Những lựa chọn sẽ lớn lên cùng với cuộc đời...
Người trẻ cần những đầu sách dành riêng cho họ, thị trường sách đã đáp ứng được, và người trẻ đi mua sách ào ạt. Hội sách 2014 đã cho thấy điều này.
Như vậy là bạn trẻ vẫn còn đọc sách, và còn hơn thế nữa, họ tự viết sách cho lứa tuổi mình. Không còn chờ đợi sách của những người lớn viết cho mình nữa, không còn chỉ bằng lòng với việc xếp hàng mua sách và xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nữa, không chấp nhận bị ép đọc những đầu sách được xem là bổ ích nhưng lại quá tuổi nữa, các bạn trẻ hôm nay viết và đọc: Buồn làm sao buông, Nếu như không thể nói nếu như, Người yêu cũ có người yêu mới, Thương nhau để đó...
Tản văn long lanh câu chữ, tự sự man mác buồn buồn, triết lý tình yêu - nhân sinh quan mong manh, vụn vặt... khiến những người viết, người đọc luôn kỳ vọng những thế giới rộng lớn, thâm sâu từ sách cũng cảm thấy... buồn buồn. Buồn là vì những cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá cao hơn về giá trị sẽ chẳng bao giờ mơ được con số phát hành ấy.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế: ngoài đọc sách để hiểu biết, người ta còn đọc sách để nhìn thấy và tìm thấy chính mình. Tuổi 16, 18 ngày hôm nay đã được lớn lên trong chăm sóc đủ đầy, không biết đến những đau khổ, chưa biết đến những lo toan, thế giới xung quanh rộng mở với bao nhiêu lựa chọn. Họ tập trung vào những cảm xúc ngày hôm nay của chính mình, tìm cách giãi bày nỗi “cô đơn trên mạng” của chính mình, cũng là một điều tất yếu. Không đến nỗi phải lo lắng quá về văn hóa đọc khi các bạn trẻ chọn những cuốn tản văn nhỏ, nhẹ cả về hình thức lẫn nội dung.
Trong cuộc đối thoại thú vị Đừng mơ từ bỏ sách giấy, nhà văn Umberto Eco nói: “Vì những lý do bí ẩn, sự gắn bó của chúng ta với một cuốn sách không bao giờ đi liền với giá trị của nó. Có những cuốn sách tôi rất thích nhưng lại không có giá trị lớn”. Nhà văn Jean Claude Carrière thì bảo: “Có một thứ không biến mất, đó là ký ức về những gì chúng ta đã trải qua ở những thời điểm khác nhau trong đời. Ký ức quý giá và đôi khi đánh lừa chúng ta về những tình cảm, cảm xúc. Ai muốn vứt bỏ ký ức ấy của chúng ta và vì mục đích gì?”.
Những tác giả trẻ ăn khách nhất hiện nay đều cho biết họ chỉ đơn thuần ghi lại những cảm xúc, ký ức của mình và chia sẻ nó. Các bạn đọc trẻ của họ đã tìm thấy sự đồng cảm ở một thời điểm nào đó của đời mình trong ấy. Những đòi hỏi về giá trị, tư tưởng, ý nghĩa, thông điệp, tác động... với họ chừng như xa vời và không cần thiết. Quan trọng hơn với họ là chia sẻ, là đồng cảm. Và hi vọng những lựa chọn với sách của họ sẽ thay đổi, sẽ lớn lên cùng với cuộc đời.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn