Nhạc hàn lâm Việt đang đứng ở đâu

10:04 SA @ Thứ Sáu - 02 Tháng Mười, 2009

Nhạc hàn lâm đứng ở đâu trong đời sống văn hóa của người Việt? Công chúng thực sự quay lưng hay những người làm nghề đang ngày càng khô cạn hết nhiệt huyết?

Ngay ở TPHCM, trung tâm kinh tế- văn hóa lớn của cả nước, mà những người đau đáu với nhạc giao hưởng vẫn đang ngày ngày phải đối mặt với chuyện cơm áo gạo tiền.

Làm sao để người Việt quen với những thanh âm trầm bổng của nhạc giao hưởng, để những nghệ sĩ tìm được đất diễn?

Tắc lối

Lan Hà

Chưa có một nhà hát đủ tiêu chuẩn và mức lương ưu đãi cho người làm nghề.

Cả nước hiện có khoảng 4 - 5 dàn nhạc giao hưởng và nhà hát nhạc vũ kịch (Nhà hát Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Nhà hát Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM, Dàn nhạc Giao hưởng của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Đây là những đơn vị thường xuyên tổ chức các đêm hòa nhạc cổ điển với chất lượng cao. Nhưng chỉ có hai nhà hát tạm gọi là đạt chuẩn về kiến trúc cũng như chất lượng âm thanh là Nhà hát Lớn ở Hà Nội và Nhà hát TPHCM nên để tổ chức những chương trình lớn, đành phải chen chân vào đây.

Nhà hát không có nhà hát - Bài toán 10 năm giải không ra

Việc các nhà hát, dàn nhạc không có cho mình một nhà hát đủ tiêu chuẩn để có thể chủ động trong việc tổ chức tập luyện cũng như biểu diễn các chương trình đã gây không ít khó khăn cho người làm nghề. Đồng thời, sự thiếu hụt này cũng ảnh hưởng tới việc mời gọi dàn nhạc của các nước khác hoặc tổ chức các chương trình lớn đòi hỏi một khán phòng đạt chất lượng cao. Đặc biệt, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM (HBSO) hiện nay đang lâm vào tình trạng một nhà ba nơi: Sở Thể dục Thể thao cũ, rạp Thanh Vân, Trường Múa TPHCM.

Kế hoạch xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch có từ năm 1999. Khi đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ra thông báo về quy hoạch phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa thông tin đến năm 2010, trong đó có việc chuyển đổi trụ sở Công ty Xổ số Kiến thiết TPH- CM (23 Lê Duẩn) thành Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch. Nhưng nhiều năm trôi qua vẫn không thấy động tĩnh gì trong khi HBSO vẫn khổ sở với việc tập luyện ở trụ sở 212 Nguyễn Trãi, quận 1 (vốn là rạp chiếu phim Khải Hoàn cũ). Đến năm 2009, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Hội đồng Kiến trúc TPHCM cho rằng địa điểm 23 Lê Duẩn không thật sự lý tưởng để xây nhà hát (diện tích hơi nhỏ, lại bị lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng xung quanh...) và kiến nghị một địa điểm mới thích hợp hơn cho nhà hát giao hưởng là công viên 23-9, trong khuôn viên rộng khoảng 12.000m. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn mới là kiến nghị chứ chưa có văn bản chính thức vì cần tính toán lại các công trình đang ở đây xem có chồng lấn gì không (khu vực này còn có nhà ga trung tâm, các tuyến đường phía dưới lòng đất...). Trong khi chờ đợi việc xây mới một nhà hát hiện đại, đạt chuẩn cho giao hưởng, HBSO sẽ sử dụng rạp Nhân Dân. Nhưng để có thể biến rạp Nhân Dân thành văn phòng, nơi luyện tập và có cả một kho cất giữ nhạc cụ mới, tươm tất cho HBSO thì mọi người cũng phải chờ đợi thêm một quãng thời gian nữa, bởi hiện nay mọi việc vẫn ở giai đoạn chuẩn bị đấu thầu để sửa chữa rạp Nhân Dân. Có thể đến cuối năm 2009, mới quyết định được đơn vị thi công sửa chữa, còn khi nào bắt tay thì... hãy đợi đấy! Còn bây giờ, 81 loại nhạc cụ được mua về trị giá 47 tỉ đồng đang được bảo quản tạm thời ở rạp Thanh Vân mà biết chắc, sự hư hao là không thể tránh khỏi, quân thì cứ chia ra tập luyện và HBSO vẫn sẽ trình diễn ở Nhà hát TPHCM như từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Đăng Tín, Giám đốc HBSO, chia sẻ: “Nếu chúng ta có một nhà hát hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của giao hưởng thì chắc chắn các loại hình nghệ thuật khác cũng có thể biểu diễn ở đó. Và điều này vô cùng cần thiết, nhưng đáng tiếc là đến nay chúng ta vẫn chưa có một nhà hát như thế.”

Chế độ lương bổng và ưu đãi - Biết rồi khổ lắm...

Những cái tên như: Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam (Pháp),Hoàng Linh Chi (Tây Ban Nha), Văn Hùng Cường, Quốc Trường, Tạ Tôn (Mỹ), Bích Trà (Anh), Trần Hữu Quốc (Hàn Quốc), Đặng Thái Sơn, Lê Phi Phi (Macedonia), Hoàng Tuấn Cương, Lê Ngọc Anh Kiệt (Đức)...mỗi khi nhắc đến, ta đều cảm thấy tự hào. Tuy nhiên, thi thoảng họ mới trở về, trình diễn một vài tác phẩm trước khán giả quê nhà rồi lại đi. Trong những lần trao đổi với báo giới, họ đều bày tỏ luôn mong muốn được trở về phục vụ Tổ quốc, nhưng đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay cũng như công việc giảng dạy của những người thực sự có tài đang rơi vào tình trạng bế tắc khiến cho “đường về nhà” với họ ngày một xa.

Ở Việt Nam, so với các lĩnh vực nghệ thuật khác, nhạc cổ điển được đầu tư rất lớn với thời gian đào tạo trung bình từ 7 - 12 năm nhưng chế độ lương bổng, chính sách thì quá thấp. Cách sử dụng hệ số lương cũ (tốt nghiệp trung cấp sẽ được xếp vào chế độ cán sự, còn đại học là chuyên viên) không khuyến khích, nâng đỡ tài năng. Các cử nhân, thạc sĩ âm nhạc trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho đến tận bây giờ vẫn đang hưởng lương ở chế độ cán sự 2 (tương đương trung cấp). Thu nhập bình quân ở đây khoảng 2-2,5 triệu đồng/ người/tháng, bao gồm cả lương cơ bản, thù lao tập luyện và biểu diễn. Còn lương giáo viên dạy nhạc cổ điển ở ta tính ra là 200 USD/ tháng chỉ bằng 1/5 so với nước bạn Thái Lan. Với mức thu nhập như vậy, thử hỏi làm sao các nghệ sĩ của loại hình nghệ thuật đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc, dài lâu lại có thể sống nếu không phải vất vả chạy thêm công việc bên ngoài? Rõ ràng, vì yêu nghề họ chấp nhận làm thêm những công việc khác, dù vất vả đến mấy, để sống được và đeo bám nghề . Tuy nhiên, không thể cứ mãi đòi hỏi ở các nghệ sĩ tinh thần hy sinh vì nghề và tinh thần trách nhiệm công dân, trong khi các cấp quản lý có thừa khả năng cải thiện điều kiện hành nghề của họ theo hướng tích cực, dễ thở hơn. Vì yêu nghề, nhưng cũng để có thể chuyên tâm làm nghề, họ buộc lòng phải chọn nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, với mức lương xứng đáng, chẳng hạn các dàn nhạc giao hưởng nước ngoài.

Nhạc giao hưởng… có vô tích sự?

Đây chính là lý do càng ngày càng ít người đăng ký học các bộ môn nhạc cụ. Cũng dễ hiểu, bởi đầu tư để trở thành một nhạc công giao hưởng là quá tốn kém, rất công phu, nhạc cụ lại đắt tiền và thời gian học khá dài nhưng xã hội chưa đánh giá đúng nỗ lực sau hàng chục năm khổ luyện của họ. Hầu hết các dàn nhạc giao hưởng tại Việt Nam hiện nay không đủ nhạc công chơi các bộ trong dàn nhạc như bộ gỗ (gồm clarinette, ftute, hautbois, bassoon, pic- colo, contrebasson), bộ đồng (gồm cor, trompette, trombone, tuba) nên các dàn nhạc đành phải thường xuyên “vay mượn” nhạc công lẫn nhau. Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Ngô Hoàng Quân chia sẻ: “Đây là vấn đề lớn mà tôi cho là thật sự nan giải trong tương lai gần, việc bổ sung nhạc công mới cho các dàn nhạc giao hưởng sẽ là không thể có nguồn. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ 3 đến 5 năm tới, sẽ có khoảng gần một nửa nhạc công, nghệ sĩ về hưu nhưng chưa biết sẽ bổ sung lực lượng từ đâu, nguồn nào? Chúng ta vẫn tự hào Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam là “thuần Việt”, không có người nước ngoài, nhưng sắp tới không biết sẽ ra sao khi mà tình trạng “chảy máu” chất xám, nguồn nhân lực loại hình nghệ thuật này dự báo trong thời gian tới sẽ tăng lên?”

Cần phải làm sao để tài năng không đi mất, và chúng ta không đào tạo không công cho các nước khác? Lời giải cho bài toán này phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức và hành động của các nhà quản lý văn hóa. Nếu quyết tâm, chắc chắn họ sẽ làm được , trừ phi các nhà quản lý văn hóa nghĩ rằng giao hưởng thính phòng là một “cái gì đó” vô tích sự, rằng âm nhạc Việt Nam chỉ cần có ca khúc quần chúng là đủ.


Thiếu công chúng, tại sao?

Kim Thư

Để nhạc cổ điển có thể đi vào lòng người và tìm được chỗ đứng, ngoài sự tự thân khán giả, người làm nghề nỗ lực, còn cần sự giúp sức của các đơn vị khác, nhất là truyền thông.

Thế giới khẳng định: Không có gì có thể thay thế được âm thanh thật, con người biểu diễn thật; làm sao có thể nhấn chìm được tình cảm, tâm hồn của nghệ sĩ biểu diễn...

Đừng gọi là âm nhạc hàn lâm, bác học

Tuy nhiên, nhạc cổ điển vẫn luôn là một thể loại âm nhạc kén người nghe, đòi hỏi ở họ một chút kiến thức về âm nhạc, lẫn sự kiên trì . Không chỉ ở ta, nhạc cổ điển ít được ưa chuộng, mà khắp nơi trên thế giới cũng rơi vào tình trạng đó. Nhưng, dường như ở nơi mà người dân coi trọng yếu tố nhìn hơn nghe, chuộng những gì đơn giản hơn là phức tạp, đòi hỏi người tiếp nhận phải suy nghĩ, tìm tòi tưởng tượng thì nhạc cổ điển càng khó đến gần.

Có nhiều ý kiến, trong đó có nhạc trưởng Lê Phi Phi cho rằng: “Không nên gọi nhạc cổ điển hay giao hưởng thính phòng là nhạc hàn lâm bác học, bởi ngay cách gọi này đã tạo nên sự xa cách. Nhạc cổ điển cũng là một loại hình nghệ thuật để con người giải trí, thư giãn. Ở ta có nếp nghĩ, cách hiểu “giải trí” là tầm thường nhưng các nước phương Tây không nghĩ thế. Các bà mẹ mang bầu còn hay bật nhạc cổ điển để đứa bé sau này thông minh hơn và có khả năng thẩm âm tốt hơn cơ mà”. Hệ thống giáo dục ở nước ta cũng chưa tạo tiền đề cho một lớp công chúng có kiến thức về âm nhạc để có thể thưởng thức các tác phẩm cổ điển nói riêng và loại hình nghệ thuật nói chung. Sự thiếu sót này đã khiến những ai có ý muốn “đến gần” nhạc cổ điển phải mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi lòng kiên trì mà đôi khi, điều đó là một thứ xa xỉ trong thời đại cái gì cũng nhanh, gấp, vội này.

Cần cái bắt tay của truyền thông

Trong nỗ lực tôn vinh âm nhạc đỉnh cao, thời gian gần đây, bằng tâm huyết và sức sáng tạo của mình, những người theo đuổi nhạc cổ điển đã cố gắng đưa các tác phẩm cổ điển, giao hưởng thính phòng cũng như những bản hùng ca… đến với số đông công chúng hơn. Những chương trình được đầu tư tốt về chất lượng như Giai điệu mùa thu định kỳ vào tháng 8 hằng năm ở TPHCM, Hòa nhạc Hennessy cũng mỗi năm diễn ra một lần, các chương trình đặc biệt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đêm hòa nhạc của các nghệ sĩ danh tiếng như NSND Đặng Thái Sơn, Nguyễn Hữu Nguyên, Lê Phi Phi... thường trở thành những sự kiện văn hóa nổi bật của tuần hoặc tháng mà chúng được tổ chức. Dù vậy, không phải ai cũng có thể tiếp cận được nguồn thông tin này một cách cập nhật nhất. Phải chăng do công tác tiếp thị được làm chưa tốt?

Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Ngô Hoàng Quân cho biết: “Hằng năm chúng tôi đều có chương trình hoạt động được lên lịch rất sớm và phổ biến ra công chúng. Chúng tôi cảm thấy tiếc khi có thêm một khán giả quan tâm đến nhạc giao hưởng, họ muốn tìm hiểu về một dòng nhạc, một tác giả nào đó thì chúng ta lại thiếu kênh để cung cấp thông tin cho họ. Nó là một hệ thống liên quan đến rất nhiều lĩnh vực: đào tạo, xuất bản ấn phẩm, truyền thông...”

Theo ông Minh Đức - phụ trách PR Marketing cho Phương Nam Corpora-tion: “Vì đối tượng khán giả của nhạc cổ điển khác đối tượng nhạc đại chúng nên chúng ta không cần một chiến lược PR rầm rộ, ồn ào. Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM (HBSO) từ nhiều năm nay đã cố gắng xây dựng mạng lưới khách hàng thân thiết bằng cách gửi email thông báo chương trình hoặc gửi tờ chương trình sau cho khán giả ngay lối vào, liên kết với các công ty du lịch, khách sạn để cung cấp thông tin đến cho du khách nước ngoài. Tuy nhiên, lượng khách tiềm năng, lâu dài phải là công chúng trong nước. Và để họ biết đến một chương trình nhạc cổ điển, cần có sự vào cuộc hết mình của truyền thông.”

Nhìn lại, đúng là phương tiện truyền thông vẫn chưa thật sự dành sự quan tâm cho loại hình âm nhạc này. Còn thiếu những bài viết có chiều sâu, gây được sự chú ý của công chúng, làm cho họ cảm nhận được sức hấp dẫn của một chương trình và kích thích nơi họ sự tò mò, ham muốn được thưởng thức ở lần sau. Ngoài ra, những chương trình nhằm cung cấp thêm kiến thức về nhạc cổ điển trên sóng truyền hình dường như không có, họa hoằn lắm mới có VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cũng phát vào giờ oái oăm, 23 giờ 30 thứ bảy, chủ nhật. Trước đây, Đài Truyền hình TPHCM cũng có dành một thời lượng nhất định để nói về các thời kỳ của nhạc cổ điển, hay các tác giả nổi tiếng. Tuy nhiên, đã lâu rồi sóng được dành để phát các chương trình khác, thi thoảng mới phát lại những buổi biểu diễn của HBSO.


Ý kiến nhà chuyên môn

Đói kinh phí

GS- NSND Tạ Bôn- cố vấn nghệ thuật Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM (HBSO)

Nhạc cổ điển chính là đỉnh cao của âm nhạc và thông thường, muốn biết về một nền âm nhạc nào đó, người ta thường hỏi, ở đó có bao nhiêu tác phẩm giao hưởng, mấy vở opera. Để hiểu một tác phẩm cổ điển, thính giả cần có một chút kiến thức và tìm thấy sự yêu thích bằng việc nghe nhiều, dần dà sẽ cảm được. Chúng tôi cũng từng biểu diễn cho sinh viên các trường đại học nghe. Tuy nhiên, những buổi biểu diễn đó vẫn còn quá ít ỏi vì thiếu kinh phí. Hy vọng trong thời gian tới, HBSO sẽ có thêm một buổi diễn vào ngày 29 hằng tháng để phục vụ công chúng trẻ.

Ban giám đốc nhà hát cũng có trao đổi với nhau về việc gia giảm liều lượng các tác phẩm có độ khó với các tác phẩm dễ nghe trong các chương trình thường kỳ cũng như những lần biểu diễn đặc biệt. Trong những lần lưu diễn đến các tỉnh Trung và Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy, khi mình biểu diễn những tác phẩm quen thuộc như Tiểu đoàn 307, các ca khúc của Trịnh Công Sơn… đã được phối khí lại, công chúng rất thích vì sự gần gũi của các tác phẩm đó. Tuy nhiên nếu cứ như thế thì sẽ hạ thấp nhạc cổ điển đồng thời không thể nâng tầm trình độ của công chúng lên. Vì thế, trong bất cứ chương trình nào, chúng tôi vẫn cố gắng giữ vững chất lượng, chỉ cân đối về mặt thời lượng.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Đổi mới nhạc cổ điển

Trong thời đại ngày nay, nhạc cổ điển cũng cần biết thay đổi sao cho gần gũi với những đối tượng khán giả khác nhau, không gian và sự kiện khác nhau. Nhạc cổ điển cũng cần được làm mới, có sự biến tấu, ví dụ pha trộn vào đó những thể loại âm nhạc khác hay đưa nghệ thuật trình diễn sắp đặt vào. Ngay chuyện ăn mặc, bây giờ cả dàn nhạc cũng không cần mặc toàn đồ đen xì, áo đuôi tôm cứng nhắc nữa mà có thể mặc áo có nhiều hoa văn, họa tiết thậm chí có thể đi giày cao bồi… Điều quan trọng là sân khấu phải sinh động và khán giả thấy thích thú, không tạo cho họ cảm giác nhàm chán.

Phải có trình độ nghe

Trần Nhật Minh – Chỉ huy hợp xướng, Phó đoàn Nhạc kịch HBSO

Để nhạc cổ điển trở thành món ăn tinh thần của đông đảo công chúng, hai bên nên hướng về nhau: Công chúng có ý muốn tìm hiểu nhạc cổ điển và ngược lại, những người làm nhạc cổ điển phải “công chúng hóa” thể loại âm nhạc vốn đòi hỏi ở người nghe có một trình độ nhất định; lẽ dĩ nhiên vẫn phải giữ được tiêu chuẩn nhất định của nhạc cổ điển như đảm bảo về chất lượng của khán phòng, kỹ thuật thanh nhạc, trình diễn… Sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật như hợp xướng với vũ đạo, múa với video art… vừa tạo nên sự phong phú cho chương trình, đồng thời thỏa mãn nhu cầu nghe và xem của công chúng hiện nay.

Đưa nhạc cổ điển thành nhu cầu

Đào Nhật Quang- Soliste kèn clarinette của HBSO

Hiện nay trên thế giới, ngoài các vở nhạc kịch có sự kết hợp giữa nhạc, múa và sân khấu tạo ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng, việc các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn các ca khúc trong các gala concert là khá phổ biến. Điều đó cho phép đại bộ phận công chúng được thưởng thức nhạc cổ điển thông qua một tác phẩm đại chúng. Đây là một mô hình khá thành công để đưa nhạc cổ điển thông qua một tác phẩm đại chúng mà các nước trên thế giới đã áp dụng, chúng ta có thể áp dụng bằng cách chọn những tác phẩm tiêu biểu, hay nổi tiếng của nhạc sĩ Việt Nam như Văn Cao, Trịnh Công Sơn… hoặc dân ca hai miền Nam Bắc phối khí lạị cho dàn nhạc giao hưởng để khán giả cảm thấy thích thú và trở thành một nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức. Bên cạnh đó trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình, cần những chương trình dành cho nhạc cổ điển nhiều hơn nữa để qua đó, người dân có thể hiểu thêm về lịch sử, trào lưu, các tên tuổi nổi tiếng…

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hai chuyện cổ điển

    26/05/2009Vũ ThủyJoshua Bell hay Julian Lloyd Webber, trình diễn ở L’Efant Plaza hay nhà hát lớn, thì chẳng ai có quyền nghi ngờ tài năng của họ, cũng như ý nghĩa của thứ âm nhạc họ đem đến. Chỉ có điều, mỗi dòng nhạc có một đối tượng âm nhạc riêng. Cũng như, trong cùng nhà hát ấy, tôi đã thấy rất nhiều gương mặt tràn ngập xúc động, khi tiếng nhạc từ chiếc cello 300 năm tuổi cất lên.
  • Với piano tôi hoàn toàn là chính mình

    27/02/2007Nguyễn Thị Minh Châu thực hiệnTôi vẫn bướng bỉnh như xưa và chắc sẽ không bao giờ thay đổi một điều: không gì đánh đổi được tự do cá nhân. Với tôi chẳng gì bằng được làm theo ý mình, sống theo cách của mình, ai nói gì cũng kệ! Tôi bây giờ đằm tính hơn, nhìn đời điềm tĩnh hơn, biết giữ cân bằng giữa cảm tính và lý tính. Đấy là nét thay đổi không chỉ trong đời thường mà cả trong cách chơi đàn...
  • “Chat với Mozart” có gì mà ầm ĩ ?

    03/02/2007Nguyễn Quang LongNhững đĩa kiểu như "Chat với Mozart" không phải là nhu cầu thưởng thức của giới âm nhạc chuyên sâu mảng giao hưởng thính phòng, bởi vậy sự việc diễn ra đã lâu nhưng chẳng mấy người trong giới quan tâm, nay thì khác, dư luận lại bắt đầu ồn lên...
  • Mỹ Linh vi phạm bản quyền?

    03/01/2007LS Cù Huy Hà VũCD "Chat với Mozart" của ca sĩ Mỹ Linh đã phát hành được một thời gian. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc đặt lời mới cho những bản nhạc cổ điển về bản chất không khác mấy với hành vi làm nhạc "chế".
  • Trong mỗi con người có một Mozart

    10/02/2003Phạm Minh“Phan Dũng là chủ của một doanh nghiệp mà sản phẩm rất đặc biệt: hao tốn ít nguyên liệu, không hề gây ô nhiễm, sản phẩm xuất khẩu lại đạt giá trị cao”. Chắc hẳn với lời giới thiệu này nhiều người sẽ ngạc nhiên khi tận mắt thấy cơ ngơi của anh: vẻn vẹn hai căn phòng nhỏ ẩn mãi trên lầu 3, khu B của Trường đại học khoa học tự nhiên thành phố HCM.