Tản mạn về triết lý đời thường

07:44 CH @ Thứ Sáu - 11 Tháng Mười Hai, 2015

Xin đừng ai nghĩ rằng con người bình thường chỉ biết sống theo thói quen, chỉ biết chống đỡ bị động mọi khó khăn cản trở để tồn tại. Không, nghìn lần không; con người dẫu thấp kém đến mấy vẫn có những suy nghĩ, thậm chí vẫn có những chính kiến, thiên hướng sống rõ ràng.

Họ còn có cả những ước mơ; con người càng thiếu thốn, gian khổ, càng thèm muốn một cuộc sống đầy đủ, thảnh thơi. Chỉ có điều triết lý sống của họ là không ảo tưởng, không đeo đuổi điên cuồng những cái ngoài tầm tay mà họ vẫn thường sống với những gì đang có và hành động theo cung cách có thể kiểm soát được kết quả cuối cùng.

Họ hiểu, ham muốn bao giờ cũng cao hơn khả năng và mọi sự trốn tránh thử thách, lười nhác là cửa ngõ của thế giới ăn mày, là nghèo túng, đói rách. Kiên trì nhẫn nại là đức tính bản chất của người lao động chân chính dù nó chứa đầy cay đắng nhưng kết quả thường là ngọt ngào, dễ chịu. Nản lòng là sụp đổ, là cái chết của tâm hồn, là đánh mất tất cả.

Họ vẫn thường xác định, phải làm nhiều hơn nói, không nói hay làm dở, không tự phỉnh nịnh mình. Thành công một việc gì bao giờ cũng là niềm vui, là nguồn khích lệ lớn nhưng họ không say, không ngủ quên trên chiến thắng, họ biết rằng một bông hoa chưa phải là vòng nguyệt quế, một con chim én chưa thể tạo được mùa xuân mà quãng đường chông gai vẫn trải dài phía trước.

Họ luôn nhắc nhở nhau phải ra sức học tập rút kinh nghiệm sống. Học trong sách, học trong cuộc đời, rút kinh nghiệm của bản thân, rút kinh nghiệm của những người khác. Một đời người là một pho sách lớn; ngay cả những cuốn sách dở cũng có thể cho ta rút ra những điều bổ ích. Trên con đường trau dồi năng lực sống và lao động, không tiến có nghĩa là lùi. Cuộc hành trình của cộng đồng cũng như thời gian không bao giờ dừng lại hoặc quay lui. Ai đó nghỉ ngơi xả láng hay chậm chạp sẽ bị cuộc sống vượt qua một cách lạnh lùng; sẽ kém cỏi tụt hậu là điều chắc chắn.

Học hỏi không có nghĩa là rập khuôn, là bắt chước máy móc. Thành ngữ phương Đông có câu: "Không giống người khác, không lặp lại mình là đã biến đổi tích cực".

Sáng tạo bao giờ cũng là tiêu chí của mọi yêu cầu phát triển. Cái mới bao giờ cũng là nhân lõi của sự biến đổi đi lên. Thói quen cũ kỹ, lối mòn muôn thuở, là kẻ thù vạn kiếp trong sự tiến hóa của loài người.

Trong quá trình sống, kể cả lúc khả năng vật chất dồi dào, họ rất tiết kiệm. Họ hiểu, sống tiết kiệm mới dễ dàng giữ được thanh liêm, trong sạch. Tiết kiệm cùng với siêng năng, sáng tạo là ba người bạn giàu có. Sự giàu có bền vững thường không tách rời cung cách chi tiêu có kế hoạch. Giàu có chưa hẳn là đẹp, mà cái đẹp nằm trong văn hóa làm giàu và văn hóa tiêu tiền.

Trong các mối quan hệ sống, khó tránh khỏi điều này, tiếng nọ. Nhưng người lao động thường không hay phức tạp hóa những vấn đề đơn giản và cũng ít khi họ đơn giản hóa những vấn đề phức tạp, đã từng gây cho họ bao khốn đốn. Họ vốn tiếp nhận và xử lý vấn đề bằng trực cảm nhưng không phải trí óc của họ hoàn toàn nghỉ ngơi. Họ vẫn sống bằng lý trí, cụ thể là họ thường nhắc nhau sống gương mẫu; trong việc giáo dục con cái, rất cần có lời lẽ dạy bảo, nhưng gương mẫu bao giờ cũng có tác dụng tốt hơn. Cuộc đời đẹp đẽ của những người làm cha làm mẹ, làm anh làm chị bao giờ cũng là bài học sống động nhất, có tác dụng định hướng, điều chỉnh mạnh mẽ nhất cho trẻ trong quá trình phấn đấu làm người lớn thực thụ. Trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình, họ biết tiến hành song song với sự kiềm chế ham muốn, tham vọng.

Trong mỗi con người, ai cũng có một vầng trăng và một mảng tối. Mảng tối là sự phản ánh mặt trái của xã hội, là sự chứa đựng những tính xấu, những khía cạnh tiêu cực của một cá thể. Mảng tối đó có khi trỗi dậy mạnh mẽ, có sức tàn phá ghê gớm. Thành ngữ ta có câu: "Mọi chiến thắng lớn nhỏ đều phải bắt đầu chiến thắng từ bản thân mình". Những người có lý tưởng bao giờ cũng biết cách vượt chính mình. Họ biết tính ích kỷ là nguồn gốc của mọi tội ác và xóa bỏ được nguồn gốc đó thì con người sẽ thanh thản tiếp cận với lẽ phải, với đạo lý.

Muốn chiến thắng bản thân, muốn vượt chính mình, con người phải dũng cảm. Đức tính dũng cảm rất cần trong cuộc sống thường nhật, nhất là khi gặp những tình huống éo le, đầy thử thách. Song dũng cảm mà không có trí khôn thì cũng chẳng khác gì con ngựa mù.

Trí khôn đưa con người đi tới, dẫn con người đến bến bờ vinh quang. Song trí khôn cũng dễ làm cho con người kiêu căng, tự đắc. Thành ngữ dân gian lại cho ta thấy chính sự kiêu căng đó là mặt ngu dốt của một trí khôn chưa hoàn thiện, của cái vốn hiểu biết nửa vời, người kiêu căng chưa hẳn là người giỏi.

Trên con đường tiếp cận chân lý, sự hiểu biết của con người quả thật là ít ỏi, nghèo nàn. Con người có khiêm tốn thì cánh cửa chân lý mới mở, bước đường đi tới mới nhanh. Song, khiêm tốn phải thực lòng, nó phải thể hiện nhận thức đúng về sự hạn chế của mình. Khiêm tốn quá mức hoặc khiêm tốn giả vờ còn tệ hơn cả mọi kiểu kiêu căng.
Trong cuộc sống, con người có quyền hoài nghi, nhưng hoài nghi để nâng cao trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu, để nhanh chóng tìm ra sự thật mà củng cố niềm tin. Hoài nghi để rồi đi đến tin tưởng thực sự. Đừng dễ dàng tin để rồi dễ dàng hoài nghi, vứt bỏ niềm tin. Nhưng cái gì cũng hoài nghi như một phong cách sống đã chết lòng tin thì sẽ không bao giờ đến được với chân lý; đó là sự ngu dốt.

Trong tình yêu, người lao động cũng sống hết mình nhưng tỉnh táo và thực tế. Họ quan niệm tình yêu là sự rung cảm hòa hợp của hai tâm hồn, hai trái tim. Đó là nói chung, còn đối với từng người, quan niệm về tình yêu thường có những sắc thái riêng. Người yêu đương suôn sẻ thì cho tình yêu là đóa hoa tươi, ngát hương vĩnh cửu, là niềm vui bất tận, là động lực mạnh mẽ, thường xuyên trong lao động và công tác. Người gặp nhiều trắc trở trong cảnh tình yêu tan vỡ thì quan niệm tình yêu là vị đắng, là vực thẳm, là sự tàn phá cuộc sống bình yên, là ngọn lửa thiêu đốt sự nghiệp…

Trong tình yêu, hành khất và vương giả đều như nhau. Đã bước vào tình yêu thì ai cũng vậy, đều bộc lộ lòng mình, đều có những cử chỉ âu yếm, thiết tha…

Những người đang yêu thường có những cử chỉ xốn xang, khó tả và khó giấu. Họ cảm thấy cuộc đời đẹp, lạc quan, phấn chấn; họ sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để đi tới được bến bờ.

Những người lao động thường sống thủy chung, say đắm một mối tình và đã yêu thì bao giờ cũng nghĩ tới hôn nhân. Những người sống cùng một lúc với nhiều mối tình thì thực chất là chưa có mối tình nào thực sự trong lòng. Như thế là đang sống nghèo chứ chưa phải là sống giàu.

Đã yêu thực lòng, yêu sâu sắc thì họ bất chấp mọi ngăn cách. Tình yêu không có tuổi, không biên giới, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị. Trong tình yêu chân chính không có phép so sánh. Đã so sánh với người này người khác, tính toán nhỏ nhen là chưa phải đã yêu. Song người đời cũng nhận rõ một điều, trong tình yêu cũng có phần tiêu cực mà nam hay nữ đều phải cảnh giác mới là mốt, là nét tâm lý khá phổ biến, nhất là lớp thanh niên, trung niên nam nữ ở thành thị. Tình yêu có khi làm cho con người trở nên mù quáng. Tình yêu xuất hiện là lý lẽ im bặt; sự công bằng, hợp lý, hợp lẽ phải không còn là tiêu chí quan trọng nữa.

Trong lĩnh vực đối nhân xử thế, người lao động rất chú ý giữ gìn đạo lý. Họ không có thái độ được cá quên nơm, mưa tạnh quên nón, học xong quên thầy, hết bệnh quên lương y. Họ coi thái độ vong ân còn tệ hơn cả phản bội. Một thành ngữ dân gian cần được người đời suy ngẫm: “làm ơn thì không nên nhớ, nhưng nhận ơn thì không được quên”.

Đối với người thân, thái độ họ nhất quán trước sau như một. Họ khinh bỉ, phỉ báng những kẻ “hôm trước thì chị chị em em, hôm sau thì như chó với mèo”, “thay đổi ghế, thay đổi tính cách”, “sống mang nặng tư tưởng cơ hội”.

Người lao động chân chính bao giờ cũng sống trung thực, thật thà. Họ coi gian dối là kẻ thù bẩn thỉu. Trong những cuộc thi đấu, thi cử, tranh chấp lành mạnh, họ thà thất bại trong sạch còn hơn thắng lợi man trá.

Khi mắc sai lầm, phạm tội lỗi, họ thành khẩn tự kiểm điểm, tiếp thu phê bình, nhận hình phạt. Tự giác nhận lỗi không hề là một sự nhục nhã. Thật đáng hổ thẹn cho những kẻ không biết hổ thẹn. Thành ngữ phương Đông có câu: “mắc sai lầm là không tốt, cứ nhơn nhơn càng tồi tệ”. Chính những người biết hối hận là những người luôn biết xây dựng cuộc đời mới đẹp đẽ hơn, luôn biết phủ định mình để rèn luyện bản lĩnh khẳng định mình.

Họ nhìn nhận nhau rất công bằng; đánh giá một vấn đề bao giờ cũng căn cứ chính vào hành động và hiệu quả; lời lẽ cùng những sự tranh cãi chỉ là điều tham khảo.

Những người lao động hiểu biết thường sống rất tâm lý, họ hiểu bạn bè, người thân và đồng nghiệp của mình; không suy bụng ta ra bụng người, không bằng vào bụng mình đang no mà khẳng định không ai đói. Khi gặp khốn khó họ thường giúp đỡ, đùm bọc nhau. Một miếng khi đói bằng cả gói khi no. Lúc gian nan thử thách mới rõ ai là bạn hiền. Họ giúp nhau vượt qua khúc bần hàn và hơn thế, họ giúp nhau căn bản hơn là cách sống, cách kiếm tiền. Thành ngữ ta đã có câu: “Cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn”. Họ biết nói, nói đến đầu đến đuôi khi thấy cần nói, song khi cần thiết không nên nói, họ im lặng, giữ kín.

Trong cuộc sống, những người lao động biết tận dụng mọi cơ hội để hành động dấn tới song họ cũng biết dừng lại bên bờ vực, bên vạch ranh giới của quyền tự do.

Trong lĩnh vực trau dồi và phát triển tài năng, họ cũng có những suy nghĩ rất thực tế. Họ quan niệm tài năng không phải do trời phú, không phải do tạo hóa cho không mà chủ yếu do dày công khổ luyện; năng khiếu và trí thông minh chỉ quyết định một phần.

Họ hiểu sống trong thời đại văn minh này là phải có trí tuệ. Do đó mà phong trào tự học, học tại chức, học theo phương thức giáo dục từ xa, học theo sự hướng dẫn của đài truyền thanh, của vô tuyến truyền hình, học trong sách báo của cán bộ viên chức, công nhân, nông dân… ngày càng sôi động. Vì vậy, mặt bằng dân trí của ta ngày nay cao hơn rất nhiều.

Trong quá trình trau dồi tài năng, những người khôn ngoan nhận ra một điều rằng, biết ít mà đúng còn hơn biết nhiều những điều vu vơ. Khi có ai nói là tôi đã biết tất cả thì ta có thể khẳng định người đó không biết được điều gì sâu sắc, đầy đủ. Kho tàng tri thức của nhân loại là vô hạn, mênh mông như biển cả, còn nhận thức của mỗi con người thì rất hạn chế, ví như một giọt nước. Có người đã nói: “Trong tình hình khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay thì ai không đổi mới nhận thức coi như mù chữ. Ai lười tư duy là đã từ chối trí tuệ. Ai biết phát hiện ra mình còn dốt thì mới có cơ tiếp cận được chân lý. Ai có khát vọng, có ý chí thì mới có thể vươn tới tài năng”.

Song cũng phải biết rằng, bản thân tài năng chưa có ánh hào quang, nếu chỉ đấy ngắm nghía, mà chỉ khi vận dụng được vào thực tế mới bừng tia chớp, mới có ánh sáng lan tỏa. Mặt khác, cũng phải xác định nghiêm túc, có tài năng là để lao động và công tác hiệu quả hơn, để tạo ra nhiều tài năng khác cho đất nước chứ không phải để nhìn đời một mắt, khinh rẻ người kém tài năng, coi thường những người không bằng mình.

Để khép lại bài viết tản mạn về những triết lý đời thường này, tôi xin phép nhắc lại một câu thành ngữ phương Đông có ý nghĩa tổng quát: Lẽ đời của con người là biết nghe phải, nói phải, làm phải.

Một Mùa Xuân Nho Nhỏ
Sáng tác: Trần Hoàn
Thơ: Thanh Hải
Thể hiện: Hồ Bích Ngọc
>> Nghe nhạc...

Mọc giữa dòng sông xanh một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về
Mùa xuân người cầm súng lộc giắc đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng trải dài nương lúa

Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao vững vàng phía trước
Ta làm con chim hót ta làm một nhành hoa
Một nốt trầm xao xuyến ta biến trong hoà ca

Mùa xuân mùa xuân một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời
Mùa xuân , mùa xuân mùa xuân tôi xin hát Nam Ai , Nam Bằng
Nước non ngàn dặm tình
Nước non ngàn dặm mình đất Huế nhịp phách tiền mùa xuân ...

Em Ơi Mùa Xuân Đến Rồi Đó
Sáng tác: Trần Chung
Thể hiện: Hồ Bích Ngọc
>> Nghe nhạc...

Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời
Nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời
Xuân ước vọng ngàn năm lại tới
Nghe lòng vui phơi phới
Kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi

Nghe em mùa xuân nói gì đó
Xúc động lòng ta trước cuộc đời
Qua bao nhiêu đau thương thêm mùa vui theo chim én đã bay về ríu rít ngang trời
Chim hát chào bàn tay dựng xây trên tầng cao có thấy
Mùa xuân náo nức công trường đồng lúa mới dâng hương

Em ơi mùa xuân mới gọi đó
Tiếng gọi tình yêu mới hiền hoà
Ôi xuân tươi bao la đang giục ta đi mau tới những chân trời đất mới đón người
Xây đắp ngàn mùa sau hạnh phúc trên đường ta đi tới
Này em hãy hát lên cùng mùa xuân mới xinh tươi
Em ơi mùa xuân đến rồi đó giang rộng vòng tay đón cuộc đời ....

Lắng nghe mùa xuân về
Sáng tác: Dương Thụ
Trình bày: Thanh Lam
>> Nghe nhạc...

Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường
Mùa hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng
Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn
Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang.
Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé nở
Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở
Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa
Khi anh trông em ung dung bên thềm nhà.
Kìa tiếng chim rộn hót xa vời,
Cánh hoa đào bỗng như cười, báo tin mùa xuân về
Kìa bóng đêm mùa cũ đâu rồi,
Với em chỉ thấy xanh ngời, lá hoa của xuân tươi, rồi anh tới..

Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường
Mùa hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng
Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn
Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang.
Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé nở
Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở
Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa
Khi anh trông em ung dung bên thềm nhà.
Và chúng ta lại đón giao thừa,
Phút giây lặng lẽ mong chờ, lắng nghe mùa xuân về
Để biết ta còn mãi trong đời,
Phút mong chờ ấy tuyệt vời, chứa chan niềm tin yêu, kìa anh tới.

Điệp Khúc Mùa Xuân
Nhạc sĩ: Quốc Dũng
Thể hiện: Tam Ca Áo Trắng
>> Nghe nhạc...

Gió hắt hiu lung linh hoa vàng
Chở tia nắng về trong ánh mùa sang
Gió mãi mơn man trên đóa môi hồng
người em yêu tìm quên trong cuộc sống
Bướm vẫn tung tăng bay la đà,
Mặt trời mây buồn nhẹ trôi thiết tha

Ánh mắt mơ trông nơi xa vời
Chở mùa Xuân đến đem nguồn vui
Rừng Xuân ơi xin lặng gió heo may
Để chim muông quay về với muôn cây
Tình Xuân ơi xin dệt mối yêu thương
từ bao nhiêu năm tình sầu muôn hướng
Này gió hãy cuốn từng lá rơi
và nắng hãy chiếu màu thắm tươi
cùng những tiếng hát điệu nhạc
dâng chơi vơi dìu hồn ta say trong viễn khơi

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái tâm đời thường

    20/10/2005Phan Chí ThànhCái Tâm con người gắn với đời sống con người. Đời sống dù là của một vĩ nhân hay của một người thường thì cũng cần phải có cái đế sống, tức là phải ăn, mặc, duy trì nòi giống. Vòng đi trở lại, chả thiếu gì những kẻ cao siêu rút cuộc cũng phải thừa nhận cái đời thường thế mà hoá ra to lắm. Có người còn cho là hơn cả sự to: Sống cho trọn một cái đời thường là khó nhất...
  • Triết luận ngắn về Dòng sông Cuộc sống

    06/11/2019Nguyễn Tất ThịnhGiao thời của ngày cuối năm và sang thời điểm đầu tiên của Năm mới, tôi, một mình, đi ngược dòng Sông Đà…Vô vàn những khối sương đẫm ướt từ lưng Trời, những dòng thác nhỏ từ khe đá, những mỏ nước dưới thung lũng, những nguồn suối tuôn ra róc rách từ mạch rừng…
  • Tản mạn chuyện đích và đến đích

    12/01/2018Nguyễn Văn BìnhNhiều người xuất phát thì có đích, trong quá trình đi thì quên mất đích. Đơn giản là bởi người đó không ngẩng nhìn đích, chỉ chăm chăm vào đầu mũi chân mình. Bàn chân dẫn chúng ta đi nhưng hướng tới đâu thì phải là con mắt...
  • Ta là ai?

    12/08/2016TaLaWhoHãy để cho tầm nhìn vươn cao, vươn cao nữa. Trái đất to lớn của chúng ta lúc đó sẽ là gì trong hệ mặt trời, và hệ mặt trời sẽ là gì trong cái vũ trụ mênh mông, vô thủy vô chung? Có buồn cười không chuyện con người cứ cho mình là chúa tể của muôn loài, nhưng mới chỉ nhìn xuống từ một Toà nhà hai chục tầng đã thấy mỗi người chỉ giống như hạt vừng, hay như con kiến gió bé tí ti...
  • Tản mạn về trí thức và trí giả

    31/01/2016Trương Xuân HươngTrong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, GS Hoàng Phê chủ biên, hai từ “trí thức” và “trí giả” không có nghĩa khác nhau là mấy...
  • Sống và Suy ngẫm

    13/04/2014Sống và suy ngẫm tập hợp những câu chuyện nhỏ về muôn vàn góc cạnh cuộc sống mà ông ghi chép, lượm lặt trên những nẻo đường đã qua, những trải nghiệm thực tế được ông kể lại với phong cách hóm hỉnh, trào phúng, mang lại thật nhiều thi vị để ngẫm ngợi...
  • Hội nhập giữa đời thường

    12/03/2014Vương Trí NhànNhững chuyển biến hôm nay - những biến chuyển mà trong cuộc hội nhập đã diễn ra hai chục năm và được đánh dấu bằng việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Theo tôi phải xem đây như một nét mới của người Việt hiện đại...
  • Ngẫm nghĩ Xưa và Nay

    11/11/2013Cấn Thị Phương (Khánh Hòa)Xưa: Cái nết đánh chết cái đẹp.
    Nay: Cái đẹp đánh bẹp cái nết...
  • Suy ngẫm và Tự luận

    13/11/2010GS. Nguyễn Văn Hạnh... Người Việt Nam không chỉ hôm qua mà cả hôm nay nữa đã gửi vào văn chương cả kinh nghiệm sống, cả tình yêu và khát vọng, cả đạo đức, triết học và tín ngưỡng của mình. Cho nên, muốn biết cha ông ta đã sống như thế nào, đã nhắn gửi gì cho các thế hệ tương lai ...
  • Cùng đọc và suy ngẫm

    21/04/2008N.H. sưu tầmNếu như thu gọn nhân loại toàn thế giới xuống thành một cái làng nhỏ (100 người), chúng ta sẽ có một ngôi làng với: 57 người châu Á, 21 người châu Âu, 14 người châu Mỹ, 8 người châu Phi...
  • Nghĩ & ngẫm từ cá tính dân tộc

    06/04/2007PGS, TS Bùi Xuân ĐỉnhTấm vé thành viên WTO cho thấy đây là lần đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam gia nhập kinh tế toàn cầu với tư thế bình đẳng. Như vậy, Việt Nam hiện đã có được những điều kiện cần và đủ cho cuộc vượt biển lớn đang ở phía trước...
  • Diễn đàn: Ta là ai!

    17/08/2006Thu PhươngTự nhận và tự vấn những tật xấu của bản thân không còn là điều xa lạ, và hàng loạt các cuốn sách như "Người Trung Hoa xấu xí" ,"Người Mỹ tự trào", "Những tật xấu của người Nga"… Đó chính là một cách để con người tự vươn lên: Còn ở nước ta thì sao? Chúng ta có những ưu điểm nổi bật gì, những tật xấu gì? Đã khi nào dám khám phá mình, nhìn thẳng vào đó để tu dưỡng?
  • Tản mạn về một số hiện tượng văn hóa Việt Nam đương đại trong quan hệ với quá trình “đứt gãy văn hóa”

    06/12/2005Nguyễn HoàMột hệ thống giá trị văn hóa - văn minh lạ lẫm được du nhập... đã gây nên một cuộc đảo lộn và một quá trình “đứt gãy văn hóa” xuất hiện. Nhưng quá trình du nhập ấy, sự “đứt gãy văn hóa” ấy dẫu mạnh mẽ đến đâu vẫn không thể nhanh chóng thay thế tất thảy mọi hành vi ứng xử, mọi thói quen, nền nếp văn hoá... có tuổi đời đã hàng nghìn năm. Nó phải chấp nhận một tình trạng “lưỡng phân"...
  • xem toàn bộ