Trịnh Công Sơn và Bob Dylan khác nhau ở căn nguyên tôn giáo

09:55 SA @ Thứ Sáu - 14 Tháng Mười, 2016

"Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: như trăng và nguyệt?" là cuốn sách của giáo sư Mỹ John C. Schafer nghiên cứu về hai nhạc sĩ Việt, Mỹ...

Nhà văn Nguyễn Trương Quý có dịp làm việc với giáo sư Schafer khi biên tập sách của ông. Trương Quý đồng thời cũng có những nghiên cứu về ca từ tân nhạc trong nhận diện văn hóa. Tối 31/3, anh đã có buổi nói chuyện tại Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa về công trình của giáo sư John C. Schafer.

- Vì sao một người Mỹ như John C. Schafer lại nghiên cứu về Trịnh Công Sơn và Việt Nam?

- Giáo sư không phải là người xa lạ với Việt Nam. Ông dạy tiếng Anh tại Đại học Huế cuối những năm 1960, đầu 1970. Ông dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001. Giáo sư nghiên cứu văn học và văn hóa Việt trên một diện rộng từ cổ chí kim như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, những tiểu thuyết thời kỳ đầu của Hồ Biểu Chánh, tạp văn Võ Phiến, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, nghiên cứu về giới qua hồi ký của Phạm Duy và Lê Vân.

Đây không phải là công trình nghiên cứu đầu tiên của John về Trịnh Công Sơn. Ông có một số công trình khác như The Trinh Cong Son Phenomenon (Hiện tượng Trịnh Công Sơn), Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn.

Tôi nghĩ giáo sư John C. Schafer có mối liên hệ với Việt Nam về mặt tình cảm, vì thế sự am tường bối cảnh Việt Nam quyết định đến lựa chọn đề tài nghiên cứu Trịnh Công Sơn. Điều này cũng xuất phát từ tình cảm của ông với nhạc Trịnh.


Từ trái qua: Giáo sư John C. Schafer, nhà văn Nguyễn Trương Quý trong buổi gặp gỡ tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Vì sao John C. Schafer nghiên cứu Trịnh Công Sơn trong đối sánh với Bob Dylan?

- Sở trường của John Schafer là văn học đối chiếu. Ông từng dạy môn ngôn ngữ học áp dụng và văn chương đối chiếu tại Đại học Humboldt, Mỹ. Ông nghiên cứu dựa trên những tương quan giữa văn học và văn hóa vượt ra khỏi những biên giới ngôn ngữ và chính trị.

Trong sách, John Schafer viết: “Những năm 60 của thế kỷ trước, Bob Dylan và Joan Baez là hai ca sĩ mà tôi yêu thích nhất. Vào cuối thập niên 60 đầu 70, khi tôi dạy Anh văn ở miền Trung Việt Nam, tôi lại được giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly. Những bài ca của bốn người nghệ sĩ này đã in đậm vào ký ức của tôi: Khi nghĩ đến giai đoạn này, tôi nhớ về những bài ca của họ; khi nghe những bài ca của họ, tôi nhớ đến giai đoạn đầy biến động ở cả hai nước Việt và Mỹ”.

- Trịnh Công Sơn và Bob Dylan có những tương quan gì theo nghiên cứu của John Schafer?

- Cả hai cùng sáng tác bài hát phản chiến. Họ soạn nhạc nhưng cũng được xem như thơ, ca từ xuất chúng và nhiều khi mơ hồ khó hiểu. Cả hai đều viết những bài tình ca để đời. Có những mối liên hệ với các nữ ca sĩ và họ góp phần vào sự nổi tiếng. Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đều nói tiếng nói của giới trẻ trong thời đại. Cả hai đều chịu ảnh hưởng và tìm cảm hứng sáng tác từ truyền thống tôn giáo.

Bob Dylan và Trịnh Công Sơn.

- Vậy đâu là điểm khác biệt giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan?

- Số lượng và thời gian sáng tác ca khúc phản chiến của hai nhạc sĩ khác nhau. Trịnh Công Sơn có 69 bài phản chiến, trong khi Bob Daylan chỉ sáu tới bảy bài.

Tình ca của hai ông mang giọng điệu khác nhau: với Trịnh Công Sơn là của người bị phụ tình, còn Bob Dylan là người chủ động từ bỏ.

Trịnh Công Sơn viết với giọng “yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ” còn Bob Dylan viết: “Tạm biệt là chữ dùng quá nhẹ. Nên tôi chỉ nói giã từ thôi. Tôi không nói em đã đối xử tệ bạc với tôi. Em chỉ đã lãng phí thì giờ quý giá của tôi” (Don’t Think Twice, It’s All Right).

John Schafer đánh giá cao sự khiêm nhu, nhân hậu của Trịnh Công Sơn cả trong đời sống lẫn trong tác phẩm. Còn Bob Dylan tạo ra một hình ảnh lạnh lùng, cách biệt như thể để tự bảo vệ mình.

- Điều gì làm nên điểm khác biệt giữa hai ông?

- Theo John C. Schafer, căn nguyên lớn nhất là truyền thống tôn giáo. Ông cho rằng cả hai nhạc sĩ đều bị ảnh hưởng bởi tôn giáo. Bob Dylan là một người mộ đạo và đã ra mắt ba album nhạc chuyên về những bài ca tôn giáo. Trịnh Công Sơn là một Phật tử dù chỉ trên danh nghĩa; nhưng cả hai đều chia sẻ một sở thích chung là suy ngẫm về triết học và tôn giáo. John Schafer viết: “Tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra hai điều này: một là ảnh hưởng sâu xa mà hai tôn giáo đã tác động tới cuộc đời và nghệ thuật của họ; hai là sự khác nhau sâu đậm giữa hai tôn giáo này”.

Theo John Schafer, Bob Dylan “ướt sũng Kinh thánh”. Ông viết: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi một người sáng tác nhạc Mỹ, nhất là nhạc folk, dùng ngôn ngữ của Kinh thánh trong tác phẩm của mình”. Ông cũng cho người đọc Việt hiểu, Kinh thánh là cuốn sách căn bản của văn hóa chính thống Mỹ và tiếng Anh lại đầy rẫy những câu lấy ý từ Kinh thánh. Vì vậy khó có thể dùng tiếng Anh mà không động đến Kinh thánh.

Về Trịnh Công Sơn, các đề tài Phật giáo rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến sự thành công của ông. Ca khúc của ông dùng nhiều từ của đạo Phật, ví dụ: từ bi, duyên, vô thường, kiếp...


Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: NVCC

- Theo anh, công trình nghiên cứu của giáo sư có ý nghĩa như thế nào?

- Về lâu về dài công trình sẽ là một mắt xích trong công tác nghiên cứu Trịnh Công Sơn. Nó lấp một khoảng trống trong nghiên cứu nước ta. Đa phần những nghiên cứu của người Việt là cảm luận, vì niềm yêu thích đơn thuần mà viết. Ở đây, bên cạnh niềm yêu thích còn có sự đối chiếu, đặt Trịnh Công Sơn vào bối cảnh toàn cầu, thế giới, tương quan với người sáng tác khác.

Có thể Trịnh Công Sơn chỉ nhận mình là người du ca đi qua cuộc đời này, nhưng tác phẩm đã đi xa hơn chủ kiến của tác giả. John Schafer đã chứng minh điều đó.

Nguồn:Zing
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Người đàn ông Italia" hóa "Say tình": câu chuyện về dịch và chế lời ca khúc nước ngoài

    02/03/2017Ngô Tự LậpKhi tiếp xúc và giới thiệu ca khúc nước ngoài, người ta có hai xu hướng ngược nhau trong cách xử lý ca từ: một là dịch thật sát nghĩa, hai là phóng tác lời mới. Cả hai xu hướng đều có lịch sử lâu dài và kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại...
  • Bản hoan ca xưng tụng con người

    14/10/2016Trần Huyền SâmGiản dị nhưng lay động và ám gợi một cách siêu hình, nhà thơ sống ẩn dật Tomas Tranströmer đã được Hội đồng Hàn lâm Thụy Điển vinh danh giải
    Nobel Văn học 2011...
  • Còn bao nhiêu con đường phải qua...?

    12/07/2016Phạm Văn NgaChúng ta thường khó quy trách nhiệm cụ thể cho ai khi sự phân công mang tính tập thể dựa vào danh xưng ủy ban, phân ban, hội đồng... Cho nên trước một thất bại hay thiếu sót, chúng ta hay nghe nói rằng: Hội đồng... (hay có thể cao hơn như Bộ... chẳng hạn) nhận là có những quyết định chưa đúng, chưa kịp thời...
  • Underground thế giới lộn ngược

    25/03/2009Trang Nghiêm – Huy LinhBài viết này muốn đề cao một tinh thần nghệ thuật độc lập. Đó là sự tìm tòi, bung phá, thể nghiệm, sự dũng cảm của các nghệ sĩ khi bỏ qua những yếu tố thương mại, thị trường để thực hiện bằng dược những ý tưởng nghệ thuật đầy sáng tạo của mình.
  • Thế hệ sau năm 1968

    06/11/2008Meta WagnerCách đây 40 năm, thế giới bàng hoàng vì các phong trào đấu tranh của sinh viên. Có phong trào đấu tranh đã thành cuộc cách mạng lớn khiến nhiều hệ thống chính trị phương Tây phải thay đổi. Nhiều xu hướng, phong cách sống, hệ tư tưởng… đã được định hình trong năm 1968 (hoặc trước, sau đó một năm).