Những ai đang tin vào bất tử

04:29 CH @ Thứ Bảy - 27 Tháng Chín, 2008

Một nhân vật trẻ mãi không già dường như từ bao đời nay đã trở nên quen thuộc trong mỗi câu chuyện cổ tích được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh một ước mơ dai dẳng mà loài người mải miết theo đuổi. Ngày nay, những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ gene càng khiến giấc mộng bất tử trở nên ám ảnh hơn lúc nào hết, loài người lại có những hi vọng thực để kể tiếp câu chuyện chinh phục tử thần của mình.

Người Hy Lạp xưa hẳn không tin rằng loài người vốn dĩ sinh ra đã mang trên mình cái vòng kim cô oan nghiệt “sinh, lão, bệnh, tử”. Bởi lẽ trước khi ngậm ngùi “để” các vị thần Olympe giận dữ trừng phạt giống người Bạc, Đồng, Sắt phải chịu nỗi khổ đau, giày vò của tuổi già và bệnh tật vì tội phỉ báng thần thánh, tác giả của những áng thần thoại bất hủ đã từng tự hào và… nuối tiếc nhắc đến một thế hệ Vàng, giống người đầu tiên được tạo ra từ vàng dưới sự trị vì của thần thời gian Chronos, giống người được sống vinh hạnh như các vị thần, chẳng hề biết đến lo âu, bệnh tật đớn đau hay tiếng gõ cửa của tuổi già và cái chết.

Người Mĩ ngày nay tiếp tục kể lể khát vọng bất tử qua những series phim hành động như Highlander, câu chuyện về anh chàng Duncan MacLeod xứ Scotland, biệt danh Highlander, sinh năm 1518, không may tử trận nhưng sau đó được hồi sinh và sung sướng nhận ra rằng mình là người bất tử, chỉ có điểm yếu duy nhất là cái đầu. Hơn 400 năm sau, “hiệp hội” những người bất tử quần tụ tại New York hòng tranh chấp ngôi vị “độc nhất bất tử hành tinh”. Tham vọng được “trơ gan cùng tuế nguyệt” ấy đã dẫn đến một cuộc ẩu đả khốc liệt, máu chảy đầu rơi, có những kẻ nhẫn tâm nhìn bạn bè lần lượt ra đi mà trong lòng chai cứng. Phần I của Highlander được công diễn lần đầu năm 1986 và được “nở hậu” thêm ba phần lần lượt vào các năm 1990, 1994, 2000 mà không hề làm dân tình ngán ngẩm, thậm chí họ con lập ra các “fans club” để gặp gỡ nhau và chia sẻ tình yêu, lòng ngưỡng mộ của họ với anh chàng Highlander bất tử.

Cũng giống như những gã khổng lồ, những nàng tiên tốt bụng và xinh đẹp, những chú lùn dễ thương,… một nhân vật trẻ mãi không già dường như từ bao đời nay đã trở nên quen thuộc trong mỗi câu chuyện cổ tích được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, phản ánh một ước mơ dai dẳng mà loài người mải miết theo đuổi. Ngày nay, những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ gene càng khiến giấc mộng bất tử trở nên ám ảnh hơn lúc nào hết, loài người lại có những hi vọng thực để kể tiếp câu chuyện chinh phục tử thần của mình.

Những tín đồ của thần Bất Tử trong thế kỉ XXI

Họ là những người tin tưởng mãnh liệt rằng phát minh vĩ đại nhất trong tương lai loài người là cuộc sống bất tử và không ngại ngần lấy danh tiếng của mình ra để… thề thốt! Đó là những Ray Kurzweil, nhà tương lai học khiến mọi người ngả mũ thán phục khi dự đoán đúng phóc vai trò thống trị của Internet, đó là Marvin Minsky, chuyên gia nghiên cứu trí thông minh nhân tạo tại Học viện Massachusetts, là Gregory Stock, Giám đốc dự án Y tế, Công nghệ và Xã hội của trường Đại học California, Los Angeles, là Aubrey de Grey, nhân viên kĩ thuật tin học, khoa Công nghệ Di truyền trường Đại học Cambridge nhưng lại thành công trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học nhờ vào những năm tháng tự mày mò học hỏi và có những phát hiện làm sửng sốt giới lão khoa.

Những tín đồ của vị thần Bất tử này không chỉ biết phát biểu suông và lấy ý tưởng đó như đề tài tán dóc trong những buổi gặp gỡ bạn bè mà họ thực sự tỏ ra nghiêm túc và coi công cuộc chinh phục tử thần là sự nghiệp lớn lao của cả đời mình. Họ mạnh dạn tổ chức những cuộc hội thảo để truyền bá tư tưởng, họ không ngừng viết bài cho các tờ báo khoa học danh tiếng, họ thuyết phục các nhà khoa học lấy ý tưởng bất tử làm đề tài luận văn, họ tìm cách “dụ” những ông chủ doanh nghiệp giàu có rót hầu bao cho các công trình nghiên cứu của mình… Quả thực, lòng nhiệt tình và niềm tin nơi những con người có vẻ kém… bình thường ấy khiến chúng ta không khỏi phân vân: liệu họ có lí do hay không và liệu mai mốt loài người có sống bách niên giai lão?

Khi được hỏi dự định sống đến năm 100 tuổi, 200 tuổi hay cả ngàn tuổi, Kurzweil đã đơn giản trả lời rằng ông không có ý định… quy tiên. Niềm tin của ông được củng cố bởi thực tế là công nghệ sinh học đang phát triển với tốc độ cấp lũy thừa: “ Chúng ta mất 15 năm để giải mã gen của virus HIV nhưng gần đây chúng ta chỉ mất 31 ngày để giải mã gen của virus SARS, thành tựu này cho phép chúng ta có quyền hi vọng các ngành công nghệ sinh học khác cũng phát triển với tốc độ tương đương nếu chúng ta tiếp tục phát huy những hiểu biết đã đạt được!”.

Kurzweil cùng người bạn Terry Grossmann, chuyên gia dinh dưỡng và các biện pháp hỗ trợ y học đã đề ra những ưu tiên hàng đầu cho một cuộc sống trường sinh bất tử. Ông ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt một chế độ dinh dưỡng đặc biệt: mỗi ngày ông dùng tới 250 chất dinh dưỡng khác nhau trong đó phải kể đến các chất giúp tăng cường thể lực như axit anpha-lipoic, chiết xuất hạt nho, N-axetincitxtein, cây cúc gai và các chất bổ thần kinh như gingko biloba, axetin-L-cacnitin và vin-pocetine. Ông cũng không quên hàng tuần tiêm lexitin vào ven để hồi phục tuổi thanh xuân cho màng tế bào của tất cả các mô trong cơ thể. Ngoài ra Kurzweil cũng chấp nhận từ bỏ các thói quen xấu như rượu chè, cà phê… để có thể giữ tâm hồn và cơ thể mình “mãi mãi tuổi 40”. Xa hơn nữa, ông còn tưởng tượng một ngày nào đó khoa học hiện đại sẽ cho ra đời một đội quân robot siêu nhỏ, có thể thay thế bộ máy tiêu hóa của con người: những chú bé người máy nano này có thể lọc giúp con người những chất dinh dưỡng tốt nhất và trực tiếp mang các chất dinh dưỡng ấy đến “tẩm bổ” từng tế bào trong cơ thể. Chẳng phải như giáo sư Tao Mei thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã thành công với sản phẩm người máy bơi dài 3mm đó sao? Vậy thì sắp tới việc sinh sản ra những người máy nhỏ hơn thế nhiều lần, có khả năng vào đến từng ngóc ngách lục phủ ngũ tạng của con người là điều không mấy khó hiểu.

Dĩ nhiên ý tưởng có phần hơi kì cục của Kurzweil bị không ít đồng nghiệp phản đối, cho đó là chuyện tầm phào điên rồ. Howard Jacobs, nhà nghiên cứu di truyền học thuộc trường đại học Tampere, Phần Lan, người từng đạt giải thưởng Descartes danh giá năm 2004 dành cho các nhà khoa học làm việc tại châu Âu thậm chí còn tỏ ra phẫn nộ trước… óc tưởng tượng phong phú của Kurzweil: “Ông Kurzweil nên nhớ rằng nghiên cứu sinh học và di truyền mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu. Hơn thế nữa không phải cứ hiểu biết thì ngay lập tức có thể tạo ra được những phát minh thần kì!”. Felipe Sierra, giám đốc Viện nghiên cứu lão hóa quốc gia Hoa Kì cũng cùng chia sẻ quan điểm:”Thực đơn của ông kurzweil quá phức tạp và cầu kì. Chúng ta thậm chí cũng chưa hiểu hết các món trong trong thực đơn hàng ngày của ông ta sẽ xảy ra những phản ứng hóa học gì khi cho tương tác cùng lúc như vậy!”.

Song bất luận thế nào, vị thần Bất tử tồn tại trong tiềm thức hàng nghìn năm nay của loài người vẫn có những tín đồ trung thành ngày đêm miệt mài thí nghiệm, nghiên cứu, nuôi dưỡng niềm tin một tương lai không xa “ngài” sẽ… hiển linh! Và dù sao biết ước mơ, tin tưởng và dám sống với ước mơ của mình cũng là cách tốt nhất để mang lại những điều kì diệu cho cuộc sống.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đâu là bí quyết trường sinh?

    19/08/2008Lê NguyễnNgày xưa, cổ nhân đốt đuốc đi chơi đêm để tận hưởng những tháng ngày trần thế ngắn ngủi, nhưng con người ngày nay có thể ăn no, ngủ kỹ mà vẫn kéo dài được những tháng ngày hoan lạc. Nhờ những kinh nghiệm được tích lũy từ nhiều thế hệ và tiến bộ KHKT mới, con người hiện đại đang đẩy lùi tuổi già đi xa và kéo dài tuổi thanh xuân với khí lực tràn đầy...
  • Vì sao con người không bất tử?

    12/02/2006BS. Vũ Hướng VănCó nhiều người cho rằng đời người là một khối lượng vật chất tồn tại như một ngọn nến được đốt lên khi chào đời và sẽ tắt khi nến cháy hết. Hoặc như chiếc đồng hồ chạy pin, khi pin hết thì đồng hồ ngưng lại...
  • Vấn đề sự bất tử

    26/12/2005Niềm tin vào sự bất tử tùy thuộc vào một quan niệm nào đó về linh hồn con người. Nếu linh hồn, hoặc thành phần thiết yếu của nó, được coi là phi vật chất và có khả năng hiện hữu bên ngoài thân xác, thì nó cũng được coi là bất khả hủy diệt. Tuy nhiên, những người tin vào sự bất tử của linh hồn vẫn bất đồng với nhau về vấn đề linh hồn hệ tại ở cái gì. Có ba lý thuyết chính. ...