Một lần trò chuyện cùng hoạ sĩ Bửu Chỉ
"Không gian, sự sống, nỗi chết, hạnh phúc,đau khổ
thường là những ám ảnh không nguôi trong tác phẩm của tôi ."
(Bửu Chỉ)
Đôi điều về Bửu Chỉ và bài phỏng vấn này
Với các nhà báo và văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã có dịp đến Huế vào hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, gặp gỡ và trò chuyện với hoạ sĩ Bửu Chỉ là một điều thú vị. Bởi vì cách chuyện trò của người hoạ sĩ tài danh này có cái gì đó vừa uyên bác, thâm trầm của các “mệ” dòng dõi danh gia vọng tộc, lại vừa có cái chất dân dã của một người nghệ sĩ đã từng có thời lăn lộn trong phong trào sinh viên “đô thị miền Nam”.
Họa sĩ Bửu Chỉ (1948-2002)
Bửu Chỉ sinh năm 1948 tại Huế và tốt nghiệp Đại học Luật Khoa Huế năm 1971, một năm trước khi anh bị chính quyền Sài Gòn bắt tại trường Đồng Khánh (Huế) vào cái dịp “mùa hè đỏ lửa”, do những thành tích của anh trong phong trào sinh viên học sinh. Cuối năm đó, anh bị chính quyền tỉnh Thừa Thiên trục xuất ra khỏi địa bàn (của tỉnh). Những lần bị bắt này khiến Bửu Chỉ phải nếm mùi lao tù ở nhiều nơi, từ Thừa Phủ (Huế) đến Chí Hoà (Sài Gòn). Đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, người ta mới thấy Bửu Chỉ lững thững trở lại với đời sống tự do. Khi ấy, anh bước ra từ sau cánh cửa sắt của một nhà tù ở Gò Công (trước 1975 thuộc tỉnh Gò Công, nay thuộc tỉnh Tiền Giang).
Nhưng chính trong những ngày bị cầm tù đó, danh tiếng của anh đã vang dội khắp thế giới khi những bức tranh phản chiến được anh vẽ từ sau chấn song sắt nhà giam bằng bút sắt với mực tàu, có khi là trên vỏ bao thuốc lá, xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạp chí ở nhiều nước khác nhau.
Trí thức xã hội chủ nghĩa dưới mắt nhìn của Bửu Chỉ (bút sắt, mực nho)
Hơn một thập niên sau cái ngày ra khỏi nhà tù của chính quyền Sài Gòn, Bửu Chỉ lại trở thành một hiện tượng lạ trong giới văn nghệ sĩ. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, mà dám bỏ cái biên chế nhà nước, với những chức sắc và hệ lụy của nó, thì quả Bửu Chỉ đã có một hành động dũng cảm pha chút liều lĩnh. Anh đã trở thành một trong những nghệ sĩ hiếm hoi ở nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dám làm chuyện liều lĩnh đó… Giữa năm 1988, Bửu Chỉ đã bỏ ngang chức ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam mà không thèm thông báo với ai. Sau đó, anh thôi luôn cả chức phó chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế. Có nghĩa là anh không thèm nhận đồng lương nhà nước. “Tao ỉa vô mấy thứ nớ!”, Bửu Chỉ chỉ phán một câu như thế rồi bỏ về Vỹ Dạ thôn, ngồi uống rượu gạo Làng Chuồn với Trần Vàng Sao, Thái Ngọc San…
Lý giải cho quyết định dứt khoát của mình, anh nói rằng làm như thế là để tìm một cách sống “cho nghiêm túc”, bằng chính cây cọ của mình.
Lần này là với những bức tranh được anh vẽ bằng chất liệu sơn dầu.
Nhưng cho dù với chất liệu gì đi nữa, với quan điểm sống ngang tàng, sẵn sàng “ỉa vô” các thứ giá trị giả, một lần nữa anh lại thành công và thành danh…
Một bức tranh Bửu Chỉ tặng tác giả bài phỏng vấn (bút sắt, mực nho)
Từ những năm cuối 1980 và trong suốt cả thập niên 1990, tranh sơn dầu của Bửu Chỉ bán rất chạy. Tên tuổi của anh được các nhà sưu tập tranh từ khắp nơi trên thế giới biết đến. Anh cũng thường xuyên được chủ nhân các gallery tầm cỡ ở Hong Kong, Singapore, Paris…mời mọc. Dân Huế lúc ấy nói đùa rằng bây giờ người nghệ sĩ tài danh này không còn là “Bửu Chỉ” nữa, mà anh đã trở thành “Bửu Lượng” hoặc “Bửu Ký” .
Bài phỏng vấn dưới đây nguyên là một cuộc nói chuyện giữa hoạ sĩ Bửu Chỉ và Lê Hùng Vọng - hồi đó là phóng viên của tờ Tạp chí Sông Hương - thực hiện ở một quán nhỏ bên lề đường Trương Định, gần trụ sở Hội Văn nghệ Thừa Thiên-Huế. Lê Hùng Vọng ghi lại với mục đích đăng trên tờ Sông Hương, nhưng đến khi hai bên đồng ý được về chữ nghĩa, ý tứ của bài thì Sông Hương “dậy sóng”, tờ tạp chí bị đình bản. Tiếc của đời, Lê Hùng Vọng bèn gởi bài phỏng vấn cho báo Lao Động. Bài đã được đăng trên báo Lao Động vào một ngày giữa năm 1989. Tất nhiên là với ít nhiều cắt xén, sửa chữa.
Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn đã được thoả thuận giữa Bửu Chỉ và Lê Hùng Vọng, trước khi đăng trên báo Lao Động. Tôi muốn giới thiệu bài trò chuyện này như một nén hương thắp cho ngưới hoạ sĩ tài hoa, nhân gần đến ngày giỗ thứ tư của anh vào tháng 12 sắp tới.
Sài Gòn ngày 20 tháng 10 năm 2006
Lê Hùng Vọng: Anh là Bửu Chỉ?
Bửu Chỉ: Đúng, tôi vẫn là Bửu Chỉ. Từ trước đến nay, tôi vẫn là một.
Lê Hùng Vọng: Vậy thì anh còn bút danh, bí danh, tên thật, tên giả gì nữa không?
Bửu Chỉ: Không, tôi vẫn luôn luôn dùng cái tên thật Bửu Chỉ ấy thôi. Như thế mọi người dễ gọi đích danh tôi, và tôi cũng dễ gọi đích danh mọi người.
Lê Hùng Vọng: Nghe rằng anh chưa hề học vẽ?
Bửu Chỉ: Nói rằng tôi chưa đến một trường mỹ thuật nào thì đúng hơn. Còn học vẽ thì phải học cả đời. Nhất là đối với một người tự học như tôi. Tôi đam mê hội hoạ từ nhỏ và ráo riết làm việc với nó cho đến nay, và dĩ nhiên là suốt cả đời tôi.
Lê Hùng Vọng: Anh đã từng triển lãm ở những đâu?
Bửu Chỉ: Tính đến thời điểm này (năm 1989 –LHV), tôi đã từng triển lãm (chung và cá nhân) nhiều lần ở trong nước, và ở một số nước Đông Âu. Nhưng chuyến đi triển lãm đáng nhớ nhất là tại Pháp (Paris, 1988).
Lê Hùng Vọng: Anh có thể cho biết sự khác biệt trong cách thể hiện tác phẩm của anh giữa hai thời điểm trước và sau 1975?
Bửu Chỉ: Thời điểm trước 1975 tôi sáng tác rất nhiều tranh bút sắt với mực nho. Đó là những bức tranh của khát vọng và kêu đòi, nhằm tác động tức thời vào xã hội. Sau 1975, tôi sáng tác nhiều tranh sơn dầu, Những tranh này chứa đựng những khát vọng, khắc khoải, dằn vặt của tôi về cuộc sống, nhưng trong trầm lặng và tĩnh mịch. Tôi thường vẽ nhiều tĩnh vật. Tôi muốn mọi người chia sẻ với tôi bằng số phận riêng của họ; và tôi cũng chia sẻ với mọi người như thế trong tác phẩm của tôi. Hiện nay, tôi đang vẽ lại một số bức tranh bút sắt…
Tranh bút sắt của Bửu Chỉ
Lê Hùng Vọng: Hình như phần lớn tranh của anh trong những năm gần đây là sơn dầu. Đó không phải là thứ sở đoản chớ?
Bửu Chỉ: Đúng. Tôi có thể nói đơn giản như thế này: Vào cái thời người khôn của khó này, không ai có thể sống bằng sở đoản của mình được. Tôi đã từng sống nhờ sáng tác tranh sơn dầu, chớ không phải nhờ vào đồng lương công chức.
Lê Hùng Vọng: Thế hiện nay anh có thấy gì mới trong cảm hứng sáng tác?
Bửu Chỉ: Có chớ! Tôi nghĩ cứ sống mạnh và sống thực sẽ tìm ra cái mới cho sáng tác của mình. Vào mỗi lúc, đời sống sẽ có những yêu cầu riêng và thôi thúc riêng.
Lê Hùng Vọng: Anh đã từng tham gia ban biên tập Tạp chíSông Hương. Việc ấy có gây trở ngại gì cho sáng tác của anh?
Bửu Chỉ: Trái lại, nó giúp mình động não và sắc bén thêm. Hơn nữa, hoàn cảnh Tạp chí Sông Hương hiện nay giúp tôi nhận định rõ rằng: Không có tự do sáng tác thì làm văn nghệ mà làm gì!!!
Lê Hùng Vọng: Xin hỏi câu cuối. Anh đã từng tốt nghiệp trường Luật. Nghe rằng ngoài việc vẽ tranh, anh “cãi” cũng hay. Xin cho biết giữa hai thứ ấy, trong tình thế hiện nay anh chọn thứ nào làm sở trường?
Bửu Chỉ: Vẽ là thượng sách; tranh cãi là hạ sách. Chỉ nên dùng đến hạ sách khi quá cần.
Lê Hùng Vọng: Xin cám ơn anh!
Những bức tranh sơn dầu của tác giả
"Bửu Chi luôn tìm những tín hiệu mới cho tranh, đó là thời gian và phận người"
(Đinh Cường)
Tác phẩm Cây đàn sắc không - Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Sơn dầu của cố họa sĩ Bửu Chỉ
Sắc săc không không
Ám ảnh thiện và ác
Thời gian
Nghĩ về thời gian
Tôi chiêm nghiệm tôi
Không đề
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh