Văn hóa “tán”
Có lẽ trên đời này không có gì quan trọng mà lại mờ ảo như văn hóa. Ngay cả định nghĩa thế nào là văn hóa cũng mông lung. Văn học, điện ảnh, sân khấu, ca nhạc… là văn hóa đã đành. Thời trang, ẩm thực, du lịch… là văn hóa cũng đành, đến đi bộ, ngủ, uống trà, xỉa răng đôi khi cũng là văn hóa nốt!
Thôi cũng chả sao. Suy cho cùng, bất cứ món gì, có văn hóa cũng hơn là không có. Ngay đến hắt xì hơi hay ngáp, người văn hóa cũng thực hiện sang trọng, lịch sự và dễ thương hơn kẻ tầm thường. Nhưng cũng chả biết có phải do “quán triệt” điều đó một cách sâu sâu quá hay không nhiều ông hay nhiều bà, không phải loại tầm thường đâu nhé, có tên có tuổi và có địa chỉ hẳn hoi, tán về văn hóa, hay nói cách khác gọi là văn hóa đủ thứ trên đời. Gọi là đủ thứ bởi tôi tin rằng, dù văn hóa có phong phú và mở rộng tới đâu thì cũng chả thể nào bất cứ cái gì cũng gọi tên thành văn hóa được. Văn hóa phải có học hành, có tuyển chọn, có chắt lọc và phải giúp ích cho đời.
Nhưng các vị học giả vĩ đại và.. tỉ mẩn kia không khi nào lại tin như thế. Họ có biệt tài và có khả năng nhìn thấy văn hóa ở khắp nơi, ở chỗ họ ăn, họ làm việc, chỗ họ đi lại, ngồi hoặc… nằm!
Chả tin thì các bạn cứ thử giở mọi tờ báo xuân những dịp đầu năm. Báo xuân, đấy là cơ hội, là thời điểm, là dịp tuyệt vời để các nhà phát minh văn hóa bộc lộ khả năng mãnh liệt của mình.
Cứ theo các nhà học giả báo xuân, thì vô địch về văn hóa là phở. Đấy là món ăn chả biết bao nhiêu lần được các nhà học giả lẫn học thuật tán dương. Đã có “bánh chưng” là vụ Nguyễn Tuân, phở đương nhiên trở thành hoàng đế của văn hóa ẩm thực.
Sau đó tới… người vạn thứ trên đời, các nhà học giả cứ như phù thủy, chạm tay hay chạm bát vào món nào, món đó biến thành văn hóa ngay tắp lự.
Ông thì kêu mùi hoa sữa là tâm hồn Hà Nội, ông lại quả quyết hoa sấumới đúng. Bà thì viết về cái lạnh se lòng, bác thì miêu tả tiếng leng keng của… xe xích lô. Chú thì xúc động về tiếng ve sầu, em lại say sưa với mảng tường rêu. Thậm chí đến những hàng nước chèvừa chật chội, vừa đáng ngờ về vệ sinh bày ngổn ngang trên vỉa hè cũng được các vị kêu rằng đặc trưng, nứt riêng đầy văn hóa.
Tóm lại, vào dịp đầu năm, mở báo ra ai cũng phải giật mình sao lại may mắn thế, hạnh phúc thế vì chung quanh đầy văn hóa từ trong ngõ đến tận trong nhà, chỉ tiếc rằng mình không phát hiện ra.
Ôi, tôi thì tôi ngờ lắm. Tôi nghi lắm. Tôi cảm giác nhiều thứ, nhiều món các vị “tán” trên báo nếu không phải văn hóa thì cũng chưa phải, chẳng qua là các vị cứ gọi thế cho sang.
Văn hóa gì một mảng tường rêu? Văn hóa gì các chị ngồi xổm bên hàng nước chè chén ở đầu thế kỷ XXI, bàn đủ thứ chuyện bằng mồm.
Không có món nào mà các nhà phát minh văn hóa để xổng. Nhất là những gì dân dã, chân quê. Một nhánh hoa mùi, một giọt nước mái tranh, một tiếng cú kêu, một mùi khói bếp… đều bị các vị tóm lấy, nhào nặn và gọi bằng đủ thứ tên âu yếm.
Lạ nhỉ, sao văn hóa dày đặc như thế mà cuộc sống vẫn cơ bản, nhọc nhằn, ứng xử với nhau vẫn chưa cao. Sao đâu cũng là nét đặc trưng, nét riêng biệt mà khách du lịch đến ta vẫn không bằng đến chỗ khác?
Văn hóa chắc chắn phải rèn luyện, phải học hành và phải tuyển chọn chứ không thể trở nên đủ mọi thứ vớ vẩn hoặc nửa vớ vẩn mà các vị chuyên gia “tán” cứ liên tiếp phát minh.
Tôi tin một cách ngây ngô, dại khờ như thế đấy. Chắc tôi văn hóa loại xoàng!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh