Nhớ lại ngày giải phóng Thủ đô 50 năm trước

04:04 CH @ Thứ Ba - 10 Tháng Mười, 2017

Năm 1950. Có chủ trương "chuẩn bị Tổng phản công". Nhưng địch đã chiếm hết đất Liên khu 3, nhiều trường trung học Liên khu 3 phải dời vào xứ Thanh.

Tôi bắt đầu ăn "nhờ", ở "đậu", học cũng "nhờ" luôn, ở trường trung học Lam Sơn - Thanh Hóa lúc bấy giờ tản cư ra vùng Thọ Xuân; bên bờ nông giang với những tên làng trìu mến: Làng Cốc, Thành Tín, Làng Quả (thượng hạ)...

Năm 1950 cũng là năm "cải cách giáo dục” của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ hai cấp Trung học phổ thông và Chuyên khoa (4+3) kiểu Pháp (chương trình của Hoàng Xuân Hãn) chuyển qua Trường phổ thông 9 năm 3 chặng (sau thêm một là 10) kiểu Liên Xô (chương trình của Nguyễn Khánh Toàn).

Tôi vào lớp 8, rồi lớp 9. Rồi 9 "bổ túc" (tức sẽ chuyển thành 10). Và rồi "đợi đấy!". Ở xứ Thanh, có Trường Dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp mới mở được một khóa với các GS Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu... Nhưng không chắc niên khóa 1953-54 có khai giảng không vì trường thiếu tiền. Ông Phạm Văn Đồng. Phó Thủ tướng đang bấn lên với "Hội đồng cung cấp Trung ương" chi viện cho chiến trường Tây Bắc. Thày Giàu đi bộ ròng rã cả tháng trời (có lúc được đi ngựa) lên Việt Bắc xin tiền. Ông Đồng bảo: Kháng chiến không xây nhà 3 tầng (Tiểu - Trung - Đại học). Tôi cho anh mở nốt Dự bị Đại học, đến tháng 5-1954 là cắt kinh phí...

Trong lúc chờ đợi, tôi làm gì?

Năm 1951 đã có chủ trương "Thuế tạm vay “ rồi "thuế Nông nghiệp", nhà "khá giả" ở nông thôn xứ Thanh bắt đầu lao đao. Khi rộ lên phong trào "đi dân công hỏa tuyến” - lúc này tôi là cán bộ tỉnh đoàn Học sinh - sinh viên Thanh Hoá - tôi đi gánh gạo với "đôi bồ dân công" dọc đường lên Hồi Xuân - La Hán. Lúc bấy giờ, tôi đâu đã biết là tôi "góp phần phục vụ chiến dịch Tây Bắc - Điện Biên.

Ít lâu sau, tôi được giấy gọi đi học Dự bị Đại học khóa 2 (1953- 54). Đúng hôm làm bài thi triết cuối cùng để lĩnh bằng tốt nghiệp (9-5-1954) thày Giàu tới lớp thi ("thi giữa ban ngày" vì vắng bóng máy bay địch!) bảo: Các chú làm bài nhanh lên, rồi mau về "mở tiệc, ăn mừng chiến thắng Điện Biên Phủ!

"Tiệc" là cơm độn khoai sắn khô, canh bí đỏ/đao và... mấy quả cà xin trong vại cà bà chủ. Thầy trò từ biệt... Hẹn gặp nhau ở Thủ đô Hà Nội.

.

Sau Hiệp định Genève (7- 1954)

Tôi đã liên lạc được với bố mẹ vốn hoạt động ở vùng hậu địch Khu Ba và các anh chị đều là quân nhân ở vùng Việt Bắc. Vĩnh viễn vắng mặt một người, bị Tây bắn chết trong một trận càn nào đó... mà phải chờ hơn 40 năm sau mới được truy tặng liệt sĩ.

Tháng tám Giáp Ngọ 1954, tôi tới xứ Thanh về quê xứ Nam, trời mưa tầm tã. Một mình tôi cô đơn với chiếc ba lô sờn, lội nước từ ngã ba Ràng lên đường quốc lộ 1 - cũng ngập nước từng chặng, ra Ninh Bình, Nam Định... Tôi về quê ông bà nội đã già, tuổi 90. Nhà ngang, nhà bếp... địch đốt trụi, còn lại cái nhà thờ ba gian với "chuôi vồ" lợp ngói, thủng dột lỗ chỗ... Sập gụ, tủ chè, bộ bàn ghế và cái tủ gỗ lim quen thuộc của bà năm nào đã... sạch trơn. Tôi dừng ở quê nội ít ngày, cùng mấy ông chú họ vớt tre gỗ ngâm dưới ao lên sửa lại cái nhà thờ họ. Lên núi thăm một chùa Đọi điêu tàn nhưng còn bia cao to thời Lý. Rồi lại ngược quốc lộ 1 ghé Khê Hồi - Ngọc Hồi quê bổ mẹ nuôi thời kháng chiến. Gặp nhiều người quen biết cũ, trong đó có dược sĩ Thẩm Hoàng Tín và nhiều trí thức yêu nước Thủ đô, sau Hiệp đinh Genève, lánh ra đây, chờ ngày giải phóng Thủ đô. Đây cũng là một trong những nơi tập kết của các đoàn cán bộ vào Thủ đô giải phóng. Chị Bích Thủy, cán bộ hậu địch Hà Nội - Khu Ba về đây sinh cháu (sau chị là Phó Chủ tịch Hải Phòng). Chị bảo tôi phải vào nội thành Hà Nội ngà.y 8/ 10 và bắt liên lạc với mấy người phụ trách học sinh - sinh viên kháng chiến (như anh Nguyễn Quang Quyền, sau là Giáo sư bác sĩ, đã quá cố trong nội thành.

Sáng 8-10-1954, trong vai trò thường dân (bỏ lại ba lô ở nhà chị Thủy), tôi "lên" Hà Nội. Cái Hà Nội đã gắn bó ba đời với đại gia đình tôi (từ đời ông nội -ngoại).

Cái Hà Nội mà bố tôi được Cụ Hồ cử làm "Giám đốc Canh nông Bắc Bộ" ngay sau Cách mạng Mùa Thu để "chống giặc đói" bên cạnh việc "chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm" theo ý tưởng chiến lược Hồ Chí Minh.

Cái Hà Nội mà vào ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 gia đình tôi bỏ lại mọi nhà cửa đồ đạc (người giúp việc chỉ mang theo đúng một cái đồng hồ để bàn Jaz trong tay nải áo quần của chị) qua đường Ngã Tư Sở - Hà Đông, xuôi về Nam (Liên khu 3) tham gia kháng chiến, học hành từ trường Sêu (Trinh Tiết, Hà Đông), trường Nguyễn Biểu (Hà Nam) rồi trường Nguyễn Khuyến (Ninh Bình) và sau đó trường Nguyễn Thượng Hiền ở Ngõ (Ngô Xá xứ Thanh).

Trời vẫn mưa tầm tã. Đến Đuôi Cá vẫn còn một đại đội lính Tây mặc áo mưa nhựa xanh nằm toài người lăm lăm súng gác ở ngã ba. Tôi đi theo dân (qua đường Trương Định nay) lọt về Hoàng Mai - Chợ Mơ (đấy là đoạn đường thiên lý cổ khi xưa) và vào nội thành Hà Nội. Mẹ tôi đã vào Hà Nội trước, liên lạc với các cô, dì quyết tâm ở lại Hà Nội với Cụ Hồ. Có khoảng một nửa gia đình bên ngoại tôi di cư vào Nam. Dòng người di cư ấy vẫn từ phía Nam lên Hà Nội rồi xuống Hải Phòng, nơi "tập kết 300 ngày". Ngày 9, thày Giàu và các giáo sư của tôi đã về ở Tông Đản chờ ngày mai tiếp quản Đại học. Đại học Văn khoa và Luật khoa chỉ còn lại vài thày: Thày TS Cương (sau đây tôi về địa lý và luật kinh tế thế giới), thày Đoàn Phú Tứ (sau Giải phóng, thôi việc hẳn ở Đại học). Và cụ cử nhân Hán học Trần Lê Nhân, người. đỗ đồng khoa với ông nội, ông ngoại tôi khoa thi Trường Nam 1897...

Ở Dự bị Đại học Thanh Hóa, tôi vẫn là ủy viên Thường vụ Hiệu đoàn phụ trách văn nghệ. Cần có đoàn ca nhạc học sinh, sinh viên để sáng ngày 10-10 ra Bờ Hồ Gươm đón "đại quân ta tiến vào giải phóng Thủ đô". Mẹ tôi đã kịp may cho tôi hai bộ quần áo “thanh niên Hà Nội” khi đó: Quần kaki, áo pô-pơ-lin và đôi dép da để trút bỏ đôi dép lốp quai râu. Suốt ngày 9-10, tôi len lỏi đến thăm các gia đình nội ngoại quen biết, kể cả các gia đình họ hàng của bố mẹ nuôi. Gặp được nhạc sĩ Tu Mi cạnh nhà. Gặp chị Tú, chị Tâm (sau đều là cán bộ Thành đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội). Gặp được anh Nguyễn An Lịch cháu mẹ nuôi tôi, học sinh chuyên khoa, hoạt động bí mật ở nội thành (sau anh Lịch vào học Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành Phó Giáo sư Xã hội học. Chính anh Lịch sau này lại phải đứng ra chứng nhận tôi là cán bộ Học sinh sinh viên kháng chiến !)... Nhà nào cũng chuẩn bị cờ đỏ sao vàng để ngày mai treo rợp phố phường Hà Nội... Nhưng các tối ngày 8, ngày 9 nhà nào cũng treo xoong, nồi nhôm, chậu thau đồng để khua gõ báo động khi có bọn "hôi của" nhân "tranh tối tranh sáng" lúc ta - Pháp bàn giao đề đột nhập vào các nhà dân làm bậy. Những tối đó (và trước nữa), cổng nhà nào nhà nấy đều đóng im ỉm. Tôi vào nhà quen, giật chuông chờ ở cổng sắt khá lâu, phải có người ra hé cái cửa nhỏ trong cổng nhận mặt, cật vấn rồi mới cho vào (hoặc không cho vào).... Tôi đi trên hè đường vắng ngắt lần đến Đại học Đông Dương ở đường Lê Thánh Tông, ra Nhà hát lớn, đến Bảo tàng Louis Finot (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), ngược lên cầu Long Biên. Chiều muộn, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu đi về phía Gia Lâm...

Đêm 9-10 gần như là một đêm không ngủ. Tôi có "chỗ ẩn" rất tốt ở phố Yết Kiêu, rất gần nhà anh Văn Cao sau này. Bên kia đường Nguyễn Thượng Hiền cũng có nhà quen. Một đêm tâm sự dài dài sau 9 năm xa cách. Tôi xa Hà Nội khi mới tròn 12 tuổi. Thuở ấy nhìn cái Ga Hàng Cỏ, nhìn Nhà hát lớn, nhìn các "đại lộ” Carreau (Lý Thường Kiệt), Gambetta (Trần Hưng Đạo)... thấy cái gì cũng lớn. Nay trở lại, tuổi gần 20, lại thấy cái gì cũng nhỏ hay vừa vừa thôi. Hóa ra là tôi "đo" cái khách thể bằng chủ thể chiều cao của mình, gang tay của mình.

Sáng 10-10, chúng tôi dậy rất sớm. Ăn sáng bát phở gánh đầu phố, ngon như chưa từng bao giờ được ăn rồi vội vàng đi bộ lên Bờ Hồ. Những đường phố còn rất ít xe đạp, không có xe máy, vỉa hè thênh thang...

Chỗ chúng tôi đang đón "đại quân ta" là ở bên đài phun nước - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục, phía nhà "Hàm Cá Mập" bây giờ. Bạn đọc có thể đến Triển lãm Tràng Tiền hôm nay xem các ảnh cả tư nhân, cả phóng viên chụp lũ học sinh sinh viên trẻ chúng tôi, với đủ mọi thứ đàn giây, kèn sáo, anh Tu Mi ôm cây ghi-ta, đeo kính cận, có lúc "bốc" qua tràn cả ra đường, khiến các "trật tự viên" tự nguyện đeo băng đỏ tươi cười mà kiên quyết đẩy lùi, để đại quân hùng dũng bước trên đường từ Hàng Bông đi một vòng nửa Hồ Gươm qua Tràng Tiền rồi Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh về phía Nam...

Đủ các bài ca yêu nước cất lên, song âm hưởng chủ đạo cố nhiên là thuộc về bài "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao:

Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Năm cửa ô đón mừng...
Hà Nội bừng Tiến quân ca.

Bài này Văn Cao viết năm 1950, phục vụ Tổng phản công. Năm năm sau, nó mới trở thành sự thật gần như Văn Cao tưởng tượng, hình dung!

Toàn dân Hà Nội mải mê đón quân về Giải phóng Thủ đô. Không một tiếng súng. Sau đó ít lâu, Đại tướng Tổng tư lệnh đến "Việt Nam học xá" (ở Bạch Mai) thăm và nói chuyện với sinh viên chúng tôi. Lúc này phu nhân Đại tướng, chị Đặng Bích Hà đã trút bỏ bộ quân phục mang quân hàm trung úy về làm sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Văn khoa (sau chị trở thành PGS Sử học).

Đại tướng nói một câu mà tôi cái nhớ mãi: "Giải phóng Điện Biên là để giải phóng Thủ đô!"

Mê mải và say sưa là chính khí Hà Nội ngày Giải phóng Thủ đô.

Tôi bỏ cơm trưa, xế chiều về đón mẹ lên “đường Cột Cờ" (Điện Biên Phủ nay) và "Vườn hoa Canh Nông" quen thuộc của mẹ con tôi mỗi chiều hè ngày trước - Nay là vườn hoa có tượng V.I.Lê nin - để chiêm ngưỡng Quân đội nhân dân làm lễ thượng cờ lên đỉnh Cột Cờ với anh hùng lừng danh Nguyễn Quốc Trị. Đông nghịt người. Suýt lạc mẹ.

Từ sau đó. tôi hoạt động trong khuôn khổ Hội sinh viên toàn quốc của Lê Quang Toàn, Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc của Vũ Quang và Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội của Lê Tám. Và vẫn chỉ làm một việc: Phụ trách Văn nghệ sinh viên, ủy viên Ban Cán sự Thanh niên Cứu quốc (sau là TNLĐ) các trường Đại học. Số sinh viên các trường Đại học lúc đó: Y, Dược, Sư phạm khoa học, Sư phạm Văn khoa (bỏ Luật khoa, thật đáng tiếc). cả "sinh viên kháng chiến" và "sinh viên ở lại trong Thành", theo tôi nhớ, là chưa đầy 400.

Từ sau vụ Nhân văn – Giai phẩm 1957-58, tôi được thôi cộng tác TNSV. Năm 1960, hết tuổi Đoàn (thời đó quy đinh là 26 tuổi). Việc chính là dạy học, nghiên cứu cổ sử Việt Nam và chuẩn bị thành lập bộ môn mới tinh duy nhất toàn quốc là môn Khảo cổ học...

50 năm nhìn lại, nửa vui nửa. buồn. Mà tôi thường tự nhận là người "lạc quan - buồn".

Vui, về số trường đại học, số ngành học nay có tới hàng trăm, và sinh viên Hà Nội là con số chục vạn trở lên, trong đó tội đã góp phần thành lập ngành Văn hóa học và Du lịch học ở.Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vui vì "Trận Điện Biên Phủ trên không" đại thắng 12-1972 dẫn tới Hiệp định Paris (1973) rồi dẫn tới giải phóng miền Nam (1975). Cho dù trong 12 ngày đêm khói lửa hạ B52 ở Hà Nội, tôi lại mất một người chị thân yêu (dược sĩ, bệnh viện Bạch Mai) và mất sạch nhà cửa, của cải ở Khâm Thiên.

Vui, vì sau thời Đổi mới (1986), ta đã thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp, đi vào cơ chế thị trường có định hướng "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Vui, vì cho đến 1954, Hà Nội không vượt thoát vành đai La Thành - Đại La Thành 30km cổ truyền. Nay thì Hà Nội đã tràn ra bốn phương tám hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đô thị hóa - công nghiệp.hóa, dịch vụ hóa v.v...

Buốn vì giáo dục, văn hóa, đạo đức...: nhiều mặt xuống cấp nghiêm trọng. "Văn hóa lãnh đạo, "Văn hóa kinh doanh"... chưa ngang tầm khu vực, huống chi muốn "sánh ngang cùng thế giới năm châu”. Di sản văn hóa bị xới mòn nhiều.

Buồn vì tham nhũng tràn lan thành quốc nạn.

Buồn nhất là sự phân hóa xã hội ngày càng cao một cách bất thường. Hà Nội không có nổi một chuyên gia xuất chúng về quy hoạch. Xây dựng khá lung tung. Kiểu thức kiến trúc nhiều nơi "nhăng nhố”.

Có người bạn miền Nam bảo tôi: “Sức mấy mà buồn! Nhậu đi ông”. Thì biết vậy!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Năm cánh sao vàng

    02/09/2016TS. Nguyễn Sĩ DũngGần 70 năm đã trôi qua, cờ đỏ sao vàng Cách mạng Tháng Tám mãi còn vẫy gọi. Và ngôi sao năm cánh vẫn còn toả sáng dẫn đường cho dân tộc ta đi về phía trước...
  • Tiếp tục phát triển tư tưởng của Cách mạng tháng Tám

    19/08/2016Lê Đăng DoanhCách mạng Tháng Tám là bước nhảy vọt vĩ đại của tư tưởng phát triển, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Độc lập, tự do, hạnh phúc, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, đó là những chân lý có sức mạnh mãnh liệt phát huy và khơi dậy sức mạnh của một dân tộc bị nô dịch, áp bức, bị chiến tranh và nạn đói tàn phá. Chính những tư tưởng bất hủ này đã trở thành sức mạnh vật chất của cả một dân tộc, chắp cánh cho dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích trong chiến đấu và dựng nước...
  • Phát huy nội lực

    02/04/2015Nguyễn Trần BạtTừ bao đời nay, người Việt ước mơ xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh". Có thời người ta đặt hy vọng ở nguồn tài nguyên rừng vàng biển bạc, chẳng hạn như dầu mỏ phun lên ồ ạt nhiều hơn cả dầu mỏ Trung Đông. Cũng có người mơ tưởng sẽ có những lực lượng ngoại bang mang lại cuộc đổi đời cho dân tộc. Họ vừa thiếu thực tế vừa sai lầm về mặt lý luận. Chỉ có sức mạnh của chúng ta - nội lực Việt Nam - mới giải quyết được những vấn đề của chúng ta, mới là yếu tố quyết định để biến đổi một nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
  • Cá nhân và Lịch sử: Mối quan hệ biện chứng giữa quần chúng và người lãnh đạo

    14/05/2014Nguyễn Trần BạtNgười ta thường nói rằng sự nghiệp là của quần chúng. Điều đó không sai, nhưng nếu nói sụ nghiệp chỉ là của quần chúng thì hoàn toàn không đúng. Những bước ngoặt trong lịch sử các dân tộc thường gắn liền với các tên tuổi lớn: ở Nhật Bản là Minh Trị, ở Nga là Pie đại đế, ở Việt Nam là Hồ Chí Minh... Bởi vì thửa ruộng cày được không phải do công lao của cái cày. Nếu chúng ta phân tích theo logic, rằng những người lao động trực tiếp tạo ra sự nghiệp, tạo ra lịch sử, thì chúng ta cũng buộc phải phân tích tiếp: con trâu còn quan trọng hơn cả con người...
  • Cuộc giải phóng thứ hai

    01/03/2014Nguyễn Trần Bạt“… Có thể coi cuộc giải phóng con người như là một cuộc cách mạng. Và cuộc cách mạng thứ hai này còn khó khăn hơn nhiều so với cuộc cách mạng lần thứ nhất. Bởi vì trước đây ai cũng trông thấy sự hiện diện của ngoại bang và đó là lý do hiển nhiên để tập hợp lực lượng. Còn giải phóng con người là một bước thay đổi căn bản nhưng vô hình về nhận thức, về tất cả các cấu trúc xã hội. "
  • Khát vọng dân chủ

    19/08/2010Tương LaiDân chủ nằm ngay trong tên nước được khai sinh với Tuyên Ngôn Độc Lập 2.9.1945, nhằm xác định rõ tính chất và nội dung quachính thể “cộng hoà” mà Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước thế giới. Trên nền tảng dân chủ đó, độc lập, tự do, hạnh phúc được xác lập vững chắc, với nội dung dân là chủ, dân làm chủ...
  • Dân trí và Dân khí

    03/10/2005GS. Trần Đình HượuHiện nay chứng ta thường nói đến việc nâng cao " dân trí", là một trong những giải pháp cơ bản đế giải quyết những tệ nạn trong xã hội , tình trạng nghèo nàn lạc hậu, khoảng cách ngày càng xa với các nước... Về mặt chiến lược lâu dài thì dân trí là một trong những khâu quan trọng nhất. Còn trước mắt biện pháp tình thế là gì? Dân trí hay dân khí?
  • Những lực cản của nền kinh tế

    28/09/2005Phan Thế HảiTheo ông Robert Glofcheski, chuyên gia kinh tế của UNDP: Với nguồn lực và đầu tư hiện nay, Việt Nam đáng phải tăng trưởng mạnh gấp 3 lần mức tăng trưởng hiện nay. Vậy đâu là lực cản của nền kinh tế, đâu là nguyên nhân gây nên sự trì trệ hiện nay?
  • Cần có đôi mắt mới

    05/09/2005Tương LaiKỷ niệm 30 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ôn lại những chiến công lịch sử chói lọi là điều tuyệt đối cần hành trình đã đi qua, những giá trị cũ và những kinh nghiệm đã sống”. Thế nhưng, điều còn quan trọng hơn là nhìn lại xem, với chặng đường 30 năm ấy, chúng ta đã làm được gì xứng đáng với đỉnh cao chói lọi của chiến công của ngày 30/4/1975 lịch sử...
  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.
  • xem toàn bộ