Vận mệnh nước Việt cần sự dấn thân của cả dân tộc

09:38 SA @ Thứ Sáu - 06 Tháng Sáu, 2014

Vận mệnh sinh tử nước Việt lúc này không thể chờ sự … bâng khuâng, mà cần sự thay đổi nhận thức và sự dấn thân của cả dân tộc, của chính quyền, của nhân dân...

Những ngày này, nhân dân cả nước như “sôi” lên vì một vụ việc thách thức nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Đó là mới đây, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào hoạt động trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, cách bờ biển VN khoảng 120 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN khoảng 18 hải lý. Tọa độ đặt giàn khoan này đặc biệt quan trọng về vị trí chiến lược an ninh và quốc phòng. Theo các chuyên gia, ở đây có thể quan sát được toàn bộ 3260 km bờ biển VN.

Như vậy, giàn khoan dầu khí chỉ là một “chân sói” trong ngụ ngôn xa xưa….

Lòng tham và ý đồ xâm chiếm chủ quyền nước Việt của TQ, quốc gia vẫn luôn tự nhận là bạn vàng đã đến lúc không thể che giấu.

Vàng hóa ra không cần thử lửa, mà chỉ cần thử bằng... nước Biển Đông, vẫn có thể lộ rõ, vàng hay chỉ là… thau!

Không có gì bất biến

Nhưng bình tĩnh suy xét, ở thời đại này, sẽ thấy không có cái gì là bất biến. Nhà thơ Xuân Quỳnh từng có một câu thơ đắng chát, tưởng chỉ nói về tình yêu trai gái, mà hóa ra nói về cái… tình của quốc gia với quốc gia cùng ý thức hệ tư tưởng: “Hôm nay yêu mai đã lại xa rồi”.

Cái mai ấy, tiếc thay, nó đang là hôm nay một cách nhãn tiền.

Khi cái giàn khoan khổng lồ với chiến thuật “quốc gia di động” đang hàng ngày, hàng giờ, hàng phút diễu võ giương oai, khoan vào nỗi đau rỉ máu của 90 triệu người dân Việt trước chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm trắng trợn.

Câu thơ tình hóa ra, còn là dự báo cho sự xoay vần của thế cuộc các quốc gia ở cái thời đại mà nếu trí tuệ và tỉnh táo, khôn ngoan nhất, sáng suốt nhất, bất di bất dịch nhất, sẽ nhận ra với bất cứ quốc gia nào, cũng chỉ có lợi ích dân tộc là tối thượng. Ngay chính khách nổi tiếng như Thủ tướng Anh Spencer-Churchill, vị Thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel Văn học, cũng là người từng có phát ngôn nổi tiếng về cái sự bất biến: Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn.

Và vì lợi ích dân tộc là trên hết, thì cái sự “tráo trở”, hay phản trắc của lòng người, phải được coi là điều không bị bất ngờ.

Nhất là cái sự tráo trở, phản trắc, tham lam ấy đặt trong một bối cảnh lịch sử hàng nghìn năm Bắc thuộc, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại. Người dân Việt xưa nay không bao giờ ảo tưởng hay ngộ nhận về lòng tốt mà ngược lại, quá hiểu “bụng dạ” các triều đại phong kiến TQ cho đến tận… hôm nay.

Đặt trong cái số mệnh địa lý- chính trị đặc biệt và khắc nghiệt của nước Việt luôn ở vị trí đầu sóng ngọn gió, đối mặt với nước láng giềng mà cả tiềm lực kinh tế, quân sự lẫn lòng tham, sự thâm hiểm quỷ quái đều mạnh như nhau.

Theo TS.Nguyễn Khắc Thuần, nguyên Viện Trưởng Viện Châu Á , hiện là Trưởng khoa Du Lịch và Việt Nam Học (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay, không triều đại nào của TQ lại không đưa quân sang xâm lược nước ta.

Một quốc gia hùng mạnh đánh một quốc gia nhỏ yếu hơn. Hẳn kết cục ra sao ai cũng rõ.

Nhưng sự “bất ngờ” của lịch sử vẫn luôn xảy ra. Đó là “Các triều đại TQ xâm phạm VN đều bại” (Tuần Việt Nam, ngày 13/5).

Vẫn còn đây, bản hùng ca được coi là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên và bất hủ của nước Nam, khi Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư(Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

“Bất ngờ” nhất, là thời nhà Nguyên, châu Âu hoảng sợ, châu Á tan hoang bởi vó ngựa hung hãn của đế quốc Mông Nguyên. Nhưng ba lần tràn sang, cả ba lần quân Mông Nguyên đều bị thất bại nặng nề (1258-1288) (Tuần Việt Nam, ngày 13/5; và theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) .

Cho dù thế, thì lòng tham của TQ chưa bao giờ có điểm dừng.

“Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán” ở họ một lần nữa lại trỗi dậy trong thời hiện đại, thời mà các quốc gia coi trọng đối thoại hơn đối đầu. Sự thâm hiểm và tính toán tinh vi là ở chỗ, TQ rất biết cách chọn thời điểm nước Việt có những bất cập, tụt hậu trước yêu cầu phát triển để đục nước thả… giàn khoan.

Có điều, dù có binh hùng tướng mạnh, có những nước cờ thâm hiểm hơn nước Việt về nhiều phương diện, TQ vẫn là gã khổng lồ đang muốn che dấu "gót chân Asin", đánh lạc hướng với chính nhân dân TQ.

Khi mà giới cầm quyền TQ cũng đang phải đối diện với một cuộc “khủng hoảng tín nhiệm xã hội” .. để giải quyết những lo lắng đó, TQ hướng sự chú ý trong nước ra bên ngoài, đánh lạc hướng dư luận, tìm đến “giải pháp biển Đông”, nhằm tạo ra một đợt thủy triều dâng cao của chủ nghĩa dân tộc được sử dụng như một chất kết dính xã hội(Tạp chí VHNA, ngày 09/5).


Người dân tuần hành tại Hà Nội sáng 11/5 phản đối TQ hạ đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đó là một “bất ngờ” khác. Lấy sự gây tổn thương cho một quốc gia khác, để … hàn gắn những rạn nứt sâu sắc trong quốc gia mình. Rất nhất quán với ba tư tưởng lớn của chiến lược bành trướng tồn tại xuyên suốt lịch sử TQ là: Viễn giao cận công (Xa thì giao hảo còn gần thì đánh), tiền Nam hậu Bắc (giải quyết các vấn đề ở phương Nam trước, giải quyết các vấn đề ở phương Bắc sau) và Tằm thực (Làm theo lối tằm ăn dâu. Bé nhỏ là con tằm mà ăn hết cả vườn dâu lúc nào không hay (Tuần Việt Nam, ngày 13/5)

Không có gì là “bất biến” cũng đang linh ứng ngay với sức mạnh TQ, là vậy!

Cần sự dấn thân của cả dân tộc

Nhưng trong “nguy có cơ”. Ông cha ta đã từng tổng kết một cách sâu sắc về bản lĩnh sống trước mọi thách thức của dân tộc Việt, khi chủ quyền, độc lập dân tộc bị đe dọa.

Ở một vị thế nước nhỏ, yếu hơn, ở cạnh một nước lớn, nham hiểm và quỷ kế, nước Việt từ ngàn đời xưa luôn có tâm thế giữ tình hòa hiếu, ngay cả khi chiến thắng các đoàn quân xâm lược từ phương Bắc. Nhưng lòng yêu nước của dân tộc Việt cũng luôn dâng đầy và cuồn cuộn hơn sóng nước Biển Đông, mỗi khi chủ quyền quốc gia bị xâm lấn. Và sự hòa hiếu mỗi thời cũng mỗi khác.

Đã qua rồi cái thời thế giới hỗn mang, nước Việt chỉ thấy có Trung Hoa phong kiến ngự trị đáng sợ. Thời hiện đại ngày ngay, thế giới phẳng cho thấy còn rất nhiều những giá trị văn minh của nhân loại ngự trị. Thì muốn hòa hiếu với … "dã tâm" để gìn giữ chủ quyền quốc gia, nước Việt phải rất tinh tường, khôn ngoan trong sự chọn lọc các giá trị để không trở nên cô đơn và một mình một chợ.

Không ai có thể quên những tháng năm nóng bỏng này. Hàng ngàn, hàng vạn người dân Việt, già trẻ trai gái ở Hà Nội, t/p HCM, Đà Nẵng nhất tề xuống đường.

Hướng đạo các cuộc biểu tình này, không ai khác, chính là lòng yêu nước.


Canh giữ biển đảo quê hương. Ảnh: Kiên Trung

Lòng yêu nước đã hội tụ người Việt lại với nhau đi theo tiếng gọi bảo vệ non sông, bờ cõi, như câu thơ một bạn trẻ đã viết lên bằng cả máu thịt mình: Hồn dân tộc nghìn năm không chịu khuất!

Hàng ngàn bài báo, mạng truyền thông, mạng xã hội đỏ rực màu cờ VN, kịp thời cập nhật thông tin mỗi ngày, mỗi giờ, phân tích, bình luận, phản đối TQ đặt giàn khoan Hải Dương- 981, đề xuất các giải pháp, mong muốn đưa hành vi xâm lấn của TQ ra trước tòa án quốc tế.

Người dân Việt đang “ăn Biển Đông, ngủ Biển Đông”. Tất cả hướng ra Biển Đông lo âu, căm giận…

Cũng là lần đầu tiên, người đứng đầu CP công khai tuyên bố lên án hành động của TQ trước thế giới, nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Myanmar: Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông(VietNamNet, ngày 11/5).

Điều bất ngờ trong vụ việc này, sự xâm lấn của TQ làm tổn thương nặng tình hòa hiếu của nhân dân giữa hai quốc gia, nhưng ở khía cạnh khác, nó thức tỉnh nhận thức bảo thủ và “mơ hồ” về những điều xưa nay không có thật. Thức tỉnh nước Việt cần có những động thái thay đổi một cách quyết đoán- vì lợi ích quốc gia- tạo nên nội lực mạnh mẽ, để đứng vững trước giông bão của thời thế.

Điều này vô tình không hẹn mà gặp- những đòi hỏi khẩn thiết của nước Việt những năm tháng này. Trước sự tụt hậu về kinh tế xã hội trên con đường hội nhập. Trước những đòi hỏi xây dựng nền kinh tế thị trường thực chất, đúng nghĩa, trên nền tảng một thể chế quản lý đang rất cần thay đổi, cải cách, chống lại giặc nội xâm- tham nhũng- động lực thúc đẩy để VN có thể tham gia vào Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tâm thế bình đẳng.

Trong bài viết mới đây trên Tuần Việt Nam, ngày 13/5, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE) đã nhìn nhận thẳng thắn: Rõ ràng VN cần tự thoát khỏi thế kìm kẹp này bằng cách tự đổi mới mình… Việc VN cải tổ theo hướng thúc đẩy nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tự do, và một xã hội dân sự phát triển chắc chắn sẽ kết nối VN với các nước Châu Âu, Úc, Hàn, Nhật và Mỹ. Khi đó, sự ủng hộ VN sẽ mạnh hơn nhiều.

Cả đối ngoại- cuộc chiến chống “ngoại xâm”, và đối nội- cuộc chiến chống sự tụt hậu, chống giặc “nội xâm” tham nhũng tàn phá đất nước- đều đang đòi hỏi nước Việt phải thay đổi, đổi mới chính bản thân mình, vượt lên chính mình.

Chợt nhớ câu thơ giữa ngã ba đường mà khi dấn thân theo con đường cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?

Nhưng vận mệnh sinh tử nước Việt lúc này không thể chờ sự … bâng khuâng, mà cần sự thay đổi nhận thức và sự dấn thân của cả dân tộc, của chính quyền, của nhân dân.

Chỉ khi ấy, cả nước Việt, tin chắc, sẽ cùng nhìn về một hướng- vì lợi ích dân tộc, vì sự trường tồn và phát triển của cả quốc gia.

Sự nguy hiểm của thói tham lam, ngang nhiên xâm chiếm vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế VN của TQ, làm nước Việt phẫn uất, nhưng nó cũng tạo ra một cơ hội thúc đẩy nước Việt thay đổi, đổi mới, nắm bắt những giá trị văn minh của nhân loại, tạo ra giá trị bền vững của mình. Mà nhờ đó, nước Việt sẽ trở nên mạnh mẽ, tự tin trước đầu sóng ngọn gió Biển Đông.

Chỉ có lợi ích quốc gia trên hết- là bất biến! Chỉ có lòng yêu nước là bất biến.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Yêu nước

    30/04/2016GS. Tương LaiKhi “sơn hà nguy biến” trước giặc ngoại xâm thì phải bằng súng gươm để hóa giải, nhưng khi đất nước đối diện với nghèo nàn và lạc hậu, với tham nhũng và thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức quyền, thì phải bằng bản lĩnh và trí tuệ của tuổi trẻ để giúp nước. Cuộc chiến đấu này không có gươm súng, không dàn thành trận tuyến nhưng...
  • SWOT của Việt Nam hiện nay

    28/05/2014Nguyễn Tất ThịnhTrong bối cảnh hiện nay chúng ta đều thấy Đất nước đứng trước sức ép, thách thức và cơ hội lớn để suy nghĩ và thay đổi đường hướng phát triển về ( Chính trị, Văn hóa và Kinh tế ). Càng thấu hiểu, càng đi đến giải pháp đúng!
  • Yêu nước có cần "ra điều kiện"

    21/05/2014Đặng Hoàng GiangYêu nước kiểu mới là xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường và công nhận các hội đoàn dân sự: Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là “sáng tạo” tùy tiện của kẻ mạnh, mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình lấy sự phát triển của con người làm trung tâm...
  • “Không thể yêu nước trong sự vô minh”

    27/03/2014GS. Nguyễn Xuân XanhNgười Nhật nổi tiếng trong lịch sử là dân tộc đọc sách vào bậc nhất thế giới. Quyển Self-help (Tự lo) của Samuel Smiles từng là best-seller tại Anh, Mỹ, bán được 250.000 quyển cuối thế kỷ 19, nhưng khi được dịch sang tiếng Nhật đầu thời Minh Trị (1868) bán đến 1 triệu bản!
  • Công chức - thái độ hiện nay về lòng yêu nước

    09/07/2011Vinh AnhTrước đây, thường chỉ nghe nói đến cái sự hèn của trí thức. Chưa thấy ai nói đến cái sự hèn của công chức. Chỉ biết là có công chức mẫn cán và có công chức lười biếng và người có chút hiểu biết, coi đó chỉ là những tay làm thuê, chẳng khác gì những người lao động cơ bắp...
  • Có nên bao cấp lòng yêu nước?

    06/07/2011Phạm Gia MinhKhông thể có chỗ đứng cho cơ chế bao cấp đối với lĩnh vực thiêng liêng nhất trong trái tim và khối óc mỗi người Việt chúng ta, đó là lòng yêu nước. Bởi lẽ biển cả trí tuệ và lòng dũng cảm của nhân dân bao giờ cũng vô địch, nó có thể đưa cả con tàu vượt ngàn trùng nhưng cũng có thể lật thuyền ngay cả nơi nước cạn...
  • Lòng yêu nước

    20/06/2011TS. Phạm Gia MinhLòng yêu nước vốn rất sâu sắc và mãnh liệt xét trên 2 bình diện xã hội gồm giai tầng lãnh đạo( người nắm quyền cai trị) và người dân ( kẻ bị trị) đã có lúc bị mai một và chỉ còn như cái bóng khi dân bị bóc lột, hà hiếp còn vua , quan chỉ chăm chăm cướp đoạt, làm giàu, hưởng lạc và chia bè kéo cánh...
  • Yêu nước không có nhiệm kỳ

    20/07/2010Phùng NguyênNhiệm kỳ là thời hạn chức vụ được quy định khi bổ nhiệm, nhưng lòng yêu nước vốn không có thời hạn nhiệm kỳ. Vậy mà hai khái niệm tưởng chừng như tách rời này lại liên quan chặt chẽ đến nhau...
  • Mỗi người có cách yêu nước riêng

    27/05/2009Hàm ĐanVượt qua mục đích ban đầu là bộ phim tài liệu độc lập của gia tộc, Mạn đàm về “người man di hiện đại” đã dựng chân dung một người “khổng lồ” đầu thế kỉ XX: Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
  • xem toàn bộ