã trải qua nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Tuy nhiên, lập nên lịch sử của bộ y phục của người Việt là cực kỳ khó khăn, bởi vì thiếu gần như hoàn toàn những tư liệu về tình trạng xã hội của đất nước này. Người ta chỉ biết rằng học trò và dân thường, vào những ngày lễ tết, đều ăn bận quần áo màu xanh da trời, ngày thường thì màu đen sẫm và màu vàng bẩn của sừng trâu. Dưới triều đại nhà Lê, màu trắng rất được dùng. Cha Tissanier, người đã đi khắp Bắc Kỳ vào giữa thế kỷ XVII, đã chép rằng: áo quần của đàn bà và đàn ông trông nghiêm trang và khá đơn giản: một cái áo dài xuống tận gót, mở ra ở phía trước, nhưng cài vào ở phía phải bằng một cái dải to.
Theo sách Gia Định thành thông chí được viết ra vào đầu triều Nguyễn, các nho sĩ và thường dân ở Nam Kỳ để mái tóc xõa xuống hai vai, đàn ông và đàn bà đều mặc một chiếc áo cánh ngắn, cài cúc phía trước, không xẻ ở hai bên; quần thì không ai dùng; đàn ông thì dùng một cái dải vải bó xung quanh hông, rồi vòng xuống giữa hai chân lại quấn lên phía trước bụng. Cái ấy gọi là khố. Đàn bà thì quấn quanh hông một loại xà lỏn gọi là mầu. Họ đội trên đầu một cái nón rộng. Cách ăn bận như vậy đã hoàn toàn thay đổi dưới thời chúa Võ Vương vào năm 1744.
Sự thay đổi này nhằm mục đích mở đầu một kỷ nguyên mới bắt đầu vào năm Giáp Tý , năm thứ nhất của giáp, nó gán liền với một vài sự kiện được coi là kỳ lạ, những lời sấm lưu hành trong dân gian liên quan đến vận mệnh của Vương triều, Lời đoán của một thầy bói, hiện tượng bồi cát ở cảng Thuận An.v.v… đặc biệt gắn liền với việc tu bổ cung chúa Nguyễn và tất cả các dinh thự ở thủ đô và với một loạt cải cách hành chính và chính trị do chúa Võ Vương tiến hành. Người ta "bỏ lối ăn mặc bẩn thỉu của người Bắc Kỳ để chấp nhận một kiểu mới của người Tàu". Có lẽ bắt đầu từ thời kỳ này mà phụ nữ miền Trung Trung Kỳ và Nam Kỳ bắt đầu bận quần dài và áo dài có cúc cài thay cái váy và chiếc áo dài có thắt của người Bắc Kỳ. Dưới triều Minh Mạng (1820 - 1840), một đạo dụ của nhà vua bắt buộc phụ nữ miền Bắc phải loại bỏ mặc váy, thế nhưng, trên thực tế lệnh này chỉ được các tầng lớp giàu có tuân thủ. Ngày nay, đàn ông ở nông thôn và thành thị đều bận áo cánh có ống rộng, có hai túi lớn ở phía dưới ngang hông và cái quần ống rộng xuống đến trên mắt cá chân. Ở phía Nam Trung Kỳ, bộ áo quần này nhuộm màu đen, còn ở Nam Kỳ thì màu nâu sẫm (áo nhuộm nước củ nâu); tại các trung tâm ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, nhất là ở Nam Kỳ, dần dần người ta có khuynh hướng mặc màu trắng . Các cụ già và các nhà giàu, những ngày lễ hội, thường mặc quần đỏ.
Phụ nữ Bắc Kỳ để tóc rất dài, bó lại trong một vành khăn tròn. |
Quần áo đàn bà, trong nhiều chi tiết, rất khác quần áo đàn ông. Cách bận một vuông vải trắng hoặc màu hạt dẻ có hình thoi, bọc quá ngực để che vú. Vuông vải này được quàng qua cổ và quanh hông bằng những dải buộc nhỏ. Quần áo của họ cũng rất rộng và thường thường là màu đen. Chỉ trưởng thôn Bắc Kỳ, phụ nữ còn mang váy rộng thùng thình. Quần và váy đều có dây thắt ngang người, hai múi dây buộc thành nút. Một dải thắt lưng điều hoặc xanh buộc chặt các dải yếm và dải rút quần hoặc váy. Hai đầu dải lưng ấy dài thõng xuống giữa hai chân và có lúc xuống quá tà áo dài. Chính trong dải thắt lưng này, dừng để tiên và bộ đồ giã trầu, áo ngoài rất dài và, cũng như áo đàn ông, ống tay rất chật, đến nỗi khi cởi áo, không thể không lộn trái áo được. Các cô thôn nữ ăn diện trong ngày lễ hội, thường thi nhau về số áo dài và thắt lưng màu họ mặc trên người. Họ cố tình đánh đằng xa, đưa hai tay lên rất cao như kiểu thường đi của những người già sang, bàn tay phẩy nhẹ một cái làm tung bay các mảnh vải đủ màu sắc.
Áo dài của phụ nữ Sài Gòn ngắn hơn và cũng sát ngực hơn của người Bắc Kỳ. Nhưng ở đâu cũng vậy áo của nữ giới có cổ thấp hơn nhiều so với cổ áo đàn ông.
Đàn ông để tóc dài và búi tó ra đằng sao. Người xứ Bắc và Trung Kỳ quấn quanh đầu bằng một chếc khăn dắt màu đen hoặc tím sẫm, tạo thành một vòng khăn trùm kín búi tóc và phía trước, xệ xuống đến giữa trán. Đàn ông Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ thì buộc lên mái tóc một vuông vải màu đen, hoặc màu sáng đỏ hay xanh. Ngày nay, mốt tóc búi tó của đàn ông ở nhiều giới không còn nữa.
Phụ nữ Bắc Kỳ để tóc rất dài bó lại trong một vành khăn tròn, ngắn, quấn quanh đầu như một vòng hào quang, sao cho đủ một vòng rưỡi. Vành khăn này để lộ ra ở cuối một món tóc phủ xuống gáy thành tóc đuôi gà. Phụ nữ Trung Trung Kỳ và Nam Kỳ để một búi tóc sau đầu cố ý tạo ra được những mớ tóc bồng, được bôi dầu dừa cho cứng tóc. Một chiếc lược, có giá trị ít hay nhiều, giữ chặt búi tóc. Một vuông, vải mầu nổi trùm kín mái tóc. Ở Trung Kỳ còn có người quấn quanh đầu, phía trên trán, một vành khăn phẳng và ngắn có màu sáng.
Người Việt thường đi chân đất. Chân đất trần đó họ sinh sống khi nắng thì bụi bặm; khi mưa thì rất trơn và bùn lầy. Hơn nữa, đấy là một dân tộc ít khi ăn thịt bò và thịt trâu nên họ rất ít da thuộc. Tuy nhiên, những người ít nhiều khá giả, thì đi guốc mộc hoặc guốc sơn có quai ngang bằng da thuộc bó lấy các ngón chân, hoặc đi dép xăng – đan có quai chéo chữ thập, cặp bàn chân và một vòng khuy để xỏ ngón chân giữa. Mấy ông nhà giàu thì đi loại giày hạ đánh bóng véc-ni, hoặc đi giày có mũi lớp nhung hoặc lụa thêu hoa.
Người Việt đội nón rộng kết bằng lá cọ hoặc bằng tre vót rất mảnh, hoặc bằng lông chim để che nắng che mưa. Kiểu nón này tròn và phẳng, che được cả người. Nón của các quý cô quý bà xứ Bắc Kỳ lại có một cái quai buộc vào hai mảnh bạc phạm, hai đầu quai là hai chùm sợi cơ thõng xuống đến ngang vai. Nón được đặt vững lên đầu bởi một cái vành gối tròn nhỏ lại còn có nón chóp nhọn, thường là của đàn ông, nhất là ở miền Trung Trung Kỳ, thứ nón đàn ông này rất được trau chuốt.
Nón người sang trên đỉnh bịt một cái chóp bằng bạc hoặc bằng vàng chạm trổ, và một quai nón bằng lơ trắng hai đầu quai nón có thắt nút rất to.
Vua Bảo Đại, Đoan Huy hoàng thái hậu và Nam Phương hoàng hậu cùng các con trong trang phục truyền thống. |
Quần áo trẻ con không khác gì quần áo người lớn. Sau khi sinh một tháng, người ta cạo sạch tóc và đội cho chúng một cái mũ chóp có màu sắc rực rỡ. Đến ba hoặc bốn tuổi, người ta để lại trên đỉnh đầu bọn con trai một chùm tóc gọi là chỏm. Còn bé gái thì có ba chùm, một ở phía trên trán gọi là cun cút hoặc cái vá; còn hai chùm tóc kia có hình quả đào ở hai bên đầu phía trên hai tai.
Y phục trẻ con khác người lớn đặc biệt về trang sức. Phía dưới vòng cổ bằng bạc hoặc vàng có đeo một cái khánh trên khắc bốn chữ Trường sinh bản mệnh, hoặc một đồng tiền, hoặc một mảnh ngọc, hoặc một cái vuốt hùm, tất cả các vật thần bí đó đều có năng lực đẩy lùi tà ma. Ở cổ tay và cổ chân, chúng đeo những vòng kiểng có gắn những cái lục lạc hay những hòn bi li ti bằng bạc.
Kinh lược sứ Bắc Kỳ |
Lễ phục của các quan văn võ gồm có hai loại: loại đại triều phục, tức quần áo mặc khi vào chầu vua, và loại thường triều phục, tức y phục áo thường mặc khi làm lễ, còn gọi là lễ phục.Cả hai loại đều được quy định chính xác về loại vải, về chất lượng, về dáng, màu sắc của từng bộ phận kết thành: quan (mũ), đai (thắt lưng), bào (áo dài), thượng (thứ áo trong), hốt/ cân (khăn), hài (giày), miện (tất chân). Trên ngực có thêu phù hiệu phẩm trật. Hệ thống các phẩm trật phân biệt với nhau bằng màu sắc, chất liệu và các hình thêu. Quần áo tang là màu trắng. Khi có đại tang, người ta mặc áo dài không viền gấu, thắt lưng bằng dây thừng, và phía trên khăn trắng, một dải vải thưa thắt nút phía sau đầu và thõng xuống sau lưng như một cái đuôi kép.
Từ vài năm nay, ở các thành phố chúng tôi, cách ăn mặc đã thay đổi nhiều. Đàn ông đã cắt tóc ngắn, đã đội mũ và đi ô. Nhiều thanh niên đã mặc đồ Âu. Thanh nữ và phụ nữ hiện đại không còn đội nón lá cọ nữa, và họ đã ăn bận quần áo màu sắc tươi tắn và quần trắng. Ở Bắc Kỳ, phụ nữ bắt chước cách để búi tóc của người Nam Kỳ. Có người không đội khăn nữa mà đơn giản chỉ quấn tóc quanh đầu. Một số khác đã cắt tóc và phi-dê theo kiểu phương Tây.
Lễ phục Âu cũng đã thâm nhập vào giới trẻ: áo smô-king, áo spen-xơ, áo đuôi tôm đã thông dụng ở các trung tâm lớn. Người có tang thì, như ở châu Âu đeo băng đen quanh cánh tay, băng đen trên mũ hoặc ngay cả trên ve áo vét- tông.
Thanh niên đã mặc đồ Âu, phụ nữ không còn đội nón lá cọ. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh