Quốc hội khóa 13: Tôi kỳ vọng, nhưng không yên tâm…

11:12 SA @ Thứ Ba - 19 Tháng Bảy, 2011

Không đơn thuần chỉ là một doanh nhân thành đạt, Luật sư Nguyễn Trần Bạt được biết đến như một chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bởi một tư duy sắc sảo và sáng tạo trong quan niệm về cuộc sống. Ông đã nhận lời trò chuyện với phóng viên Đại Đoàn Kết về những kỳ vọng của cử tri vào trách nhiệm của Quốc hội khóa mới về những vấn đề nóng bỏng của đất nước hiện nay, trước ngày kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 khai mạc, với lý do: “Tôi đang rất chú ý tới loạt bài Những chứng cử lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền VN tại Trường Sa và Hoàng Sa” đăng trên Đại Đoàn Kết.

- Thưa ông, chỉ còn vài ngày nữa, kỳ họp thứ nhất Quốc hội thứ 13 sẽ khai mạc trong bối cảnh: Vấn đề kiềm chế lạm phát đang trở nên cực kỳ bức thiết, đời sống dân sinh đang gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng cao…Ở một tầm khác là những đòi hỏi của người dân về điều hành kinh tế vĩ mô, về bảo vệ chủ quyền Tổ quốc…Và có vẻ như cử tri đang kỳ vọng rất nhiều vào Quốc hội khóa mới, trách nhiệm đang đè nặng lên các đại biểu dân cử ngay trong kỳ họp thứ nhất này?

Còn về kỳ vọng đặt ra cho các đại biểu Quốc hội kỳ này là gì? Họ hãy hợp tác với nhau, củng cố thiện chí chính trị của từng đại biểu Quốc hội, vì ở xã hội chúng ta nếu bỏ thiện chí ra bên ngoài thì không có gì để nói nữa. Có thể xem như đây là một lời kêu gọi của một công dân. Với tư cách là một cử tri, tôi cũng kêu gọi họ như thế. Tiếp nữa, là các đại biểu Quốc hội đừng đem nguyện vọng cá nhân của mình, đem quyền lợi cá nhân của mình để làm méo mó hệ thống luật pháp và chính sách. Chúng ta có thể có những thí nghiệm sai, nhưng sai của một người vô tư thì sửa rất dễ, sai của một người có dụng ý thì sửa không dễ. Vì vậy, tôi kỳ vọng vào sự khách quan trong quá trình hoạt động của họ từ bỏ phiếu bầu các vị trí chủ chốt của bộ máy Nhà nước đến làm luật và quyết sách mọi vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa của nước nhà. Cuối cùng là các đại biểu Quốc hội cần liên lạc mật thiết với nhân dân, với trí thức – những người đại diện cho trí tuệ của xã hội để làm cho các quyết sách của Quốc hội phải phù hợp với nguyện vọng của người dân.

- Thưa ông, nguyện vọng của người dân suy cho cùng chính là việc làm thế nào để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân. Thuật ngữ an sinh xã hội được nhắc tới quá nhiều trong thời gian này nhưng cho dù đã có những nỗ lực trong điều hành vĩ mô cùng với hàng loạt chủ trương, chính sách được triển khai, giá cả và lạm phát vẫn đang ở mức quá cao, đời sống nhân dân khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khốn đốn?

Cần phải hiểu, theo chuỗi logic tâm lý, an sinh bắt đầu từ an tâm. Chúng ta hay dùng chữ an sinh- theo tôi chưa chắc đã là chính xác. Bởi vì nếu chúng ta chạy theo các sự việc nho nhỏ như vậy, thì chúng ta không giúp xã hội hiểu được bản chất của vấn đề an sinh. An sinh không phải là một số hoạt động có tính chất cứu trợ, mà an sinh là một tiêu chuẩn để trước hết đánh giá xã hội thế nào, cuộc sống con người có hạnh phúc không, có yên tâm không, có an toàn không…và có thật là một cuộc sống yên ổn không. Còn nếu chúng ta chỉ khảo sát những vấn đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, thì đây là một vấn đề lớn, thường đây cũng là vấn đề nhằm tranh cử hay để xây dựng uy tín của Nhà nước đối với xã hội. Bây giờ chúng ta phải đặt vấn đề rõ là nhìn vào các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, hay đánh giá trạng thái an sinh của xã hội?

- Vậy nếu nhìn vào các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước trong thời gian qua thì ông đánh giá thế nào?

Trước hết phải khẳng định thế này, việc cân đối kinh tế vĩ mô chưa được xác lập lại, ổn định vĩ mô không có một sự tiến bộ đáng kể nào. Tôi rất thông cảm với Nhà nước về chuyện này, vì đây là một việc vô cùng khó.

Tiếp nữa, một thực tế cho thấy là xã hội chưa tin tưởng vào chính sách vĩ mô, vì chưa có lòng tin vào triển vọng đời sống xã hội thông qua sự điều chỉnh của các chính sách vĩ mô, vì lòng tin không dựa vào quan sát của xã hội với chính sách mà còn dựa vào quan sát của xã hội đối với thực tế.

Quản lý Nhà nước trên các khía cạnh để tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô là không thành công, không đi đến được những cái đích như mong muốn. Nhà nước có vẻ ít sử dụng các công cụ kinh tế mà thường sử dụng các công cụ hành chính để cố gắng xác lập các chỉ tiêu vĩ mô của một nền kinh tế. Đó là về mặt lòng tin của xã hội.

Còn về tính khoa học của chính sách, chắc chắn là có vấn đề. Rõ rệt nhất là không sử dụng các công cụ kinh tế, mà sử dụng các công cụ quyền lực, hành chính, công cụ nhà nước để cố gắng duy trì một trật tự. Đương nhiên Nhà nước có quyền ban bố những chính sách hành chính, nhưng các chính sách và các biện pháp hành chính chỉ được dùng trong các trạng thái khẩn cấp. Nó không làm cho thị trường cũng như đời sống xã hội quay trở lại trạng thái yên ổn được. Đây là một sự “dẹp loạn” kinh tế hơn là sự củng cố và tổ chức một nền kinh tế.

Tuy nhiên, trạng thái hiện nay có phải lỗi thuần túy của Nhà nước không? Tôi cho rằng không hoàn toàn như thế. Cộng đồng kinh tế của chúng ta là một thực trạng rất phi kinh tế, rất không truyền thống, mọi biện pháp kinh tế có cơ sở khoa học có được dùng thì cũng không có tác động. Bởi vì nó giống như con bệnh chối thuốc. Tính vô tổ chức, vô kỷ luật của nền kinh tế Việt Nam làm cho mọi công cụ kinh tế không thể có hiệu lực. Cho nên bắt buộc, dồn Nhà nước vào con đường buộc phải xác lập hiệu quả nhanh bằng các biện pháp hành chính, mà càng sử dụng biện pháp hành chính thì tình trạng rối loạn của nền kinh tế càng lớn. Phần lớn các hội thảo khoa học ở trong nước đều nghiên cứu hệ thống chính sách và xem đó như một cứu cánh để xác lập lại các trật tự kinh tế. Nhưng tôi cho rằng, những hội thảo ấy không đi tìm đúng con đường giải quyết vấn đề vĩ mô hiện nay. Nói một cách hình ảnh, thay vì phải khám kỹ căn bệnh và người bệnh thì chúng ta thay đổi phương thuốc để cầu may. Chúng ta sử dụng rất nhiều công cụ thống kê để cố gắng làm an tâm con người mà không biết rằng, làm như vậy chính là làm giảm sự hợp tác giữa xã hội và nhà nước trong việc cùng nhau khắc phục các khuyết điểm của nền kinh tế. Không có khuyết điểm nào của nền kinh tế là do Nhà nước hoặc do xã hội. Khuyết điểm của tất cả các nền kinh tế chính là do không có sự tự giác hợp tác giữa xã hội và Nhà nước. Nếu cứ đi theo hướng qui trách nhiệm, thì không bao giờ tìm ra giải pháp. Nghị quyết 11 là một giải pháp thuần túy nhà nước, các con số thống kê, các chỉ tiêu phấn đấu hoàn toàn chủ quan. Xác lập lòng tin là một trong những giải pháp cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải chỉ các giải pháp thuần túy kinh tế học. Nhân dân mà không tin nhà nước, xin nhắc lại nó sẽ tạo ra trạng thái khẩn cấp cục bộ trong các khu vực khác nhau của nền kinh tế.

Tôi không đồng ý lắm với cách lên án Nhà nước trên rất nhiều bài báo. Lý do là dù Nhà nước có hay không có những cái sai, thì tình trạng sẽ vẫn như thế này. Nhưng tôi cũng không đồng ý với các định nghĩa của Nhà nước là kinh tế vẫn tăng trưởng, an sinh vẫn đảm bảo. Đương nhiên, chúng ta nhìn vào những điểm khác nhau trên cơ thể kinh tế của chúng ta, sẽ quan trắc được những thông tin hoàn toàn khác nhau. Nếu chỉ để ý đến khía cạnh vĩ mô để mô tả thì rất có thể quan điểm của Nhà nước là không sai, kinh tế vẫn tăng trưởng. Nhưng chúng ta đã bao giờ đặt câu hỏi kinh tế tăng trưởng bằng cái gì chưa? Kinh tế tăng trưởng và cuộc sống ổn định là hai việc khác nhau. Thường sự không ổn định xã hội xuất hiện ở sự tăng trưởng của mọi nền kinh tế, chứ không riêng gì ở nền kinh tế của chúng ta. Quan trắc thật kỹ, chúng ta sẽ thấy cùng với sự phát triển của nền kinh tế có bộ phận xã hội trở nên giàu có, sung túc, nhưng cũng có cả bộ phận luôn luôn trôi nổi, mấp mé ranh giới nghèo đói. Vì thế an sinh xã hội xét theo quan điểm vĩ mô cần được xem xét ở trạng thái nghèo đói của một bộ phận khá đông của xã hội. Kinh tế cũng chỉ là một tác nhân tạo ra sự bất ổn của xã hội chứ không phải là tất cả.

* Trân trọng cảm ơn ông!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lao động của chúng ta bắt đầu tụt hậu

    15/06/2016“Việt Nam đã bắt đầu tụt hậu so với các nước trong khu vực về sức tiếp thu kỹ năng lao động” - Nhận định trên được đưa ra trong một dự án nghiên cứu về lao động việc làm do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì...
  • Từ chuyện "tính" người đến việc trị nước

    24/10/2019Công ThắngNgày xuân thư thả, xin góp đôi lời lạm bàn về cái lẽ thiện - ác của thầy Mạnh, thầy Tuân. Nhân chi sơ tính bản...? Hồi còn chưa có chút khái niệm gì về triết học, tôi đã nhiều lần nghe người lớn nói câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”.
  • Nếu chỉ dừng ở một cách nói...

    23/06/2017Việt PhươngỞ Việt Nam có chuyện là, do chúng ta tụt hậu quá xa so với các nước phát triển, và tụt hậu ngay cả với một số nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia nên chúng ta nóng lòng muốn phát triển nhanh để đuổi kịp hoặc không tiếp tục tụt xa thêm nữa...
  • Suy nghĩ về Khủng hoảng & Quản trị Xã hội tốt

    09/09/2014Nguyễn Tất ThịnhNền tảng, môi trường xã hội ở các nước đang có khủng hoảng chính trị - xã hội gay gay có vấn đề từ gốc gác kém phát triển và là nguyên nhân khởi nguồn sinh ra những sai hỏng ngay từ thuở ban đầu trong việc kiến lập nên một Chính phủ có tư cách, khả năng quản trị xã hội tốt theo các chuẩn mực văn minh chính trị...
  • “Sự kiên định của chúng ta chính là cứu một tương lai tiêu cực của Trung Quốc”

    29/06/2011Nguyễn Phan KhiêmTrong lúc cả nước hướng về Biển Đông bao la của Tổ quốc, cùng nhau đóng góp sức lực, trí tuệ để bảo vệ chủ quyền dân tộc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt xung quanh vấn đề nóng bỏng này…
  • Lấy đâu ra con số 40% GDP?

    20/02/2011TS. Nguyễn Quang AHãy ngó vài con số đẹp của năm nay trên trang thông tin điện tử của Chính phủ. “Những chỉ số cơ bản về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ nợ trong giới hạn cho phép,... đã cho thấy các doanh nghiệp nhà nước đầu tàu (đóng góp xấp xỉ 40% GDP cả nước) đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước sớm vượt qua tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nằm trong nhóm 10 nước có mức tăng trưởng cao trên thế giới”.
  • Đổi mới tư duy hay đổi mới cơ chế

    02/02/2011TS. Nguyễn Đức Thành
    Nhiều người so sánh giai đoạn hiện nay với giai đoạn đổi mới trước đây, và chờ đợi những tư duy mong đợi một “tư duy mong đổi mới”. Dù tư duy ấy có thể gồm một bộ ý tưởng được suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng, có vẻ vẫn thuộc về lối tư duy cũ. Điều này có lẽ bắt nguồn từ kinh nghiệm của giai đoạn Đổi mới trước đây...
  • Không thể làm kinh tế theo chiều gió…

    02/02/2011Huy NamChuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ là định hướng chiến lược mà vị chủ tịch xã đã giới thiệu với tôi trong một lần gặp gỡ hồi đầu năm 2010. Sau khi “phân tích” nhiều nội dung phức tạp về lợi thế so sánh, giá trị tăng, thu nhập đầu người, giữa lĩnh vực thương mại so với nông nghiệp, ông kết luận tỉ trọng đóng góp của ngành kinh tế này vào cơ cấu ngân sách đã vượt xa nông nghiệp...
  • Hành trang vươn tới một quốc gia công nghiệp

    01/02/2011TS. Phạm Duy NghĩaBước vào năm 2011, nước ta còn đúng một thập kỷ để thực hiện mơ ước trở thành quốc gia công nghiệp. Bên cạnh những văn minh vật chất như cảng biển, khu công nghiệp, tàu cao tốc... có thể dành dụm hoặc dựa vào tiền vay mà dựng lên thì một quốc gia công nghiệp còn cần tới phong cách ứng xử công nghiệp. Năm mới cũng nên là dịp nhìn lại hành trang của nước ta trên lộ trình đó.
  • Phát triển dựa trên trí tuệ

    31/01/2011Vũ Quốc TuấnMùa xuân là mùa của niềm tin và hy vọng. Doanh nhân nước nhà bước vào mùa xuân Tân Mão 2011 với niềm tin về những bước phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới, dựa trên nền tảng trí tuệ của toàn dân tộc Việt Nam ta...
  • xem toàn bộ