Từ dream Tàu đến xe hơi
Con đường tôi đi đã rất xa so với mục tiêu ban đầu. Kết quả tôi nhận được cũng khác nhiều so với mong muốn ban đầu. Giờ đây, tất cả những gì tôi phải đối diện là câu hỏi: Tôi có hạnh phúc với những gì mình đạt được hay không?
Tôi sinh ra ở một thôn nghèo của xã, một xã nghèo của huyện, một huyện nghèo của đất nước bị xếp hàng thứ ba trên thế giới lúc đó. Khát vọng lớn nhất của đời tôi thời điểm đó là đỗ đại học, có công ăn việc làm (nếu được) thì giúp đỡ bố mẹ. Với tất cả nỗ lực và ý chí của mình, cũng đến ngày tôi cầm giấy báo đỗ đại học, bắt chuyến xe khách sớm nhất ra Hà Nội nhập trường, hành trang chẳng có gì ngoài hai bộ quần áo, vài ba cuốn sách và hộp ruốc mẹ làm "phòng khi đói lòng". Tôi còn nhớ như in cảm íac lạc lõng giữa Hà Nội xa lạ. Đêm đầu tiên của cuộc đời sinh viên, tôi khóc ướt mềm gối. Nhưng tôi dằn lòng phải cứng rắn lên, mạnh mẽ lên vì tôi biết mục tiêu của đời mình là gì.
Gần đến ngày ra trường, tôi khát khao có một chiếc xe máy thay cho chiếc mini Tàu, vì thời điểm đó, nhà tuyển dụng nào cũng yêu cầu phải có xe máy. Nhưng chao ôi, chiếc xe máy lúc đó là sản nghiệp của cả gia đình tôi. Ngay khi ra trường, tôi được một công ty tư nhân "vợt" về với mức lương khá hậu hĩnh. Chỉ sau mấy tháng đi làm, tôi đã có số tiền ngang với sản nghiệp gia đình. Và tôi thực hiện ước mơ vật chất đầu tiên trong đời: mua chiếc Dream Tàu.
Sợ các công ty khác mời gọi, sợ tôi "vỗ cánh bay", sếp bổ nhiệm tôi vào một vị trí chủ chốt của công ty. Vị trí chủ chốt đồng nghĩa với lương cao. Lương cao đồng nghĩa với làm nhiều. Tôi đang quá thừa năng lượng để làm việc, nhất là công việc đem đến một khoản tiền tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi bắt đầu cuốn mình vào vòng xoáy công việc. Ít khi nào tôi rời tòa nhà Hà Nội Towers trước chín giờ tối. Thậm chí đêm về tôi vẫn hì hụi bên những dự án ngoài giờ để kiếm thêm tiền.
Lúc bấy giờ, tôi bắt đầu thường xuyên tiếp xúc với những người có vị trí cao trong xã hội. Họ là bạn bè, là đồng nghiệp, là đối tác. Họ đi xe hơi, hoặc chí ít là xe tay ga. Họ mặc quần áo hiệu D&G, hoặc chí ít là Mango. Họ xách túi Louis Vuitton, hoặc chí ít là Guess. Họ đi giày Salvatore hoặc chí ít là Geox... Có lẽ bản chất là một nông dân nên tôi không dễ chạy theo những thứ phù phiếm đó. Tôi mua chiếc Yamaha thay cho "con" Dream Tàu để mỗi buổi sáng mùa đông không phải mướt mồ hôi đạp máy.
Rồi một ngày, sếp tôi hỏi: "Em có muốn chuyển vào tp. Hồ Chí Minh làm việc không? Đó là mảnh đất rất tốt cho những người có năng lực như em". Chỉ sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau tôi đã có quyết định cho mình.
Ngồi trên máy bay, tưởng tượng đến cảnh xuống sân bay không người đón đưa, nhìn lại mình 25 tuổi vẫn phiêu bạt trên con đường mưu sinh. Tôi ứa nước mắt. Nhưng rồi lại mỉm cười ngay sau đó, khi nhìn thành phố bừng sáng đang ở dưới chân mình.
Đúng như sếp tôi nói, tp. HCM thực sự là mảnh đất hợp với tôi. Công việc, địa vị, danh tiếng và thu nhập của tôi phát triển với tốc độ kinh ngạc. Bù lại, tôi làm việc như chong chóng và thường xuyên bị stress. Những lúc bị stress tôi chọn giải pháp đi shopping (xin mở ngoặc là lúc này tôi đã đổi chiếc xe số thành chiếc tay ga nữ tính và tránh bị giật đồ). Nghĩ rằng vất vả làm nhiều mà tiền kiếm được cũng để làm mình vui, tôi bắt đầu tự thưởng cho mình những món đồ xa xỉ và mua bất cứ thứ gì tôi thích. Tôi "nghiện" mua sắm. Cứ rảnh ra một chút, tôi lại đi shopping. Trên người tôi bắt đầu xuất hiện những nhãn hiệu mà trước đây tôi cho là "đốt tiền" cho thương hiệu. Shopping nhiều, đồng nghĩa với làm nhiều. Làm nhiều đồng nghĩa với stress. Stress đồng nghĩa với shopping... Cứ thế, tôi tự rơi vào cái vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra. Nhưng có một điều thú vị là, càng làm nhièu, tôi càng có cơ hội thăng tiến và mức lương càng cao. Lúc này, cùng với nhu cầu shopping, bắt đầu nảy sinh một nhu cầu khác trong tôi: Mua nhà, chấm dứt sự lông bông! Mục tiêu đặt ra, tôi bắt đầu "cày", và nghĩ, đây là "cuộc tổng tiến công" cuối cùng của mình. Sau khi đạt được mục tiêu này, tôi sẽ làm ít, dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân. Tôi làm việc như không có ngày mai, đến mức nhiều người gặp tôi đều nói: "Làm để sống hay làm để... chết". Và rồi đến ngày tôi cầm chiếc chìa khóa mở cửa ngôi nhà của chính mình.
Chưa đầy một tháng, tôi lại "ăn không ngon, ngủ không yên" khi thấy mình làm mỗi ngày có... tám tiếng. Tôi cảm thấy bất an và hứa với lòng kiếm thêm ít tiền phòng thân nữa thôi, rồi lúc đó sẽ nghỉ ngơi (nghỉ ngơi với tôi là làm mỗi ngày tám tiếng). Thế rồi tôi tiếp tục lao vào công việc.
Có thêm chút tiền trong tay, tôi lại bắt đầu nghĩ đến chuyện cố gắng làm kiếm tiền mua một... chiếc ô tô, để mưa không đến mặt, nắng không đến đầu.
Một hôm, cô bạn học phổ thông sinh con gái đầu lòng và mời tôi đến nhà chơi. Hai vợ chồng ở trọ trong một con hẻm ngoằn ngoèo khiến tôi phải đi lòng vòng mới tìm được nhà. Bế con bạn trên tay, nhìn đôi mắt trong veo và nụ cười mũm mĩm của nó, tôi bật khóc. Trong đầu tôi vang vọng lên hàng trăm câu hỏi: 10 năm qua tôi đã bị cuốn vào cái vòng xoáy nào vậy? Tôi kiếm tiền để làm gì? Tôi có hạnh phúc khi chỉ thỏa mãn những nhu cầu vật chất mà mình không ngừng đặt ra? Mục tiêu lớn nhất của đời người phụ nữ là gì? Nhà cửa? Xe hơi? Hay một gia đình nhỏ xinh, có tiếng cười trẻ thơ? Gần 30 tuổi, tại sao tôi vẫn chưa có người đàn ông nào kề bên để hiểu và sẻ chia? Tại sao đứa bé trên tay tôi không phải là con mình, khi tôi đã thừa tuổi để làm mẹ? Tôi đang sống hay đang tồn tại?...
Tôi biết, chỉ có tôi mới trả lời được câu hỏi của chính mình!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn