Trạng Quỳnh – Trạng Lợn, hai nét tâm lý người Việt cười
Cười hở mười cái răng
(Ca dao)
Trạng Quỳnh và Trạng Lợn là hai nét tâm lý cơ bản của người Việt cười. Đó là hai vế của một câu đối, một cỗ xe hai ngựa song hành suốt dòng thời gian như một hằng số Trạng Quỳnh là vế trắc, thông minh, tài trí, ghét kẻ trên, hay xỏ xiên, đả kích, chửi đổng. Đó là tâm lý của kẻ bị trị, kẻ yếu muốn thắng lại kẻ cai trị mình, kẻ mạnh hơn mình bằng lối đánh tập hậu. Còn Trạng Lợn là vế bằng, dốt nát và lười biếng nhưng gặp may. Đó là một chút huyễn tưởng thường thấy của các cư dân tiền nông nghiệp.
1. Nếu con người, như Aristote nói, là một động vật biết cười thì người Việt mình, có lẽ, người hơn cả. Bởi lẽ người Việt rất hay cười. Cái cười làm bộc lộ một nét nào đó trong tính cách người Việt. Đôi khi là một nét sâu sắc và khá bất ngờ. Có lẽ, khi cười, cái vô thức không bị canh giữ, con người dễ để lộ tướng tinh…
2. Cùng với các chuyện Tiếu lâm, các câu Đố tục giảng thanh hay Đố thanh giảng tục, các bài ca dao nói ngược, các chú Bờm, Hề, Tếu..., người Việt còn cười dài trong các truyện trạng: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Vật, Trạng Cờ, Trạng Ăn. Xuất phát từ những giai thoại về các ông "Trạng nguyên" (có thật), dân gian đã xây dựng nên những ông "trạng dở" (hư cấu) để gửi gắm vào đấy những ước ao, thèm muốn của mình. Tại sao dân chúng lại chỉ mơ đến ngôi Trạng mà không ước đến ngôi Vua - ngôi vị chúa tể của xã hội Việt Nam cổ truyền? Tưởng đã mơ thì ước luôn một lèo, chuyện mơ ước ấy mà, có mất gì đâu? Có thể, ngưỡng văn hóa đã làm cho người Việt chừng mực ngay cả trong giấc mơ. Hoặc cũng có thể, thân phận kép của ông trạng gần gũi hơn với dân chúng, nên họ dễ hóa thân hơn?
Trong số các truyện trạng, thì Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là đứng đầu bảng khẩu vị cười của người Việt. Không hẳn vì đó là những câu chuyện có cốt, có nhân vật trung tâm xâu chuỗi các biến cố, có tính hoàn chỉnh. Không hẳn vì đó là những giai thoại đặc sắc nhất, thú vị nhất, có tính tư tưởng cao nhất. Có lẽ, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, hơn đâu hết, bằng tiếng cười đã phá tung những xiềng xích để cho những xung năng vô thức bị kìm nén bấy lâu trong mỗi con người nổ tung ra, tạo sự hả hê, khoái trá. Và, cũng vì thế, mà tiếng cười Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, bộc lộ những chiều sâu tâm lý của người Việt.
3. Trạng Quỳnh gồm 48 mẩu chuyện. Mỗi mẩu là một giai thoại trong đời nhân vật nhằm đả kích, châm biếm một ai đó. Có thể là bọn trẻ đồng trang lứa trong làng (Đầu to bằng bồ), kẻ trên (Trời sinh ông Tú Cát), kẻ sang (Miệng người sang), quan thị (Lỡm quan thị), vua (Tiên sư thang Bảo Thái), Chúa (Đá bèo, Đại phong, Món ăn mầm đá), Thành hoàng, bà Banh, chúa Liễu... Tóm lại, các nhân vật trên đều thuộc tầng lớp thống trị, cả thế quyền lẫn thần quyền, tức bọn phong kiến "sống" và bọn phong kiến "chết".
Vũ khí tiếng cười mà Quỳnh dùng để đả kích bọn thống trị, trước hết đó là trí thông minh, óc thực tiễn của Quỳnh (Đầu to bằng bồ, Dê đực chửa), nhưng chủ yếu là chơi xỏ (Đá bèo, Ông nọ bà kia, Chúa ngủ ngày, Trạng chết chúa cũng băng hà), bẫy (Khốn nạn thân gà thiến, Tạ ơn chúa Liễu), lỡm (Lỡm quan thị, Lại lỡm quan thị, Sứ Tàu mắc lỡm), chửi bới (Thừa giấy vẽ voi, Thay lời giáo thụ). Tóm lại, cách mà Trạng Quỳnh hay dùng nhất để chống lại bọn phong kiến thống trị là chơi xỏ và chửi bới.
Trạng Quỳnh cười, cười bằng sự chơi xỏ và chửi bới, rõ ràng phản ánh tâm lý của người bị trị chống lại kẻ thống trị mình, của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh. Cách chống đối này, rõ ràng không thể hiện rõ thế thượng phong, mà phần nào có chứa đựng cả sự bất lực. Cũng dễ hiểu, dân ta đã sống lâu năm trong chế độ nông nghiệp quân chủ Nho giáo, là thân phận một thần dân, chịu nhiều tầng áp bức, nên đã hình thành lối ứng xử chống đối trong chịu đựng, chịu đựng mà vẫn chống đối. Lại cũng dễ hiểu, dân ta cư trú sát nách ông láng giềng khổng lồ, có tư tưởng bành trướng luôn sẵn sàng gây sự thì lúc nào cũng phải nín nhịn. Khi nào nhịn không được thì đánh, đánh thắng rồi mà vẫn phải nhịn trải thảm đỏ cho về nước và tiếp tục cống người vàng, hoặc tự trói mình lên sát biên giới để nhận sắc phong. Nói là mềm dẻo sách lược thì cũng đúng, thần phục giả vờ, độc lập thật sự lại càng đúng. Nhưng dẫu sao lối ứng xử ấy không thể không để lại vết hằn trong tâm lý tộc người.
4. Trạng Lợn gồm 19 mẩu chuyện, có tích có truyện, có mở đầu bằng môtíp kết thai thần kỳ (ông sao sa vào thùng nước tắm của bà mẹ) và có kết thúc bằng cảnh thoát trần một gót thiên tiên. Con đường thành trạng của trạng hoàn toàn là do gặp may. Văn chương thế giới đã có những nhân vật chuyên gặp xúi quẩy, nhưng cũng có những người chuyên gặp may mắn. Trạng Lợn là một người như vậy. Trạng có vận may cũng dễ hiểu vì Trạng, xét cho cùng, không phải là người trần, mà là người xuống trần, nên Trạng luôn được một ông già hoặc một lực lượng siêu nhiên nào đó giúp đỡ bằng những ngẫu nhiên, những tình cờ. Đáng chú ý hơn là cái cách Trạng gặp may, cái cách thành công của Trạng. Trạng vốn dốt lại lười học (Phải chăng chữ Lợn, Trạng Lợn, không giản đơn chỉ nghề đồ tể của bố trạng?). Điếc không sợ súng, nên nhỡ sa vào những tình huống khó xử, Trạng đều nói bừa hoặc nói phét. Nhưng ác thay những nói bừa nói phét đó đều đúng cả. Thật là dốt chữ... thành thần! Sự đối lập giữa hai cực đó càng làm nổi bật cái may của Trạng.
Trạng Lợn xem bói
Đọc Trạng Lợn, người ta thấy đó là một truyện cười vô cùng sảng khoái. Người ta không thấy ghét Trạng Lợn, ghét sự tiến thân bằng những tình cờ may mắn của anh ta, mà chỉ thấy đó là trương hợp thú vị, kỳ lạ vốn cũng là một mặt của đời sống, cái mặt làm cho cuộc sống đỡ tẻ nhạt, trần trụi và dung tục hơn. Đó là giấc mơ, mà qua đó dân được và muốn thay thân đổi phận. Đây là chỗ mọi người đồng lòng yêu mến Trạng Lợn, bởi ở nơi thầm kín nhất của lòng mình, ai cũng muốn mình có được một vận may như vậy.
Người Việt là một dân tộc nông dân. Thiểu số những người hiện nay tuy không làm ruộng nữa, không sống ở nông thôn nữa nhưng vẫn bảo lưu một căn tính nông dân. Nên nông dân Việt vốn là tiểu nông, sống với nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc, sống trong làng xã có tôn ti trật tự, nên không dễ gì thay thân đổi phận ngoại trừ trong mơ ước. Và trong cái không gian làng xã tiểu nông ngưng đọng và bức bối về tinh thần đó, mơ ước dễ trở thành huyễn tưởng, một hư tháng sinh tồn. Người ta tin vào sự thần kỳ, tin vào những thay đổi bỗng nhiên, bỗng chốc, bất ngờ, đại nhảy vọt... Người ta tin vào chủ nghĩa cứu thế, đặt kỳ vọng vào sự dẫn dắt của một cá nhân thần thánh nào đó.
5. Những di sản tinh thần trên ngày nay không phải đã hết. Nó có thể tồn tại ở dạng nguyên bản hay dạng biến tướng. Xin lấy một ví dụ, tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, ngoài những mặt tích cực của nó, cũng mang nhiều tính chất huyễn tưởng của con người nông dân trong thời đại đô thị hóa, dù là đô thị thuộc địa. Một mặt, đó là phản ứng chống lại mọi sự canh tân của đô thị, mà bước đầu khó tránh khỏi mọi sự lố lăng, mặt khác là tham vọng chinh phục cái thế giới đô thị xa lạ đó bằng những tình cờ may mắn, bằng số đỏ.
Còn trong đời sống thường nhật hiện nay, phản ứng trước những thế lực bảo thủ nào đó, vẫn thường là những câu chuyện vui, những tiếu lâm hiện đại, những lời chửi đổng. Từ nơi vỉa hè quán nước, trên xe trên tàu đến các phòng khách sang trọng, hành lang hội nghị... người ta đều kể chuyện cười. Người kể như được tháo khoán sự ấm úc của lòng mình, người nghe như được ai nói hộ cũng sự ấm ức của lòng mình. Người kể và người nghe cùng hể hả. Cười. Ấm ức được giải tỏa. Người ta thấy lòng mình yên ổn hơn. Thế rồi ai lại vào việc ấy. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Nhưng đáng nói hơn cả là đằng sau lối ứng xử này là tâm lý phò chính thống. Tôi chửi xỏ họ ngoài mặt mà trong thâm tâm tôi vẫn muốn được trở thành như họ, hoặc chí ít cũng được họ đóng dấu xác nhận vào diện mạo của mình. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, áo gấm về làng ban đêm thì nước mẹ gì!
Đến đây ta càng thấy rõ hơn Trạng QuỳnhvàTrạng Lợn tuồng khác nhau một vực một trời mà hóa ra lại là một thứ nhị vị nhất thể của tâm lý dân tộc. Như hai quả núi nếu nhìn ở bề mặt hữu thức thì một ở nơi này một ở nơi kia, nhưng nhìn vào những tầng sâu địa chất vô thức, ta mới ngớ ra là chúng cùng một sơn hệ. Những di sản tâm lý đó sẽ níu chân người Việt bước vào hiện đại hóa đất nước. Sự nhận diện hiện nay là, chỉ khi sòng phẳng với quá khứ, tức thẳng thắn vạch ra để mà khắc phục những hạn chế ở tâm lý dân tộc, những chiếc cùm lim chân có đế, những vòng xích sắt vẫn còn vương, thì mới có thể nhẹ gót vào tương lai.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh