Ai có thể giúp Việt nam buộc Trung Quốc rút giàn khoan 981?
Mỹ, Nhật và các nước chỉ trích nhưng Trung Quốc vẫn lấn tới, gia tăng các hoạt động ngang ngược. Vậy nước nào có thể khiến Trung Quốc sợ?
Tính đến nay là đã hơn 1 tháng kể từ ngày Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và ngày càng gia tăng các hoạt động gây hấn với lực lượng chấp pháp cũng như ngư dân đánh cá của Việt Nam. Dư luận đặt ra câu hỏi: Ai sẽ làm trung gian giải quyết hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc?
Để làm rõ vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc đối thoại với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam và Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an.
- Tại Shangri-La, đại diện Trung Quốc đã phản pháo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel rằng hai nước này đã liên thủ để khiêu khích, chống lại Trung Quốc. Theo ông, hành động phản pháo này của Trung Quốc họ đang minh chứng không sợ quốc gia nào hay chỉ lớn tiếng để lấp đi các hành vi sai phạm?
- Tướng Lê Mã Lương: Trung Quốc chỉ là một nước mới nổi, ngay đầu tiên họ đã bộc lộ những sai lầm. Trung Quốc lớn tiếng hù dọa nước này nước khác nhưng các quốc gia khác họ không ngại gì Trung Quốc, thậm chí coi thường Trung Quốc.
- Tướng Lê Văn Cương: Chỉ xét riêng hành vi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp vi phạm Luật pháp Quốc tế, việc Trung Quốc bị một số quốc gia phản ứng kiên quyết về hành vi ngang ngược của nước này cũng là điều có thể hiểu được. Dù Trung Quốc có hù dọa các quốc gia bằng các phát ngôn ngang ngược nhưng đối với các quốc gia, họ không ngại Trung Quốc bởi họ không có cơ sở pháp lý, ngược với Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn có đạo lý, nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Thiếu tướng Lê Văn Cương.
- Mỹ và Nhật Bản được đánh giá cao trong vai trò có thể giải quyết hành vi ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, các ông đánh giá vai trò của các quốc gia này ra sao?
- Tướng Lê Mã Lương: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã không ngần ngại chỉ đích danh: trong những tháng qua, Trung Quốc đã có những hành động gây mất ổn định khu vực, đơn phương khẳng định chủ quyền ở biển Đông. Ngoài ra, vị này cũng vạch ra những hành động gây hấn của Trung Quốc gần đây như ngăn chặn Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough, tìm cách kiểm soát bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cải tạo đất đai trên bãi Gạc Ma và mới nhất là triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển Việt Nam. Mỹ cũng bày tỏ rõ ràng quan điểm “Không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực để củng cố các tuyên bố chủ quyền... Mỹ sẽ không làm ngơ nếu thế lực nào đó đe dọa các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế”.
Trên thực tế, với vai trò quốc tế, định hướng xoay trục sang châu Á, Mỹ đã thực hiện chiến lược của mình. Trung Quốc mà đánh giá yếu Mỹ thì đó là một sai lầm lớn. Trung Quốc hạ thấp vai trò của Mỹ thì Trung Quốc sẽ lãnh đòn đau. Mỹ và thế giới sẽ cảnh giác với Trung Quốc.
Về Nhật Bản, xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư, việc Nhật Bản kiên quyết tạo cho Trung Quốc nhiều bất ngờ. Trung Quốc đã đo được sức mạnh của Nhật Bản. Trung Quốc không thể coi thường Nhật bởi những năm gần đây Nhật đã củng cố phát triển phòng vệ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sở hữu nhiều vũ khí hiện đại. Trong khi đó, Trung Quốc lại yếu về hải quân và không quân. Nhật đang trở thành đối trọng của Trung Quốc. Có điều lạ, Trung Quốc khi vào thế bị động thì thường hay lên gân. Việt Nam có lợi thế rất lớn khi được sự ủng hộ của Nhật Bản trong việc buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt các hành vi xâm lấn.
- Tướng Lê Văn Cương: Thực tế, Mỹ ủng hộ Việt Nam trong việc buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam là do Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế cực quan trọng. Nhật Bản tương đối mạnh nhưng phải lo giải quyết chuyện trong nước. Vì thế, vai trò của hai quốc gia này không giúp gì được nhiều cho Việt Nam. Chúng ta phải tự sức mình là chính.
- Mỹ, Nhật đều có vai trò nhất định nhưng không thể buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981. Vậy liệu khối ASEAN có thể làm được điều này hay không?
- Tướng Lê Mã Lương: Có một thực tế đáng buồn là các nước ASEAN chưa đồng thuận. Myanmar ngồi yên với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia bị lôi cuốn vào mối quan hệ sâu với Trung Quốc. Philippines và Lào giữ thái độ im lặng…Điều cần là khối ASEAN đoàn kết mới chống lại được Trung Quốc. Điều Việt Nam cần làm là kêu gọi sự đoàn kết toàn khối ASEAN nhưng việc làm này e chừng là rất khó.
- Tướng Lê Văn Cương: Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ từ khối ASEAN thì chúng ta vẫn kêu gọi. Tuy nhiên, ASEAN hiện nay đang bị chia rẽ. Nhiều quốc gia ASEAN bị chi phối bởi mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc như Thái Lan, Malaysia…Vì thế, 99% chúng ta hãy tự lo để giải quyết vấn đề của chúng ta.
- Nhiều ý kiến cho rằng, các tòa án quốc tế sẽ là nơi trung gian chính để giải quyết vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt ngang ngược trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Vậy vai trò của tòa án quốc tế ra sao?
- Tướng Lê Mã Lương: Vai trò của tòa án Quốc tế là rất lớn. Điển hình như vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, Trung Quốc đã phải hạ giọng, muốn Philippines rút đơn kiện. Lý do là Trung Quốc yếu về mặt pháp lý. Việt Nam cần kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng kiện ra tòa nào phải tính toán kỹ. Nếu chúng ta không kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới. Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế. Chúng ta sẽ không thể chần chừ trong việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, dù thời điểm kiện sẽ được cân nhắc nhưng chúng ta có sự đồng tình của nhân dân cả nước, với những căn cứ đầy đủ, trước sau chúng ta cũng sẽ thắng.
- Các chuyên gia có nghĩ đến phương án, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề giàn khoan Hải Dương 981?
- Tướng Lê Mã Lương: Tôi nghĩ rằng việc này sẽ khó khăn. Tôi lại lo lắng Trung Quốc tiếp tục ép mình thành Thành Đô 2 để cuốn chúng ta nằm trong quỹ đạo để họ kiểm soát. Vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 là cơ hội tốt để Việt Nam nhìn Trung Quốc toàn diện về lịch sử, kinh tế…
Thiếu tướng Lê Mã Lương.
- Hiện nay, dù chưa một quốc gia hay tổ chức nào có thể đóng vai trò trọng trách trong việc giải quyết buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và chấm dứt các hoạt động gây hấn, chúng ta phải làm gì để tự giải quyết vấn đề của chúng ta?
- Tướng Lê Mã Lương: Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế về chủ quyền biển đảo, ngoài ra đó còn là hành vi xâm lược chứ không phải là tranh chấp lãnh thổ. Chúng ta cũng không thể nhìn nhận Trung Quốc như anh em trong một gia đình để giải quyết mâu thuẫn kiểu gia đình bởi trong quan hệ quốc tế không ai đề cập mâu thuẫn quốc gia như mâu thuẫn gia đình. Hơn nữa, đến thời điểm này, chúng ta không nên tin vào tình cảm hữu nghị, tốt đẹp của Trung Quốc.
Hiện dù chưa có quốc gia, tổ chức nào đứng ra giải quyết vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam nhưng chúng ta có lợi thế khi được một số quốc gia như Mỹ, Nhật…ủng hộ. Chúng ta cũng có được sự thống nhất của toàn Đảng, toàn dân. Đó là những cơ hội tốt. Còn nắm bắt được cơ hội hay không lại là vấn đề khác.
- Tướng Lê Văn Cương: Việt Nam mình phải tự lo cho mình trước khi trông cậy vào quốc tế. Mình phải thống nhất, đoàn kết toàn dân tộc để kết thành sức mạnh, dựa vào sức mình là chính. Đừng hi vọng vào các quốc gia khác hay điều gì khi bản thân mình không quyết tâm.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Văn Cương và Thiếu tướng Lê Mã Lương về cuộc đối thoại này!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn