Hành trình tự đổi mới bản thân 2

10:18 SA @ Thứ Sáu - 26 Tháng Mười Một, 2010

Chuyện kể về các loài sâu, chúng đang sống một cuộc sống bình dị giản đơn thì bỗng một hôm xôn xao cả thế giới loài sâu bởi một ý kiến cho rằng "trên đời này có một thứ tên là âm thanh và hình ảnh". Đó là một thông tin hoàn toàn mới, chưa hề có trong thế giới của sâu. Hội đồng bô lão, các nhà khoa học sâu họp bàn lại với nhau để xác nhận thông tin này. Tất cả những nhân vật quan trọng được tập hợp lại trong hội trường là một hốc cây cổ thụ to. "À, âm thanh à, để xem nào", các cụ sâu, nhà khoa học sâu lần mò một lúc không thấy gì chỉ thấy thô thô, ráp ráp, trơn trơn, nhẵn nhẵn, chẳng có cái gì là âm thanh ở đây cả. Vô lý. Thế còn hình ảnh thì sao, các cụ sâu, nhà khoa học sâu lại tiếp tục lần mò và cũng chỉ thấy thô, ráp, sần sùi nhẵn nhụi chứ không thấy cái gì là hình ảnh ở đây hết. Vô lý. Vậy là không có âm thanh và hình ảnh gì ở trên đời này hết.

Nhưng thế giới của chúng ta hoàn toàn có những thứ được gọi là hình ảnh được biết thông qua thị giác và những thứ được gọi là âm thanh được biết thông qua thính giác. Loài sâu chỉ có một giác quan duy nhất đó là xúc giác, chúng không thể nhìn cũng không thể nghe, chính vì vậy trong câu chuyện ở trên, thế giới loài sâu vội kết luận rằng không có âm thanh và hình ảnh ở trên đời.

Ta có khi nào cũng có những kết luận về thế giới hay về chính bản thân mình như những loài sâu.

Một chú sâu người đen sì đầy lông nhìn một chú sư tử và đau khổ, chú thắc mắc sao ta không to khỏe như vậy, sao ta không mạnh mẽ và đẹp đẽ như thế, ta chẳng có gì, bé nhỏ và xấu xí. Chú tự ti và cho rằng mình vô sản. Ta có cho rằng những chú sâu đó kém hơn sư tử, chúng không có gì để tự hào về mình.

Còn bản thân chính chúng ta thì sao, ta đang tự tin về mình, hay đang tự ti. Nếu được hỏi "Ta hãy nói về bản thân mình (những đặc điểm, những thế mạnh, điểm yếu)", ta sẽ nói điều gì? Tôi là một người nhút nhát, giao tiếp kém, tôi chưa thành công và có nhiều tật xấu…Hay tôi là người mạnh mẽ, ham muốn thành công, năng động, nhiệt tình…

Nếu ta còn chưa tự tin vào bản thân, còn coi mình là những con sâu xấu xí thì hãy tiếp tục chuyến hành trình.

1.1Khám phá những tiềm năng

A,Tiềm năng trong thuyết trình

Có hai phần làm nên hiệu quả truyền đạt của một thông điệp từ người diễn giả (người nói) tới thính giả (người nghe) đó là ngôn từ và phi ngôn từ. Nhìn vào bảng bên cạnh ta sẽ rõ hơn phần nào thuộc về ngôn từ và phần nào thuộc về phi ngôn từ.

Hữu thanh

Vô thanh

Phi ngôn từ

Giọng nói (chất giọng, âm lượng, độ cao…), tiếng thở dài, kêu la

Điệu bộ, dáng vẻ, trang phục, nét mặt, ánh mắt, di chuyển, mùi…

Ngôn từ

Từ nói

Từ viết

Trong thuyết trình, hiệu quả mà ngôn từ mang lại chiếm 7% còn 93% nằm ở phi ngôn từ. Ta có thể dễ dàng nhận ra điều này trong cuộc sống khi ta nói ra một điều gì đó. Cùng là từ "Lại đây" chẳng hạn, nếu nói giọng nhẹ nhàng thì người nghe sẽ cảm nhận rất khác với một từ lại đây được nói bằng giọng gay gắt và quát tháo. Đặc biệt, khi có thêm hình ảnh cho từ "lại đây" như ta cầm một tấm ván, mặt đanh lại giận giữ và hét lớn "Lại đây" thì nhất định người tiếp nhận sẽ có một cảm nhận hoàn toàn khác. Như vậy, với cùng một ngôn từ khi ta thay đổi giọng nói và hình ảnh tức thay đổi phần phi ngôn từ trong việc truyền đạt nó thì tạo ra những hiệu quả khác nhau đối với người nghe khi tiếp nhận thông điệp đó. Cũng như vậy với cùng một bài hát, người ta có thể trả rất nhiều tiền để nghe trực tiếp ca sĩ hát hơn là ngồi nhà nghe ca sĩ đó hát trên đĩa CD hay chỉ đọc lời bài hát đó trên giấy. Như vậy hiệu quả của thông điệp ta truyền đạt tới người nghe nằm phần nhiều ở phi ngông từ của ta và một phần nhỏ ở ngôn từ, từ ngữ ta nói ra. Lâu nay ta tập trung đầu tư công sức của mình vào phần nào, phần mang lại 7% hiệu quả hay 93% còn lại?

Những điều tưởng chừng rất vô lý nhưng ta đang làm điều đó với chính mình. Ta đang đầu tư vào 7% hiệu quả của ngôn từ và bỏ đi 93% hiệu quả của phi ngôn từ mỗi lần ta thuyết trình về một vấn đề gì đó. Ta thường mất hầu hết thời gian của mình để tạo nên những bản word hoàn hảo, những trang chiếu rõ ràng mà không dành thời gian cho việc luyện tập cách trình bày nó ra sao cho thuyết phục và hiệu quả. Có câu nói rằng "Vấn đề không phải là nói cái gì mà nói như thế nào", hình ảnh ta thể hiện, giọng nói ta thể hiện chính là cách ta nói như thế nào về bài nói của mình. Và đó chính là tiềm năng rất lớn của ta mà lâu nay ta chưa khai thác.

Có câu chuyện kể về một người ông Quang dùng cả đời mình vào việc tìm kho báu, ông Quang đi khắp nơi tìm kho báu. Nhưng khi đã già rồi ông Quang vẫn chưa tìm ra được một kho báu nào, thậm chí một viên kim cương hay thỏi vàng cũng không. Và ông Quang quyết định sẽ quyết tâm tìm đến bao giờ không còn đủ sức nữa mới thôi. Ông Quang đã quyết định bán mảnh đất mình đang ở cho ông Nam để lên đường tiếp tục tìm kho báu. Ông Nam là một người nông dân và hàng ngày cấy trồng trên mảnh đất mà ông mua được. Bỗng một ngày khi ông Nam đang cuốc đất thì thấy lưỡi cuốc của mình chạm phải vật gì rất cứng. Ông Nam đào lên xem thì mới biết đó những thỏi vàng và dưới mảnh đất ông vừa mua được là cả một mỏ vàng lớn.

Ông Quang dùng cả đời mình để đi khắp nơi tìm kho báu mà không biết rằng kho báu nằm ngay dưới chân mình. Ta nghĩ gì khi đọc xong câu chuyện này, có người ngay lập tức lấy cuốc và đào đất dưới chân mình lên mong sẽ thấy những thỏi vàng, có người thấy tiếc cho ông Quang rồi thôi, có người mơ ước một ngày mình cũng như ông Nam tự nhiên thấy rất nhiều vàng dưới chân mình như việc mặc một chiếc quần mới và lục túi thấy tiền trong đó vậy. Có người không tin vào câu chuyện đó và chẳng quan tâm xem mỏ vàng đó là có thật hay không.

Ta là ai trong số những người đó, ta có tin ta đang có một mỏ vàng như vậy ở trong chính mình nhưng ta lại tìm kiếm điều đó ở những nơi xa xôi khác. Thánh Augustine đã nói "Con người đi khắp nơi để kinh ngạc trước những ngọn núi cao ngất, trước những ngọn sóng thần của biển cả, trước những dòng sông dài nhất, trước sự hùng vĩ của biển khơi, sự đẹp đẽ của những vì tinh tú, mà bỏ qua chính mình không một chút băn khoăn" Trong ta có cả một thế giới ẩn chứa rất nhiều tài sản quí giá.

Ngoài tiềm năng trong thuyết trình ta còn rất nhiều những tiềm năng khác mà ta cần phải biết.

B, Tiềm năng trong lắng nghe

Có câu chuyện kể về anh Văn, bị điếc từ nhỏ, anh không thể nghe được người khác nói gì cũng như những âm thanh hàng ngày. Cả nhà rất thương anh Văn và lo chạy chữa khắp nơi để anh khỏi bệnh. Sau bao công sức anh Văn đã bắt đầu nghe được. Anh nghe được mọi âm thanh xung quanh mình từ tiếng xe cộ, tiếng gió, tiếng người khác nói… Anh Văn rất sung sướng và cho rằng mình đã nghe được tất cả mọi âm thanh trên thế giới này. Có một hôm anh xung đột với bố, anh đùng đùng bỏ nhà đi. Mẹ khuyên can, làng xóm nói rất nhiều nhưng anh không nghe vẫn quyết định ra đi. Ai cũng lắc đầu "Thằng Văn này khỏi điếc nhưng chưa hết bệnh điếc".

Anh Văn mặc dù đã nghe được bình thường như bao người khác nhưng vẫn bị nói là "mắc bệnh điếc", cũng như nhiều khi bố mẹ nói với mình rằng "Bố mẹ nói con từ tai này sang tai kia vậy như nước đổ lá khoai ấy", có tai đã chắc là biết nghe hay chưa? Và mỗi chúng ta có chắc mình đã tận dụng hết tiềm năng nghe của mình, khai thác hết thế mạnh mà lắng nghe có thể mang lại cho mình hay chưa? Vì tự nhiên sinh ra mỗi chúng ta có hai tai, lúc nào cũng mở và làm đúng một nhiệm vụ là nghe, không phải để nghe trước quên sau, nghe cũng bằng không như vậy.

Ta cùng nhắm mắt và thực tập bài tập nhỏ này: Ta nhắm mắt lại và thả lỏng người nghe trong vòng 30 giây. Sau 30 giây đó ta nghe thấy những gì. Chắc hẳn ta nghe thấy rất nhiều âm thanh khác nhau như tiếng xe cộ trên đường, tiếng tivi, tiếng nhạc, tiếng nói chuyện của hàng xóm, tiếng rửa bát của mẹ… Khi đã liệt kê những âm thanh đó ra giấy ta tiếp tục nhắm mắt lại và nghe. Nhưng lần này ta cố gắng nghe xem nhà hàng xóm đang nói với nhau chuyện gì, hãy hướng tới nhà hàng xóm và bắt đầu nghe. Sau 30 giây ta ghi lại điều ta vừa nghe được ra giấy.

Kết quả thật thú vị, lần thứ 2 gần như ta không nghe thấy gì hoặc những âm thanh ta nghe cũng mờ nhật hơn rất nhiều lần thứ nhất. Điều khác biệt ở đây là gì, đó chính là ở lần thứ hai ta đã nghe chủ động và hướng tới một đích nhất định. Ở lần thứ nhất người ta gọi là Nghe thấy và lần thứ 2 mới được gọi là Lắng nghe theo sơ đồ minh họa.

Qua đó ta thấy rõ rằng lâu nay ta thường nghe thấy chứ chưa lắng nghe, chưa khai thác hết thế mạnh của việc lắng nghe. Và theo một thống kê xã hội học thì hiệu quả lắng nghe của mỗi người mới chỉ đạt 25% và vẫn còn lãng phí 75%. Có câu nói rằng "Nói là gieo, nghe là gặt", cánh đồng của ta rộng lớn nhưng ta mới chỉ khai thác 25% và bỏ lại 75% lúa gạo trên cánh đồng, đó là một lãng phí lớn. Cũng có câu nói rằng "Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương", nếu ta biết khai thác thế mạnh về lắng nghe của mình ta sẽ gia tăng giá trị rất nhiều cho chính bản thân, công việc và cuộc sống của ta đều sẽ hiệu quả hơn gấp nhiều lần. Nếu ta tận dụng được thế mạnh về lắng nghe nó sẽ giúp ta thấu hiểu người khác, xây dựng niềm tin với người khác, học hỏi được rất nhiều điều và giải quyết được rất nhiều xung đột trong cuộc sống… Lắng nghe thực sự là thế mạnh mà lâu nay chúng ta vẫn chưa khai thác hết. Kinh Phật nói về lắng nghe như sau: "Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe, biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi."

Đúng như một ai đó đã nói rằng "Hãy tin vào những gì ta có và thực tế là ta có hơn thế rất nhiều".

C, Tiềm năng của bộ não

Ai cũng muốn mình thông minh hơn người khác, ai cũng muốn mình là người thành công, là người số một trong công việc và cuộc sống nhưng bằng cách thức nào chắc hẳn không phải nhiều người biết. Mỗi khi chúng ta đi mua bất kỳ một thứ gì, từ một vỉ thuốc, một cái bình lọc nước hay một cái máy tính cá nhân bao giờ cũng kèm theo là một cuổn sách "dày cộp" về hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nhưng bộ não của chúng ta – một tài sản vô giá của mối các nhân và tổ chức, một siêu máy tính hiện đại, một công cụ quan trọng nhất giúp chúng ta đạt được tất cả hoạt động và quản trị nó như thế nào thì đa phần chúng ta đều chưa rõ? Con người chúng ta đi khắp nơi để khám phá và chinh phục mọi nơi trên thế giới nhưng trừ bộ não của mình – tiểu thế giới vĩ đại trong chính tâm trí mình.

Theo các nhà nghiên cứu về Thần kinh học, mỗi ngày chúng ta có 50-60 nghìn suy nghĩ. Bấy lâu nay, chúng ta cứ lầm tưởng mình đã khai thác phần lớn sức mạnh bộ não của mình. Loài người chúng ta đã khám phá và phát huy một cách triệt để sức mạnh tư duy mà tạo hoá đã ban tặng cho chúng ta. Nhưng kết quả nghiên cứu lại đưa lại một điều hoàn toàn khác. Một con số mà đa phần chúng ta nghe lần đầu tiên phải rùng mình và không thể tin nổi. Con số trung bình mà con người chúng ta mới khai tháchiệu quả bộ não của mình cũng chỉ 4%. Và như vậy, chúng ta đang từng ngày, từng giờ lãnh phí 96% sức mạnh tư duy của mình. Chỉ cần làm một bài tập nhỏ ta sẽ thấy ngay được điều đó. Trong lớp thầy giáo yêu cầu sinh viên của mình nhắm mắt lại và bao giờ thầy yêu cầu mở mắt mới được mở. Sau khi sinh viên của mình nhắm mắt lại người thầy ra ngoài và 1 phút sau ông quay lại. Ông hỏi sinh viên của mình "Vừa rồi các ta nghĩ những gì", có rất nhiều ý kiến đưa ra, ta nghĩ tới bữa ăn trưa, ta nghĩ tới cô ta gái, ta thì thắc mắc không hiểu sao thầy lại yêu cầu như vậy, ta thì chẳng nghĩ được cái gì… Thầy giáo hỏi tiếp sinh viên của mình "Theo các em trong 1 phút đó thì bao nhiêu suy nghĩ của các em là hiệu quả có ích cho chính các em còn bao nhiêu suy nghĩ là vẩn vơ và vô ích". Đến lúc đó, sinh viên mới thấy được ý nghĩa của bài học và nhận ra rằng, lâu nay đã số suy nghĩ của mình là vẩn vơ và rất ít suy nghĩ có hiệu quả thực sự. 1 phút mà ta đã có nhiều suy nghĩ vẩn vơ như vậy, nếu thời gian là 1 ngày, 1 tuần, 1 năm…. Thì còn biết bao suy nghĩ vẩn vơ không hiệu quả được sinh ra nữa. Điều đó chẳng khác gì, chúng ta có một cánh đồng rất mầu mỡ nhưng chỉ trồng cỏ dại trong khi đó nó có thể trồng hàng trăm thứ cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp hàng ngàn lần. Nhưng ta đừng quá vội lo lắng, bởi con số đó cũng nói lên rằng ta vẫn còn 96% sức mạnh bộ não của mình chưa được khai phá và đang chờ ta phát huy.

Không chỉ có vậy, ta thử tưởng tượng, ta có đôi tay, đôi chân, mắt, mũi, tai, nhưng ta sẽ khoanh tay lại, co một chân lên và nhắm mắt trong lúc ta đi lại, liệu việc đi lại lúc đó của ta sẽ như thế nào? Tương tự như vậy, bộ não chúng ta có 6 vùng chức năng: Cảm giác, thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và vận động (hình vẽ). Nhưng ta đang học tập chủ yếu bằng thính giác mà không hề phát huy các vùng chức năng khác của não, việc đó không khác gì việc ta đi lại trên đường với đôi tay khoanh lại, chân co lên và mắt nhắm. Đó là lý do vì sao lâu nay việc học tập, làm việc của ta chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Các vùng chức năng của não nếu được kích hoạt đều bằng những trò chơi, vận động, cảm nhận… thì hiệu quả trong công việc và cuộc sống của ta tăng lên đáng kể. Đó cũng là một tiềm năng mà ta không chỉ cần biết mà còn cần khai thác và phát huy.

Không chỉ có vậy ta còn có hai bán cầu não là bán cầu não trái và bán cầu não phải. Bán cầu não trái thiên về con số, phân tích, toán học, thời gian, chi tiết…

Còn bán cầu não phải thiên về mơ mộng, sáng tạo, màu sắc, tổng thể, cảm nhận…

Nhưng lâu nay ta chỉ tập trung phát huy bán cầu não trái nơi mà quên những cách thức phát huy cả bán cầu não phải của mình. Đó là tiềm nằng về cảm nhận và sáng tạo, từ đó sẽ nâng cao nhiều năng lực khác của bản thân mình trong công việc và cuộc sống.

Người ta nói rằng, bộ não là một công trình vĩ đại nhất mà chưa một cỗ máy nào có thể sánh kịp. Cũng chính vì lý do đó mà việc nghiên cứu về tiềm năng của bộ não chưa bao giờ dừng lại. Ta đang sở hữu một thứ vô cùng quý giá và vô cùng hữu ích cho chính bản thân mình mà ta không biết. Ngoài phương diện thần kinh học, giải phẫu học thì bộ não của ta còn được nghiên cứu trên lĩnh vực tâm lý học ứng dụng và cho thấy rất nhiều tiềm năng còn chứa đựng trong đó. Theo Bác sĩ Tâm lý Paul MacLean, mỗi người khi sinh ra đến khi mất đi đều có 3 não trong 1. Mặc dù ba phần não được sắp xếp chồng lên nhau, nhưng mỗi bộ có những chức năng và nhiệm vụ riêng biệt: Não bò sát, não thú và não người (hãy nhớ rằng, lý thuyết của bác sĩ MacLean đã được phát triển, tuy nhiên phần ứng dụng sau đây của lý thuyết của ông là một phép ẩn dụ trong quá trình tư duy và giải quyết vấn đề)

Thuỳ não - phần cuối của bộ não là nơi bộ não kết nối với xương sống. Phần này là não bò sát. Vùng này có trung tâm điều khiển, hệ thần kinh tự điều chỉnh, dành cho những chức năng sống của cơ thể như nhịp tim, hô hấp. Não bò sát còn có chức năng phản ứng với những nguy hiểm và đe doạ như chạy trốn hay chống lại. Não bò sát là bộ phận có nhiệm vụ đảm bảo những chức năng sinh tồn của cơ thể (Không có logic đúng sai, không có suy luận). Ví dụ cho chức năng này của bộ não là các loại động vật như Rắn, Thạch sùng, Cá sấu….

Não thú - là trung khu cảm xúc, chứa đựng nhu cầu về gia đình, thứ bậc xã hội, bà con họ hàng. Trong não chó có một hệ thống Limbic - Hệ thống rìa, các phần khác nhau của hệ thống này được kết nối với cảm xúc và bộ nhớ. Hệ thống này đã tạo ra 2 công cụ cực kỳ hữu hiệu: Năng lực học tập và trí nhớ, giúp con người này càng thích nghi hơn với môi trường sống và trở thành "Kẻ thống trị thế giới" . Não thú của chúng ta cũng giống nhu con Cún chúng ta nuôi ở nhà. Thấy người quen thân thì vẫy đuôi mừng. Nhưng thấy người lạ thì sủa và cắn. Phần não này hoàn toàn là cảm xúc không có phân tích đúng sai ở đây.

Vỏ não mới – hay còn gọi là não người, là vùng bao quanh đỉnh và cạnh của hệ thống Limbic chiếm 80% tổng thể tích của bộ não con người. Não người cho phép con người suy nghĩ logic và có suy luận. Thêm vào đó, vỏ não người đem lại kinh nghiệm tư duy trừu tượng.

Suy luận logic, tư duy trừu tượng và ngôn ngữ là một trong những chức năng đặc biệt phân biệt con người với các loài động vật khác.

Những kết quả nghiên cứu trên đã cho chúng ta thấy rằng, thông tin đầu tiên sẽ đi vào não thú, nếu như thông tin là tích cực thì não thú sẽ mở van năng lượng để não người hoạt động và cho ta những giải pháp, nếu thông tin là tiêu cực thì van năng lượng đóng và chúng ta hoạt động ở trạng thái não bò sát chỉ là "Chiến hay Biến". Lâu nay chúng ta chưa nhận thức tiềm năng này của bộ não chúng ta. Ta thường có những cái nhìn tiêu cực, những lời nói tiêu cực, những hành động tiêu cực như chê bai, chỉ trích, cáu giận, thù hận, cáu có… Điều đó đang khiến bộ não của chúng ta chưa phát huy được hết những tác dụng tích cực của nó. Nếu chỉ cần cười, khen ngợi nhiều hơn đồng thời có những cái nhìn tích cực hơn với công việc và cuộc sống là ta đang giúp gia tăng hiệu quả cho chính mình trong mọi lĩnh vực. Việc đó cũng giúp ta khai thác tốt hơn thế mạnh của 3 não trong 1.

Có câu nói rằng "Đối với cả thế giới ta chỉ là một hạt cát nhưng đôi khi với một người ta là cả thế giới". Thế giới bên ngoài kia rộng lớn bao nhiêu thì thế giới trong ta cũng bao la như vậy.

D, Tiềm năng của những năng lực tư duy

Trẻ sơ sinh mới mấy tháng tuổi đã biết lắng nghe nhạc, líu lo tiếng hát không thành điệu.

Trẻ thơ mới học đi đã biết vung chân múa tay theo nhịp.

Trẻ con mới biết cầm bút đã biết bôi bôi xoá xoá, vẽ ra những thứ không thành hình.

Con người bẩm sinh tựa hồ đã là nhà âm nhạc, nhà vũ đạo và hoạ sĩ; nhưng tại sao sau khi thành niên, phần lớn không còn ung dung thoải mái hát, múa, vẽ như khi còn nhỏ nữa?

Vì ta đã biết xấu hổ, sợ bản thân không có giọng ca lảnh lót, thân hình uyển chuyển và hoa tay.

Vì ta càng ngày càng bận rộn, bận đến nỗi không có thời gian thưởng thức âm nhạc, không có thời gian ca múa, không có thời gian múa bút vẽ tranh.

Cứ như thế năm này sang năm nọ, ta dần quên tiềm năng mình có và cũng đánh mất đi rất nhiều niềm vui.

Lâu nay ta cứ nghĩ giỏi có nghĩa là phải giỏi toán giỏi văn các môn tự nhiên cũng như khi nhắc đến mua thịt ta sẽ nghĩ ngay đến thịt lợn. Chính quan điểm đó đã khiến chính chúng ta và rất nhiều người khác thiếu tự tin vào bản thân và thui chột đi rất nhiều tiềm năng sẵn có trong mình. Ta có quan niệm người thông minh là người học toán giỏi, còn nếu bản thân mình kém toán, kém các môn tự nhiên thì là không hề thông minh. Để thay đổi quan niệm này, Năm 1988, GS. Howard Gardner và nhóm cộng sự đã tìm tòi và đặt ra lý thuyết về " đa trí tuệ" (The theory of mutil – ple intelligences), ban đầu trí thông minh được chia làm 7 loại. Đến năm 1999, Gardner chia trí thông minh thành 9 loại, theo đó mỗi người bình thường đều thông minh tới một mức độ nào đó tại một hay nhiều miền sau đây:

NLTD qua toán học, qua lôgíc

NLTD qua ngôn ngữ

NLTD qua giao tiếp

NLTD trong nội tâm

NLTD qua nhạc điệu

NLTD qua tự nhiên

NLTD qua không gian, thị giác

NLTD qua ngôn ngữ cơ thể

NLTD qua hiện sinh – Tâm linh

Ai cũng có đầy đủ các năng lực tư duy. Song điều quan trọng là mỗi người phải xác định được nhóm năng lực của mình sau đó khai quật tiềm năng và đánh thức người khổng lồ trong chính ta. Những NLTD này sẽ thay đổi khi môi trường học thay đổi. Chúng có thể mất đi hay được nâng cấp.

Và lâu nay ta mới chỉ khai thác hai năng lực tư duy là logic và ngôn ngữ của mình bằng việc tập trung vào học toán và văn mà quên đi 7 năng lực tư duy còn lại của mình là giao tiếp, tự nhiên, nhạc điệu, nội tâm, vận động, không gian, tâm linh. Học giỏi không có nghĩa là giỏi môn toán môn văn mà thể dục giỏi cũng là giỏi, đạo đức giỏi cũng là giỏi, hát nhạc hội họa giỏi cũng là giỏi.

Và việc đó không khác gì việc mẹ cho ta 9000 ăn sáng, ta chỉ ăn 2000 và vứt 7000 còn lại đi. Nếu lâu nay ta vẫn làm việc đó thì hãy dừng lại và tự tin rằng tiềm năng về những năng lực tư duy vẫn đang sẵn có trong mỗi chúng ta và chờ chúng ta đầu tư và khai thác.

E, Tiềm năng từ những chỉ số

Ngày xửa ngày xưa, bên Ai Cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:

"Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một tí, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?".

Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: "Này anh ta trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng".

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: "Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó".

"Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì có thể xảy ra?". Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: "Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả".

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: "Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán nhưng chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu".

Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: "Thưa ngài, những lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thì gấp cả ngàn lần so với cái giá của những con buôn ở chợ".

Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói: "Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bề ngoài. Những lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn.

Cần có con tim để nhìn và cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác mà chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái mà ta nghĩ là vàng hóa ra là đồng thau, nhưng thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật".

Ở câu chuyện trên ta thấy, để đánh giá một con người không thể dùng một thước đo duy nhất mà có rất nhiều thước đo chuẩn mực khác nhau để đánh giá con người. Lâu nay ta thường dựa vào IQ để đánh giá con người. Những khái niệm về trí thông minh, về chỉ số thông minh IQ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy và nhận thức của nhiều hế hệ người Việt. Nhận thức đó đã phần nào làm thui chột nhiều năng khiếu trong các lĩnh vực khác. Và thực tế thế giới đã chứng minh hàng năm vẫn có 30% số người có chỉ số thông minh IQ dưới trung bình vẫn gặt hái được những thành công vượt trội. Điển hình như tổng thống Bush của Mỹ, ông có IQ đạt điểm 89. Điều gì khiến Bush thành công và những người có IQ thấp thành công đến vậy. Đó chính là EI, SI, PI, AI và còn nhiều chỉ số khác nữa để đánh giá về một con người. EI là trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence), đánh giá khả năng cảm nhận, hòa hợp của con người. SI là trí tuệ xã hội (Social Intelligence),đánh giá khả năng tương tác với những người xung quanh, cộng đồng và xã hội. PI là trí tuệ thực dụng (Practical Intelligence), đánh giá khả năng gia tăng giá trị, mức độ thực hành thực tế của con người trước những thông tin họ có trong môi trường và những mối quan hệ của họ. Và đặc biệt AI (Adversity Intelligence), đánh giá khả năng vượt khó vươn lên của con người trong những hoàn cảnh khó khăn nhiều biến động. Và đặc biệt trong số những chỉ số đó chỉ duy nhất có IQ là không thể rèn luyện được còn tất cả các chỉ số còn lại, những chỉ số làm nên thành công của chúng ta hoàn toàn có thể tăng lên nếu ta muốn.

Có câu nói rằng "Người ta tuyển dụng ta dựa vào IQ nhưng cất nhắc ta dựa vào EI". EI là khả năng mà mỗi chúng ta có thể nhận ra và kiểm soát được cảm xúc của mình và của người khác, đồng thời thấu hiếu được mong muốn của chính mình và của người khác và có những kỹ năng xã hội cơ bản (Giao tiếp, lắng nghe, thuyết trình…).

Ông cha ta có câu "Cần cù bù thông minh" còn Thầy tôi thường nói vui "Cần cụ là cụ thông mình" cũng như ai đã từng nói "Thiên tài là 1% thông minh và 99% là rèn luyện". Ta có sẵn sàng để thành công chưa?

Nếu như thế giới bên ngoài của ta vô cùng phong phú đang chờ chúng ta khám phá thì thế giới bên trong chính chúng ta cũng đa dạng không kém. Ta cần biết về thế giới đó để thấy rõ hơn tiềm năng vốn có của mình. Để thấy rằng ta dù có là những chú sâu xấu xí cũng có những thế mạnh của riêng mình mà kể cả sư tử cũng không thể có được.

Mà biết đâu, ta không phải là những chú sâu như ta nghĩ thì sao?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: