Tôi sợ hậu kỷ niệm
Chương trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội đã được khởi động từ năm 2000, khi kinh đô xưa, thủ đô nay vừa tròn 990 năm tuổi. Mười năm qua dồn lại năm nay. Năm nay dồn lại mười ngày đầu tháng mười. Mười ngày dồn lại một ngày, 10/10/2010. Cái ngày được chọn tổ chức đại lễ kỷ niệm, chứ không phải là cái ngày được kỷ niệm. Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La là vào “mùa thu, tháng 7” năm Canh Tuất, 1010 (Đại Việt sử ký toàn thư). Tôi sợ, trước hết, khi đại lễ xong rồi, đồng hồ đếm ngược đã dừng, thì biết đâu cái ngày 10/10 sẽ vô tình khiến nhiều người, nhất là lớp nhỏ và lớp trẻ, tưởng là ngày Lý Thái Tổ dời đô. Chuyện này khi đồng hồ mới dựng lên cách hơn ba năm trước, một số nhà sử học đã lên tiếng, nhưng việc đã rồi, nhi dĩ.
Bây giờ ở Hà Nội đi đâu, ở đâu, từ các cơ quan công quyền đến hàng chè chén, từ báo chí truyền hình đến câu chuyện lê la vỉa hè, từ đường phố đường quê đến nhà quê nhà phố, có lẽ hai tiếng “nghìn năm” là được nói nhiều nhất, được dùng nhiều nhất, thành ra bị lạm dụng nhất. Người ta dán nhãn mác “nghìn năm” cho bất cứ cái gì nghĩ ra, làm ra trong dịp này, bất kể ý nghĩa, tác dụng của nó ra sao. Một hội chứng ăn theo khủng khiếp và đáng sợ. Hội chứng này như có từ trong máu của người mình. Hội chứng này được gia tăng, khuếch trương, phình nở trong cuộc sống hiện đại của người mình, theo một lối tư duy tuyên truyền máy móc, rập khuôn, chạy theo hình thức, bề ngoài. Dịp “nghìn năm” chỉ là hội tụ, chưng cất hội chứng đó lên cao ở quy mô thủ đô và cả nước mà thôi. Nhớ mà xem, ngẫm mà xem, trên đất nước mình hàng chục năm qua đã có biết bao cái được dán nhãn chào mừng một ngày tháng nào đó, một dịp kỷ niệm nào đó, một sự kiện nào đó, để rồi trong báo cáo tổng kết cuối năm ngành nghề nào, đoàn thể nào cũng tranh nhau, chia chác nhau nêu lên là đã có ‘công trình chào mừng”. Tôi sợ, khi kỷ niệm xong rồi, hai tiếng “nghìn năm” sẽ bị chuyển sắc thái ngữ nghĩa từ tích cực sang tiêu cực.
Còn gần sáu tháng nữa cho chặng chạy đua nước rút về “nghìn năm”. Bao nhiêu công trình mang danh “nghìn năm” đang dang dở, đã chậm tiến độ, đã buộc phải lùi lại thời gian hoàn thành. Sau dịp kỷ niệm, tin tôi đi, cái không khí ào ào làm lấy được cái này cái nọ “nghìn năm” để lây phần kỷ niệm sẽ dẹp xuống, sẽ lặng đi. Rồi khi đã hết động lực kỷ niệm, chào mừng, các công trình sẽ làm đến khi nào xong thì xong. Và người dân mỗi khi phải chạm mặt một dự án, một công trình, vốn từng được xưng là “nghìn năm” nay cứ chình ình, dềnh dang, sẽ chép miệng bảo: “Nghìn năm mà!”. Tôi sợ cái chép miệng đó. Sợ mà đau lòng và thương cho vua Lý Thái Tổ.
Thực tế cuộc sống đã làm tôi sợ như vậy từ lâu. Gần đây nhất là dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi khối tượng đài được tiền hô hậu ủng đúc ở đồng bằng rồi chở lên núi tốn kém bao nhiêu tiền bạc, công sức, làm mọi cách, bằng mọi giá, dựng lên cho kịp ngày kỷ niệm, để rồi ngay sau đó là nứt tượng, là rỉ đồng, là mấy người phải ra vành móng ngựa, là lại phải đổ thêm tiền tỷ để gia cố, sửa chữa. Những người ngã xuống ở chiến trường Điện Biên biết thế chắc cũng ngậm ngùi, xót xa. Thực tế nhãn tiền là trên các đường phố Hà Nội nhiều dịp lễ lạt, kỷ niệm, sự kiện qua rồi mà khẩu hiệu, băng cờ vẫn cứ chăng chăng, không được gỡ bỏ ngay. Thực tế sát cạnh là dự án kéo dài đường Văn Cao ra Hồ Tây gắn mác “nghìn năm” gần nơi tôi ở, mỗi sáng đi làm tôi đều bị tắc đường ở đó, nay đã được quyền tuyên bố “lỡ hẹn” kỷ niệm (Tuổi Trẻ, 28/4/2010).
Tôi sợ, sau ngày 10/10/2010 - xin nhắc lại đây là ngày lấy làm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ rồi có những chuyện không vui quanh hai tiếng “nghìn năm” bị đổi ngữ điệu. Mong không là vậy, nhưng cũng khó thay không là vậy. Thôi thì nhắc mình, nhắc người để con cháu cùng nhau lòng thành xây dựng Thăng Long xưa Hà Nội nay nghìn năm tuổi vẫn trẻ trung, càng khoáng đạt, xứng với vị vua “nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời” (Ngô Sỹ Liên) đã định vị đất này làm trung tâm nước Việt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh