Ước vọng hóa hổ

10:09 SA @ Thứ Năm - 25 Tháng Hai, 2010

Thật may, ngồi vào bàn định viết chủ đề về khát vọng thành Hổ của Việt Nam, tình cờ tôi đọc được bài [Thế giới] Sợ Rồng (Fear of Dragon) trên tờ The Economics cùng với một số tin, bài thứ hai nói về nỗi lo ngược đời của Trung Quốc trong việc đang hối hả tìm cách ngăn chặn bong bóng tài sản. Nghĩ bỗng giật mình, người láng giềng đã hóa Rồng, Việt Nam không còn cách nào khác phải hóa thành Hổ thôi. Nếu không thì… Tất cả đã giúp tôi hình thành nên bài viết “Ước vọng hóa Hổ”.

Vấn đề của Rồng

Bài báo thứ nhất trên tờ The Economics hàm ý thế giới đang lo sợ và cả oán trách việc Rồng đang trên đường trở thành cường quốc kinh tế theo cách thức gia tăng xuất khẩu và lấn chiếm thị phần toàn cầu bằng mọi thủ thuật. Nhất là chính sách phá giá đồng tiền theo kiểu mà thiên hạ đặt tên là “beggar-thy-neighbor policy”, tức là chính sách biến người láng giềng thành hành khất.

Với đà này, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà các nước tìm cách trả đũa con rồng [cơ bắp] hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Nhóm bài thứ hai, ngược lại, nói về Rồng sợ (chính mình). Theo đó, trong khi thế giới đang lo ngại về sự phục hồi tăng trưởng đang diễn ra chậm chạp, thì Trung Quốc lại đang tìm cách thắt chặt tiền tệ để tránh khả năng sụp đổ bong bóng tài sản đang hình thành. Thậm chí một số nhà đầu tư còn nhận xét, gói kích thích kinh tế thái quá của Trung Quốc đang hướng đến bờ vực sụp đổ, thay vì hướng đến tăng trưởng bền vững sau này. Kèm theo đó là những bất ổn nội tại trong mô hình phát triển của Trung Quốc, mà rõ nét nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng (nhất thế giới) và tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc (chỉ trong vòng 1 năm số lượng tỷ phú Trung Quốc tăng từ 15 lên đến 100 người năm 2009, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ).

Đọc các phân tích này chợt nghĩ muốn biến thành cọp khỏe mạnh và nhân bản, Việt Nam có lẽ nên tránh những sai lầm theo kiểu thế giới sợ Rồng, còn Rồng sợ cả chính mình.

Sợ Hổ

Để ai cũng sợ Hổ, chẳng những kinh tế mà cả chính trị, văn hóa, xã hội, không còn cách nào khác ngoài việc phải hướng đến phát triển bền vững về kinh tế, ổn định chính trị và sự đa dạng hóa về mặt tinh thần của người dân. Nhưng bằng cách nào?

Tạm thời, không bàn đến các lĩnh vực khác, mà chỉ nói về khía cạnh kinh tế, thiết nghĩ, để trở thành con Hổ kinh tế, điều chắc chắn (nếu không nói là quá muộn), chúng ta phải thay đổi cơ bản mô hình kinh tế hiện hành. Mọi người đã bàn nhiều về chủ đề này, nhưng nói ngắn gọn là cần giảm bớt những quan tâm thái quá đến các yếu tố hữu hình thông qua những con số này nọ. Thay vào đó, cần tập trung hơn vào các yếu tố ít tính hữu hình hơn như bảo vệ môi trường, nhất là tăng cường tính hiệu năng trong quản lý của chính phủ và cùng với đó là cải cách thể chế.

Nhưng để tránh được bài học thế giới sợ Rồng (theo kiểu oán trách), chúng ta cần làm thế nào để thế giới thân thiện và đến với Việt Nam nhiều hơn nữa. Một khi thiên hạ không thích mình thì cùng với đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch xuất hiện.

Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008) đã bình luận trong bài “Fear of Dragon” cũng trên tờ The Economics, rằng việc các nạn nhân trở thành hành khất của thói tham lam (mercantilism) nếu có thực hiện những biện pháp bảo hộ mậu dịch cũng là điều không có gì phải bàn cãi. Chính sách phá giá tiền tệ, nguồn nhân lực giá cực rẻ, ít hoặc không có trình độ, (chẳng những trong nước, mà còn xuất ra nước ngoài), chất lượng hàng hóa thì luôn có vấn đề khiến các nước khó mà yên tâm.

Hãy thử tưởng tượng, nếu gặp phải tình trạng này, đối với một nước nhỏ như Việt Nam, tình hình sẽ càng tồi tệ thêm như thế nào.

Đó là bài học thứ nhất nếu Việt Nam muốn biến thành Hổ.

Tuy nhiên, điều cần phải thấy là tâm lý thế giới e ngại Trung Quốc cũng còn xuất phát từ việc họ đang có những tham vọng đúng đắn mà chúng ta cần phải học tập. Đáng chú ý là Trung Quốc đang chuyển hướng nhanh đến việc sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như chip máy tính và ô tô. Đây là điều đáng để Việt Nam học tập nhất. Nhưng nếu chỉ học mà không hành thì việc biến thành Hổ chỉ có thể mãi là ước vọng để tăng tính lạc quan nhằm có động lực bươn trải hết năm này đến tháng nọ mà thôi.

Như vậy, khía cạnh tích cực nhất của (thế giới) sợ Hổ ở đây là làm sao để mọi người e ngại, nhưng xem trọng chứ không bế quan tỏa cảng hoặc trả đũa. Nếu mình làm ra được hạt gạo, con chip, hàng may mặc… có giá trị gia tăng cao, thay vì cứ mãi làm công cho thiên hạ thì không khó để Việt Nam trở thành Hổ được trọng vọng.

Và… Hổ sợ chính mình

Đây có lẽ là điều mà chúng ta nên tránh tối đa, nhất là tránh những sai lầm lặp lại trong quá khứ.

Đối với Việt Nam, những sai lầm từ chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, việc thả lỏng các luồng vốn ngoại mang tính đầu cơ, và cùng với đó là những quy tắc thiếu thận trọng trên thị trường tài chính những năm trước đã dẫn đến hệ lụy: lạm phát tăng tốc, bong bóng chứng khoán và bất động sản, bất ổn kinh tế vĩ mô. Một điều chắc chắn là những sai lầm trong quá khứ có lẽ khó lặp lại trong tương lai do Chính phủ đã có quá nhiều bài học từ điều hành trong giai đoạn mà nền kinh tế phát triển quá nóng.

Nhưng còn những sai lầm trong tương lai?

Không thể chủ quan để mà đoan chắc rằng, những sai lầm trong tương lai là không thể. Những dấu hiệu và tình thế mới khác với trước đây có thể dẫn đến việc chúng ta chẩn đoán bệnh sai và bốc thuốc không đúng. Lấy ví dụ gần nhất để trả lời cho câu hỏi mà rất nhiều người và hẳn Chính phủ cũng rất quan tâm, đó là trong lúc mà nền kinh tế vẫn còn đang hồi phục chậm, thì tình hình thanh khoản của các ngân hàng và của cả nền kinh tế có dấu hiệu lại còn căng thẳng hơn cả những gì mà một nền kinh tế “thực” đòi hỏi.

Có phải là nền kinh tế “thực” đang khát vốn?

Nếu câu trả lời là có, ta sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ và tài khóa, thậm chí có ý kiến là phải bơm mạnh tiền vào nền kinh tế. Nếu là không, chính sách sẽ là ngược lại. Và nếu là có nhưng không đến mức nghiêm trọng như một số ngân hàng và các doanh nghiệp (phần nhiều là đại gia) than vãn thì chính sách sẽ thật là linh hoạt. Nếu là có nhưng lại bắt nguồn từ những yếu kém nội tại của một nền kinh tế có hiệu năng sử dụng vốn quá thấp thì cần phải cải cách những khâu có liên quan.

Nhưng dù tình huống là thế nào đi chăng nữa, từ việc học được những sai lầm trong quá khứ, thì một chính sách tài khóa có trách nhiệm, một chính sách tiền tệ linh hoạt, và cải cách thể chế phải là điều kiện tiên quyết.

Những minh họa trên đây cho thấy chính sách trên con đường hóa Hổ sắp đến của Việt Nam phải thật là linh hoạt và thận trọng, không chỉ trong chính sách kinh tế, mà còn cả trong các lĩnh vực khác.

Tính linh hoạt và thận trọng trong chính sách kinh tế đề cập ở trên có nghĩa là ta phải tranh thủ sản xuất hàng hóa chẳng những có thể tiêu dùng nội địa, mà còn để “xuất khẩu” tại chỗ để thu hút những khách hàng nước ngoài và khách hàng giàu có ngay tại trong nước với chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Tính linh hoạt và thận trọng này để tránh tình trạng xóa bỏ hẳn cái cũ (nhưng vẫn còn giá trị) để làm lại từ đầu cái mới chẳng những vừa lãng phí tiền của mà lại còn kéo lùi sự phát triển. E rằng, nếu ta không tìm cách thay đổi tư duy nhiệm kỳ theo kiểu ông sau phủ định ông trước thì đó sẽ là lực cản không nhỏ trên con đường Việt Nam hóa thành Hổ.

Làm sao để cho Hổ đừng sợ chính mình, xem ra, đôi khi còn quan trọng hơn cả trong tiến trình Việt Nam biến thành Hổ thứ thiệt. Điều này có nghĩa là, nếu như chúng ta không tự chiến thắng chính bản thân, thì sẽ còn rất lâu nữa Việt Nam mới có thể biến thành Hổ.

Dù gì đi chăng nữa, việc học tập những cái hay và loại bỏ những cái dở từ bài học “Sợ Rồng” và “Rồng sợ” của người láng giềng sẽ là những trải nghiệm quý giá cho ước vọng hóa Hổ của Việt Nam.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giá trị châu Âu và những gợi ý cho sự phát triển

    10/07/2019Hồ Sĩ QuýVài năm gần đây, hình ảnh về một Châu Âu già nua (Old Europe, Secular Europe) thường ám ảnh các nhà chính trị và các nhà hoạt động xã hội xã hội Châu Âu. Thật ra đây là một định kiến thiếu công bằng và không mấy sáng suốt, nhất là đối với những người ở ngoài khu vực Tây Âu tin vào định kiến này. So với Phương Tây ngoài Châu Âu và so với các khu vực khác mới nổi thì đúng là Châu Âu đã già nua. Nhưng già nua đâu có phải là các giá trị Châu Âu đã lỗi thời. Bài viết này cố gắng đưa ra một cái nhìn như vậy.
  • Bí ẩn Châu Á trong tấm gương triết học Châu Á

    25/12/2017Hồ Sĩ QuýTriết học Châu Á hay là triết lý Châu Á không phải là một khái niệm triết học. Đây chỉ là một cách gọi tương đối. Nó khá mơ hồ, không đủ rõ ràng, không có nội hàm xác định, càng không được hiểu như nhau trong mọi văn cảnh. Nếu coi là một khái niệm triết học, thì triết học Châu Á còn mơ hồ hơn cả khái niệm triết học phương Đông...
  • Vấn đề giá trị quan Châu Á: nghiên cứu so sánh Châu Á và phương Tây

    18/10/2014Hồ Sĩ QuýNgười Châu Á coi “cần cù, yêu lao động” là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi "tự lực cánh sinh"' mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau “tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân”...
  • Người trẻ cần có tư duy "nhìn ra phía biển"

    27/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện). Ảnh: Quỳnh HoaBên cạnh việc được coi là một ông nghị “nói nhiều” ở Quốc hội, ông Dương Trung Quốc là một nhà Sử học có tiếng. Ông chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay.
  • Rồng, hổ Đông Á và vấn đề sử dụng bài học kinh nghiệm về nhân tố văn hóa và con người

    22/04/2009PGS.TS. Hồ Sĩ QuýViệt Nam đang cất cánh và vẫn chưa mất cơ hội để hóa rồng. Việc lựa chọn những quyết sách, phương thức và bước đi trong phát triển trên cơ sở học tập kinh nghiệm thành công của mô hình Đông Á, như lời tư vấn nhiệt thành của các chuyên gia Harvard, rõ ràng là có ý nghĩa quyết định. Tuy nhiên, kinh nghiệm dù hay đến mấy cũng mới chỉ là hành trang để phát triển. Chỉ riêng hành trang chưa đủ giúp người tìm đường tới được cái đích mà anh ta cần đến.
  • Khát vọng Tình yêu & Hạnh phúc

    17/12/2008Nguyễn Khắc NhoTrong cuộc sống hàng ngày, ai mà chả mong mình được sống trong tình yêu và hạnh phúc. Lời chúc muôn thuở của con người mãi mãi vẫn là chúc nhau mạnh khỏe, thành đạt và hạnh phúc. Thế nhưng thử hỏi tình yêu là gì, hạnh phúc là gì, vì sao con người lại chúc nhau và mong mỏi thiết tha đến thế?
  • Giá trị Châu Á trong thế kỷ XXI

    21/12/2006Kim Jae YoulSự sống dậy của truyền thống Khổng giáo qua CNTB Khổng giáo bắt đầu hấp dẫn nền kinh tế thế giới. Khi mà thế giới thế kỷ XXI bắt đầu phát hiện lại Đông Á, thì giới trí thức Đông Á lạibắt đầu tự ý thức để đưa ra những giá trị và cả tính Đông Á như một sự hoán đổi cho văn hóa thế giới trong thế kỷ XXI.
  • Về giá trị và giá trị Châu Á

    22/02/2006Hồ Sĩ QuýTác giả đã phân tích những giá trị truyền thống Châu Á trong bối cảnh thế giới đương đại và có sự đối sánh với những hệ giá trị khác, tổng hợp những quan điểm điển hình của một số học giả có uy tín trong và ngoài nước về lĩnh vực này, luận giải mối tương quan giữa những giá trị truyền thống Châu Á và nền văn hoá Việt Nam...
  • Hy vọng, Niềm tin và Mơ ước

    08/07/2008Minh BùiCon người tin tưởng, hy vọng và mơ ước về một tương lai tốt đẹp là hình ảnh đối lập với con người lo sợ trong hiện tại và day dứt về quá khứ. Nhưng điểm quan trọng là cần biết và học cách Mơ ước, Tin tưởng và Hy vọng!
  • xem toàn bộ