Tiếc thương bạn quý Huỳnh Bửu Sơn
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn (1946-2022), người từng giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ, một trong những người tham gia đặt nền móng cho việc cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam tiệm cận với thế giới đã ra đi rạng sáng 3-6-2022 ở tuổi 77.
Sau đây là bài viết của GS. Trần Văn Thọ thương tiếc sự ra đi của người bạn thân thiết.
Bài tôi vừa viết cho báo mạng Diễn Đàn (Paris). Bài này viết cụ thể về vai trò của anh Huỳnh Bửu Sơn trong Nhóm Thứ sáu và về suy nghĩ của anh những năm cuối đời liên quan đến đoàn kết dân tộc, một điều kiện quan trọng để "Giấc mơ hóa rồng" (tên một cuốn sách của anh) trở thành hiện thực. Theo Huỳnh Bửu Sơn, có ý thức hệ dân tộc mới có đoàn kết dân tộc.
Trong vài chục năm nay mỗi lần về Saigon tôi đều gặp anh Huỳnh Bửu Sơn. Nhưng trong chuyến về cuối tháng 5/2022 tôi rất bất ngờ và lo buồn nghe tin anh bị bệnh hiểm nghèo, đã trầm trọng đến mức bạn bè không thể đến thăm. Tôi thầm mong anh vượt qua được nguy cơ nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi vào sáng 3/6/2022.
Báo chí đã viết nhiều về anh, một trí thức chân chính, một chuyên gia kinh tế tài giỏi. Nhưng tôi vẫn muốn viết thêm, viết từ những gì còn đọng lại trong tôi về hình ảnh của anh Sơn, và để tưởng nhớ một người bạn mà tôi rất quý mến, kính trọng.
Huỳnh Bửu Sơn sinh năm 1946. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Saigon năm 1967 anh được tuyển vào làm chuyên viên ở Ngân hàng Quốc gia của Việt Nam Cộng hòa. Những năm đầu anh vừa làm vừa học thêm hệ phi chính quy và lấy được bằng Thạc sĩ (Master) kinh tế. Từ những gì anh thể hiện sau này ta có thể đoán được từ thời trẻ anh đã là người thông minh, ham học, có hiểu biết cơ bản về luật và kinh tế và sau đó luôn luôn học hỏi để cập nhật kiến thức lý luận và thực tiễn. Anh Sơn còn đọc nhiều về lịch sử, triết học, văn học,.. nên trong các bài viết, các câu chuyện với bạn bè luôn có bề sâu văn hóa.
Trong biến cố 30/4/1975, một chuyên viên trẻ ở Ngân hàng trung ương đang giữ chìa khóa kho vàng 16 tấn, giữa những ngày hỗn loạn ở Saigon, với tỉnh thần trách nhiệm của một công bộc đã rất tĩnh táo trong hành động để cuối cùng giao lại đầy đủ tài sản cho chính quyền mới. Đó là lần đầu tiên bản lãnh của Huỳnh Bửu Sơn được thể hiện.
Trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, xã hội hỗn loạn sau năm 1975, anh Sơn vẫn bám trụ tại quê nhà, vừa bươn chải lo cuộc sống của gia đình vừa tìm cách đóng góp vào việc cải thiện tình hình kinh tế. Nhờ có hai cái may mà tài năng của anh được phát huy hiệu quả. Một là anh gặp lại nhiều chuyên gia làm việc ở Saigon trước 1975 cũng có hoài bão như anh là muốn đem hiểu biết của mình vào việc tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế. Tập thể những chuyên gia nầy sau này được gọi là Nhóm Thứ sáu vì thường hội họp vào ngày thứ sáu trong tuần. Cái may thứ hai là anh Sơn và các bạn gặp được hai người lãnh đạo thức thời, cầu thị, trọng trí thức (hai ông Võ Trần Chí và Võ Văn Kiệt) nên nhóm chuyên viên xuất thân từ chế độ cũ đã phát huy được trí tuệ đóng góp lớn cho xã hội trong chế độ mới.
Từ giữa thập niên 1980, trước tình hình vật giá leo thang phi mã, Nhóm Thứ Sáu được lãnh đạo Thành phố HCM (Bí thư là ông Võ Trần Chí) giao nhiệm vụ nghiên cứu đối sách. Anh Huỳnh Bửu Sơn và các bạn trong nhóm đã nghiên cứu và vào tháng 3/1987 đưa ra kiến nghị bằng đề án Các biện pháp chủ động về tiền tê, giá cả nhằm phát triển kinh tế vào tháng 3/1987. Trong đề án này, chính sách cơ bản là ưu tiên các nguồn lực cho sản xuất; bãi bỏ ngay việc ngăn sông cấm chợ để tránh tình trạng hàng hóa thừa nơi này mà thiếu hụt ở nơi khác; để giữ uy tín cho đồng tiền, nhà nước long trọng hứa với dân không in tiền mới đổi tiền cũ nữa. Bí thư Võ Trần Chí tiếp nhận đề nghị của Nhóm Thứ sáu, thấy rằng đây là vấn đề của cả nước nên đã giới thiệu nhóm với ông Võ Văn Kiệt đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước.
Theo dàn xếp của lãnh đạo Thành phố HCM, tháng 10/1987 anh Huỳnh Bửu Sơn và hai thành viên khác của Nhóm Thứ sáu đã bay ra Hà Nội. Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất vui mừng, tổ chức ngay buổi họp do mình chủ trì, gồm các lãnh đạo, chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan kinh tế. Đề án của Nhóm Thứ sáu có tính thuyết phục cao và đáp ứng nhu cầu thoát khủng hoảng kinh tế nên đã được áp dụng, phản ảnh trong chính sách ổn định kinh tế ban hành sau đó.
Sau buổi họp tháng 10/1987 nói trên, theo ý kiến của Nhóm Thứ sáu, Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định tiến hành cải cách hệ thống ngân hàng, tiền đề để ổn định vĩ mô và phát triển trong nền kinh tế thị trường. Ông đề nghị Nhóm Thứ sáu cùng với chính phủ soạn nội dung chi tiết.
Tháng 8/1989 hai nhóm nghiên cứu được thành lập, một trong ngân hàng nhà nước và một ở phía chính phủ. Từ Thành phố HCM Huỳnh Bửu Sơn được mời ra Hà Nội tham gia cả hai nhóm. Với kiến thức về hệ thống tiền tệ trong nền kinh tế thị trường, với kinh nghiệm làm việc ở ngân hàng trung ương trước đây, anh đã đóng vai trò quan trọng ở cả hai nhóm nghiên cứu. Sau khi viết xong bản sơ thảo, tháng 3/1990, anh Sơn được chính phủ cử đi Pháp và Thái Lan để khảo sát hoạt động của Ngân hàng trung ương ở hai nước nầy. Ở Paris, anh còn gặp đại diện của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) để tìm hiểu thêm. Cuối cùng, tháng 5/1990 bản hoàn chỉnh được Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt báo cáo ở Hội đồng Bộ trưởng và được thông qua. Tháng 10 cùng năm Chủ tịch nước ký sắc lệnh ban hành hai pháp lệnh ngân hàng, mở đầu giai đoạn cải cách hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Như vậy trong việc chuẩn bị các báo cáo về ổn định kinh tế và cải cách hệ thống ngân hàng, anh Huỳnh Bửu Sơn đã đóng vai trò nòng cốt. Anh Phan Chánh Dưỡng, một thành viên trụ cột khác của nhóm, trong hồi ký của mình có nói là việc thảo luận, bàn cãi trong nhóm về các chuyên đề cải cách và phát triển đối với anh tương đương với bốn năm học đại học khoa kinh tế. Sau ngày anh Sơn mất, trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 3/6/2022, anh Dưỡng nói cụ thể hơn: “Anh Huỳnh Bửu Sơn là chuyên gia kinh tế lỗi lạc vào bậc nhất của nhóm, ai ai cũng biết đến. Đóng góp của anh trong các đề án ấy là rất lớn. Phần tôi, tham gia vào những đề tài ấy như vừa được học xong đại học kinh tế".
Những đóng góp chính của Nhóm Thứ sáu còn có việc xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, đều là những công trình chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Ông Võ Văn Kiệt trở thành thủ tướng năm 1991 và hai năm sau lập Tổ Tư vấn cải cách kinh tế và hành chánh. Từ Nhóm Thứ sáu có Huỳnh Bửu Sơn và ba thành viên khác tham gia.
Tôi được “kết nạp” vào Nhóm Thứ sáu cuối thập niên 1990. Mỗi lần về nước nếu nhằm ngày thứ sáu tôi đều tham gia hội họp với các bạn. Từ khoảng này là giai đoạn thứ hai của Nhóm Thứ sáu. Nhóm không còn nghiên cứu cụ thể các đề án cải cách, phát triển như giai đoạn trước mà chỉ gặp nhau chủ yếu trao đổi ý kiến về các vấn đề của đất nước và của thế giới. Thỉnh thoảng có ông Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đến dự.
Ở giai đoạn hai, anh em trong Nhóm Thứ sáu không đưa ra một công trình chung nào nhưng nhiều người tiếp tục phát biểu trên báo ý kiến cá nhân về các vấn đề của đất nước. Anh Huỳnh Bửu Sơn viết về nhiều mặt của nền kinh tế, bàn cả vấn đề giáo dục hay quản lý nhà nước, không giới hạn trong tiền tệ, ngân hàng là sở trường của anh. Các bài viết của anh được tập họp thành tác phẩm Giấc mơ hóa rồng, gói ghém ước mơ thấy Việt Nam sớm hóa rồng của tác giả. Tôi và vài người bạn được anh cho đọc bản thảo để viết bình luận in chung trong sách. Xin chép lại đây ý kiến của tôi về cuốn sách này:
Có thể nói ngay là tôi thấy rất đồng cảm với tâm tình của anh Huỳnh Bửu Sơn và tâm đắc với những phân tích của anh trong cuốn sách này. Phải là người có tấm lòng yêu mến quê hương sâu sắc, và có sự hiểu biết sâu rộng về kinh tế, xã hội và thế giới mới thao thức về thời cuộc Việt Nam, và khi đất nước hội tụ những điều kiện thuận lợi cả trong và ngoài nước, thì thao thức chuyển sang giấc ngủ mơ thấy đất nước hóa rồng. Đầu thập niên 1990, Huỳnh Bửu Sơn nằm mơ thấy Việt Nam hóa rồng và suốt nhiều năm sau đó chính anh đã góp phần thúc đẩy để giấc mơ trở thành hiện thực qua những bài viết dễ hiểu nhưng sắc sảo, đầy tính thuyết phục, về các vấn đề từ công nghiệp, dịch vụ đến nông nghiệp, nông thôn, từ chính sách mở của đến các cải cách về tiền tệ ngân hàng, về doanh nghiệp, về xây dựng nguồn nhân lực, v.v… (…lược vài câu)
Nhiều người trong chúng ta chắc cũng mơ thấy đất nước hóa rồng. Nhưng rất tiếc là cho đến nay giấc mơ đó chưa thành hiện thực. Tác giả cuốn sách này chắc cũng chưa vui vì nhiều ý kiến về chiến lược, chính sách của các chuyên gia tâm huyết, trong đó có anh, đã không được thực hiện. Nhưng Huỳnh Bửu Sơn không bỏ cuộc, anh vẫn còn hy vọng, còn tin tưởng là con cá chép Việt Nam sẽ vượt vũ môn trong một tương lai không xa. Và anh kêu gọi chúng ta đừng nản chí. “Mọi thứ đều có thể bắt đầu lại từ sự bắt đầu. Và sự khởi đầu quan trọng nhất chính là sự khởi động ý chí thành rồng. Con cá chép không bao giờ trở thành rồng nếu nó không muốn hóa rồng”.
Những năm gần đây anh Huỳnh Bửu Sơn quan tâm về một vấn đề lớn hơn, cơ bản hơn, có thể nói là điều kiện tiên quyết để Việt Nam hóa rồng: Vấn đề đoàn kết dân tộc. Tháng 4 năm 2020, trong việc chuẩn bị cuốn sách mà tôi là đồng chủ biên, tôi có mời anh tham gia, anh chọn đề tài chung quanh vấn đề đoàn kết để đất nước cường thịnh. Anh chủ trương ý thức hệ dân tộc, nhà nước chính danh và một giới tinh hoa yêu nước là 3 nhân tố cần thiết giúp xây dựng đoàn kết thống nhất trong cộng đồng dân tộc. Có ba yếu tố này, trong đó ý thức hệ dân tộc là quan trọng nhất, mới có đoàn kết và từ đó mới xây dựng một đất nước cường thịnh. Trong điện thư gửi cho tôi ngày 4/9/2020, anh nhấn mạnh thêm là trong toàn bài viết anh chỉ muốn nói đến một điều duy nhất: “Ý thức hệ dân tộc là cơ sở của đoàn kết dân tộc, các ý thức hệ khác không có vai trò đó”.
Ngoài những vấn đề bàn ở trên, tôi còn rất nhiều kỷ niệm riêng với anh Sơn. Khi tôi về Saigon không nhằm ngày thứ sáu, ngày gặp nhiều anh em trong nhóm, hầu như lần nào cũng gặp anh Huỳnh Bửu Sơn trò chuyện, có lúc gặp riêng anh, có lúc chung với vài bạn khác. Trong tôi luôn có ấn tượng anh Sơn là người uyên bác về nhiều lãnh vực, tính tình hòa nhã, khiêm cung.
Khoảng 5 năm trước, anh Sơn và tôi có dự định viết chung một cuốn sách về kinh tế Việt Nam. Tôi từ nước ngoài nhìn về Việt Nam, anh Sơn ở trong nước khảo sát, suy ngẫm từ những thay đổi hằng ngày. Chúng tôi bảo nhau như thế. Nhưng việc chưa thành thì anh không còn nữa.
Trong lúc viết bài này tôi xúc động nhiều lần.
Vĩnh biệt bạn quý Huỳnh Bửu Sơn tôi đau buồn như mất một người thân./.
Tokyo, tháng sáu năm 2022.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)Bài 1: Hiểu sai khái niệm "Con Người" khiến luận án "Nghĩa vụ con người..." sai theo
03/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])