Thượng Đế là hàng hóa
Cuối năm 93, tôi có về Thái Bình ít ngày để được tận mắt nhìn thấy những thay đổi kỳ diệu tại các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ những năm gần đây. Gần một tháng đi lang thang đây đó ở một tỉnh chuyên trồng lúa mà không mấy ai nói với tôi về cây lúa. Cũng có nói, là người trồng lúa than phiền thóc thừa, giá gạo rẻ, làm lúa chẳng lời lãi bao nhiêu. Bây giờ lại bảo nhau trồng lúa đặc sản,tám thơm, dự, nếp hoa vàng, năng suất thấp nhưng giá bán cao vì những người có tiền ở thành phố muốn được ăn loại gạo thật mềm lưỡi, thật thơm miệng. Một hộ 4, 5 sào ruộng chỉ có một người làm thật sự...
Làm ruộng bây giờ nhàn hơn ngày xưa nhiều. Tới ngày cày, ngày bừa thì thuê máy, trong một xã có đến dăm bảy cái máy cày của tư nhân mua để kinh doanh. Cần nước thì vác máy bơm nhỏ ra đặt đầu bờ, cho nổ máy rồi lại nhào về nhà chơi bài hoặc làm việc khác. Cần gặt thì đã có các nhóm bạn hỗ trợ lẫn nhau. Vẫn là làm ăn tập thể, có Ban quản lý hợp tác xã và các tổ đổi công tự nguyện, làm chung, lo việc lớn chung nhưng chi tiêu riêng, thu hoạch riêng, cả mọi người đều bằng lòng vì nó hợp lý và chỉ có lợi. Làm ruộng ổn định như thế nên những người đã già, không thể đi đây đi đó hoặc còn trẻ nhưng không tháo vát lắm sáng kiến tạo ra các nguồn tiền cho xã, cho dân. Tôi về xã thấy thanh niên đang làm đường liên xóm, mở rộng và trải nhựa, xe tải có thể qua lại được. Xe qua là tiền qua, chủ các vườn caaty có xe lớn chạy qua kiếm tiền triệu nhanh lắm. Chỉ riêng cách tổ chức đội bảo vệ trông coi đồng ruộng và tài sản của xã, tôi đã phục lăn. Giữa đội bảo vệ và các chủ ruộng, chủ tài sản đều có hợp đồng, người mất của sẽ được đền bù như thế nào, người coi của sẽ được trả lương ra sao? Rẻ lắm. Một sào lúa ta có 5 lạng thóc. Nhưng có những 1.250 mẫu ruộng thành thử số thóc phải trả mỗi vụ lên tới 6 tấn. Có tiền lại có cả an ninh nên mọi người đều vui vẻ. Tới đâu cũng được chủ nhà khoe tủ chè và sập gụ, mua tại nơi đóng cũng phải trên một cây vàng. Tủ để chơi thì có nhưng tủ để sách thì không.
Vả lại cũng không có sách, chỉ có báo thôi, đủ loại báo. Không đọc báo thì không biết được những chuyện đang xảy ra, sẽ không biết cách nói chuyện, cách tính toán, cách lui tới, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, tới công việc và cả chức vụ đang đảm nhiệm, nói cho cùng cũng là tiền cả. Bảo rằng đọc sách để mở rộng kiến văn, hoàn thiện nhân cách nhưng những thứ sang trọng, xa xôi đó đâu có bằng chứng nhận, đâu có thêm gì vào sự thăng tiến và kiếm ra tiền?
Vâng, thời buổi này chúng tôi chỉ cần những lợi ích trước mắt, lợi ích cập nhật, mất thì giờ vào những chuyện viển vông là tiếc lắm. Cái tâm lý hàng hóa, tâm lý kiếm tiền bao trùm khắp nơi, khắp chốn. Mở chợ rất dễ kiếm tiền nên xây chợ rất nhanh. Trụ ở Ủy ban và Đảng ủy to lớn, đẹp đẽ là thế cũng đập tan ra để xây cái mới, tốn kém cả trăm triệu đồng. Vì có một khu nhà làm việc hiện đại ở trung tâm xã thì các công ty trong nước, ngoài nước tới chung vốn làm ăn sẽ yên tâm hơn, bỏ tiền ra nhanh hơn, nhiều hơn. Bỏ tiền trùng tu đình, chùa, đền, miếu của xã cũng dễ được sự nhất trí của mọi người. Nó là truyền thống văn hóa của xã. Nó là câu lạc bộ của các cụ già và các cụ về hưu. Và nó cũng là một mặt hàng thiêng liêng mãi mãi được ưa chuộng, mãi mãi thu được rất nhiều tiền. Còn nhớ một năm tôi đi hội đền Tiên La, thờ một vị nữ tướng của Hai Bà Trưng. Xe hơi nhỏ, xe ca lớn đưa khách các tỉnh về lễ đỗ dài cả cây số. Các bà, các ông, các cô, các cậu ăn mặc rất đẹp đội mâm lễ đứng chờ từ ngoài cổng đền vào tận trong hậu cung. Mỗi người tiến lễ đều phải đội mâm lễ quỳ trước chánh điện. Có một cô không hẳn là cô đồng, cũng không hẳn là cán bộ xã, mặc quần nhung bó, áo thun dệt, tóc cặp, tay cầm đĩa, tay cầm hai đồng xu huơ huơ trước điện thờ vài lần rồi gieo tiền đến vài lần. Ngài mới chịu nhận.
Trên các mâm lễ đều có một bao thư đựng tiền. Tiền bỏ vào hòm công đức, xôi gà để lại cho đền một phần, một phần làm của bố thí, phần nửa còn lại đem về gọi là lộc của Mẫu. Cả mọi người đều vui vẻ. Xã sở tại vui vì sự đóng góp không nhỏ của hội đền vào ngân quỹ hàng năm của xã. Đội ngũ cán bộ phục vụ hội đều vui vì vừa được ăn lại vừa được tiền. Dân địa phương cũng rất vui vì có thêm nhiều nghề mới, tiền vào như nước. Thậm chí đến ngôn ngữ dùng trong hội đền cũng là hàng hóa, cũng gián tiếp làm ra tiền. Khi tiễn chúng tôi, một vị trong Ban quản lý đền chắp tay nói: “Ngày này năm sau lại xin mời chư vị quan nhân tới lễ Mẫu và viếng cảnh”. “Chư vị quan nhân”. Cái tiếng rất cổ ấy đã làm cái người đang nói thành người cổ xưa, ngôi đền càng cổ xưa. Phàm những gì đã là cổ xưa đều thiêng liêng vô giá, Là một mặt hàng rất có giá.
Đến thần thánh còn biến thành hàng hóa, thử hỏi có ai đứng được ở ngoài? Hàng hóa là Thượng Đế thoạt đầu ai chả thích, đã chịu thiếu thốn trong nhiều chục năm, bây giờ bước chân ra khỏi cửa là vấp ngay phải hàng hóa là một bước tiến bộ đáng mừng. Kinh tế hàng hóa là kinh tế của sự phát triển, của thịnh vượng. Nhưng nhìn xa thì phải biết sợ, sợ nhất là hàng hóa sẽ trùm lên con người, lên tính cách Người. Một cộng đồng hàng hóa sống với nhau chắc chắn sẽ có vô vàn điều quái dị xảy ra. Tôn trọng hàng hóa là lẽ đương nhiên, nhưng còn phải biết tôn trọng văn hóa nữa. Vì chỉ có văn hóa mới giữ gìn và phát huy được bản chất Người, mới hoàn thiện được tính cách Người để mãi mãi là Người Việt nam, con dân một đất nước có tên gọi là Việt Nam.
(Tháng 9/1996)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý