Olga Berggholz là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của văn học Nga thế kỉ XX. Bên cạnh những vần thơ công dân, những trang thơ tình của bà có được sức sống lâu bền hơn cả. Thơ bà là tiếng nói của một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm với trái tim nồng nàn yêu thương nhưng cũng luôn khắc khoải, lo âu trăn trở. Cuộc đời và vần thơ của bà vừa sáng trọng, vừa thanh sao, sâu lắng, ngân vang, giàu tỉnh cảm, lý trí... phản ánh văn hóa Nga, con người Nga, lịch sử hào hùng và đau buồn của dân tộc...
Kỷ niệm 100 năm sinh Olga Bergholtz (1910-1975) nữ nhà thơ, nhà văn Liên Xô. Bà nổi tiếng nhất với những tác phẩm sáng tác trong thời kỳ Leningrad bị bao vây. Bà đã vượt qua được những nỗi niềm tinh tế, vô tư lự của thế giới trong trẻo, vẫn mang nỗi đau riêng và cảm nhận riêng về thời cuộc, để viết về cuộc đời xung quanh, về tình yêu. Hơn thế, nhờ có nỗi đau cá nhân, bà có cảm nhận sâu sắc hơn về những nỗi đau và niềm hân hoan của nhiều người khác, của nhân dân, của dân tộc. Bà có câu thơ bất hủ "Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng".
Trả lời (1962, Bằng Việt dịch)
Tôi xin nói, các bạn ơi với cuộc sống riêng tôi, Không thể có những tháng năm trên đời vô ích, Không thể có những thông tin vô nghĩa, không mục đích, Không thể có những con đường đi qua, nghĩa là, hóa không cần!
Không thể có những thế giới lạ xa, không thể không tiếp nhận, Không thể có những tặng vật, bị hàm hồ cho đi một cách phân vân! Cũng không thể có một tình yêu vô ích, Kể cả những tình yêu bị dối lừa, đớn đau, bi kịch, Thì chút ánh sáng trong veo, dẫu chỉ sáng chập chờn Cũng suốt đời ở mãi cùng tôi!
Và có lẽ, chẳng bao giờ là quá muộn đâu, Khi ta dám làm lại từ đầu trọn vẹn đời mình sống, Dám bắt đầu lại từ đầu - một đường đi từ khởi thủy, Và ứng xử làm sao, để nếu có quay nhìn quá khứ Thì đừng phải ân hận xóa bỏ đi điều gì, Dù là một tiếng kêu, hay chỉ một lời than!
Lời đáp (1962, Thụy Anh dịch)
Tôi xin nói với các người rằng không có những tháng năm tôi vô nghĩa sống trên đời những con đường tôi đi qua vô ích, những áng tin vô bổ tôi nghe!
Không có những cõi đời tôi không cảm nhận không có những món quà như bánh vẽ trao đi tình yêu nữa, không có tình uổng phí dẫu đớn đau và chịu đựng dối lừa - ánh sáng tình yêu vẫn trong vắt muôn đời luôn trong tôi, cùng tôi mãi mãi!
Và chẳng bao giờ là muộn mằn đâu khi lại bắt đầu thêm lần nữa cả cuộc đời, dấn bước đi con đường cũ từ đầu làm sao để không gì trong quá khứ - những lời nói ra và tiếng lòng rên đau đớn không hề bị tẩy xóa một câu!
Nữ thi sĩ Nga, con gái một bác sĩ. Học ngữ văn. Làm báo. Bắt đầu nổi tiếng với tập Thơ (1924) và Khúc ca của sách (1936).
Tác phẩm: Trường ca Leningrad (1942) ;Con đường của anh (1945 ); Họ đã sống ở Lêningrad (1944) ;Trên đất chúng tôi (1947) ; Bản giao hưởng Leningrad (1945) ; Trường ca Pecvôrôxixki (1950) (giải thưởng Lê-nin, 1950).
Có thể thấy rằng sự nghiệp của bà có rất nhiều tác phẩm viết về thành phố Leningrad và bản thân bà năm 1950 đã được giải thưởng Lê-nin với một bản trường ca. Nhưng có lẽ ít người biết rằng ở Nga, tổ quốc của Bergholz, nói chung nữ thi sĩ không được biết đến như một nhà thơ của tình yêu. Và, trong cuộc đời mình, bà đã trải qua không ít gian nan và đau khổ, điều không hề thể hiện qua những bài thơ tình đã được dịch ra tiếng Việt.
Thơ của Olga nữ tính, dịu dàng và trí tuệ. Bà là người phụ nữ yêu hết mình yêu đến đắm say để thế giới muôn đời sau được đọc những bài thơ tình bất hủ. Bà là một trong những nữ thi sỹ nổi tiếng của Nga được nhiều người trên thế giới biết đến và hâm mộ. Người đọc Việt nam biết đến thơ Olga Berggoltz qua những bản dịch rất phiêu của dịch giả Bằng Việt như “ Mùa lá rụng”, Mùa hè rớt v…v… tên tuổi của ông đã gắn với tên tuổi của Olga đến mức cứ có bài thơ nào hay khuyết danh là người ta nghĩ là thơ Olga và do Bằng Việt dịch. Có lẽ thơ tình của bà tại Nga hút lòng người giống như thơ tình của thi sĩ Xuân Quỳnh tại Việt Nam.
* * *
Olga Bergholz sinh năm 1910, đúng vào những năm tháng loạn lạc của nước Nga, sau khi cuộc cách mạng 1905 bị đàn áp và nền kinh tế nước này lâm vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, thời thanh niên của nữ thi sĩ lại trùng vào những năm tháng cực thịnh của thể chế Stalin, khi nửa nước Nga chìm đắm trong đau thương, của nỗi kinh hoàng, và nửa kia lại tràn đầy sự phấn khích ngây thơ về một "thời đại hoàng kim" của chủ nghĩa cộng sản. Bergholz thuộc nửa thứ hai: sau một vài tác phẩm viết cho thiếu nhi và các tập phóng sự, trong hai năm 1934-1935, nữ thi sĩ cho ấn hành hai tập thơ "Thi phẩm" và "Sách thơ", ngợi ca đất nước "tươi đẹp" và "con người mới xã hội chủ nghĩa".
Tuy nhiên, sự phấn khích của Bergholz không kéo dài. Năm 1930, do bị bịa đặt buộc tội tham gia hoạt động chống cách mạng, bà Bergholz đã bị bắt giam sáu tháng. Ít lâu sau, người chồng thứ nhất của nữ thi sĩ bị bắt giam và năm 1937, vào đỉnh cao của những vụ đàn áp, thanh trừng ở qui mô lớn, bản thân nhà thơ cũng bị bỏ tù. Năm 1939, bà được phóng thích và mấy năm sau, trong thời kỳ Leningrad bị phát-xít Ðức bao vây, Bergholz sáng tác nhiều bài thơ ái quốc; về căn bản, bà nổi tiếng và được biết đến từ dạo đó.
Sau Thế Chiến thứ hai, người chồng thứ hai của Bergholz cũng trở thành nạn nhân của tệ bạo hành Stalin. Dạo đó, nữ thi sĩ đã làm nhiều bài thơ đầy dư vị cay đắng, chỉ để cất trong ngăn kéo chứ không nhằm đăng tải. Bốn thập niên sau, năm 1987, tờ tạp chí "Znamya" (Ngọn cờ) đã cho in những bài thơ đó, khiến lớp độc giả trẻ của nước Nga phải bỡ ngỡ trước ngôn từ ưu phiền, cay nghiệt, thậm chí dữ dằn, hoàn toàn không thích hợp với hình ảnh một Olga Bergholz hiền hòa mà họ được học, được đọc, trong nhiều thập kỷ đã qua.
Tuy nhiên, những người đứng tuổi còn nhớ: sau khi Stalin chết và nhất là Ðại hội XX của đảng Cộng Sản Liên Xô, khi Khrushchev đọc bản báo cáo mật vạch trần những tội ác của Stalin và tệ sùng bái cá nhân, Bergholz là một trong những người khởi xướng dòng văn học chống chủ nghĩa xta-lin-nít, khởi đầu với cuốn hồi ký "Những ngôi sao ban ngày" (1954). Biết được điều này, chúng ta sẽ không ngạc nhiên trước sự "phân thân" của một nữ thi sĩ, đã rạch ròi Con Người Xã Hội với những thi phẩm yêu nước hoặc lên án cái Ác, cái Xấu Xa, và Con Người Cá Nhân, với những vần thơ trữ tình mang tính nội tâm, thầm kín, về những mối tình dang dở.
Bài thơ "Tôi cũng cả ngày..." sau đây, được Olga Bergholz sáng tác năm 1949 - khi Stalin và bè đảng đang tổ chức hàng loạt vụ thanh trừng nhằm vào giới lãnh đạo cấp tiến Leningrad, thành phố yêu dấu của nữ thi sĩ - cho thấy Con Người Xã Hội của Bergholz, với những trăn trở, day dứt và buồn bã. Như nhiều tác phẩm khác, bài thơ đã nằm trong ngăn bàn gần bốn chục năm, và chỉ được xuất hiện vào thời "cải tổ" ở Liên Xô, trên tờ "Văn học Xô-viết", tháng 10-1987.
Thơ Olga Bergholtz (*), đôi điều gợi mở… (Bằng Việt, Hồn Việt)
Giống như một giấc mơ đầy lãng mạn của thời niên thiếu, tôi đến với thơ Ônga Bécgôn trong những năm đầu sang học tập ở Liên bang Xô Viết, cũng hào hứng và say mê như khám phá sắc màu kỳ ảo của những đêm trắng Bắc Cực, vẻ đẹp trong trẻo tinh khôi của những lâu đài ngủ vùi trong tuyết, hay cả không gian vàng rực như lặng lẽ cháy lên trong tiết trời mùa thu xứ lạnh.
Nhưng toàn bộ ánh sáng những trang thơ ấy lại được sưởi ấm bằng một tình cảm rất gần với cách cảm nghĩ phương Đông, hồn hậu mà tinh tế, bao dung mà đầy trách nhiệm. Thêm nữa, sự bộc bạch nội tâm đầy cuốn hút và cách thể hiện giản dị mà hết sức chân thành của thơ Ô. Bécgôn cũng là một thế mạnh đủ sức gây ấn tượng, ngay khi người đọc bắt nhịp được vào với “điệu tâm hồn” đích thực của tác giả.
Trở lại việc lần đầu bắt gặp thơ Ônga Bécgôn, tôi gần như Ácsimet, kêu to “Eureka ” lên một tiếng thích thú và thử bắt tay vào dịch ngay một số bài mà tôi tâm đắc và cảm thấy có thể diễn đạt sang tiếng Việt một cách thật dễ dàng, suôn sẻ. Đó là lý do tại sao một số bài như Không đề (vốn là một đoạn trong bài Gửi Bôrix Coocnilốp), hay bài Mùa lá rụng, lại được dịch gần như phóng tác, hình thức dịch tung tẩy, phóng túng.
Về sau, khi tôi dịch một số nhà thơ khác như Tvarđôpxky, Eptushenkô… tôi cũng đúc rút kinh nghiệm từ các bản dịch này, và tìm cách hòa nhập mình vào nguyên tác, như một cách tiếp cận với cái mình đang cần, cái mình đang thiếu, để khao khát muốn truyền đạt sang tiếng Việt và văn học Việt một cách cảm, cách nghĩ phù hợp và có ích, làm giàu thêm cho thơ ca Việt.
Có lẽ vì thế mà một số bạn thơ quá yêu hay nói rằng “hình như tôi đã đem được một phần cái hồn thơ Nga vào thơ Việt hiện đại”. Thực ra thì ý nghĩ ban đầu của tôi giản đơn hơn thế, nó chỉ xuất phát từ chỗ tôi tiếc nuối rằng, cũng cùng nằm trong ý thức chung là đi theo khuynh hướng sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa của thời kỳ đó, mà chúng ta làm được ít hơn bạn, nghèo nàn và sơ lược hơn bạn, nên hãy cố tìm cách khắc phục, mở rộng và tiếp thu những gì bạn đã đi được xa hơn mình, có hồn cốt hơn mình, vậy thôi!
Từ tình yêu ban đầu đối với thơ Ônga Bécgôn, sau này, khi về nước, trong những lúc rỗi rãi ở trên vùng sơ tán thời chống Mỹ, cùng cơ quan Viện Luật học trên Hà Bắc, tôi lại giở lại thơ bà ra đọc và dịch tiếp những bài tâm đắc khác. Cứ thế mà hình thành dần một vệt thơ Ônga Bécgôn được dịch ra tiếng Việt, dù có rất nhiều bài chỉ lưu truyền qua chép tay, chưa hề được in ở đâu cả.
Ônga Bécgôn là một người sống rất khép kín và cô đơn. Bản thân tôi, dù dịch thơ Bécgôn đã khá lâu, và cũng có điều kiện sang nước Nga và ở nước Nga thường xuyên, nhưng tôi cũng chưa một lần nào gặp bà ở bất cứ đâu, dù tôi đến Hội Nhà văn Liên Xô nhiều lần, đến cả Chi hội Nhà văn Mátxcơva, Chi hội Nhà văn Lêningrad (nay là Xanh Pêtécbua) và cả nhiều tỉnh thành khác, từng gặp gỡ và nghe khá nhiều nhà thơ Liên Xô nổi tiếng đọc thơ, kể cả nhiều người cùng thế hệ của bà.
Hình như bà càng về cuối đời càng có phần sống khép kín, đồng thời cũng có nhiều mặc cảm khác nữa, nên ít chịu tiếp xúc với ai. Sau này, nghe nhiều câu chuyện về bà, và nghiên cứu kỹ tiểu sử của bà, tôi mới hiểu rõ thêm.
Ônga Bécgôn sinh ngày 16/5/1910, bố là bác sĩ, gốc Do Thái. Họ Bécgôn của ông cũng là dòng họ Đức. Những năm 1935-36, Ônga Bécgôn cũng cộng tác với một số tờ báo của Đoàn thanh niên Kômxômôn, viết truyện cho thiếu nhi. Năm 1938, chồng bà bị bắt và bị buộc tội là “kẻ thù của nhân dân”. Trước đó, ông có viết và in bài thơ dài Ngày cuối cùng trong cuộc đời Kirôp.
Chúng ta đều biết vụ ám sát Kirôp (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy Lêningrad) là một vụ ám sát chính trị phức tạp trên chính trường Liên Xô ngày đó. Bài thơ của Bôrix Coocnilốp đã chạm nọc chính quyền, nên được vin vào nhiều lý do khác nhau, nhà thơ đã bị bắt. Năm 1938, ông được coi là đã chết ở Vịnh Phần Lan trước khi chiến tranh nổ ra, khi ông vừa mới qua tuổi 31 (B.Coocnilốp sinh năm 1907).
Tai họa tiếp tục ập đến với Ônga Bécgôn: Tháng 12/1938, do bị vu cáo vì sự liên lụy với chồng, bà cũng bị bắt và cũng lại tiếp tục bị khép vào tội là “kẻ thù của nhân dân”. Lúc đó, bà đang có mang. Mãi đến tháng 6/1939, khi không tìm được chứng cứ gì, bà được thả. Chồng chết, con cũng không còn, Ônga Bécgôn đã tiếp tục về lại thành phố Lêningrad, lúc đó sắp rơi vào đói khổ và kiệt quệ, vì bị quân đội phát xít bao vây suốt 900 ngày đêm không còn lối thoát!
Người phụ nữ xinh đẹp, có khuôn mặt và đôi mắt thẳm sâu như đọc lên được toàn bộ bi kịch của cuộc đời mình, không ai ngờ, đã đứng thẳng dậy trong chiến tranh, và đã làm nên một kỳ tích không ai làm nổi: Từ năm 1941, bà xin được vào làm ở Đài phát thanh Lêningrad, kiên trì làm quen với công tác nặng nề, mới mẻ và luôn là một phóng viên đi săn tin năng nổ, một biên tập viên cần cù, nhạy bén, thậm chí một phát thanh viên đóng thế vai hoàn hảo, khi cần.
Chiến tranh đã xảy ra. Công việc lu bù, bất kể ngày đêm. Trách nhiệm khi rà soát bài vở cao hơn, kỹ hơn, lại phải trực chiến ca kíp như người lính. Mặc tất cả, Ônga Bécgôn làm việc quần quật, lao như con thoi suốt ngày đêm, thậm chí còn làm việc lăn xả như một con thiêu thân, cũng để quên đi những nỗi khổ đau đang gánh chịu: Chưa kể đứa con đã chết trong bụng mẹ, hai đứa con gái nhỏ khác của Ônga cũng đều qua đời vì bệnh tật!
Một người bạn trai thân tình, cảm thương cho số phận của Ônga đã ngỏ lời với Ônga trong những tháng ngày khắc nghiệt ấy. Họ quyết định tạo dựng lại một gia đình nhỏ bé để có nhau trong lúc tối lửa tắt đèn. Ông là nhà nghiên cứu Văn học có triển vọng Nicôlai Môntsanôp. Tiếc thay, họ đã ở bên nhau không lâu: Nicôlai Môntsanôp cũng do làm việc quá lao lực, kiệt sức và bị cái đói quật ngã và cướp đi ngay trong năm thứ hai của cuộc chiến tranh chống phát xít!
Ônga Bécgôn lại còn lại một mình! Không biết bà đã lấy được nghị lực từ đâu để vừa hoàn thành các công việc ở Đài phát thanh, vừa hoàn thành các tập thơ Nhật ký tháng Hai (1942), Bản trường ca Lêningrad (1942).
Ônga Bécgôn đã tự khẳng định mình, đã dần tự nâng mình lên thành một nhà thơ mang biểu tượng của cuộc chiến đấu, biểu tượng của lòng kiên định chống phát xít, biểu tượng của cả thành phố Lêningrad anh hùng. Hàng ngày, người ta chờ bài viết của bà, chờ tiếng thơ của bà, chờ giọng nói của bà trên sóng.
Có lẽ suốt cả sau này nữa, chưa bao giờ, bà có được những giây phút thăng hoa đến như thế! Mà nỗi đau khổ và chịu đựng thì thật tột cùng! Chính trong những ngày đầy bi tráng ấy, bà đã viết nên những câu thơ được khắc vào đá hoa cương trắng trên bức tường tưởng niệm của nghĩa trang Piscarêvô sau chiến tranh: “Không thể có ai bị lãng quên. Không thể có một điều gì trôi đi mất!”.
Tranh của Nikolai Zhukov và Viktor Klimashin năm 1941: “Hãy bảo vệ Moskva”.
Cũng sau chiến tranh, tập bài báo đã được phát trên Đài phát thanh của Ônga Bécgôn được xuất bản, lấy tên là Thành Lêningrad nói. Năm 1959, Ônga Bécgôn xuất bản tập bút ký hay nhất của mình là tập Những ngôi sao ban ngày, nói về vùng quê Trung Nga của tuổi thơ và số phận của những người cùng thời.
Trong thập kỷ 60, Ônga Bécgôn còn xuất bản thêm mấy tập thơ nữa: Thử thách, Ký ức và Trung thực. Cuối đời, bà sống độc thân, cách biệt mọi người và có nhiều suy ngẫm buồn rầu và đau đớn về kiếp người và số phận người trí thức trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên, mà bà tránh tiếp xúc và ít xuất hiện ở bất cứ đâu trong các dịp gặp gỡ nơi công cộng. Bà mất ngày 13/11/1975 ở Lêningrad và được chôn cất ở nghĩa trang Vônkôvô.
Âm hưởng chủ đạo trong thơ Ônga Bécgôn là âm hưởng đặc trưng cho thơ ca của thế kỷ XX, nó gắn liền với tính công dân, với những bi kịch của số phận con người, luôn phải vượt qua những thử thách, tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Ưu điểm và có lẽ cả nhược điểm nữa, của thơ ca thế kỷ XX cũng là nằm trong phạm trù đó. Các nhà thơ lớn nhất của thế kỷ ấy đều đạt tới đỉnh cao trong sáng tác ở những tiêu điểm đó.
Phù điêu Olga Bergholtz ở Leningrad - Saint Peterburg.
Thế kỷ XXI đã có tâm trạng và cách nhìn khác xa rồi, dù chúng ta mới vượt qua chặng đường chưa quá một thập kỷ! Tuy nhiên, những giá trị thơ ca chân chính của thế kỷ trước vẫn khiến chúng ta khâm phục và trân trọng, thậm chí, vẫn khiến chúng ta luôn đồng cảm và chia sẻ. Có phải vì thế chăng, mà các bạn trẻ vẫn còn say sưa tìm kiếm đọc lại Ônga Bécgôn hôm nay?
Olga Berggoltz, những nhầm lẫn đã trở thành huyền thoại (Thụy Anh, Tiền Phong)
Ít người biết, xung quanh tác phẩm và cuộc đời Olga Berggoltz, đã có nhiều sai lệch do dịch thuật, thậm chí do quá yêu quý nhà thơ. Nói ra, có thể làm tan vỡ hình ảnh lung linh. Tuy vậy, việc tìm ra sự thật của những huyền thoại cũng cần thiết, để tránh việc “dĩ ngoa truyền ngoa” mà đắc tội với nhà thơ chúng ta yêu quý.
Olga và người chồng đầu tiên - Kornilov
Năm nay, người yêu thơ nước Nga cùng thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nữ thi sĩ Olga Berggoltz (16/5/1910 – 16/5/2010). Không ít độc giả Việt Nam, trong đó có tôi, chào đón sự kiện này như ngày kỷ niệm của một nhà thơ “của mình”.
Cũng giống như rất nhiều bạn đọc Việt Nam khác, cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Olga Berggoltz diễn ra nhờ nhà thơ Bằng Việt. Và cũng khá muộn. Năm ấy, tôi học năm cuối trường trường ĐHTH sư phạm Matxcơva. Một ngày thu vàng và bài thơ “Mùa lá rụng”:
Những đàn sếu bay qua, sương mù và khói tỏa… Đương nhiên, cũng như nhiều người, trong bối cảnh ấy, tôi không thể không … phải lòng nữ sĩ người Nga xinh đẹp này. Và bắt đầu tìm đọc tất cả những gì có thể của bà và về bà.
Thế nhưng, ngày ấy, chưa bao giờ tôi có ý định dịch thơ Olga. Với nhiều bài thơ có thể coi là kinh điển đối với người đọc Việt Nam, như “Mùa hè rớt”, “Mùa lá rụng”, “Bài thơ cuộc đời”… hình như, thật khó có thể chấp nhận được những bản dịch thơ khác ngoài những bản dịch của nhà thơ Bằng Việt.
Đến bây giờ vẫn thế. Ký ức và ấn tượng mạnh mẽ của buổi đầu gặp gỡ vừa là niềm hoài tưởng da diết đáng yêu, vừa là một barie vô hình ngăn trở tôi chuyển ngữ thơ Olga Berggoltz.
Viết cho con bị nhầm là viết cho chồng
Mãi đến sau này, gần 10 năm sau buổi “gặp gỡ đầu tiên” ấy, tôi mới bắt đầu dịch Olga. Một cách say sưa và nhiệt tình. Những bản dịch của tôi có thể còn rất nhiều sai sót, có thể chưa đúng chưa hay, nhưng lòng tôi thì vui sướng nghĩ rằng, tôi đã có một Olga Berggoltz “của tôi”, bên cạnh một Olga bất di bất dịch mà nhà thơ Bằng Việt đã đem đến cho tôi trước đó!
Việc tìm đọc những trang chú giải không in kèm theo văn bản thơ Olga ghi trong sổ tay cho phép người dịch sửa được nhiều lỗi sai vô tình mắc phải. Chẳng hạn, Olga để lại rất nhiều dòng thơ viết cho hai con gái nhỏ đã qua đời. Thời gian ghi dưới bài thơ thường là 1937, 1938, trùng với thời kỳ bà được tin nhà thơ Boris Kornilov, người chồng đầu tiên của bà, bị bắt.
Ban đầu, khi chưa nghiên cứu kỹ tiểu sử của Olga, mà chỉ dựa vào thông tin Boris Kornilov mất năm 1938, tôi đã nhầm tưởng một số thi phẩm Olga viết về cái chết của con gái là dành cho Kornilov. Nhưng sau, may thay tôi đã kịp tìm hiểu được xuất xứ của các bài thơ để mà sửa lại lỗi chuyển ngữ này.
Chỉ thấy vừa ngạc nhiên vừa buồn buồn rằng, khi đọc bản dịch, dù nhân vật trữ tình được/bị cho là “anh” (Kornilov) hay là “con” (các con gái bé của Olga), thì bối cảnh của bài thơ trong các bản dịch hiện lên đều rất hợp lý và đầy xúc động, thậm chí người đọc hoàn toàn có thể chấp nhận sự nhầm lẫn của dịch giả mà không mảy may nghi ngờ! Một trong những bài thơ đó tôi đã trích đăng trong bài viết “Olga Berggoltz.
Những mối tình say mê và thống khổ” đăng trên Văn nghệ trẻ năm 2009, như là những dòng thơ Olga gửi Boris Kornilov như sau: Không, chẳng bao giờ em chấp nhận nổi đâu / rằng anh đã qua đời, anh hãy tin em nhé/ Ranh giới giữa sáng tâm và loạn trí/ em bây giờ thường nhìn thấu được ra … (“Không, chẳng bao giờ em chấp nhận nổi đâu”, 1938*).
Thực ra, đây là bài thơ Olga viết cho con gái Irina đã mất cách đó một năm vì bạo bệnh. Xin sửa lại lỗi sai bằng bài viết này và chân thành mong độc giả lượng thứ.
Tôi cũng muốn nhắc đến ở đây một bản dịch thơ có lẽ đã trở thành kinh điển đối với độc giả Việt Nam của dịch giả Ngân Xuyên. Bản dịch này được lưu truyền trên mạng, ban đầu người ta cứ đinh ninh là của dịch giả Bằng Việt, (vì cứ nhắc đến Olga Berggoltz, Bằng Việt luôn là cái tên được mặc định!). Bài thơ được chuyển ngữ với giọng thơ tha thiết và nhuần nhuyễn, là lời của tình yêu ngọt ngào:
Anh hãy trở về
Anh hãy trở về trong giấc mơ em Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở như cuộc đời như chim, như nắng
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô bờ.
Anh bây giờ đã ở rất xa Khoảng cách bao la xoá nhoà hình dáng
Chỉ còn lại trong tim nắm tro tàn ảm đạm Chẳng thể nào cháy lửa nữa đâu anh.
Chỉ mình em có lỗi, chỉ mình em Vì đã vội buông anh ra quá sớm Vì vẫn sống trái tim đầy kiêu hãnh
Ôi lòng khát thèm chẳng thể nào nguôi...
Anh hãy trở về trong giấc mơ em Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở như cuộc đời như chim, như nắng Như tuổi thanh xuân hạnh phúc vô bờ.
(Ngân Xuyên dịch)
Tôi đồ rằng, bây giờ, nếu có dịch lại bài thơ cho đúng tình cảm của Olga, thì cũng chưa chắc đã được bạn đọc chấp nhận. Như vậy là, vô hình trung chúng ta đã có thêm một bài thơ tình mới đã thành huyền thoại, của Olga hay không phải Olga cũng chẳng quan trọng nữa! Đây có lẽ cũng là trường hợp cảm động trong câu chuyện thơ và độc giả. Tuy vậy, tôi cũng xin mạn phép đưa ra bản dịch mới của bài thơ nói trên, để bạn đọc tham khảo:
Hãy về với mẹ trong mơ
Hãy về với mẹ, con ơi, dù chỉ trong giấc mộng, nhưng đừng giống hình con trong tấm ảnh chết cuối cùng: hãy như tia nắng trời, như cánh chim, sự sống,
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô song Con thân yêu giờ đã ở quá xa khoảng cách khiến gương mặt con nhòa nhạt.
Trái tim giữ bao tàn tro mất mát, không cháy ngậm ngùi cũng chẳng thể bùng lên.
Mẹ là người có lỗi, chỉ mẹ thôi, rằng đã buông tay để con đi quá sớm, không mất trí vì nỗi đau mà vẫn sống…
Ôi cái sức sống tham lam đáng nguyền rủa quá trên đời!
Dù chỉ trong mơ hãy về với mẹ, con ơi, nhưng đừng giống tấm hình con màu xám hãy như tia nắng trời, như cánh chim, sự sống,
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô song!
1937
Xuất hiện cả những “người yêu” ảo
Thế nhưng, thực ra, xung quanh nữ sĩ Olga Berggoltz của nước Nga từ trước đến nay đã tồn tại rất nhiều “nghi án”.
Hẳn các bạn còn nhớ bài thơ “Anh đi tìm em trên bán đảo Ban-căng” của tác giả Khổng Văn Đương một thời gian dài được nhắc tới như thi phẩm của Olga! Rồi một tác phẩm khác lâu nay trên các trang mạng, tôi cũng thấy người ta hay gắn tên của Olga vào phần tác giả, là bài “Những người đãi cát tìm vàng”.
Do nhiều lý lẽ (hình tượng văn học, thi pháp, không có nguyên tác trong di cảo đã từng công bố…), tôi cũng cho rằng đây là một sáng tác của người Việt. Tuy nhiên hiện tại trường hợp này đành phải xếp vào dạng “tồn nghi” nếu ta chưa có được một bằng chứng cụ thể về một tác giả có thật của nó vẫn còn trong vòng bí ẩn!
Thêm một “nghi án” nữa liên quan đến Olga Berggoltz khi bà gặp gỡ với người đọc Việt Nam – đó là bài thơ quen thuộc “Về Bài thơ cuộc đời” (Đừng nhắc nữa em ơi/Lỗi lầm thời quá khứ/Ngôi sao bùng đốm lửa/Đâu còn nữa màu xanh…) được coi như là những lời thương nhớ Kornilov gửi Olga để đáp lại bài Bài thơ cuộc đời của bà.
Thế nhưng, xét theo năm mất của nhà thơ Kornilov (1938) và năm Olga viết bài “Gửi Kornilov” mà nhà thơ Bằng Việt đặt tên là “Bài thơ cuộc đời” (1940) thì lời đáp cho “nghi án” này đã quá rõ ràng: tác phẩm ấy không phải do ngòi bút của nhà thơ tài danh và bạc mệnh ấy viết vì, than ôi, nơi chín suối, ông có được đọc bài thơ của Olga nữa đâu mà trả lời!!!
Một nhân vật độc đáo và bí ẩn nữa mà thiết nghĩ rất nên nhắc tới khi cùng bạn đọc Việt Nam đến với Olga Berggoltz, là một người – hay một nhà thơ - có họ Bessonov. Người này xuất hiện cùng với một bài thơ đã gây nên những hoài nghi về nguồn gốc của nó, là bài “Chuyện mười năm trước” (Chỉ có một lần thôi,/ Em hỏi anh im lặng,/ Thế mà em hờn giận,/Để chúng mình xa nhau…).
Được chép trong những cuốn sổ thơ, được “phát tán” trên nhiều diễn đàn mạng tiếng Việt, người ta thường ghi chú rằng đó là thi phẩm của Bessonov, người yêu Olga! Nhưng thông tin này có cơ sở để bác bỏ, vì trong tất cả các ghi chép, hồi ký của Olga và những người cùng thời với bà, chưa ai nhắc đến nhân vật kỳ lạ này.
Trong đời, Olga có ba cuộc hôn nhân, đều là kết quả của những mối tình say đắm, sôi nổi: Boris Kornilov, Nikolai Molchanov và Georgi Makogonenko. Cái họ Bessonov vô tình được đưa vào tiểu sử của Olga Berggoltz rất có thể do một sự nhầm lẫn nào đó từ phía người Việt. Có lần tôi đã nhờ một vài nhà văn Nga quen biết tìm hiểu hộ.
Nghe câu chuyện này, họ rất ngạc nhiên và cảm động, cho rằng đây là một sự kiện hi hữu: nhà thơ nữ của họ đã có thêm một mối tình nữa, mối tình do những người yêu quý Olga ở Việt Nam “thêu dệt” nên!
Những “rắc rối đáng yêu” nói trên xung quanh nhân vật Olga Berggoltz lại cho tôi cảm tưởng sâu sắc rằng, Olga Berggoltz đã trở thành nữ sĩ của… Việt Nam! Tình cảm của bạn đọc Việt đối với bà có phần hơi khác so với những tình cảm mà họ vẫn dành cho những nhà thơ nữ người Nga quen thuộc khác như Marina Svetaeva hay Anna Akhmatova.
Một phần, đương nhiên, là do sự thành công trong việc chuyển ngữ thơ Olga ở Việt Nam. Những bài thơ đầu tiên của Olga đến với công chúng đã thực sự gần gũi và “đánh thẳng” vào trái tim người đọc, để lại dấu ấn đậm nét khó phai mờ trong lòng người Việt nhiều thế hệ.
Phần nữa, có lẽ là vì, Olga Berggoltz, kể cả trong những dòng viết cay đắng nhất, vẫn giữ được những suy nghĩ tha thiết với cuộc đời và con người, giữ được niềm hy vọng đôi khi tưởng chừng đã tắt trong tâm.
Chính nhờ những điều đó mà thơ của bà gần gũi với người đọc Việt Nam, một dân tộc luôn trân trọng tình người, và nhiều khi, phải nương vào tình người mà vượt lên trên mọi đau khổ.
Olga Berggoltz tái sinh trong 'Nhật ký cấm' (Thụy Anh, Vietnamnet)
Trong "Nhật ký cấm" có cả những tài liệu từng mang dấu “cấm lưu hành” do bên an ninh cung cấp, những dấu ấn của một thời khốc liệt của nhân dân Liên Xô với làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ.
Sống dậy
Năm nay, nước Nga chào đón ngày sinh lần thứ 100 của nữ sĩ Olga Berggoltz (16/5/1910 – 16/5/2010) bằng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ. Mở đầu là ở lĩnh vực xuất bản. Bạn đọc yêu thơ Olga được nhận món quà quý giá từ nhà xuất bản Azbuka: một cuốn s ách dày với nhiều tư liệu ảnh, bài viết, nhật ký, những ghi chép thẳng và thật của nữ sĩ trong thời kỳ 1939-1949.
Bà Natalia Sokolovskaya, người biên soạn cuốn sách, chia sẻ với báo chí, rằng ấn phẩm này chứa nhiều tư liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay về Olga Berggoltz, những thư từ tác phẩm chưa từng được công bố, được đưa ra đầy đủ, không bị cắt cúp kiểm duyệt. Ngoài ra còn có cả những tài liệu từng mang dấu “cấm lưu hành” do bên an ninh cung cấp, những dấu ấn của một thời khốc liệt của nhân dân Liên Xô với làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ.
Theo thông tin của Rosbalt, 5000 ấn bản của cuốn sách đã ngay lập tức được bán sạch trong những tuần đầu tháng 5, và người ta đang cấp tốc nối bản.
Maria Berggoltz, em gái của Olga đã nhiều lần, trong nhiều tuyển tập, cho đăng tải từng phần những trang nhật ký, ghi chép, thư từ của Olga. Không phải đợi tới 100 năm ngày sinh Olga, chúng ta mới hiểu được những gì từng là bi kịch của cuộc đời nữ sĩ và thái độ của bà đối với những giả dối tầm thường đầy rẫy xung quanh.
Trong cuốn sách mới này, những gì từng bị “cấm” đã được phơi bày, và Olga Berggoltz hiện lên đầy đủ trọn vẹn không giấu diếm điều gì, dù cay đắng, như bà từng tuyên bố:
Nỗi buồn này tôi không giấu Người đâu bí mật riêng tư cũng chẳng hề che đậy Lồng ngực nóng ngay buổi đầu xé toang ra bỏng cháy lời trần tình sám hối của Người đây! (Trích “Nỗi buồn này tôi giấu nổi Người chăng?” – Thụy Anh dịch)
Phù điêu Olga Berggolt ở Leningrad (Saint Peterburg)
Trên một số làn sóng truyền thanh, người ta xây dựng các chương trình về Olga, phát đi phát lại giọng đọc của Olga từng được truyền đi trong vòng phong tỏa. Những bài thơ, những bài nói chuyện đầy xúc động đã từng là điểm tựa để người dân Leningrad trụ vững trong mất mát đau thương của 900 ngày đêm xa xưa ấy. Có người từng trải qua thời kỳ khó khăn ấy đã thốt lên: “Tưởng như Olga Berggoltz sống dậy!”
Trong hai ngày 15 và 16-5, vở kịch "Olga, Nhật ký cấm” (kịch bản E. Chiornaia, đạo diễn Igor Konhiaev) ra mắt công chúng. Theo lời hứa hẹn của các nghệ sĩ thì đây sẽ là một vở kịch xây dựng hình ảnh Olga Berggoltz chân thực nhất từ trước đến nay, khiến bà hiện lên không chỉ như một “nàng thơ” của thành Len mà còn là một người phụ nữ Nga sống động, đầy ắp yêu thương, đau khổ.
Cũng với mục đích tưởng nhớ người con anh hùng của Leningrad, ngày 16-5, trên kênh truyền hình CTO sẽ chiếu bộ phim truyền hình “Vòng phong tỏa. Hiệu quả của sự hiện diện.”, đạo diễn Alla Chikicheva. Ngày 20-5, tại tòa nhà chính của thư viện quốc gia Nga sẽ diễn ra đêm thơ nhạc tưởng nhớ Olga Berggoltz mang tên “Em chẳng bao giờ nương nhẹ trái tim em…” (câu thơ của Olga) do Hội nhà văn Nga và Hội nhà văn Saint-Petersburg tổ chức.
Ngày 16-5, trên kênh Văn hóa của Nga sẽ chiếu một bộ phim tài liệu về Olga Berggoltz cũng lấy một câu thơ của Olga làm tên phim, một câu thơ rất khó dịch cho hết nghĩa sang tiếng Việt! Nôm na là, “Ta đã sống tưởng chừng như không thể…” – nhưng ngoài ra câu thơ còn hàm ý ngạc nhiên, rằng sao mà ta có thể sống một cuộc sống tưởng chừng như không thể đến thế!
Tưởng chừng như không thể
Tượng đài Olga Berggoltz
Olga Berggoltz bắt đầu thi nghiệp từ rất sớm. 16 tuổi tham gia bút nhóm “Kế tục”, nơi cô gái trẻ sôi nổi, hào hứng với mộng văn chương đã được diện kiến nhiều nhà thơ nổi tiếng, trong đó có Maiakovsky, người sau này có ảnh hưởng lớn tới quan niệm sáng tác của Olga. Cô cũng được sinh hoạt với nhiều cây bút trẻ cùng lứa. Ở đó, cô gặp và yêu Boris Kornilov, người bạn thơ thân thiết, người chồng đầu tiên của mình.
Với những thuận lợi ban đầu trong sáng tác, được nhiều nhà thơ nhà văn tên tuổi biết đến và viết thư khuyến khích (Gorky, Chukhovsky, Marshak…), ra một tập thơ sớm, một tập truyện ngắn và bút ký viết về công cuộc xây dựng đất nước 5 năm lần thứ nhất của nhân dân Xô Viết, những tưởng cuộc đời và sự nghiệp của Olga Berggoltz sẽ vô cùng suôn sẻ. Thế nhưng, số phận đã rất khắc nghiệt với nữ sĩ xinh đẹp ấy, đã khiến Olga phải trải qua những điều “tưởng chừng như không thể”! Không thể có. Không thể tin. Không thể vượt qua!
Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Tám năm sau, khi cuộc sống đang trào dâng sôi nổi đối với cô đoàn viên thanh niên cộng sản này, khi cô cùng người chồng thứ hai đang say mê lao động, sáng tạo và cống hiến, thì Boris Kornilov bị bắt, và Olga cũng bị liên lụy. Từ năm 1937 trở đi, bắt đầu một đoạn đời hoàn toàn khác của Olga Berggoltz. Hai đứa con gái nhỏ đã qua đời vì bạo bệnh, Olga có bầu đứa bé thứ ba thì bị bắt, bị giam giữ hơn nửa năm trời trong tù và mất đứa con còn là một bào thai.
Thế rồi chiến tranh. Rồi lại mất những người thân yêu nhất. Cuộc hôn nhân thứ ba mang lại cho bà nhiều an ủi, nhưng không bù đắp lại được những mất mát đã qua. Cho đến khi tình yêu cuối đời rời bỏ bà thì nữ sĩ hoàn toàn sống và viết cùng nỗi đau! Lạ thay, bên cạnh những vần thơ cay đắng và có phần nghiệt ngã viết cho mình, thì bà vẫn có những dòng thơ ấm áp cho đời, cho người, vẫn có những sáng tác văn xuôi đầy nhiệt huyết và đồng cảm với những miền đất, những con người bà đã đi qua. Nỗi buồn thời hậu chiến của nhân dân được Olga cảm nhận và chia sẻ trong những bi kịch riêng của mình:
…Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng ngải đắng đây, đắng ngắt tình đời Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn đã trở thành niềm cay cực riêng tôi
Từ những cửa đập bê tông vẫn thoảng đưa về mùi hoa ngải mùi hương yêu bất tử bay đến tận nhà tôi Thử hỏi làm sao tôi có thể chẳng cất lời trở về sau đắng cay nói lời yêu khác trước? (Trích “Những lá thư viết trên đường” – 1952, 1960 – Thụy Anh dịch)
Chiến thắng mang gương mặt của Olga Berggoltz…
“Olga Berggoltz là một nhân vật của bi kịch, và bi kịch của bà không chỉ là bi kịch cá nhân, mà là bi kịch của cả một dân tộc, cả đất nước Nga”. - Nhà nghiên cứu văn hóa Boris Paramonov đã phát biểu như thế ở ngày ra mắt cuốn “Olga. Nhật ký cấm”. Ông cho rằng, điều bi kịch lớn nhất là, sau tất cả những gì xảy ra với Olga, thế giới đa thanh đa sắc đã hoàn toàn biến khỏi thơ của bà– cái thế giới từng được thể hiện rất tinh tế trong những vần thơ sớm của Olga ngày trước, rằng bà không thể viết gì khác hơn ngoài về những nỗi đau trong quá khứ của mình.
"Mẹ tổ quốc": Nghĩa Trang Piskarriov, nơi có những dòng thơ của Olga Berggoltz được khắc trên tường đá trắng, có câu "Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng".
Về điều này, thiết nghĩ, ông đã có phần cực đoan. Và cả những người biên soạn cuốn sách, trong cách bình luận, chú thích, cũng không tránh khỏi những cực đoan đậm màu sắc chính trị. Chính những khổ đau bất hạnh, những mất mát về niềm tin, về tình yêu ấy đã mang lại cho thế giới, cho bạn đọc một Olga độc đáo, không lẫn vào ai.
Giả sử Olga cứ mãi mãi dừng lại ở thế giới trong trẻo đầy hoa lá, thế giới của tình yêu non nớt, hờn giận, của những nỗi niềm tinh tế vô tư lự như thời còn là cô gái mười tám đôi mươi, thì chỗ đứng của Olga Berggoltz trên thi đàn Nga-Xô Viết không đáng nhớ đến thế. Thêm nữa, Olga không “bế quan tỏa cảng” cảm xúc của mình, không chỉ sống với quá khứ và nỗi đau. Bà đã vượt qua được, vẫn mang nỗi đau riêng và cảm nhận riêng về thời cuộc, để viết về cuộc đời xung quanh, về tình yêu. Hơn thế, nhờ có nỗi đau cá nhân, bà có cảm nhận sâu sắc hơn về những nỗi đau và niềm hân hoan của nhiều người khác, của dân tộc.
Về điều này, còn nhớ, nhà thơ Evtushenko đã nói rất hay: “Chiến thắng mang gương mặt khổ đau cùng cực Của Olga Fiodorovna Berggoltz”
Chiến thắng của nhân dân Xô Viết mang gương mặt Olga Berggoltz, người con gái Nga xinh đẹp có cái nhìn u uẩn và đôi mắt sắc sảo nhưng trong sáng, tưởng nhìn thấu được tâm can ta. “Nỗi khổ đau cùng cực” đã qua rồi, dấu tích còn lại chỉ có nét u buồn đầy vẻ chịu đựng – chịu đựng mà không khuất phục, nếu chưa được nói thì “im lặng một cách trung thực” – để có thể “qua nỗi đau tôi sống, qua nỗi đau tôi viết” như Olga đã từng nói lúc cuối đời, khi nữ sĩ chỉ còn lại một mình với trang viết, sống trong cô đơn và bệnh tật.
Nhưng ngày hôm nay, 16-5-2010, hẳn nữ sĩ Nga- Xô Viết, hiện thân của vinh quang và đau khổ, đang mỉm cười nơi chín suối vì nước Nga và thế hệ bạn đọc mới không quên bà. Quả đúng là, với nhân dân, “không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng”.
Trân trọng giới thiệu một số bài thơ của Ônga Bécgôn.
Không đề (1947)
Ừ! Ngoái lại làm chi, chỉ để nhìn dĩ vãng, Dải băng hà xưa
Và bóng tối ngày xưa!
Ở đó, có cái nhìn khát khao, chờ đợi, Buộc em phải trả lời, mà không thể hững hờ!
Nhưng Anh ơi! Hôm nay, em bỗng quay đầu lại… Bất chợt từ giá băng, Anh vời vợi nhìn lên! Anh vẫn hệt như xưa, đôi mắt còn như sống, Mãi mãi chẳng hề xa, người duy nhất của tình em!
Em đâu kịp hiểu ra, rằng tất cả vẫn linh ứng thế! Khi nghĩ rằng cuộc sống khác xưa, hít thở khác xưa rồi! Hỡi cực hình của em, niềm vui của em, khao khát của đời em, Hóa ra, em vẫn chỉ sống được, trước Cái Nhìn của Con Người ấy!
Em biết mình thủy chung tới giờ, chỉ với Anh, duy nhất, Và em có quyền công khai xác nhận một điều thôi: Em vẫn là vợ Anh hôm nay, trước mọi người đang sống, Chỉ riêng giữa chúng mình - em mới là góa bụa, đơn côi!…
Gửi Boris Coocnilop(1) (1939 – 1940)
… Và tất cả đổi thay rồi. Và em nay cũng khác Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo.
B. Coócnilốp
I
Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ: “Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nêva Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà…”
Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn Em mới hiểu, bây giờ anh có lý Dù chuyện xong rồi,
Anh đã xa cách thế!
“Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo…”
Lũ trẻ lớn lên, giờ lại tiếp theo ta Lại nhắp lại vị ngọt ngào thuở trước Vẫn sông Nêva, bóng chiều, sóng nước… Nhưng nghĩ cho cùng, họ có lỗi đâu anh!
II
Vâng, em khác hẳn rồi, chẳng giống trước nữa đâu! Cuộc đời ngắn cũng xem chừng sắp hết. Em đã già nhiều, nhưng anh đâu có biết, Hay anh cũng biết rồi? Có thể!… Nói đi anh!
Em xin lỗi làm chi, chẳng cần đâu anh nhỉ Thề thốt chăng? Cũng vô ích thôi mà, Nhưng ví thử em tin, anh còn quay trở lại Thì một ngày nào, anh sẽ hiểu ra…
Và mọi tổn thương, chúng mình xóa hết Chỉ ở bên nhau, sánh bước trọn đường Chỉ cần được sóng đôi, và chỉ khóc Chỉ khóc thôi, đủ bù đắp tận cùng!…
Mùa lá rụng (Bằng Việt dịch)
Mùa thu ở Matxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ : "Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng"
Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả. Mátxcơva, lại đã thu rồi! Bao khu vườn như lửa chói ngời Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ,
Những tấm biển treo dọc trên đại lộ Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi Nhắc cả những ai cô độc trong đời: "Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!" Ôi trái tim tôi, trái tim của một mình tôi Ðập hồi hộp giữa phố hè xa lạ Buổi chiều kéo lang thang mưa giá Khẽ rung lên bên khuôn cửa sáng đèn ở đây tôi cần ai, khi xuôi ngược một mình, Tôi có thể yêu ai, ai làm tôi vui sướng: "Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!" Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!
Nếu không có gì ao ước trong tôi Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất! Anh từng ở nơi đây, từng là người thân nhất Sao phút này làm người bạn cũng không?. Tôi chẳng hiểu vì sao, cứ ngùi ngẫm trong lòng Rằng tôi đã phải xa anh vĩnh viễn... Anh - con người không vui, con người bất hạnh Con người đi cô độc quá trên đời! Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười? Thôi hãy biết kiên tâm. Mọi điều đều phải đợi... Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi Cơn mưa rơi thầm thì lúc chia li Mưa tối rầm, nhưng ấm áp nhường kia Mưa run rẩy trong ánh trời lấp loá... Anh hãy cố vui lên, con đường hai ngả, Tìm hạnh phúc yên lành trong ấm áp cơn mưa!...
Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa Một mình với mình thôi, không cần ai tiễn biệt. Tôi không biết nói cùng anh đến hết Nhưng bây giờ, còn phải nói gì thêm! Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm Những tấm biển dọc đường càng thấy trống "Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng!"
Em lấy được anh của cuộc đời (1936) (Thụy Anh dịch)
Em lấy được anh của cuộc đời như tia lửa bắn ra từ đá cuội để rồi chẳng chia rời, để rồi anh yêu em mãi mãi.
Tha lỗi cho em vì em như thế đến năm này là đã bao lần khi thì yêu đương, khi lại phiêu lãng phong trần Thiên hạ thì chung quanh đàm tiếu
Bạn đời chung thủy của em ơi, vào giờ phút lo buồn, vào giờ phút ngẫm suy về số mệnh mọi nẻo đường em đi, muôn lối rẽ đều đưa em về bên anh, mọi nẻo đường em đi, muôn lối rẽ đều gặp nhau nơi bậc cửa nhà anh.
Em càng buồn nhớ nhiều hơn nếu trong mắt anh đôi lúc, dịu dàng của em ơi, em chẳng nhìn ra được tia lửa màu vàng sậm lóe lên, cái nét cười diễu cợt thân quen của tia lửa lóe lên màu vàng sậm
Chẳng phải tia lửa này sao em đã tìm muôn dặm nhìn hoang mang trong mắt mỗi con người, chẳng phải tia lửa này đây em đã đánh lên rồi vào mùa xuân năm nào lạnh giá?
Cây Ngải Đắng (Tháng 6-1928)
(Thụy Anh dịch)
Rồi tôi vẫn nghiến răng bướng bỉnh Ngẩng cao đầu khép chặt lòng đau Hoa ơi hoa, hoa nở vì đâu Hoa ngải đắng của tình tôi yêu dấu?
Hai ta cùng giấu giếm lẫn nhau Cố nuốt ngược vào tim lời từ giã Cầm chiếc khăn hoa của tôi, vội vã Anh xé mẩu khăn, nào biết có ý gì!
Làm gì nữa, anh ơi, chút tình si Mẩu khăn ấy tả tơi anh còn giữ? Làm gì nữa, tôi ơi, lòng đã lỡ Đường trần đi tim hằn dấu những bước chân
Chẳng làm gì nữa đâu lời âu yếm vô ngần Của người dưng hay người tôi thương mến Muôn nẻo quanh tôi loài cỏ hoa quyến luyến Ngải đắng ơi, hoa ngải đắng tình tôi!
Chẳng bao giờ mẹ chấp nhận nổi đâu
Không chẳng bao giờ mẹ chấp nhận nổi đâu rằng con đã qua đời, hãy tin mẹ nhé Ranh giới giữa sáng tâm và loạn trí mẹ bây giờ thường nhìn thấu được ra Càng ngày mẹ càng thấy quen hơn quen cảm giác đứng một mình bên rìa sự sống nơi có tấm bia con hình ngôi sao tang tóc giống hệt như cột mốc biên thùy
Tiếng xào xạc lá cây của tháng năm cũ qua đi Mẹ nhìn lại và biết rằng mình đang đến gần với cái lằn ranh vô hình vô bờ bến
Con tim hãi sợ hơn và phóng khoáng hơn nhiều không chỉ cái chết của con, mà cả những vô bổ, những điều qua đi vô giá và dòng trôi không cưỡng nổi của đời
Từ cái mốc này bao sức lực nổ tung trời của cơn giận bỗng gạt qua một chỗ và chỉ có trên mến thương ngôi mộ những đóa hoa khô run rẩy dịu dàng
Ru anh (1940) (Thụy Anh dịch)
Rặng thông nhè nhẹ chao nghiêng - Cột buồm cao vút gợi miền xa xăm Nhón chân lặng lẽ ghé thăm Mắt nhìn ngơ ngác âm thầm lời ru
Đầm chân tuyết trắng như mơ Áo lông rực rỡ khoác bờ vai xinh Ủng rơm ấm những bước tình Giỏng tai nghe hết lời mình lời ta Thoảng nghe tuyết nói thiết tha Thoảng nghe tim hát diết da u sầu
Lang thang vô định rừng sâu Ngọn thông phơ phất thẫm màu buồm đen Tay đưa về chốn không tên Bàn tay xinh xắn ủ mềm trong găng Găng len nào sợ giá băng Bài ca đi mãi mơ màng yêu thương
Nhà tôi - là chốn chân dừng Phòng tôi câu hát ngập ngừng ghé chơi Hỡi người to lớn kia ơi Muốn chăng tôi hát ru người một đêm Hỡi người xa lạ không quen Muốn chăng tôi hát một đêm vì người
À ơi, câu hát à ơi À ơi câu hát à ơi ơi à
Bước vào phòng - một bài ca Dịu dàng, lễ phép rất là dễ thương Như con thú nhỏ nhịn nhường Vẫy tai, tay chạm xuống giường ru anh
Thở phào ngủ một giấc xanh Tay em thiếp ngủ ngọt lành người ơi Chẳng còn ác mộng trong đời Chẳng cần nói nữa những lời phôi pha Chỉ nghe tuyết nói thiết tha Chỉ nghe tim hát diết da u sầu...
Em thầm cay đắng ghen tuông (1947) (Thụy Anh dịch)
Em giấu giếm nỗi niềm khổ sở Của hờn ghen xuống tận đáy tâm hồn Tưởng tới anh cùng một cô gái nhỏ Không phải mình - tươi sáng, đáng yêu hơn!
Bước chân em đa mang những con đường Ngoảnh lại - mình đã chôn bao mối tình thơ trẻ Em có lỗi với người vì đã yêu anh như thế Anh mà biết điều này chắc hắn sẽ ghét em
Giờ thốt nhiên em như chẳng là em Ít nói, ít cười, đùa những lời cay độc Mọi người thương hại em, và bỗng chốc Họ không còn chia sẻ những niềm vui Giữa cuộc chơi em chợt nghẹn lời Đưa mắt nhìn về miền mông lung bí ẩn Trong giây lát em đã xa vạn dặm Cô độc vô cùng với nỗi lòng riêng Nơi nhạt nhòa ánh sáng không tên Khẽ run rẩy trong khí trời ẩm ướt Nếu khi ấy anh gọi em thảng thốt “Em ở đâu?”… Em cũng chẳng quay về
Giá biết rằng em có thể vắng xa Tới tận miền lạ kỳ như thế Anh sẽ nghĩ gì, anh yêu, em có lẽ Không bao giờ về lại với tình anh?
Em một mình thầm cay đắng ghen tuông Anh đừng vội quay mặt đi, dợm bước Giá như bên anh vẫn là em thôi, nhưng giá như em khác đi! Em ao ước: Chưa từng đi qua mùa hạ cháy chết người Hoang mạc cồn cào khát bỏng đôi môi Đến niềm vinh quang của tột cùng đau khổ Qua mùa đông với trái tim đã cóng lạnh đi một nửa Mà gặp nhau bây giờ…
Mới chỉ nghĩ vậy thôi đã muôn mảnh tim rời Rạn vỡ cựa mình đau đớn trong lồng ngực Anh yêu ơi, giữa bao điều vô thức Hãy nhắc thật nhiều rằng anh rất yêu em Em lại trở về giản dị đáng yêu thêm Em sẽ không còn ghen tuông cay đắng nữa…
Tôi Cũng Cả Ngày... (1948-1949) (Thụy Anh dịch)
Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi
Rồi biểu quyết, rồi nói điều giả dối Lời hổ thẹn sao chưa làm ôi chết nổi? Nỗi chán chường không khiến bạc đầu thêm?
Bước ra đường, tôi ngồi xuống bậc thềm Nơi tôi được là mình, ngồi thật lâu không nhúc nhích Qua khe cổng cùng người coi sân chia điếu thuốc Vào quán chiều chiêu vài ngụm vốt-ka Nơi tủi cực này có nhiều uất ức được nói ra trong câu chuyện của hai phế binh héo hắt (Năm bốn ba từng là hai chàng trai anh dũng nhất Chiếm lấy Krasnyi Bor - rừng thông đỏ máu rực trời)
Thức tỉnh trong tôi hoài niệm chói ngời Dĩ vãng hào hùng rũ tro tàn đứng dậy: Những phạm binh đây như lại đang băng qua bãi mìn bỏng rẫy Những trinh sát viên quả cảm phi thường Ai đó được tung hô sau khốc liệt chiến trường Số còn lại nằm lặng thầm mãi mãi Máu đổ xuống đất lành không mưu toan lời lãi
Khó nhọc thu trí tàn trong cơn giận tím bầm Qua cơn say tôi kêu lên đau khổ: "Lũ ngoan đạo kia, ta chán các người đến tận cổ Và yêu sao ôi bao kẻ tội đồ!"
Tình ca
Lang thang trong phố hát lên bài ca giai điệu không quen. Thầm thì… Nơi đây mình đã chia ly, nhìn nhau ngoảnh lại, dại gì đau thêm.
Nơi đây vấp ngã, ngoảnh nhìn, cả hai bất hạnh trái tim u buồn. Phấn hoa rải khắp phố phường, dịu dàng chiếc lá, nước tuôn mưa rào.
Mặc ai cười - em dâng trao, mặc cho duyên nợ dễ nào nhẹ tênh - bởi vì em muốn nhìn thêm bóng hình xưa cũ - người tình rời xa!
Không phải thế! Anh được yêu... (Thụy Anh dịch)
Không phải thế! Anh được yêu, anh có biết Vĩnh viễn anh là yêu dấu của em Em không tha thứ cho anh điều gì hết Cũng chẳng buông đôi tay ấm dịu hiền
Anh không khiến em xa lánh được anh đâu Dù phẫn nộ, hay buồn đau thống khổ Em nhìn thấu chặng đường dài gian khó Rất xa xăm và bí ẩn của đời anh
Chỉ có em đủ sức cùng anh Chỉ có em thôi bên anh trên con đường xa lắc!
Mùa hè rớt (Bằng Việt dịch)
Có một mùa thu trong sáng diệu kỳ, Sức nóng êm ru, màu trời không chói, Mùa hè rớt cho những người yếu đuối, Cứ ngỡ ngàng như lúc mới vào xuân.
Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng, Se sẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất... Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất, Hoa cuối mùa sặc sỡ lo âu.
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu, Tất cả thấm trên cánh đồng lặng sẫm, Hạnh phúc ít hơn mắt nhìn say đắm, Ghen tuông dù chua chát...có thà hơn.
Ôi cái mùa độ lượng rất thân thương, Ta tiếp nhận vì ngươi sâu sắc quá, Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ, Tình yêu đâu? Rừng lặng... bóng sao đi...
Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm, Ta biết lắm thời gian đang tiễn biệt, Nhưng mãi đến bây giờ ta mới biết, Yêu thương - giận hờn - tha thứ - chia ly...
Không nói
Em vẫn sống như ngày xưa từng sống Vẫn vui đùa, vẫn hát, vẫn cười vui Khi hè về đêm trắng vẫn dạo chơi, Vẫn ngắm Nêva những chiều ráng đỏ
Bởi nỗi buồn thời gian đã xoá Và tình yêu thành kỷ niệm xa xăm. Em đã quên, vâng em đã quên anh... Anh đối với em không phải là duy nhất!
Xin đừng giận, bởi đó là sự thật Em không muốn dối mình, và không muốn dối anh. Tình yêu qua như làn gió mỏng manh Trong chuyện đó chẳng phải em có lỗi.
Đừng trách em là người mau thay đổi Bởi tình yêu chỉ đến một lần thôi Tất cả những gì năm tháng đã cuốn trôi Sẽ vĩnh viễn không bao giờ trở lại....
Không Ðề (Bằng Việt dịch)
Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ Khúc hát ngây thơ một bài thiếu nữ "Ngôi sao cháy bùng trên sông Nhêva Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà"
Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn Em mới hiểu bây giờ anh có lý Dù chuyện xong rồi, anh xa cách thế Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa.
Lớp trẻ lớn lên giờ lại hát theo ta Lại nhắc lại vị ngọt ngào thuở trước Vẫn sông Nhêva chiều tà ánh nước Những nghĩ cho cùng họ có lỗi đâu anh?
Không đề
Anh hãy trở về trong giấc mở em Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh Anh một thủa như cuộc đời như chim như nắng Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô bờ
Anh bây giờ đã ở rất xa Khoảng cách bao la xoá nhoà hình dáng Chỉ còn lại trong tim nắm tro tàn ảm đạm Chẳng thể nào cháy lửa nữa đâu anh Chỉ mình em có lỗi, chỉ mình em Vì đã vội buông anh ra quá sớm Vì vẫn sống trái tim đầy kiêu hãnh Ôi lòng khát thèm chẳng thể nào nguôi
Anh hãy trở về trong giấc mở em Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh Anh một thủa như cuộc đời như chim như nắng Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô bờ
Không đề (1937)
Rồi những người từng chửi bới ngợi khen Rồi những người từng yêu mến hờn ghen Đều buồn bã đến mồ tôi vĩnh biệt Mỗi người ném một hòn đất xuống huyệt Cú ném cuối cùng của những bàn tay Nhưng riêng anh xin đừng đến nơi này Anh một thủa từng tặng tôi trời đất Từng cho tôi khổ đau và hạnh phúc Không, dẫu chết đi rồi, tôi cũng chẳng cần đâu Chút ân huệ cuối cùng tay anh đem trao Hãy để nỗi đau cho người sống Tôi muốn mình tốt nhất chìm xuống Trong những lo âu, bực bội, lỗi lầm Trong những điều trống trải, tối tăm ...
Mùa hè rớt - Olga Becgon Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ Cái nóng êm ru, mầu trời không chói Mùa hè rớt cho những người yếu đuối Cứ ngỡ ngàng như lại bắt đầu xuân
Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng Khe khẽ như không, dịu dàng, phơ phất Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm Hạnh phúc ít hơn khóe nhìn say đắm Ghen tuông dù chua chát cũng thưa hơn
Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương Ta tiếp nhận vì người sâu sắc quá Nhưng ta nhớ... Trời ơi ta vẫn nhớ Tình yêu đâu... Rừng lặng... Bóng sao im...
Sao ơi sao, sao sắp lặn vào đêm Ta biết lắm, thời gian đang vĩnh biệt, Nhưng chỉ mãi bây giờ ta mới biết Yêu đương, giận hờn, tha thứ, chia tay...
Lâu lắm rồi - Olga Becgon Lâu, thật đã lâu lắm rồi...
Lâu, thật đã lâu lắm rồi bặt tin như ngọn nến cháy lặng lẽ đủ sáng để thấy bóng nhau, đôi khi như cỏ lau không nhọn gai bám giữ cuộc đời xiêu theo gió mỗi cuối chiều chỉ một điều gì đơn giản lòng hoài quay quắt nhớ
Lâu, thật đã lâu lắm rồi không còn san sẻ những buồn vui thời gian chai đá mất nhau... lắm khi không gian thoảng tiếng thở dài những ngày mai ngoài tầm tay cút bắt, ngụp lặn, lao đao lâu, ừ lâu lắm rồi.
Lâu, thật đã lâu lắm rồi môi quên lời đắm say...
Lại một mình đơn độc lên đường (Thụy Anh dịch)
Lại một mình đơn độc lên đường Đường mong ước mà lắc lơ, bất trắc Niềm phóng khoáng, nỗi âu lo cùng đốt tim bỏng rát Đứng bậc cửa toa tàu, nỗi ớn lạnh rít qua tai
Dường như tôi đang tìm đến tuổi xuân ở cuối chặng đường dài Nơi nào nhỉ? Bao giờ? Liệu tôi có nhận ra người khi gặp mặt? Buổi chiều ấy có xanh biếc lên khao khát? Ngôi sao mai có hiền dịu như xưa?
Ngôi sao đầu tiên đã từng thế, rụt rè mơ Mọc âm thầm trên đỉnh cao lồng lộng Rồi cháy bùng, rồi bay theo con tàu đang phóng Suốt cuộc hành trình qua khung cửa… mãi kề bên
Ga xép lẻ loi, nơi mong muốn cứ dội lên Được nhảy khỏi toa tàu, chạy theo đường mòn khúc khuỷu Nơi thân trắng lá xanh cánh rừng thưa kỳ diệu Ước ở lại chòi canh bằng gỗ suốt đời
Một bến đợi lạ lùng trong đêm tối cuối trời Lửa sáng trên bờ, lửa ở sâu đáy nước Ai đó tôi không quen đứng chờ đây từ trước Mà từ xa tôi cũng có thể nhận ra
Chỉ một phút nữa thôi tôi sẽ nghe thấy người ta: “Em đây rồi. Anh đến với em, em có biết?” Phút đầu tiên tôi không thốt nên lời gì hết Chỉ chìa tay đón số phận của mình...
Ôi cứ cho điều này chẳng xảy ra đâu, Cũng chẳng sao Tôi vẫn đinh ninh Mà biết đâu cũng thể xảy ra?! Tim khởi sắc hồi sinh Vẫn hứa hẹn một hạnh phúc cho mình, vẫn khiến lòng bất an lo lắng Trên con đường đến lao động miệt mài và lớn lao như Trái đất ..
Tôi có gặp được chăng ga xép ấy xa vời Một bến đợi với những lời mê hoặc thế Khi từ lâu tôi biết mình không thể Cùng thành phố, ngôi nhà và cả anh nữa… chia tay…?
* * * Rồi cuối cùng tôi cũng gặp được người đây Tuổi trẻ tôi diệu kỳ… nhưng người đã khác! Mình gặp nhau bên mố cầu đen xơ xác Của vùng thảo nguyên sông Đông bạt gió đêm nào Nơi tuyết trải trắng trời trắng lên tận những vì sao Nơi tiếng lục lạc bùa mê nức nở Những bác xà ích lặng người nghe bài ca trăn trở Chẳng có gì buồn và trong sáng thiết tha hơn
Không khoác bộ đồng phục đoàn viên xanh thẫm đã sờn Mặc đồ khác, dáng đi dường cũng khác Như một người công nhân bình thường nơi sông Đông và Volga gió cát Tuổi thanh xuân đã như thế đón chào tôi
Sẽ rất lâu tôi sống trên đời Bằng ký ức buổi gặp người giản dị Đầy khắc nghiệt mà sao kiêu hãnh thế Chẳng hề dịu dàng đâu tháng hai ấy chiều đông Được ghi dấu bằng nỗi niềm sắt đá bên lòng Và vẻ đẹp kiêu sa bi tráng!
* * *
Lần đó chúng tôi ba người trên bến Tận bây giờ vẫn chưa biết về nhau Cùng lặng lẽ sưởi đôi tay bên ngọn lửa ấm màu Lúc ban đầu chưa vội vàng bắt chuyện
Cùng độ tuổi, cả ba từng mải miết Suốt cuộc đời mình mang giấc mộng như nhau Một người năm ba mươi xây nhà máy Tractor Năm bốn mốt lại xả thân mình mà bảo vệ Người kia kéo sụp mũ lên mái đầu muối tiêu và kể Rằng đã từng lái xe trên hồ Ladoga đóng băng Cứu trợ thành Len nạn đói ngập tràn Đi trong gió tuyết thế này… đã qua rồi mười năm chẵn
Thậm chí lũ chúng tôi còn cùng tưởng lại tuổi thơ xa vắng Ôn lại thời nội chiến năm nao, lời hiệu triệu cứu đói năm nào Rồi ánh điện đầu tiên từ Volkhov dâng trào Rọi thẳng vào tuổi thanh xuân Rọi vào ngôi trường yêu dấu
Tưởng lại ngày rời chiếc bàn học sinh thơ ấu Bỏ lại cho các em, chúng tôi bước vào đời Đến với hăng say lao động, trải trước mắt sáng ngời: Tấm bản đồ khai hoang đất ông cha máu thịt Lấp lánh ngọn lửa nhiều màu vui say nồng nhiệt
Thế rồi đất nước tôi từ trẻ đến già Hồi hộp dõi về ngày khánh thành thủy điện Đập bê tông trên sông Dnhepr Đã từng là biểu tượng thế hệ tôi tự hào khôn xiết
Rồi lửa cháy rực trời thành Madrid Hăm hở lên đường Đoàn người Xô viết Trong bão tố hiểm nguy tiếp ứng không nề Tây Ban Nha vang hy vọng tràn trề Giọng của Dolores Ibarruri: “Chúng ta sẽ vượt qua tất cả!”
Ngoảnh lại phía sau còn đó những phong ba Những mất mát, chiến tranh, những miệt mài lao động Những biến động đẩy đưa cuộc sống Chúng tôi trải qua ngày chiến thắng năm Bốn lăm Năm Năm hai mong đợi biển... ngóng trông Bến tàu xưa trên đất liền trải rộng Dưới chân người đất đá vôi nổi giận Đầy sức sống - cũng như ta - người cảm nhận Được tâm hồn âu yếm chuyến tàu xa Đang tiến về với bến cảng quê ta
Chúng tôi biết ngày giờ những con tàu sẽ tới Vời vợi cao sẽ tỏa bóng xuống địa cầu Mang nước sông Đông ào ạt dãi dầu Đổ vào khoảng bao la Volga phóng khoáng
Chúng tôi đứng đây ngước nhìn bất giác Từ trái đất này, từ dưới đáy bụi và tuyết bay Tưởng chừng thấy đáy con tàu và ánh sáng mê say Ôi con tàu chính ta đã làm ra Đang chầm chậm đi qua số phận mình kỳ lạ May mắn nhé trên bước đường mới lạ!
Người lên đường đến Matxcơva Từ bờ bến này lạc vào bến bờ xa Đi dưới những khải hoàn môn bát ngát Hãy vững chân đi đúng con đường diệu kỳ khao khát Tới mỗi cửa sông, trên mỗi bến tàu Kiêu hãnh vô cùng và rất vui tươi Nhưng chớ quên đi bao con người hồn hậu Đã xây dựng kênh đào cho tàu đi phơi phới
* * * Cạnh những tháp bơm ngày đêm gió thổi Sau tường chắn bê tông sông Đông vẫn dâng trào Sông tiến đến gần, sông chờ đợi khát khao Đợi con sóng đầu được đánh vào lòng biển
Bờ biển ấy do con đập chắn dựng lên nghễu nghện Như một phần của trái đất - rất lớn lao Dãy núi đồi đỉnh nhọn vươn cao Thấp thoáng hiện mờ dần nơi xa lắc Nơi có bóng sao nặng nề đỏ thắm Xuyên qua màn đêm vĩnh viễn gắn lên trời Sáng trên chiếc cần cẩu lấp lánh ánh ngời Từ phía bến tàu nhìn rõ ngôi sao ấy Con đập vững vàng rắn chắc đứng đây Hơn cả đá hoa cương, giữ biển yên mãi mãi
Nào phải âm thầm trong phòng thí nghiệm thử đúng - sai Chính ở đây đất vượt qua thử thách Bằng khó nhọc tình yêu, bằng khổ đau mất mát Bằng bước đi Lịch sử không chùn
Chọn thử đá bền qua lạnh giá nắng hun Với nhiều mẫu, cuối cùng ta đã thấy Một loại đá bền lòng như tim ấy Chịu đựng vượt qua lao động, đấu tranh Khiến bờ nay sẽ vững chãi yên lành Sừng sững trên bình nguyên thành đồng rắn chắc Lại ôm ấp biển xanh, nâng niu tuyết trắng Tuyết trắng vĩnh hằng trên thảo nguyên từ thuở xa xưa
Từ thành đập xuyên thủng sương mù Một tòa nhà gạch trắng màu thanh thoát Phát ra hào quang hàng trăm tia sáng Như ngọc trai tỏa ấm trong đêm
Màn sương… màn sương giá buốt ngời lên Những đống lửa, tuyết rơi, vòng người quây vui nhộn Đất trên những quả đồi, Sườn đê dựng cao ghê rợn Ngôi sao xa... và tiếng hò reo: “Sông Đông đã tràn vào!!”
Ánh sáng rùng mình thay đổi gam màu Máy khởi động và chúng tôi nín lặng Phía bên kia cống nước và thành bê tông đang yên ắng Bỗng réo sôi chuyển động nước dòng Đông
Từng đợt sóng bạc đầu lạnh cóng Khỏe như sức mạnh cả loài người Ào về phía Volga từ tháp nước cao vời Con sóng đầu tiên của sông Đông vĩ đại
Trải qua nhiều sóng gió đời nhìn lại Số phận ơi tôi tha thứ hết cho người Bởi ơn người đêm ấy không nguôi Khi cùng với nhân dân tôi đón đợt sóng đầu tiên từ dòng Đông đổ vào Volga yêu dấu
Chẳng dễ dàng có được đâu con sóng ban đầu Từ sông Đông chảy về Volga thời đó Nào ai hay từ Đại Tây Dương sóng đùa ngọn gió Dẫu chẳng sát bên ta Tia mắt Gã-Chiến-tranh sắc lạnh thăm dò Săm soi buổi chiều thiêng mắt rắn độc cứng đờ Nhìn thấy hết tòa nhà, hồ nước Thấy những điều quý giá được nâng niu, mơ ước Gã đã tâm tâm niệm niệm một điều Rằng phá hết.. Như từng phá tan nhà máy Tractor năm Bốn hai khốc liệt!
Nhưng chúng tôi… Chúng tôi nhớ những năm này bất diệt Nhớ tháng hai năm Bốn ba mảnh đất kiên cường Nơi đón nước sông Đông Nơi biển dậy trào dâng trên máu xương chiến sĩ Trên chiến tuyến vinh quang, như tượng đài thế kỷ Bẻ gãy sống lưng quân phát xít điên cuồng
Hãy để những kẻ thích đem chiến tranh đe dọa dân thường Không giây phút nào được quên tháng năm sôi sục nhất Cho chúng biết rằng chẳng bao giờ có điêu tàn đổ nát Đất nước này ta xây dựng vững bền Xây dựng cho muôn đời vĩnh viễn bình yên
(*) Tên họ tác giả theo gốc Đức viết là Bergholtz. Tiếng Nga không có chữ H nên phiên âm là Berggoltz. Để tiện cho bạn đọc Việt Nam, chúng tôi phiên âm theo cách đọc đã quen là Bécgôn. (B.V)
(1)Bôrix Coócnilôp (1907 – 1938): Boris Kornilov - nhà thơ Nga, người yêu của Olga Bergholtz. Kornilov tham gia nhóm Смена và được thừa nhận là một trong những nhà thơ trẻ tài năng nhất của nước Nga. Năm 1926 làm đám cưới với Olga Fyodorovna Berggolts (cũng là một thành viên của nhóm này). Cuộc hôn nhân này không được lâu nhưng nó là nguồn cảm hứng của một số bài thơ nổi tiếng của Olga Berggolts, từng được dịch ra tiếng Việt và được bạn đọc Việt Nam yêu thích. Có thể là do bạn đọc Việt Nam thương cảm cho số phận nghiệt ngã của những nhà thơ tài hoa mà bạc mệnh của nước Nga. Olga Berggolts có ba đời chồng nhưng có thể nói những bài thơ viết về Boris Kornilov, hoặc qua người khác nhưng nhắc tới Boris Kornilov là những tình cảm chân thành và xúc động nhất.
Năm 1928 Kornilov in tập thơ đầu tiên Молодость. Năm 1933 in 2 tập: Книга стихов và Стихи и поэмы. Thập niên 1930 Kornilov in nhiều trường ca và đặc biệt là Bài ca gặp gỡ - là tác phẩm nổi tiếng nhất của Kornilov được nhạc sĩ Dmitry Shostakovich phổ nhạc, trở thành biểu tượng của một thời đại.
Giữa thập niên 1930 Kornilov sa vào một cơn khủng hoảng tinh thần và đâm ra nghiện rượu nặng. Năm 1936 bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Năm 1937, trong cuộc Đại thanh trừng, Kornilov bị bắt tại Leningrad và bị xử bắn ngày 21 tháng 2 năm 1938. (theo Wikipedia)