Những vật cản trên con đường đổi mới phương pháp dạy học
Sức ì của thói quen trong mỗi giáo viên
Trong đợt tập huấn hè 2003-2004 cũng như các đợt tập huấn trước, hầu hết giáo viên đều nhận thức được rằng: phương pháp giáo dục mới có nhiều ưu điểm mà trước hết là phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh. Phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại. Nhưng khi thực hiện mới thấy không dễ chút nào. Trước hết phải hủy giáo án cũ, từ bỏ mọi kỹ năng, kỹ xảo dạy học đã thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức và tốn ít đầu tư. Để rồi lại chong đèn lần mò, tham khảo, xây dựng, thử nghiệm phương pháp giáo dục mới. Thành công cũng chẳng ai khen mà không thực hiện cũng chẳng ai chê. Thế thì tội gì...
Hạn chế về năng lực chuyên môn
Nhìn chung đội ngũ giáo viên hiện nay không đồng đều về chất lượng. Một số chưa chuẩn hóa. Lực lượng giáo viên trẻ qua dự giờ thấy bộc lộ nhiều hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn do hệ thống lý luận giáo dục và chương trình giảng dạy ở các trường sư phạm quá lạc hậu, thiếu thực tế. Sinh viên học cái gì đó thì nhiều mà học nghề dạy học, cách dạy học lại quá ít. Chỉ chưa đầy một chục tiết dạy trong mấy tuần thực tập đã thành nghề(?). Nói thiếu tin tưởng vào lớp trẻ mới nghe trái tai nhưng thực tế không có gì là quá.
Thiếu lòng tin đối với học sinh
Một thực tế khó phủ nhận là học sinh ngày nay bị suy giảm khá nhiều về khả năng tự học và các hoạt động tư duy như phân tích, so sánh, tóm tắt, quy nạp... Nguyên nhân cũng khó phủ nhận là do hậu quả của phương pháp giáo dục áp đặt, nhồi nhét trong thời gian khá dài của hệ thống giáo dục phổ thông. Vì vậy, qua thảo luận và đọc các bản thu hoạch của giáo viên trong các đợt tập huấn, thấy đa số có quan điểm như sau: giáo dục phổ thông mới chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi, thích hợp cho các trường chuyên hoặc trường công lập có chất lượng cao, không phù hợp cho các trường bán công hoặc có chất lượng đầu vào thấp(?). Có giáo viên nói thẳng: Nếu giảng dạy những phương pháp trên thì học sinh trường này sẽ không biết gì. Dẫn chứng đưa ra là những bài kiểm tra có tính suy luận hầu như các em đồng loạt bỏ giấy trắng(?!).
Quan niệm trên không những thể hiện việc thiếu niềm tin đối với học sinh mà còn trái với lôgic về lý luận. Thực ra, muốn học sinh phát huy được khả năng tư duy để làm được những bài suy luận thì chỉ có cách duy nhất là đổi mới phương pháp giáo dục.
Cơ chế quản lý chưa đủ sức mạnh và còn nhiều bất cập
Đặc thù nghề dạy học là giáo viên có "khoảng trời chuyên môn" riêng, dạy hết giờ, hết bài là hoàn thành nhiệm vụ. Còn chất lượng thế nào khó ai bắt bẻ được. Hiện tượng có giáo viên dạy trên lớp qua loa để giữ "bí quyết" nhằm lôi kéo học sinh về nhà học thêm là có thực, nhưng nhà trường biết cũng đành chịu. Trong khi đó, cuộc vận động đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay không kèm theo một thể chế thi đua khen thưởng hoặc giám sát, kiểm tra đánh giá nào. Phát động xong, ai muốn thực hiện hay không tuỳ. Khó có thể đặt hy vọng lớn vào một công việc nửa vời như vậy.
Mặt khác, đổi mới phương pháp giáo dục đòi hỏi phải đổi mới phương pháp đánh giá giờ dạy. Thế nhưng hiện nay, các trường phổ thông vẫn phải sử dụng "hướng dẫn đánh giá giờ dạy" đã quá lạc hậu do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành cách đây nhiều năm. Chẳng khác gì nhét một đồ vật đã biến dạng vào cái khuôn cũ.
Bệnh thành tích làm thui chột ý chí của giáo viên
Đại đa số giáo viên muốn đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh. Nhưng sau một năm làm việc nghiêm túc, cuối năm học lại phải tự "phủ nhận" kết quả nghiêm túc của mình để tìm cách nâng điểm cho học sinh do chỉ tiêu thi đua khống chế. Đó là sự thực ở nhiều trường phổ thông hiện nay. Cho nên nếu nhìn thẳng vào sự thực thì bệnh thành tích chủ yếu là của các cấp quản lý. Từ đó sinh ra kết quả chất lượng ảo "bảo hiểm" cho học sinh dẫn tới hiện tượng chây lười học tập và hình thành thói quen ỷ lại, trông chờ vào ngoại cảnh. Trong bối cảnh như vậy, giáo viên dễ bị thui chột ý chí và lòng nhiệt tình, không mặn mà với sự đổi mới.
Hồng Quang,Văn Nghệ 22/11/2003
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi