Truyện ngôn tình loay hoay chống thoái trào
Sau nhiều năm làm mưa làm gió, tiểu thuyết diễm tình Trung Quốc đang đối diện với khả năng trở thành "món ngon ăn lâu cũng chán" tại thị trường Việt Nam...
Xuất hiện trên dưới bảy năm tại thị trường sách Việt nhưng chỉ "hot" đặc biệt trong ba năm trở lại đây, truyện ngôn tình Trung Quốc dường như đã trở thành "món ăn quen thuộc" với độc giả trẻ ở Việt Nam.
Điều này được minh chứng khi hàng loạt công ty sách mới, chuyên xuất bản tiểu thuyết ngôn tình, ra đời. Các đầu sách Trung Quốc mỗi lúc một tăng trong danh mục xuất bản hàng tháng. Thậm chí những đơn vị từng tuyên bố chỉ xuất bản tiểu thuyết Âu - Mỹ cũng nhen nhóm ý định lấn sang mảng truyện Trung Quốc. Vậy vì đâu mà dòng truyện có phần "mỳ ăn liền" này lại tỏa sức nóng hơn bao giờ hết như vậy?
Nếu nhìn lại quá trình bùng nổ của thể loại này thì cũng không quá khó khăn để lý giải nguyên nhân. Sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Bernenăm 2004, đa số đơn vị xuất bản trên thị trường bấy giờ đều mải tập trung vào dòng sách hàn lâm đoạt giải thưởng nhưng kén người đọc. Ngoài một vài đầu sách ít ỏi thuộc dòng lãng mạn Âu - Mỹ thì hầu như phân khúc thị trường sách giải trí dành cho giới trẻ vẫn còn bỏ ngỏ. Đây là cơ hội để phong trào dịch truyện "phi lợi nhuận" và chia sẻ trên các diễn đàn mạng bùng nổ (2008-2009).
Đa số truyện được dịch đều là sách lãng mạn tiếng Anh, đăng theo từng chương, theo ngày hoặc tuần. Thậm chí có những cuốn cả dịch giả lẫn người đọc phải theo đến hàng năm trời. Đúng lúc này thì trào lưu đọc tiểu thuyết "convert" từ tiếng Trung bắt đầu xâm nhập vào các diễn đàn và nhanh chóng lấn át truyện dịch Âu - Mỹ.
Gọi là truyện "convert" vì thực tế nó được dịch qua một số chương trình dịch tự động tương tự Google Translator (tính năng dịch của Google) và thành phẩm là những bản "dịch thô" tương đối dễ hiểu, nhất là với những người đã quen dùng từ Hán - Việt.
Không bàn đến những tác động xấu của chương trình này với thói quen sử dụng tiếng Việt của các bạn trẻ, Google dịch đã góp phần đưa truyện ngôn tình Trung Quốc tiếp cận rộng rãi độc giả. Không thiếu những cuốn tiểu thuyết được xuất bản trên thị trường hiện nay đều được khai thác từ các diễn đàn hay các trang blog chia sẻ.
Hiện tại, sách ngôn tình Trung Quốc đang trên đỉnh cao và sẽ đối mặt với "sự thất sủng" trong tương lai không xa. Trước thực trạng đó, các nhà làm sách đã xoay xở tìm cách duy trì cơn sốt của những thiên truyện tình cảm ướt át.
Các tác phẩm ngôn tình tiêu biểu xuất hiện ở Việt Nam. |
Không khó để nhận ra, hiện có một sự chuyển mình đáng kể trong các dòng sách ngôn tình trên thị trường. Nếu trước kia các đầu sách Trung Quốc hầu hết là những cuốn hài hước mang nặng tính giải trí, không đọng lại nhiều bài học và xúc cảm thì gần đây, các cuốn sách đã bắt mắt hơn về hình thức, được chăm chút kỹ hơn về nội dung.
Chủ đề cũng không còn xoay quanh hàng trăm câu chuyện biến thể về chàng hoàng tử và cô bé Lọ Lem kinh điển nữa, mà dường như các nhà làm sách hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng độc giả, cũng như tìm tòi các "món ăn mới" để lôi kéo độc giả tuổi teen- nhóm độc giả dễ tiếp nhận cũng dễ thay đổi nhất của mình. Trong đó, hai trào lưu mới nổi sau đây là những bằng chứng rõ ràng nhất.
Thứ nhất là sách về đời sống hôn nhân và hậu hôn nhân, hướng đến đối tượng độc giả nữ ngoài 20 tuổi. Nếu những cuốn sách thời kỳ đầu của dòng truyện ngôn tình mô tả đúng giai đoạn chớm yêu ngọt ngào của các cặp tình nhân, thì các cuốn sách xuất bản lúc này lại khai thác giai đoạn sau, khi sắc hồng của tình yêu bị hiện thực xâm lấn, khi tình yêu phải đối mặt với "cơm, áo, gạo, tiền" và hàng trăm những khó khăn gọi tên không xuể khác. Đề tài ly hôn - tuy cũ nhưng chưa bao giờ nhàm chán - được khai thác mạnh trở lại. Có lẽ do tương đồng về văn hóa nên các cuốn tiểu thuyết Trung Quốc viết về đề tài này thường rất gần gũi và dễ gây xúc động.
Nhìn chung đề tài này là một mảnh đất tiềm năng cho các đơn vị làm sách khai thác. Thế nhưng đối tượng độc giả mà dòng sách này hướng tới thường khá kỹ tính và cầu toàn, và đa số độc giả này thường chuộng dòng sách lãng mạn Âu - Mỹ hơn vì sự đầu tư về cốt truyện cũng như nội dung của các tác giả. Chính vì thế, đây là một thách thức không nhỏ đối với các đơn vị xuất bản. Nhưng độc giả ngoài 20 chắc chắn vẫn sẽ là mục tiêu dài hạn mà tất cả đơn vị làm sách đều hướng tới, bởi tính ổn định cũng như gắn bó lâu dài.
Bên cạnh đó, giới làm sách đang nỗ lực tạo ra những món ăn đa sắc hút độc giả tuổi teen bằng truyện "xuyên không" và "kỳ ảo". Truyện "xuyên không" là truyện có nhân vật (thường là) nữ chính có linh hồn hoặc thể xác xuất hiện ở một không gian và thời gian khác lạ (đa số quay về quá khứ hoặc ở một nơi không hề tồn tại trong lịch sử). Nếu là "xuyên không" về quá khứ thì dựa trên các sự kiện và con người có thật trong lịch sử, tác giả sẽ xây dựng nên tác phẩm và khéo léo lồng ghép ý đồ của mình. Đây là dòng truyện đặc biệt được ưa chuộng và phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. Ở Việt Nam, dòng truyện này mới chỉ xuất hiện nhỏ giọt... Còn truyện "kỳ ảo" thường là truyện viết về giới thần tiên, ma quỷ... xưa nay vẫn rất hấp dẫn các cô bé cậu bé ở tuổi mơ mộng.
Tuy khai thác những mảng đề tài khác nhau nhưng cả hai dòng truyện nói trên đều có khả năng biến điều không thể thành có thể, cho độc giả thỏa thích phát huy trí tưởng tượng, mở ra những thế giới chưa bao giờ quen thuộc, đầy kỳ thú mà cũng không kém phần lãng mạn. Giữa giai đoạn các độc giả trẻ dần bội thực những câu chuyện hài hước đễ đọc, dễ quên, hai dòng sách mới nổi này như một làn gió mới giúp giữ nhiệt thị trường trong một thời gian dài.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý