Ngẫm cười... éo le
1. Biết chỉ để... đi thi Con hỏi ba: Tháp Pisa nghiêng bao nhiêu độ? Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi? Con trả lời để con đi thi “Ai là tỉ phú”. Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con biết độ nghiêng để con nghiệm ra rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều điều chông chênh, sai trái nhưng nếu trong tâm mình vẫn còn nằm trong vòng tay của gia đình thì dù có nghiêng nhưng nó sẽ không thể nào ngã. Con hỏi ba: Ý nghĩa câu “qua cầu rút ván”? Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi? Con trả lời để con đi thi “Trúc xanh”. Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết ý nghĩa câu đó để con nghiệm ra rằng mình sống ở đời phải có trước có sau. Con hỏi ba: Đèn xanh đỏ có tự khi nào? Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi? Con trả lời để con đi thi “Rồng vàng”. Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết để con nghiệm ra rằng cho đến lúc nào người đời mới hiểu được một quy luật hết sức đơn giản. Sống ở đời phải biết nhường nhau để có kết quả tốt hơn. Con hỏi ba: Cái máy giặt giá bao nhiêu? Ba mới hỏi: Con hỏi để làm chi? Con trả lời để con đi thi “Hãy chọn giá đúng”. Con gái ơi! Ba sẽ vui hơn nếu con muốn biết giá để con nghiệm ra rằng phải mất rất lâu mình mới dành dụm đủ tiền để mua cho mẹ cái máy giặt hoặc mặc giữ kỹ đồ hơn cho mẹ đỡ phải nhọc nhằn. Kiến thức là một tài nguyên quý giá, biết nhiều là một điều tốt. Nhưng biết nhiều đó mới chỉ là người có trí nhớ tốt mà trí nhớ con người hiện đã thua xa những thiết bị nhớ của máy vi tính, điện thoại di động. Còn việc nghiệm ra những điều từ những gì mình biết thì đó mới là những người có học thức uyên thâm mà việc nghiệm ra thì chưa và sẽ không có con CPU nào qua được bộ óc con người. 2. Nhớ lời cụ Đồ Chiểu Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa... ăn gan uống máu quân thù... Những áng văn bất diệt, những áng văn được bật ra từ nỗi đau tột đỉnh khi nước mất nhà tan. Giặc ngoại xâm hung tàn. Nhưng Đại vương ơi có lẽ nỗi đau ngày xưa đó của ông chưa thấm bằng nỗi đau ngày nay nếu ông có thể biết rằng những kẻ thù, những kẻ xâm lấn hiện nay đang được rao giảng cho con cháu rằng họ là những anh hùng hiệp nghĩa, tài đức vẹn toàn. Đành rằng chúng ta khép lại quá khứ xóa bỏ hận thù, nhưng điều đó không có nghĩa là chấp nhận cung cấp phương tiện cho người ta tuyên truyền dồn dập sai sự thật. Những Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, Chu Nguyên Chương (kẻ thù của Hưng Đạo Đại Vương, vua Lê Lợi), triều Mãn Thanh (kẻ thù của vua Quang Trung),... lần lượt hết người này đến người khác được đưa lên tivi để khen ngợi, để đề cao, để thanh minh... Họ là người tốt? Người tốt sao lại đi xâm lược nước khác, kẻ nghĩa khí sao cậy mạnh hiếp yếu, anh hùng mã thượng sao lại: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (không lẽ Hưng Đạo Đại Vương nói dối, họ tốt như thế, nghĩa khí như thế, tình người như thế thì làm sao có thể làm những chuyện đó!). Chỉ mỗi việc hành thích Tần Thủy Hoàng (không thành công) để giữ nước mà người ta có rất nhiều bộ phim, mỗi bộ mấy chục tập. Thật là buồn khi những Bà Trưng, Bà Triệu trầm mình tuẫn tiết, những Lê Lai cứu chúa, những trí lược tuyệt vời của Đức Cao Lỗ, của Hưng Đạo Vương, của vua Quang Trung, những bậc trượng phu: Trần Bình Trọng,... rất nhiều, rất nhiều những tấm gương đó lại nằm khuất trong một góc sách, trong những bài giảng khô cứng vô hồn. Trong những ngày này, chỉ một chi tiết không đúng sự thật trong sách giáo khoa của Nhật thì ở Trung Quốc và Hàn Quốc người ta cực lực phản đối, thế mà ở Việt Nam chúng ta mọi người vẫn bình lặng mà không nhớ rằng dân tộc mình cũng đã chịu sự áp bức thậm tệ của bọn phát xít Nhật. Bao nhiêu người bị giết, bị cưỡng bức, bao nhiêu triệu người chết đói năm Ất Dậu. Trách nhiệm đó là của ai? Thực tình hơn lúc nào hết, chúng ta mới thấy thấm thía 2 câu thơ đau lòng của cụ Đồ: “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”. 3. Cận thị nhiều - Vì sao? Có phải cận thị là do di truyền? Không chính xác. Đã có nhiều đứa bé bị cận thị trong khi dòng họ không một ai bị. Đã có những bậc phụ huynh trước giải phóng bị cận thị, nhưng sau giải phóng con cái họ lại không bị cận thị. Có phải cận thị là do làm việc thường xuyên trong môi trường không đủ sáng? Không chính xác. Những người làm ở hầm mỏ ít tiếp xúc với ánh sáng nhưng rất ít người bị cận. Những năm đầu giải phóng, thành phố chúng ta rất khó khăn, cơ sở vật chất dạy học còn nhiều thiếu thốn, thế mà đâu có bị cận nhiều như ngày nay đâu. Tại sao mắt bị cận thị: Vì thấu kính mắt bị dày lên, nên tiêu cự bị giảm, ảnh nhận được luôn nằm trước võng mạc. Tại sao thấu kính mắt bị dày? Vì mắt luôn phải nhìn gần, nên chúng co liên tục, để thích nghi chúng sẽ tự dày lên để chúng đỡ phải điều tiết. Nói tóm lại, mắt bị cận thị là do: - Mắt luôn luôn phải nhìn và nhìn gần (vì tầm nhìn bị hạn chế). - Mắt không có thời gian nghỉ: Ngủ, nhìn vào hư vô (lúc suy nghĩ, suy tư), hay thả lỏng thấu kính mắt (khi nhìn các sự vật ở vô cực). Cuối cùng, chúng ta hãy đối chiếu tầm nhìn ngày xưa và ngày nay để thấy được lý do chính của tật cận thị nhằm tìm cách để ngăn ngừa tật cận thị hoặc để giảm việc tăng độ cận. Tầm nhìn ngày xưa: - Xa tít đến ngọn cây để những đôi mắt dáo dác tìm tổ chim. - Xa tít đến cuối chân trời để tìm một cái chấm đen hình ảnh của mẹ chèo thuyền đi chợ về. - Xa tít đến những khoảng trời bao la để những đôi mắt nhìn những cánh diều bay lượn. - Xa tít đến những vì sao để tìm cho được sao lưỡi cày, sao vua. Để chìm dần vào giấc ngủ với câu ca: Sao vua chín cái nằm kề thương em từ thuở mẹ về với cha, sao vua chín cái nằm ngang thương em từ thuở mẹ mang trong lòng... Còn tầm nhìn ngày nay: - Bị hạn chế trước những cuốn tập sách cho những bài học chính khóa buổi sáng, bài học thêm buổi chiều, bài học để thi học sinh giỏi buổi tối. - Bị hạn chế trước màn hình vi tính, tivi. - Bị hạn chế trước những cuốn truyện tranh. - Bị hạn chế trước những chiếc xe trước mặt trên đường đến trường, đường về nhà. - Bị hạn chế trước những bức tường, những căn nhà cao trước mặt. Vậy thì ai sẽ trả lại cho các em những đôi mắt long lanh dưới ánh nắng mặt trời thay cho những đôi mắt lờ đờ dưới những miếng thủy tinh?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu