"Thị hiếu đọc ở Việt Nam quá kém!"
“Văn học dịch ở nước ta đang lệch lạc, thượng vàng thì ít mà hạ cám thì nhiều”...
Tiếp mạch bài về sách ngôn tình Trung Quốc ở Việt Nam, Vietnamnet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ phê bình văn học nữ Trung Quốc - Trần Lê Hoa Tranh...
Ngôn tình không phải là văn học
Tiểu thuyết ngôn tình đã xuất hiện tại Việt Nam như thế nào, thưa chị?
- Tào Đình được cho là tác giả ngôn tình đầu tiên có sách đặt chân đến Viêt Nam, và "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" (năm 2006) được xem là sự đánh dấu cho việc tiểu thuyết ngôn tình vào Việt Nam.
Từ đó, những cuốn sách khác của Tào Đình tiếp tục được dịch ra tiếng Việt và rất ăn khách, sau mới đến thời của những tác giả như Tân Di Ổ, Cố Mạn, Minh Hiểu Khê… Bốn tác giả này được xem là 4 tác giả nổi tiếng và phổ biến nhất của dòng tiểu thuyết ngôn tình ở nước ta.
Tiểu thuyết Ngôn tình khu biệt lại một motif của tiểu thuyết tình cảm. Nhưng tiểu thuyết tình cảm lại rộng hơn, có nhiều nội dung khác nữa, như của các tác giả Quỳnh Dao, Trương Ái Linh cách đây mấy chục năm
Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh
Dòng sách này cũng chạy song song với dòng tiểu thuyết tân kiếm hiệp, tiên hiệp (pha kiếm hiệp với thần tiên, hoang đường) của các tác giả Tiêu Đỉnh (Tru Tiên) hay Quách Kính Minh (Vương quốc ảo…)…
Tại sao chúng lại bắt nguồn từ Trung Quốc?
- Trung Quốc từ xưa có truyền thống về tiểu thuyết tình cảm, đi từ dạng tiểu thuyết "tài tử giai nhân" xưa, đầu thế kỉ 20 có tiểu thuyết "uyên hồ" (uyên ương hồ điệp) sang đến đầu thế kỉ 21 mới có tình cảm, ngôn tình.
Tại sao nó lại phát triển ồ ạt và được khán giả Việt Nam đón nhận nhiệt tình như vậy? Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân: thứ nhất, các đầu nậu, nhà sách cố tình PR, thổi phồng để bán được nhiều sách, hai là thanh niên bây giờ đa số chỉ thích đọc những thứ nhẹ nhàng như vậy giữa nhịp sống nhanh nhẹn, gấp gáp.
Vậy, việc say đắm những thứ giải trí phi thực tế có ảnh hưởng tiêu cực đến người đọc hay không?
- Loại sách này thường bị chê, vì nó không phải là văn học. Những nhà nghiên cứu hay lý luận họ phân biệt rất rõ văn học thị trường và văn học hàn lâm. Văn học đòi hỏi những tiêu chi khe khắt hơn về tư tưởng, ngôn ngữ. Ở đây, mình nên phân biệt khái niệm văn hóa đại chúng - thứ thường xuyên được thổi phồng nhờ PR, giới trẻ..vv, chứ không hẳn là tự thân giá trị tác phẩm. Chúng chẳng có tư tưởng gì cả, chỉ đọc để giải trí thôi.
Nhưng dù mục đích ban đầu là đọc để giải trí, thì thực ra độc giả rất dễ chìm sâu vào đó, nghiền ngẫm theo dõi từ bộ này sang bộ kia. Để cho biết, tôi cũng đọc vài cuốn thể loại này, và thấy mình bị hút vào, khó dứt ra. Mình là người lớn đã vậy, còn các em thiếu niên đọc thể loại này chắc chắn sẽ bị mê đắm.
Bởi vậy, nên hạn chế những thể loại này, không nên khuyến khích. Đọc để giải trí thì cũng được, nhưng giới trẻ thì biết đến đâu là điểm dừng?!
Thị trường văn học dịch lộn xộn, lệch lạc
Ở Trung Quốc và trên thế giới, sách ngôn tình có được đánh giá cao không, thưa chị?
- Trên thế giới thì tôi không rõ, nhưng thanh niên Trung Quốc cũng đọc ngôn tình. Bản thân Trung Quốc không xem đây là dòng văn học chính thống của họ. Họ cũng chê như chê văn học linglei hay văn học mạng trước đó, và không xem trọng các tác giả, không trao các giải thưởng tôn vinh.
Ảnh hưởng của ngôn tình ở Việt Nam khá rõ, nhất là ở giới trẻ, như cách thanh niên lập ra nhóm hội "phát cuồng vì tiểu thuyết ngôn tình", lập những fan page cho tiểu thuyết ngôn tình, những trang mạng đăng các tiểu thuyết ngôn tình hay nhất... những điều này cần phê phán. Ranh giới giữa vui chơi và bị ngấm vào mình, giữa đọc giải trí với xem tác phẩm là chân lý... rất mong manh. Nhiều em gái đọc xong chỉ chăm chăm đi tìm những anh chàng như trong truyện, gây lệch lạc về nhận thức. Đó là chưa kể, văn chương các tiểu thuyết này không trau chuốt, thỉnh thoảng lại còn pha sex vào nữa…
"Bề mặt văn học dịch của mình bị lệch lạc. Nghĩa là các tác giả lớn không được dịch, tác giả nhỏ thì lại được dịch nhiều"
Tại sao giới phê bình chưa thực sự vào cuộc?
- Tìm kiếm trên mạng hiện nay cũng thấy có nhiều bài phê bình chứ không phải bị bỏ ngỏ. Nhưng giới phê bình hàn lâm thì họ không để ý.
Có nghĩa là có phê bình báo chí, nhưng không có phê bình hàn lâm?
- Đúng rồi, vì thực ra đó không phải là một hiện tượng để giới phê bình hàn lâm vào cuộc. Những nhà nghiên cứu không có những bài sâu sắc về nó, vì họ không xem đó là một hiện tượng văn học đúng nghĩa.
Nhưng gần đây, bản thân tôi với tư cách là người nghiên cứu và phê bình văn học Trung Quốc, tôi thấy nếu chỉ có hàn lâm không thôi cũng không nên. Khi dạy học trò, tôi có nhắc đến hiện tượng này dù nó không nằm trong chương trình. Chương trình vốn chỉ để giới thiệu những tác phẩm kinh điển chứ không thể dành thời gian cho những tác phẩm vớ vẩn được.
Tôi sắp viết một bài đặt tiểu thuyết ngôn tình trong mối liên hệ với văn hóa đại chúng. Tôi nghĩ nhà nghiên cứu, phê bình không nên xa rời văn học đương đại, quay lưng lại với thứ văn chương ảnh hưởng lên đời sống đương đại. Dù khi tôi viết một vài bài kiểu như vậy thì bạn bè trong giới có nói vui là "dùng đại bác để bắn chim sẻ".
Tôi cho rằng nhà phê bình không nên bỏ rơi giới trẻ cho thị trường.
- Thực ra việc định hướng thị hiếu cho thanh niên không chỉ phụ thuộc vào những nhà nghiên cứu phê bình, mà còn ở những chính sách vĩ mô hơn. Nhà nước có thể định hướng nên chọn dịch những tác phẩm như thế nào. Rõ ràng thị trường văn học dịch hiện nay ở nước ta đang rất lộn xộn. Các công ty sách áng thấy tác giả nào câu khách, bán sách được thì chọn dịch. Như vậy, bề mặt văn học dịch của mình bị lệch lạc. Nghĩa là các tác giả lớn không được dịch, tác giả nhỏ thì lại được dịch nhiều.
Ra nhà sách toàn thấy những tên tuổi trời ơi ở đâu. Người đọc tưởng Marc Levy lớn lắm, nổi tiếng lắm bởi vì Việt Nam dịch rất nhiều.
Thứ nhất, nó ảnh hưởng đến thị hiếu người đọc. Thứ hai, nó cho thấy định hướng thị hiếu không rõ, Thứ 3, người nước ngoài đến, họ thấy thị hiếu đọc ở Việt Nam mình quá kém!
Ngay ở Trung Quốc, định hướng dịch của họ cũng rất tốt. Họ dịch nhiều văn học cổ điển, văn học kinh điển trên thế giới. Nhà văn Mạc Ngôn không biết tiếng Anh, nhưng ông ta cũng nắm bắt được những lý thuyết ở nước ngoài.
“Thượng vàng thì ít, hạ cám thì nhiều”
Như vậy vẫn cần một định hướng vĩ mô?
- Tôi nói thêm một chút về thị trường ở Mỹ. Số lượng sách ở đây rất mênh mông và bao la. Thực sự cũng không biết nên đọc cuốn nào. Họ có cả thượng vàng lẫn hạ cám; nhưng ở mình, thượng vàng thì ít mà hạ cám thì nhiều. Vấn đề là ở chỗ đó.
Họ ghê lắm, một ngày ra đến 400 - 500 đầu sách mới, thế nên những tạp chí lớn như New York Times, Los Angeles Times có mục Book Review giới thiệu sách rất uy tín. Người đọc dựa vào đó để chọn sách.
New York Times với mục giới thiệu sách nổi tiếng
Bên Mỹ họ ra báo hàng ngày, đều có review sách. Việt Nam chỉ có vài tạp chí là có mục này. Các báo lớn của mình cũng phải có mục giới thiệu sách cho độc giả, và nên làm thường kì.
Thực ra cũng có nhiều tờ báo Việt Nam giới thiệu sách, nhưng người viết bài không sờ vào sách, không bỏ công ra đọc mà chỉ sử dụng phần thông cáo báo chí. Họ cũng là bị ảnh hưởng bởi PR.
- Đúng vậy. Một chiến dịch ra sách hiện nay bao gồm: in sách, PR sách, tác giả/ dịch giả ký tặng, nói chuyện... Phóng viên cũng chỉ chạy theo tin tức, sự kiện mà không có phê bình độc lập.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn