Tri thức bất biến là tri thức chết
Chúng ta đang ở buổi giao thời những giá trị cũ và mới, những giá trị ảo đang lấn lướt những giá trị thật, mỗi con người đều đang đứng trước rất nhiều thử thách, chị nghĩ gì về điều này?
Nhìn lại lịch sử, chúng ta cũng đã từng trải qua giai đoạn giao thời giữa cũ và mới như thế, như thời Nhất Linh, Khái Hưng với Tự lực văn đoàn, nhưng thời đó, toàn xã hội đều nhận diện ra vấn đề. Còn bây giờ, điều tôi lo lắng nhất là xã hội không nhận diện ra vấn đề. Trong văn hoá mà không chính thức thừa nhận, thì không thể có sự hỗ trợ cấp thiết cho mỗi gia đình, và toàn xã hội.
Hôm qua, tôi xem bộ phim Việt Nam Hơi ấm bàn tay. Bỏ qua những khiếm khuyết về diễn xuất, dàn dựng, bộ phim chạm vào một sự thật, đó là nạn bạo lực gia đình. Một em bé từ lúc lọt lòng cho đến năm mười tuổi chưa bao giờ nhận được tình yêu thương. Cha, mẹ, chị đều đối xử với em một cách tàn bạo. Một lần bị vu oan ăn cắp gà hàng xóm, em bị cha đánh một cách tàn nhẫn như đánh một con vật thuộc quyền sở hữu của mình, mặc cho em khóc lóc van xin. Đến khi người ta tìm ra kẻ ăn cắp gà thật thì em bé lấy mảnh thuỷ tinh cứa vào tay tự sát, vì nghĩ chỉ cách đó mới giúp em quên đi nỗi oan ức... Dù được cứu sống, nhưng lớn lên em trở thành trẻ bụi đời, nhiễm HIV, rồi lại bị nghi phạm tội giết người. Mọi chứng cứ đều chống lại em, chỉ có cô phóng viên tin em vì một xác tín nội tâm, và chỉ có cô đối xử với em như con người với con người. Nhìn lại gia đình Việt Nam, có biết bao câu chuyện đau lòng như thế. Vấn đề tai hại là toàn xã hội đang nhìn nhận thực tế đó như “chuyện của người khác”, và coi chuyện chồng đánh vợ, cha đánh con là chuyện rất bình thường...
Truyền thống cho rằng “đừng đòi trứng khôn hơn vịt”, nhưng truyền thống cũng từng nói “con hơn cha là nhà có phúc”, hãy nhìn những giá trị truyền thống trong sự đa dạng, bằng phương pháp luận khoa học, để thấy cái gì giá trị, và cả những gì không còn giá trị, từ đó chọn lọc những tinh tuý, chứ không thể bưng nguyên xi truyền thống, và nếu ai đặt lại vấn đề thì cho là phạm huý. Nếu thiếu hiểu biết, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “mả cha không thấy mà chỉ khóc đống mối”.
Dưới con mắt của một nhà nghiên cứu lịch sử, theo chị, việc không dám nhìn thẳng vào sự thật sẽ dẫn đến những hệ luỵ nào?
Chúng ta muốn thanh niên sống có lý tưởng, nhưng lại không chịu lắng nghe thanh niên, không để họ nói, không để họ suy nghĩ khác thì đương nhiên họ sẽ im lặng, hoặc nói bằng blog. |
Chỉ khi nào chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, mới hiểu vấn đề, tìm ra đúng căn cội của vấn đề và có cách giải quyết. Hãy nhìn thẳng vào sự thật để cùng nhau thay đổi nó. Xã hội ta vẫn chưa từ bỏ thói quen huyền thoại hoá và thiêng liêng hoá quá khứ. Một số giá trị đang trở nên “bất khả xâm phạm”, không ai đụng vào được. Một giá trị mà chỉ có thờ lạy, không phân tích tìm hiểu, không biết làm mới nó, không thực sự trăn trở để chia sẻ thực tâm, thực lòng, thì làm sao có thể trở thành giá trị thực của chính mình, làm sao có sức sống. Giá trị sống nào cũng phải đến từ con người, vì mục đích con người, nếu chỉ là những thứ thờ lạy thì có khi chúng ta đang lầm tưởng, chứ thực ra nó không có thật.
Một trong những giá trị mà tôi theo đuổi là tôn trọng quyền con người với con người. Tôi thú vị khi những hội thảo khoa học của đại học Hoa Sen đã nhận được sự tranh luận trái ngược của toàn xã hội, ai cũng có quyền suy nghĩ khác nhau, và đó chính là đặc trưng của giáo dục.
Nhiều ý kiến lo ngại thanh niên ngày nay quá thực dụng, thiếu lý tưởng, thiếu động lực để sống và phục vụ cho một mục tiêu cao cả hơn nhu cầu cá nhân, chị có thấy vậy không?
Chúng ta muốn thanh niên sống có lý tưởng, nhưng lại không chịu lắng nghe thanh niên, không để họ nói, không để họ suy nghĩ khác thì đương nhiên họ sẽ im lặng, hoặc nói bằng blog... Sự không hiểu nhau vì thế ngày càng sâu rộng ra. Mình trách thanh niên sống không có lý tưởng, nhưng hãy hỏi ngược lại rằng chúng ta đã làm gì để phát triển những giá trị chân thực ấy? Những giá trị văn hoá, tinh thần phải là cái người ta trải nghiệm, thưởng thức, chia sẻ với tất cả sự hào hứng của tri thức, trí tuệ, tấm lòng, tình cảm... chứ không phải là sự áp đặt một cách mông muội, khiên cưỡng.
Theo chị, làm thế nào để giúp giới trẻ gìn giữ những giá trị gia đình?
Giá trị sống nào cùng phải đến từ con người, vì mục đích con người, nếu chỉ là những thứ thờ lạy thì có khi chúng ta đang lầm tưởng, chứ thực ra nó không có thật. |
Trở lại với câu chuyện em bé trong Hơi ấm bàn tay, đối với em, gia đình đâu phải là một giá trị, bởi em chưa bao giờ được gia đình bảo vệ, thương yêu. Làm sao có thể nói với lớp trẻ rằng “gia đình là thiêng liêng”, khi tỷ lệ người nghèo đói và ít học không phải là thiểu số. Rõ ràng những giá trị về gia đình đang đứng trước những thách thức lớn. Chúng ta đã có luật gia đình, nhưng luật không được thực thi bởi mình không có một cái nhìn tỉnh táo vào hiện thực xã hội, hoặc nhìn một cách cảm tính, mạnh ai nấy phán. Mình toàn bàn chuyện xã hội, nhưng mỗi người hãy thử soi lại mình, coi chừng trong gia đình, mình cũng đang áp bức ai đó?
Nhìn về sức khoẻ tinh thần, theo chị vì sao giới trẻ hiện nay khi đối diện với những bất trắc cá nhân thì rất dễ gãy đổ?
Thế hệ trẻ bây giờ có nhiều thuận lợi hơn chúng ta ngày xưa nhiều. Được tiếp cận với nhiều nguồn tri thức rộng lớn hơn và sớm hơn, hiểu biết nhiều hơn. Nếu được giáo dục tử tế, họ sẽ biết cách đi tìm thông tin hơn mình để vượt qua nỗi sợ. Cái thiếu của họ là không tự xác lập được hệ thống giá trị cho chính mình, vì chúng ta đang ở điểm giao thời của những giá trị cũ và mới, nhưng không có sự tranh luận. Lỗi của giáo dục, và cũng một phần do lỗi của các bậc phụ huynh. Phụ huynh cũng phải thay đổi tư duy, để con em mình có quyền tự do, chủ động hơn. Đừng thương con theo kiểu “sống giùm con”. Hãy để con tự sống.
Tôi năn nỉ các bậc làm cha, làm mẹ hãy... nhả con mình ra, tự khắc con sẽ trưởng thành. Đó là điều không bao giờ là quá muộn. Mỗi người hãy bắt đầu từ chính gia đình mình, bản thân mình.
Một giá trị căn cơ nữa đang bị hoài nghi là sự chân thực. Đại học Hoa Sen không phải là một ốc đảo, làm thế nào để chị có thể gìn giữ sự chân thực trong một môi trường đầy biến động?
TS Nguyễn Xuân Xanh: “Một phụ nữ đặc biệt, nhiều ý tưởng, năng lượng toát ra từ bộ óc nhỏ bé như chảy hoài không hết. Chị giống một “nữ tướng”, vừa cầm cờ, vừa “điều binh khiển tướng”, sâu sát với tình hình, chăm sóc ngôi trường từng li từng tí, chứ không chỉ tay năm ngón. “Xông trận” vào trận địa trí thức rất nhạy bén. Một người rất cứng rắn nếu phải cứng rắn, nhưng rất tình cảm nếu phải tình cảm, và rất thông minh nếu cần thiết thông minh. Tôi ấn tượng mạnh với người phụ nữ này”. TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc đại học Quốc gia TP.HCM:“Là một trong số rất ít nữ lãnh đạo các trường đại học, chị gắn bó với đại học Hoa Sen từ những ngày đầu. Trong những năm gần đây, trường Hoa Sen đã có những bước tiến rất nhanh, rất mạnh trong đào tạo, thu hút được nhiều sinh viên đến học. Bên cạnh việc xây dựng uy tín, thương hiệu cho đại học Hoa Sen, chị còn có nhiều sáng kiến góp phần cho hoạt động của cộng đồng các trường đại học Việt Nam thêm phong phú”. |
Cái gì bây giờ người ta cũng không tin là thật. Nếu ai đó phát hiện mình mua nhầm đồ giả, bị người khác nói dối, thì cũng thấy đó là chuyện bình thường. Mọi người đang dần mất đi sự phẫn nộ trước cái xấu, cái ác. Sự lương thiện, công bằng dần biến thành chuyện xa lạ... Cái tốt đôi khi phải nép mình, mất tự tin, không dám bộc lộ. Thật nguy hiểm khi xã hội không còn lòng tin ở sự chân thực, lẽ phải, công lý. Lương thiện là căn tính của con người, căn tính đó nhiều lúc, nhiều nơi đang bị huỷ hoại.
Ngày xưa, bất kỳ người có học hay không đều chia sẻ với nhau một số giá trị, còn bây giờ, ít ai còn tin vào những điều đó nữa. Nếu toàn xã hội không tin thì ngành giáo dục làm sao còn dạy dỗ ai? Nếu chỉ nói suông, sẽ thành đạo đức giả. Đây là một cảnh báo có thật, liên quan đến toàn xã hội, là trách nhiệm của mọi người, của từng cá nhân. Niềm tin phải được xây dựng từ những quan hệ nhỏ nhất trong gia đình, công ty, trường học, xã hội.
Hơn lúc nào hết, từng con người phải có niềm tin để bảo vệ công bằng, lẽ phải, sự chân thực trong đời sống hàng ngày, những mối quan hệ gần gũi nhất của mình, và làm cho nó lan toả. Một tiếng nói đơn lẻ chẳng thể làm được gì, tôi mong muốn mọi người cùng nhau nhìn vào sự thật đó để cùng hành động, chứ không rao giảng.
Luận án tiến sĩ “Việt Nam 1920 – 1945, giới và hiện đại: những nhận thức và trải nghiệm mới” của chị đã tạo được nhiều tiếng vang trong giới khoa học. Điều gì giúp chị hình thành một tư duy độc lập, tinh thần phản biện, để có thể soi rọi lại các vấn đề của lịch sử một cách khoa học và thấu đáo hơn?
Tư duy độc lập nếu không có môi trường phát triển sẽ bị thui chột. Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình tôn trọng tự do của con cái, mặc dù ba má tôi dạy con theo kiểu truyền thống. Cũng có những điều ba má nói tôi không đồng ý, nhưng ông bà luôn tôn trọng, đó là những nấc thang đầu tiên, sự hỗ trợ tinh thần rất lớn. Môi trường khi tôi đi học cũng rất lành mạnh, thầy cô giáo với nhiều cá tính khác nhau, nhưng chẳng ai tham nhũng như bây giờ.
Tôi thực sự biết ơn là nền giáo dục Pháp mà tôi đã trải qua, nó mang đậm tính nhân bản và sự khai phóng. Một điều nữa, thế hệ tôi đã lớn lên và dù phải trải qua chiến tranh nhưng vẫn được hưởng một nền giáo dục tốt, tự mình thấy có trách nhiệm với cộng đồng và cả một thế hệ đã làm rất nhiều điều lớn lao cho dân tộc. Chính điều đó đã giúp tôi nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu lịch sử, vì lịch sử là nghiên cứu về con người, về xã hội.
Chị đã tiếp nhận tinh thần khai sáng của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu như thế nào để hình thành triết lý sống của riêng mình?
Càng biết rộng, hiểu sâu, người ta càng khoan dung và nhân hậu hơn với đời, với người. Biển học là vô hạn, nhân sinh nhiều khác biệt, tri thức bất biến là tri thức chết. Tinh thần khai sáng, gắn liền mục tiêu độc lập với mục tiêu dân trí, dân quyền, dân sinh, đưa dân tộc tiến lên bằng người, tạo nên sự tiếp xúc, giao thoa, tiếp biến giữa các nền văn hoá khác nhau.
Nhìn lại khoảng trăm năm trở lại đây của Việt Nam, tinh thần khai sáng không tiến theo đường thẳng. Đứt gãy đau lòng, có lúc cảm nhận oan khiên. Cả Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đều tự nhận có tội, vì chưa hoàn thành tâm nguyện giúp ích cho dân, cho nước. Song di sản của tinh thần duy tân qua nhiều thế hệ vẫn khẳng định sự cần thiết chuyển biến tận bề sâu văn hoá, bằng nỗ lực kiên trì, dài lâu trong giáo dục, truyền thông, nâng cao dân trí. Tinh thần khai sáng mạnh mẽ nhất là ở những người biết mở lòng, mở trí trước tri thức mới lạ, trước cách nghĩ, cách làm khác với cái gì mình quen thuộc; những người tự chủ, tự lập, bất khuất trước bạo lực, cường quyền, nhưng khoáng đạt, chân tình với người cùng chí hướng. Họ có sức lan toả và năng lực tạo ra thay đổi khi, cùng với ý chí và nhiệt huyết xả thân vì đại cuộc, còn có tri thức rộng, hiểu thực tế và có cái nhìn lý trí về hiện thực.
Có bảo đảm tinh thần canh tân đó luôn sống trong tâm huyết, trí tuệ và tư duy những người làm giáo dục, làm văn hoá để vun bồi, phát triển nó ở thế hệ trẻ hôm nay? Tưởng rằng chúng ta chỉ được phép trả lời: nó phải sống, vì lẽ sống còn của cộng đồng dân tộc và mỗi cá nhân con người Việt Nam!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý