Những thuật ngụy biện người thường hay mắc phải

02:35 CH @ Chủ Nhật - 02 Tháng Năm, 2021

1. Ngụy biện Hài hước luôn luôn đúng: (Appeal to Ridicule)

Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này móc mỉa luận điểm của đối phương (theo cách hài hước) để chứng minh mình đúng.

VD 1: "Thật là buồn cười, 1+1 mà = 2 được à?"

2. Ngụy biện Guilt by Association:

Người mắc lỗi ngụy biện này đưa ra lập luận rằng một mệnh đề không đúng vì nó được công nhận/được phát biểu bởi những đối tượng anh ta không thích.

VD 2: "Trang soha vừa mới đưa tin vịt về Triều Tiên xong, vậy nên tất cả những gì nó nói là dối trá. Kể cả kết luận 1+1=2 ở trên."

Rõ ràng việc nó đưa tin sai về Triều Tiên thì không có nghĩa rằng luận điểm 1+1=2 của nó là sai.

3. Ngụy biện Qui nạp Cào bằng:

Công thức là tìm ra một hoặc nhiều điểm chung nào đó để gán hai hoặc nhiều sự vật, hiện tượng với nhau, làm cho chúng trông có vẻ ngang hàng nhau. Nghe có vẻ logic, nhưng kết luận thì lại là sai.

VD 3:

2 là một con số

1 cũng là một con số

=> 2 = 1

4. Ngụy biện ôn hòa:

Đây là ngụy biện cho rằng cái gì ở giữa thì luôn luôn đúng, còn lại đều là cực đoan và sai lầm.

VD 4:

A: “1 + 1 = 2”

B: “1 + 1 = 4”

C: “Hai bạn cực đoan quá! Chúng ta nên chọn giải pháp ôn hòa là 1 + 1 = 3.”

5. Ngụy biện được nhiều người tin thì đúng" (Appeal to Belief)

Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi tìm sự ủng hộ của đám đông. Họ cho rằng những gì đám đông tin tưởng luôn đúng.

VD 5:

A: "Tôi nghĩ rằng ý kiến này sai."

B: "Có thấy ai nói nó sai không mà bảo đấy là sai?"

Tuy nhiên: Trước thế kỷ XV, nhân loại bảo Mặt Trời quay quanh Trái Đất.

6. Hệ quả tốt thì đúng (Appeal to Concequences of a Belief)

Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chỉ ra rằng niềm tin của mình sẽ dẫn tới những kết quả tốt và niềm tin ngược lại sẽ đưa đến kết quả xấu.

VD 6:

"Nếu Trái Đất hình tròn thì tôi và rất nhiều người theo thuyết trái đất phẳng sẽ rất đau khổ, vì vậy nên Trái Đất chắc chắn phẳng và hình vuông“.

7. Nguỵ biện Công kích cá nhân (ad hominem)

Thay vì tập trung vào quan điểm của người phát biểu, kẻ dùng nguỵ biện này công kích người post, hạ thấp người ấy với hi vọng cũng có thể hạ thấp quan điểm của họ.

VD 7:

A: “Theo tôi tính toán thì kết quả của bài toán 1+1 này là =2.”

B: “Tôi đoán hồi xưa anh học toán dốt lắm nên bây giờ mới giải ra kết quả ngu như vậy.”

Rõ ràng trong ví dụ này, B đang sử dụng ngụy biện tấn công cá nhân. Thay vì lập luận để phân tích ra A giải sai bài toán ở chỗ nào thì B chỉ đơn thuần công kích cá nhân A. Lập luận như vậy hoàn toàn không có bất kỳ giá trị nào.

Ngụy biện công kích cá nhân này có rất nhiều biến thể. Sau đây chúng ta sẽ xét một vài biến thể của nó.

7.1.Biến thể Ngụy biện “Bạn cũng thế” (Tu quoque):

A tuyên bố một điều. B ngụy biện rằng A hành động trái ngược với tuyên bố của chính mình cho nên tuyên bố của A là sai. Sự thật thì dù A hành động như thế nào cũng chẳng ảnh hưởng đến đúng sai của tuyên bố.

VD 7.1a:

A và B là 2 học sinh học cùng lớp. Hôm nay giáo viên phát bài kiểm tra, A được 2 điểm, B được 4 điểm. Lúc A và B đi ra cổng trường thì gặp mẹ của B. Mẹ B hỏi B hôm nay kiểm tra được bao nhiêu điểm. A nhanh nhảu đáp rằng B được 4 điểm. B thấy vậy bực mình nói: “Mày đã làm được như tao chưa mà nói!”

VD 7.1b:

Cha (A): “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Con không nên tập hút thuốc.”

Con (B): “Vậy tại sao cha hút thuốc? Cha hút được thì con cũng hút được.”

Rõ ràng trong ví dụ này, đứa con (B) đã sử dụng ngụy biên Tu quoque. Đứa con cho rằng vì cha hút thuốc nên điều cha nói về việc hút thuốc có hại cho sức khỏe là sai. Trong thực tế, hành động hút thuốc của người cha không liên quan gì tới tính đúng sai của mệnh đề mà người cha phát biểu.

7.2. Biến thể Ngụy biện “Cáo buộc thiên vị”:

Ngụy biện này cho rằng vì một người thuộc một tổ chức, phe phái nào đó nên chắc chắn những lập luận của người đó sẽ không có giá trị vì người đó sẽ thiên vị cho tổ chức, phe phái của mình.

VD 7.2:

A; “Quan điểm của tôi về vấn đề này là…”

B: “Cha anh A là Đảng viên đảng X nên chắc chắn anh A sẽ thiên vị cho Đảng X, quan điểm của anh A không có giá trị.”

Như vậy trong ví dụ này B đã ngụy biện bằng cách cáo buộc A thiên vị cho Đảng X mặc dù không hề có bằng chứng về việc đó.

7.3. Biến thể Ngụy biện “Bạn không đủ thầm quyền”:

Ngụy biện này mặc định rằng chỉ vì một người không đủ thẩm quyền hoặc trình độ trong một lĩnh vực nào đó thì chứng tỏ tất cả mọi phát biểu của anh ta về vấn đề đó đều sai.

VD 7.3:

Thực khách (A): “Món ăn này dở quá, tôi không nuốt nổi!”

Người phục vụ (B): “Anh không phải là đầu bếp nên anh không đủ trình độ để nhận xét về món ăn này!”

Rõ ràng B đã sử dụng ngụy biện. A không cần phải là một đầu bếp mà chỉ cần có vị giác bình thường là đủ để biết được món ăn ngon hay dở.

7.4. Biến thể Ngụy biện "Lợi dụng tác phong":

Loại ngụy biện này dùng tác phong hay cách làm việc hay một đặc tính nào đó của đối tượng để cố thuyết phục về tính hợp lí của phát biểu.

VD 7.4:

Con nghĩ lời nói của 1 học sinh hay trốn học sẽ đúng đắn hơn là của một cậu học sinh gương mẫu sao?"

8. Ngụy biện đảo ngược nhân quả:

Ngụy biện này còn có tên khác là “Ngụy biện khẳng định hậu thức” hay “Ngụy biện giả định nguyên nhân”. Những người sử dụng ngụy biện này rất thích suy luận ngược từ hậu quả ra nguyên nhân.

VD 8:

A: “Mèo bị chó cắn thì sẽ chết. Con mèo này chết, chứng tỏ nó bị chó cắn.”

Thực ra có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến một con mèo chết: bị điện giật chết, bị ngộ độc thức ăn chết, bị xe cán chết, đi ăn vụng bị người ta đập chết, bị bệnh chết… Nhưng anh A chỉ chăm chăm vào một nguyên nhân là bị chó cắn chết. Tất nhiên chúng ta cũng không loại trừ khả năng con mèo này bị chó cắn chết, nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều khả năng có thể xảy ra. Khẳng định chắc chắn nguyên nhân như vậy khi chưa thu thập thêm thông tin cần thiết rõ ràng là một sự ngụy biện.

9. Ngụy biện giả định thông tin không có thực (Ngụy biện tiên nghiệm):

Người sử dụng loại ngụy biện này sẽ đưa ra một thông tin để hỗ trợ cho lập luận của mình mặc dù không nêu ra được bất cứ bằng chứng nào về tính đúng đắn của thông tin đó.

Ví dụ 9a:

A: “Thằng hàng xóm hôm nay cư xử hơi lạ, chắc hẳn nó là kẻ tối hôm qua đột nhập vào ăn cắp con gà nhà mình rồi!”

Thực ra chẳng có bằng chứng nào để chứng minh thằng hàng xóm ăn cắp con gà, ngoài việc nó “cư xử hơi lạ” theo con mắt cảm tính của anh A.

Ví dụ 9b:

Sếp (B) nói với nhân viên (C): “Chẳng cần kiểm tra tôi cũng biết anh lén chơi game trong giờ làm việc!”

Ủa, không kiểm tra làm sao ông biết được hắn chơi game trong giờ làm việc?

10. Ngụy biện quyền lực (ad verecundiam):

Ngụy biện này có 2 biến thể:

Biến thể 10.1. Loại ngụy biện này cho rằng vì một người nổi tiếng trong lĩnh vực X cũng đồng nghĩa với việc người đó hiểu biết trong những lĩnh vực khác như Y, Z...

VD 10.1a:

A: “Ý kiến của tôi về việc tăng thuế đã được nhiều nhà học giả nổi tiếng trong lĩnh vực thú y, sản khoa và nghệ thuật tự do ủng hộ.”  (Vâng, nhưng không có bất kỳ nhà kinh tế học nào ủng hộ anh ta)

VD 10.1b:

B: “Bởi cô ấy là một diễn viên ca sĩ nổi tiếng nên tôi nghĩ rằng ý kiến của cô về chính sách đối ngoại và xuất nhập khẩu là hoàn toàn đúng đắn.

Biến thể 10.2. Loại ngụy biện này cho rằng vì một người nổi tiếng trong lĩnh vực X nên tất cả những gì người đó nói về lĩnh vực X đều đúng.

VD 10.2:

A: “Anh B là một người tốt nghiệp Đại học kinh tế nên chắc chắn anh ta không bao giờ có thể phát biểu sai khi nói về kinh tế được.

11. Ngụy biện nặc danh (Ngụy biện không thể kiểm chứng):

Cũng là một loại ngụy biện viện dẫn thẩm quyền tuy nhiên người được viện dẫn lại không được nêu tên cụ thể, từ đó đối thủ không thể kiểm chứng được tính đúng sai.

VD 11:

A: “Các nhà khoa học đã chứng minh rằng uống nước ngọt có lẫn côn trùng như ruồi, gián, kiến… sẽ làm gia tăng tuổi thọ.”

Vấn đề là “các nhà khoa học” đó là những ai? Tên gì? Làm việc ở viện nghiên cứu hay trường Đại học nào? Nghiên cứu đó được xuất bản khi nào, trên tạp chí nào? Tất nhiên sẽ chẳng ai biết được liệu A có bịa ra các nhà khoa học đó hay không.

12. Ngụy biện lấy trường hợp cá biệt để đại diện cho toàn thể:

Các xu hướng, quy luật thường có một số ít những trường hợp ngoại lệ. Người sử dụng ngụy biện này thường lấy những trường hợp ngoại lệ cá biệt đó để phủ nhận xu hướng chung.

VD 12:

A: “Theo các nghiên cứu của tác giả Tom Corley, có một mối tương quan có ý nghĩa thống kê giữa khả năng tự học của một người và thành công tài chính của người đó.”

B: “Ông sếp của tôi rất lười học hỏi mà ông ta vẫn giàu đấy thôi!”

Việc B viện dẫn ra một trường hợp cá biệt cũng chẳng thể phủ nhận mối tương quan về mặt thống  kê mà A nhắc tới.

13. Ngụy biện lối mòn:

Là loại ngụy biện cho rằng cái gì đã tồn tại lâu đời hoặc đã được quen thuộc thì đều tốt. Người sử dụng ngụy biện này tin rằng cái gì đã từng hoạt động hiệu quả trong quá khứ thì sẽ luôn hoạt động hiệu quả trong hiện tại và tương lai, cho dù hoàn cảnh và môi trường có thay đổi như thế nào.

VD 13:

"Thời nhà Nguyễn chép về nhà Tây Sơn như Ngụy Triều, điều này đã được giảng dạy trong chính sử hàng trăm năm nay. Tại sao phải xét lại?"

14. Ngụy biện thiếu nhất quán (Kết luận chối bỏ tiên đề):

Kết luận chối bỏ tiên đề là một loại ngụy biện. Ngụy biện này bắt đầu với một số điều chắc chắn đúng rồi sau đó kết luận lại mâu thuẫn thẳng thừng với những khẳng định ban đầu. Nó tạo ra mâu thuẫn logic.

VD 14:

Cha: "Người khôn thì luôn luôn nghi ngờ, còn người ngu thì luôn luôn chắc chắn."

Con: "Ba chắc không?"

Cha: "Ta chắc chắn."

Con: !??!?

15. Ngụy biện hoán vị sai:

Đôi khi người ta thích đổi vị trí chủ ngữ và vị ngữ trong một câu. Trong một vài trường hợp, ý nghĩa của câu vẫn đúng nhưng trong vài trường hợp khác nó lại sai. Trường hợp đổi chỗ sai gọi là ngụy biện hoán vị sai.

VD 15.a:

A: "Tất cả mèo đều là động vật, cho nên tất cả động vật đều là mèo."

VD 15.b:

B: “Có vài động vật chết không phải là mèo cho nên có vài con mèo không phải là những động vật chết.” (Sự tồn tại của một loài khác là bằng chứng chứng minh mèo bất tử)

16. Ngụy biện bất khả tri (Ignoramtiam, argumentum ad):

Là ngụy biện sử dụng sự thiếu hiểu biết về thứ gì đó để suy ra trường hợp đối lập là đúng, theo kiểu “nếu không ai chứng minh được tôi sai thì tôi chắc chắn đúng”.

VD 16:

A: “Hồn ma là có tồn tại. Bởi vì chẳng ai có thể chứng minh được là chúng không tồn tại.”

Một biến thể của ngụy biện bất khả tri là ngụy biện đẩy trách nhiệm chứng minh điều ngược lại cho đối thủ:

VD 16.1:

A: “Bạn hoàn toàn không có bằng chứng gì để khẳng định C ăn trộm đồ của bạn.”

B: “Vậy bạn chứng minh hắn không phải kẻ trộm đi!”

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta rất hay gặp loại ngụy biện này dưới hình thức một người tuyên bố một điều gì đó, khi bị người khác hỏi “Tại sao?” thì người này hỏi ngược lại “Tại sao không?”.

VD 16.2:

Người khởi nghiệp (A): “Các vị nên đầu tư cho ý tưởng của tôi”

Nhà đầu tư (B): “Hãy cho tôi một lý do chúng tôi nên đầu tư cho ý tưởng của cậu?”

Người khởi nghiệp (A): “Hãy cho tôi một lý do các ông không nên đầu tư cho ý tưởng của tôi”

17. Ngụy biện cứng đầu (Lapidem, argumentum ad):

Là loại ngụy biện mặc kệ và bỏ ngoài tai tất cả mọi lý luận của đối phương, chỉ khăng khăng giữ ý kiến của mình dù ý kiến đó có bị chứng minh là sai đi nữa.

VD 17:

Anh ấy là bạn của tôi, tôi sẽ không nghe bất kỳ lời nói xấu nào về anh ta.”

18 .Ngụy biện lối nói lập lờ:

Là ngụy biện bằng cách sử dụng những từ ngữ đa nghĩa, tối nghĩa để chuyển một khái niệm này sang một khái niệm khác có cùng tên gọi. Lối ngụy biện này rất được các chính trị gia ưa thích.

VD 18:

Nửa ổ bánh mỳ thì hơn là không có gì.

Không có gì quan trọng hơn sức khỏe.

Do đó nửa ổ bánh mỳ quan trọng hơn sức khỏe.

19. Ngụy biện cá trích đỏ:

Là kiểu ngụy biện đánh lạc hướng tranh luận bằng cách đưa ra một điều gì đó có vẻ hấp dẫn (như con cá trích đỏ thơm ngậy) nhưng lại không hề liên quan đến chủ đề đang tranh luận.

VD 19:

A: “Xã hội Việt Nam hiện nay có rất nhiều vấn đề bất cập như…”

B: “Nếu mày không thích thì cuốn xéo ra nước ngoài mà sống.”

Trong ví dụ trên B đã sử dụng ngụy biện cá trích đỏ. Bởi vì việc A sống ở trong nước hay nước ngoài chẳng liên quan gì tới đề tài đang tranh luận.

20. Ngụy biện bù nhìn rơm:

Là ngụy biện bẻ cong, xuyên tạc lập luận của đối thủ khiến nó có ý nghĩa khác đi, rồi sau đó mới tấn công.

VD 20:

A: "Tôi không nghĩ rằng trái đất đang nóng lên vì nhiều nhà khoa học dự báo sắp tới sẽ có đợt tiểu băng hà."

B: "Á À? Vậy ra anh ủng hộ các nước xả thêm khí thải nhà kính à? Đồ độc ác, hủy hoại môi trường sinh thái. Rồi đây con cháu chúng ta sẽ sống thế nào đây?"

Trong ví dụ trên, B đã dùng ngụy biện bù nhìn rơm để xuyên tạc ý kiến của A.

Trong Tiếng Việt có câu "giận cá chém thớt" tương tự trường hợp này, B đã tưởng tượng ra 1 luận điểm khác rồi chém vào nó thay vì chém trực tiếp vào luận điểm của A, cốt chỉ để hả giận chứ không chứng minh luận điểm của A sai được. (Ngoài ra còn mắc thêm ngụy biện công kích cá nhân)

21. Ngụy biện bằng cách tác động vào cảm xúc:

Kẻ ngụy biện khai thác và lợi dụng cảm xúc của người nghe như lòng trắc ẩn, nỗi sợ hãi, sự ganh ghét, tính sĩ diện…

VD 21:

A: “Tôi phản đối việc bỏ tù kẻ giết người hàng loạt này! Các bạn hãy đặt mình vào vị trí của anh ta xem sao, bị vây trong 4 bức tường lạnh lẽo, cách ly khỏi xã hội suốt nhiều năm, bị cộng đồng quay lưng. Các bạn không thấy anh ta quá tội nghiệp hay sao?”


(30.4.2021)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 9 câu ngụy biện điển hình của người Việt

    20/07/2020Quang MinhCó một thói quen rất nguy hiểm mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là thói quen ngụy biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường nhật, từ tâm lý thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng mạng…
  • Tư duy phản biện - một nhân tố quan trọng của tất cả mọi lãnh vực

    31/03/2020GS. Russell Brooker tổng hợp và biên tậpĐể tiếp thu và nhận thức mỗi chúng ta cần có tư duy phản biện, điều này giúp phân biệt đúng sai, tránh những sai lầm khi học tập, làm việc...
  • Thói tật và vượt qua thói tật trong tranh luận

    23/06/2019Nhà văn InnasaraDo quá ham thắng, hay phần nào đó – do sợ bẽ mặt trước đám đông, lắm lúc người tham gia tranh luận trở thành ngụy biện, từ đó đẩy cuộc tranh luận vào ngõ cụt, khi quay sang tấn công cá nhân đối phương...
  • Trẻ em Việt bị người lớn 'đàn áp' tư duy phản biện

    17/06/2019Ở nhà phụ huynh không trả lời mà áp đặt, ở trường thầy cô rầy la nếu hỏi nhiều nên trẻ chỉ biết chấp nhận.
  • Nghệ thuật ảo hóa của tư duy

    14/08/2018Ngôn ngữ tự nhiên vốn mơ hồ. Tính mơ hồ đó biểu hiện ở chỗ cùng một câu mà ý nghĩa biểu đạt khác nhau. Thuật Giải thích câu theo ý khác là phương pháp giành chiến thắng trong tranh luận...
  • Phản biện

    27/02/2018Nguyễn Thành NamKhái niệm phản biện xã hội rất hay được nhắc đến gần đây và được coi là một thước đo để đánh giá mức độ dân chủ của xã hội...
  • Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt

    28/11/2018TS. Lương Hoài NamKhông ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp...
  • Thói ngụy biện ở người Việt

    28/02/2017BTĐTrong cái sự thực phức tạp, mờ mờ ảo ảo của vấn đề, có cái đẹp riêng. Không phải cái đẹp trơn tru, tròn trĩnh, nhưng là cái đẹp khắt khe của sự thật. Tương tự, một lời phát biểu nghịch lí có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong đúng/sai, tốt/xấu, bạn/thù. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên vượt qua chính mình bằng cách cho các tế bào trí tuệ có cơ hội làm việc.
  • Về sự "khách quan khoa học trong phê phán phản biện" của Hà Yên

    28/11/2014Đỗ Kiên CườngTrên chungta.com ngày 12/11/2014 có bài viết “Khách quan khoa học trong phê phán phản biện” của tác giả Hà Yên nhằm bênh vực cho Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) của tiến sĩ Vũ Thế Khanh, một minh họa điển hình cho sự ngụy khoa học trong nghiên cứu ngoại cảm và các hiện tượng dị thường tại Việt Nam.. tôi xin phép được trao đổi với Hà Yên để xem sự “khách quan khoa học” của tác giả này là như thế nào.
  • Ngụy biện

    13/07/2014Đoan TrangCâu chuyện xoay quanh bộ phim cổ sử Việt Nam nhưng đậm chất Trung Hoa, “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, tưởng đã lắng xuống nhưng rồi vẫn tiếp tục gây dư luận, sau khi nhà sử học Dương Trung Quốc lên tiếng bênh vực những nhà làm phim...
  • xem toàn bộ