Xuân Quỳnh dạy tôi cách trở thành đàn bà
"Thay cho mẹ tôi, thơ Xuân Quỳnh dạy tôi cách trở thành đàn bà, cách trở thành người biết yêu người khác vô điều kiện và phi ngụy biện" - nhà thơ Phan Huyền Thư viết.
“…Ta gửi lại tình yêu như ánh sáng hiền hòa.
Và chân trời - di chúc của đời ta…”
(Lưu Quang Vũ 10/1973)
Tôi chép vào sổ tay những vần thơ của Xuân Quỳnh khi bắt đầu biết rung động của tuổi dậy thì. Những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó chưa có những cuốn sách dạy kỹ năng sống, bên cạnh chẳng có những chuyên gia tâm lý để dạy kỹ năng yêu…
Lúc ấy, Xuân Quỳnh đã dạy tôi cách hiến dâng, cách đắm đuối và cách im lặng trao nhận tình yêu trong dông bão.
Nhà thơ Xuân Quỳnh |
Những năm đói khổ, rét mướt và cay đắng của cuộc sống khó khăn, búa rìu dư luận, chủ nghĩa lý lịch và những thứ đồng phục đạo đức, đồng phục giao tiếp, đồng phục cả quan hệ yêu đương… Tôi tự tìm đến với Xuân Quỳnh như cô bé tìm thấy viên bi ve lấp lánh được chôn một cách bí mật dưới đám lá khô mục ẩm ướt của khu vườn nhục cảm.
Tôi trở thành “người đàn bà trẻ ranh” thích đan len, thích đi chợ, thích ngồi mạng lại những đôi bít tất rách, thích ngồi mơ mộng bên nồi cơm ghế mì lúc nào cũng chực thiếu củi đun. Tôi trở thành người đàn bà luôn loay hoay với câu hỏi: Yêu thế nào để có được phẩm giá con người, ghen thế nào để được sang trọng, lịch lãm, lặng lẽ thế nào để hiểu được trái tim mình, sống thế nào để không hổ thẹn với người mình yêu…
Khi đã trải qua nhiều bến bờ, nhiều vực thẳm của tình yêu và cuộc sống, tôi mới hiểu được rằng, mỗi bài thơ Xuân Quỳnh viết đều như một di chúc viết riêng cho tình yêu lớn lao của đời mình.
Một người đàn bà yêu và thiêng liêng liêng hóa tình yêu , một người đàn bà trong tâm thức luôn đón nhận sự ngắn ngủi của kiếp người, lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi một chuộc chia ly không hẹn trước. Xuân Quỳnh luôn muốn lao đi trong tình yêu nhưng luôn dừng lại ngắm nghía thứ ánh sáng kỳ diệu của tình yêu, vầng hào quang của tâm và trí khi con người thăng hoa trong mê đắm.
“…Ta đi theo tuổi trẻ của ta, ta đi như thể những ngày xưa, như những ngày sau ta còn đi thế/ Anh bước nhanh kéo em vội vã, dường như sợ không đuổi kịp tuổi thanh niên…”
Thơ Xuân Quỳnh luôn có những khoảnh khắc tự luận, tự vấn khiến cho người đọc thơ chị luôn được cảnh tỉnh trong đam mê: “Mắt anh nâu một vùng đất phù sa, vùng đất của nơi nào trong trí nhớ, em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ, giữa vô cùng hoang vắng giữa cô đơn…”.
Đấy là khi nỗi lo sợ ùa đến với người đàn bà tự ý thức được mình đang sở hữu một tình yêu trong mơ, giữa ảo và thực, giữa hạnh phúc và lo lắng giữa sự tham lam của ái tình và sự tinh tế của lòng vị tha, tính nhân văn: “Đấy, tình yêu, em muốn nói cùng anh, nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng, lòng tốt để duy trì sự sống, cho con người thực sự sống Người hơn…” .
Tôi không dám cường điệu khi thừa nhận rằng Thơ Xuân Quỳnh đã giáo dục cho tôi một phẩm cách đàn bà, một thế giới bao dung và nhân hậu. Một thế giới ngôn ngữ bao trùm lên những giới hạn bản năng của “giống cái” nhưng cũng lại vô hạn cuộc tạo sinh.
"Tay trong tay, tôi đã bên người. Tôi chẳng nói điều chi về vĩnh viễn. Vì mỗi sáng khi mặt trời hiển hiện. Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu…”.
Tôi ý thức được sự bé nhỏ của kiếp người, đúng hơn là một kiếp đàn bà, đi như thế nào trên giới hạn của đức hạnh và nỗi khát khao bản năng mong manh như sợi tóc khi đọc thơ Xuân Quỳnh. Tôi học được ở Xuân Quỳnh cách giữ lửa đam mê cho riêng mình, không biến tình yêu thành ngọn lửa tự thiêu đốt phẩm hạnh và nhân cách của người đàn bà, không bao giờ làm tổn thương đến người khác để bảo vệ quyền sở hữu thân xác một cách ảo tưởng trong đam mê.
Khi Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ những dòng thư ngây ngô và rất đàn bà, nóng bỏng: “Em không thể hình dung nếu không có anh em sẽ sống như thế nào. Em rất muốn em trẻ đẹp lại cho tuổi tác và hình thức của mình. Có thể anh không cần như thế ,nhưng em cần như thế. Vì chắc rằng em trẻ và đẹp hơn, anh sẽ yêu em nhiều hơn.
Anh đang bảo là em nghĩ cho anh những điều tầm thường. Người ta, nhiều khi tưởng mình đã vượt qua những điều tầm thường rồi thế mà đôi khi vẫn quay lại, sự quay lại còn mạnh mẽ hơn lúc ban đầu.
Ở người đàn bà, đôi khi chỉ cần nhan sắc thôi, nhan sắc là tài năng. Dẫu rằng có nghĩ về phía tinh thần thế nào đi nữa thì người thông minh và tài năng cũng cần có nhan sắc, tài năng mới vẹn toàn.
Đôi khi em nghĩ quẩn là sẽ phải bỏ anh đi để em khỏi phải mang nỗi tủi nhục là không xứng với anh. Nhưng em không có can đảm. Em yêu anh và em đã nhập cuộc đời em vào cuộc đời anh, bây giờ đối với em đó chỉ là một cuộc đời thôi, làm sao em cắt đi nổi…” (Thư viết ngày 8-6-1978).
Gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh năm 1986 |
Mặc dù, ở con người đời thường, Xuân Quỳnh cũng rất bình dị, gần gũi với “giới nữ”, tôn thờ phái mạnh, đề cao phái mạnh nhưng cũng rất quyết liệt bảo vệ giá trị bản thân: “Thử nghĩ xem, thế giới chỉ đàn ông. Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét. Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết. Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn. Ai sẽ là người sinh ra những đứa con. Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát…”.
Làm thơ, làm một nữ thi sĩ, điều gây chú ý và được ghi nhận không phải là những sự đại ngôn, khoa trương. Tuổi trẻ chưa hẳn là thế mạnh tuyệt đối. Sự khao khát nhục cảm, sự táo bạo trong thi ảnh không hẳn là cách tân hay đột phá… mà sự rung chuyển ngầm của các cung bậc cảm xúc, sự chuyển biến từ nhận thức đến hành vi của người đọc đằng sau rung động và câu chữ của nhà thơ mới làm nên giá trị lâu bền cho tác phẩm.
Cao hơn nữa, chia sẻ và hướng dẫn con đường đến với phẩm cách cho người đọc một cách dung dị, nồng nàn đã tạo nên giá trị của thơ Xuân Quỳnh, khiến cho chị luôn ở bên trong góc khuất tâm hồn người đọc một cách tận tâm nhất, sâu lắng nhất.
Ngay cả khi chị đã “Tiên cảnh nhàn du” với tình yêu lớn của cuộc đời mình, những bài thơ như những bản di chúc viết cho tình yêu của Xuân Quỳnh khi chị đang sống vẫn luôn là một giá trị mang tính hướng thiện và giáo dục tâm hồn cho những người muốn làm đàn bà một cách đàng hoàng trong tình yêu và đắm say một cách tử tế nhất, nếu có thể.
Tôi xin cúi đầu tri ân trước Xuân Quỳnh như cúi đầu trước một cô giáo nhân hậu của trường học làm đàn bà và cũng vì tình yêu mà học cách sống Người hơn.
"Không bao giờ là cuối” Đây là tuyển tập thơ giới thiệu một cách đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nữ thi sĩ tài hoa bạc mệnh Xuân Quỳnh, do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam ấn hành. Phần đầu của cuốn sách có tên gọi “Dẫu biết chắc rằng anh trở lại” - là những bài thơ tình đã từng khiến bao thế hệ bạn đọc say đắm, đặc biệt là mảng thơ viết tặng Lưu Quang Vũ, người mà chị yêu sâu sắc đến tận những phút giây cuối cùng của cuộc đời. Phần cuối cùng của tuyển tập - “Bầu trời trong quả trứng” là một Xuân Quỳnh dí dỏm, thơ trẻ với những sáng tác cho thiếu thi. Cùng với những trang viết, trang thơ, cuốn sách còn giới thiệu đến người xem những bức họa của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, đặc biệt, phần thơ thiếu nhi còn có những bức minh họa của Lưu Quỳnh Thơ - con út của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. (Danh Anh) |
Phan Huyền Thư
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn