Tướng Pháp: Việt Nam hãy “gõ trống” lên...

10:12 SA @ Thứ Tư - 25 Tháng Sáu, 2014

"Tôi đã từng nói với đồng nghiệp của bạn ở Paris rằng Việt Nam là đất nước “trống đồng” nên tôi nghĩ các bạn hãy “gõ trống” để cả thế giới thấy được vấn đề", Tướng Pháp Daniel Schaeffer bày tỏ trước việc Trung Quốc đang dùng hàng loạt chiêu trò xâm phạm Biển Đông...

Bên lề Hội nghị quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” đang diễn ra ở Đà Nẵng, Tướng Daniel Schaeffer, Chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, đã có cuộc trao đổi riêng với phóng viên Dân trí về những diễn biến mới nhất trên Biển Đông, chiến lược của Trung Quốc cũng như khả năng kiện Trung Quốc của Việt Nam và giá trị của các bằng chứng lịch sử trong các tranh chấp Biển Đông.

Giàn khoan thứ hai có thể kéo tới nhiều nơi

Trung Quốc vừa đưa tiếp giàn khoan thứ hai vào Biển Đông và vị trí hiện tại của nó là ở gần đảo Hải Nam. Theo ông, Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan này tới đâu?

Tôi cho rằng có nhiều khả năng. Có thể là giàn khoan này sẽ tiếp tục được đưa tới vị trí hiện nay của giàn khoan Hải Dương-981. Cũng có thể giàn khoan này sẽ ở trong vùng biển gần đảo Hải Nam trước khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981. Hải Dương-981 không ở một vị trí kể từ khi được triển khai. Ít ngày sau khi được triển khai vào vùng biển gần Hoàng Sa, nó đã được kéo cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc. Trung Quốc có thể nói “chúng tôi không tìm thấy gì” và họ sẽ kéo tới giàn khoan vị tới vị trí mới.

Cũng có khả năng giàn khoan thứ hai sẽ được kéo tới những lô dầu khí mà Việt Nam chưa khai thác. Ngoài ra, có khả năng khác là giàn khoan có thể được kéo tới vùng biển của Philippines, của Malaysia, hay vùng biển Indonesia, trong “đường 9 đoạn”. Tất cả các khả năng đều có thể, thậm chí là nó có thể được kéo tới Thái Bình Dương.

Nguy cơ tiềm tàng của giàn khoan này là gì thưa ông?

Có hai khả năng. Nếu giàn khoan được kéo tới Thái Bình Dương, trong trường hợp này, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được giảm đôi chút. Khả năng thứ hai là giàn khoan nằm trong vùng biển của Việt Nam thì mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ còn căng thẳng hơn, thậm chí là sau khi các quan chức cấp cao của hai bên, với phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, người từng là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã gặp nhau vào ngày 18/6.

Trung Quốc là “ảo thuật gia” nhiều chiêu trò

Vậy Trung Quốc đang áp dụng chiến lược gì ở Biển Đông thưa ông?

Tôi cho rằng kể từ năm 2006 Trung Quốc đã dùng chiến lược “chiếm dần từng bước”, nghĩa là thực hiện các bước đi cụ thể, vững chắc, không thể lay chuyển trên Biển Đông, để chiếm vùng biển này, để cuối cùng thế giới công nhận “đường lưỡi bò” là của họ.

Nhưng quan điểm này không thể chấp nhận được với các nước ASEAN, các nước có bờ biển giáp với Biển Đông và không thể chấp nhận với cả thế giới. Bởi chỉ cần nhìn vào châu Âu, chúng tôi có 6 công ty thương mại lớn hoặc là đi qua Biển Đông hoặc là có hoạt động trên Biển Đông, ví dụ như, tàu Viking 2 Việt Nam thuê của công ty Pháp, Bourbon Group, tập đoàn chuyên về các hoạt động trên biển, như cứu nạn, lắp đặt cáp dưới lòng biển…

Khi Trung Quốc chiếm các đảo trên Trường Sa, trong đó có đảo Gạc Ma, của Việt Nam, vào tháng 3/1988, cả thế giới thức dậy trong bất ngờ. Nhưng Trung Quốc đã có kế hoạch lâu dài để chiếm Biển Đông và cả Biển Hoa Đông. Họ có rất nhiều chiêu trò. Họ là “ảo thuật gia” với chiếc mũ mà mỗi lần họ rút về chúng ta không biết họ có gì trong mũ, trong túi quần, túi áo họ, nhưng chúng ta luôn biết là có điều bất ngờ. Đó là lý do vì sao các nước phải lên tiếng mỗi khi Trung Quốc có động thái trên Biển Đông. Nếu các nước ASEAN khua trống “đủ lớn” thế giới sẽ lắng nghe và gây áp lực với Trung Quốc.

Vấn đề là Trung Quốc cố gắng giữ cho vấn đề Biển Đông chỉ là vấn đề khu vực, nhưng nó không thể là vấn đề khu vực được bởi từ ngày 9/5/2009, khi họ đệ trình “đường 9 đoạn”, theo đó tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông lên Liên hợp quốc, thì tự bản thân vấn đề đã được quốc tế hóa rồi.

Dùng công hàm gửi LHQ của Trung Quốc để phản biện


Tướng Daniel Schaeffer cho rằng Việt Nam, Philippines có thể dùng chính công hàm của Trung Quốc gửi lên Liên hợp quốc làm phản biện.

Mới đây Trung Quốc cũng đã gửi tài liệu giải thích cho hành động triển khai giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam. Theo ông vì sao họ làm vậy trong khi họ không hề muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông?

Tôi cho rằng đây có thể là phản biện chống lại Trung Quốc, không chỉ Việt Nam mà cả Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei có thể sử dụng. Các nước có thể nói: Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề (Biển Đông-pv) nhưng sự quốc tế hóa đã được thực hiện bởi ít nhất 2 lần Trung Quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Tôi đã từng nói với đồng nghiệp của bạn ở Paris rằng Việt Nam là đất nước “trống đồng” nên tôi nghĩ các bạn hãy “gõ trống” để cả thế giới thấy được vấn đề. ASEAN cũng cần phải đoàn kết hơn để dẫn đầu cuộc vận động khắp thế giới chống lại Trung Quốc

Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine đã không xảy ra thì có thể Mỹ và Nga sẽ mang lại sự cân bằng ở phương Đông và Trung Quốc có thể sẽ “bớt ầm ĩ” hơn như bây giờ.

Theo ông chúng tôi nên kiện Trung Quốc điều gì nếu đưa tranh chấp Biển Đông lên tòa án quốc tế?

Tôi cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc đúng như những gì Philippines đang làm, thách thức tính xác thực của “đường 9 đoạn” theo Luật quốc tế bởi “đường 9 đoạn” này cắt vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và các nước khác.

Việt Nam cũng nên hỏi thêm kinh nghiệm của Philippines. Sau khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước luật biển, vào tháng 8/2006, họ đã gửi tuyên bố loại bỏ một số trường hợp được đưa ra tòa án quốc tế, liên quan đến các vùng chồng lấn quy định đâu là vùng biển của họ và của các nước láng giềng. Nhưng tuyên bố này không thể “che chắn” cho được mọi khả năng và Philippines đã tìm ra Phụ lục số 7 của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) và Điều khoản 298 về khả năng đưa vụ việc ra tòa án quốc tế về Công ước luật biển.

Philippines có thể kiện “đường lưỡi bỏ” Trung Quốc lên tòa án quốc tế về luật biển là bởi họ biết họ tuân thủ theo luật của Liên hợp quốc. Việt Nam nên làm điều tương tự. Trung Quốc dĩ nhiên sẽ lớn tiếng phản đối, nói rằng “Việt Nam không tôn trọng luật biển quốc tế”, nhưng Trung Quốc thừa biết họ mới là nước không tôn trọng và thừa biết các bạn, Việt Nam, cũng như Philippines và các nước khác mới là những nước tôn trọng luật biển.

Theo ông thì bằng chứng lịch sử có giá trị gì trong những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông?

Bằng chứng lịch sử tất nhiên có giá trị. Bản đồ “đường 9 đoạn” được in vào năm 1947. Nhưng phải đến tháng 5/2009 Trung Quốc mới gửi công hàm về “đường 9 đoạn” này lên Liên hợp quốc, tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Và nó được chính thức đưa ra sau khi Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS. Cần phải xem xét đến việc Trung Quốc đưa công hàm về “đường 9 đoạn” sau khi phê chuẩn UNCLOS. Nếu Trung Quốc có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền của họ, họ đã đồng ý đứng ra trước tòa án quốc tế.

Trong một vụ kiện tòa án quốc tế luôn xem xét các bằng chứng lịch sử. Nhưng các bằng chứng lịch sử đó phải được chứng minh, được khẳng định bởi các chuyên gia có tiếng. Trung Quốc luôn nói đến bằng chứng lịch sử của “đường 9 đoạn” nhưng bằng chứng của họ đâu?

Ngài có nghĩ đến tình huống xấu nhất cho căng thẳng hiện nay ở Biển Đông hay không?

Không tôi không nghĩ tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cùng lắm là “nửa đụng độ”. Bởi nếu chiến tranh xảy ra, Mỹ buộc phải nhảy vào can thiệp và khi đó họ, cả Mỹ và Trung Quốc, sẽ tự phá hủy chính họ đúng theo nghĩa đen, như chúng ta đã từng trải qua trong Thế chiến II.

Hơn nữa các tuyến đường biển trên Biển Đông nhộn nhịp gấp 3 lần Kênh đào Suez, gấp 6 lần Kênh đào Panama. Hầu hết tàu thương mại tới Trung Quốc là đi qua những tuyến đường này. Sẽ không ai muốn có chiến tranh xảy ra.

Nguồn:Dân Trí
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dân tộc hào vượng, Quốc gia hùng cường

    12/08/2014Nguyễn Tất ThịnhChúng ta không muốn tự hào vì thế kỷ nào cũng có chiến thắng trong chiến tranh ! Chiến tranh xảy ra nhân dân luôn là bị thua thiệt nặng nề, dai dẳng và dính nhiều di căn nhất ! Chúng ta học hỏi cách không để xảy ra chiến tranh không phải bằng tâm lý chấp nhận kẻ bạo cường, cam phận đội vòng kim cô ma mị , mong tồn tại trong thân phận thấp hèn, bị khinh rẻ trong thế giới văn minh. Đó chính là phải KHAI TÂM, PHÁT LỰC, TẠO THẾ, MỞ ĐẠO cho từng người Dân...
  • Giờ mới thấm hai chữ “viển vông”

    23/06/2014Nguyễn Vũ"... phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó". Nay với thực tế diễn ra qua chuyến đi của ông Dương Khiết Trì mới thấm thía hai chữ “viển vông” này.
  • Trung Quốc đang thật sự muốn gì?

    19/06/2014Hải ĐăngHơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông, nên nếu xung đột nổ ra ở đây sẽ gây khó khăn cho nhiều nước...
  • Quốc hội và công thư Phạm Văn Đồng

    17/06/2014Nguyễn VũQuốc hội đang họp kỳ họp thứ bảy trong bối cảnh Trung Quốc đưa giàn khoản Hải Dương vào sâu thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt gần đây trong những lập luận “ngược đời” để xác lập chủ quyền Hoàng Sa, phía Trung Quốc đã viện dẫn công thư mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào ngày 14-9-1958...
  • Ai có thể giúp Việt nam buộc Trung Quốc rút giàn khoan 981?

    13/06/2014Hải NinhMỹ, Nhật và các nước chỉ trích nhưng Trung Quốc vẫn lấn tới, gia tăng các hoạt động ngang ngược. Vậy nước nào có thể khiến Trung Quốc sợ?
  • Vận mệnh nước Việt cần sự dấn thân của cả dân tộc

    06/06/2014Kỳ DuyênVận mệnh sinh tử nước Việt lúc này không thể chờ sự … bâng khuâng, mà cần sự thay đổi nhận thức và sự dấn thân của cả dân tộc, của chính quyền, của nhân dân...
  • Kiện Trung Quốc ở tòa nào?

    01/06/2014LS Tạ Văn TàiViệc khởi kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế sau khi quốc gia này có hành động xâm lấn trái luật vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông là một trong số các biện pháp đấu tranh ngoại giao và pháp lý mà Chính phủ đang xem xét tiến hành. Nhưng kiện ở tòa nào, với những nội dung lập luận gì để có thể giành được thắng lợi?
  • SWOT của Việt Nam hiện nay

    28/05/2014Nguyễn Tất ThịnhTrong bối cảnh hiện nay chúng ta đều thấy Đất nước đứng trước sức ép, thách thức và cơ hội lớn để suy nghĩ và thay đổi đường hướng phát triển về ( Chính trị, Văn hóa và Kinh tế ). Càng thấu hiểu, càng đi đến giải pháp đúng!
  • Biển Đông: cơ hội để nhìn lại

    23/05/2014TS. Giáp Văn DươngMấy ngày nay, cả nước sôi sục vì sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến hạ đặt tại khu vực biển Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn chỉ 119 hải lý, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam...
  • Ghi chép về giàn khoan 981

    23/05/2014Chuyên gia Đỗ Thái BìnhCâu hỏi về tàu thuyền này nọ được đặt ra vào lúc chúng ta ngày càng phải giải quyết nhiều vấn đề từ biển cả...
  • xem toàn bộ