Tết này Cà Mau mình có vui không?
Em bần thần nhắc, hồi mẹ còn sống, những ngày cận tết, mẹ ra chợ mua vài khúc thịt ba rọi để làm món kho tàu, mẹ cạo rửa thiệt sạch cắt thịt ra từng khúc cỡ 5 cm, dùng lạt cột chặt, ướp tỏi, đường muối, bột ngọt rồi đem ra phơi nắng chừng vài tiếng đồng hồ cho tới khi phần mỡ trong, phần thịt se lại là đem kho với nước dừa cho tới khi cắm cái đũa vô thấy mềm là được...
Hội hoa Xuân tại Cà Mau
.
Em nói thương nhất là “mùi miền Tây”. Mùi của đất phù sa bồi lấp; mùi gia súc thả lang quanh nhà; mùi lá mục ẩm mốc, đườm đượm hăng hắc, nhất là sau mùa mưa càng xộc len là đà nằng nặng; mùi cơm chín nấu bằng củi nổ lép bép hay của đám lá tai tái bén lửa; mùi của vỏ dừa um muỗi suốt đêm; mùi của cơm gạo mới ăn giữa cánh đồng; mùi của mẻ kho quẹt, của cá nướng trui, của tô canh chua nấu bần, nấu giác; mùi của rạ rơm đốt sau mùa gặt… Khi tha hương người ta mới hiểu, nhìn ngọn khói nhẩy loi choi trên nóc nhà ở quê người mà nao nức nhớ quê mình đến cồn cào gan dạ, thèm được ngồi bên cà ràng ấm nóng đợi mẹ sai biểu làm chuyện này chuyện nọ. Rồi sông sẽ đưa ta về nhà bằng hơi thở của mẹ. Nhịp chèo của mẹ ru ta ngủ. Mẹ của mình là con gái Bắc Giang, theo chồng xa xứ về Cà Mau, mấy mươi năm mẹ ăn ở sinh sống ở miền Tây, mẹ thành người đàn bà của đồng bưng miệt thứ, nghĩa là đã trở thành người miền Tây thứ thiệt.
“Chị ơi, tết này, Cà Mau mình vui không? Tự dưng em nhớ Cà Mau quá chừng…”. Em ngập ngừng nói nhớ, như thể từ nhớ không đủ để diễn tả nỗi nhớ nhung một vùng đất em đã được sinh ra, lớn lên, ở đó gần 30 năm. Rồi một ngày, em rời bỏ những giông tố, bất hạnh của đời em nơi đất đó để tìm sự bình yên ở quê ngoại, chị em mình xa nhau đúng một vùng đất nước.
Em bần thần nhắc, hồi mẹ còn sống, những ngày cận tết, mẹ ra chợ mua vài khúc thịt ba rọi để làm món kho tàu, mẹ cạo rửa thiệt sạch cắt thịt ra từng khúc cỡ 5 cm, dùng lạt cột chặt, ướp tỏi, đường muối, bột ngọt rồi đem ra phơi nắng chừng vài tiếng đồng hồ cho tới khi phần mỡ trong, phần thịt se lại là đem kho với nước dừa cho tới khi cắm cái đũa vô thấy mềm là được. Làm như vậy khi thịt kho rịu lại, rất mềm nhưng không bấy nát. Tết, trong nhà người miền Tây dù cá thịt ê hề, đủ các món ngon, nhưng không thể thiếu nồi kho tàu ăn kèm với dưa giá, củ kiệu, củ hành muối chua. Nhà của mình cũng đôi ba món, nhưng chị em mình chỉ thích món thịt kho tàu, ăn hoài không ngán. Em chưa kịp học nấu thịt kho tàu, nên mấy lần kho mà không bao giờ thành món thịt giống như mẹ kho. Em bảo tết này chị về Bắc Giang ăn tết đi rồi kho cho em nồi thịt kho tàu, cho em đỡ nhớ…
Em thích nhất món bánh tét nhân chuối được gói bằng nếp mùa trước để dành. Mẹ luôn đánh dấu đòn bánh tét gói cho riêng em bằng một sợi lạt có quai cầm. Bánh được gói từ đêm đưa ông táo, em quấn chân mẹ, đòi bỏ nhân đến hai quả chuối, mà phải là chuối sứ chín mùi. Em lại than ở Bắc Giang không ai gói bánh tét nhân chuối, giờ muốn ăn không lẽ đến Cà Mau ăn vài đòn bánh rồi lại trở về? “Lạ, ở đây cũng có những món bánh mứt ăn tết như ở miền Tây như: mứt dừa, mứt chuối, kẹo thèo lèo… vậy. Mà sao, em ăn hoài cũng không tìm thấy “mùi miền Tây” hở chị?”. Chị cười: “Ừ, em không tìm thấy “mùi miền Tây” trong những thức bánh trái ấy là phải rồi. Chắc gì món ấy do người miền Tây làm, vả lại miền Tây xa như thế, dù các món có do người miền Tây làm đi nữa mang ra tới ngoài đó “mùi” cũng rơi rớt ở dọc đường rồi. Đôi khi mình thưởng thức món ăn không chỉ là ăn xem nó ngon hay không mà còn thấm vào lòng cái vị của quê hương xứ xở. Cái cái vị đó chỉ khi em ở chính cái nơi đó em mới cảm nhận được…”. Em nén tiếng thở dài: “Em tìm được bình yên rồi chị ạ. Sáng nay em đi chợ với dì, nghe râm ran tết nên em nhớ chị, nhớ Cà Mau. Dì mua mấy trái mướp đắng mà ở Cà Mau mình gọi là khổ qua đấy chị. Em lại nhớ tết năm nào mẹ cũng nấu canh khổ qua dồn cá thác lác, em hỏi sao tết mà nấu chi cái món đắng ngắt, mẹ chưa kịp trả lời thì chị đã nói: Vì mẹ mong “khổ” của năm cũ “qua” để đón năm mới an lành, không còn “khổ” như năm trước nữa…. À, hôm trước chị gởi rau đắng theo xe ra cho em, về đến nơi thì rau hư hết rồi chị…”.
Chị ngồi ngồi phía sau nhà em gái, lưng dựa vào vách lá, nhìn ra bờ sông có mấy bè lục bình trôi. Cái bè lục bình là cái cớ để chị gởi buồn gởi nhớ, gởi thương cho em gái mà chị không nỡ nói ra thành lời, chị sợ, em gái mủi lòng bật khóc. Người ta rời bỏ cái nơi mình sống mấy mươi năm là để tìm một niềm tin mới, niềm hy vọng mới. Có người nhớ và cũng có người sẽ quên, có người nhìn về phía ấy bằng đôi mắt nhớ thương, có người xếp nó vào một góc kín đáo nào đó để không phải trông thấy. Nhưng rồi ở một khoảnh khắc nào đó khi vô tình chạm phải người ta sẽ thấy nhớ, nỗi nhớ dồn lên như sóng, sẽ bứt rứt muốn quay về… như em gái vậy.
Sáng nay Cà Mau chớm lạnh, cơn gió chướng báo tết cận kề, chị ra chợ mua ít củ kiệu làm dưa, mua ít con tôm làm mắm, làm khô để dành ăn tết. Ra chợ gặp măng khô, miến, mộc nhĩ… chị hình dung giờ này ở Bắc Giang chắc em gái cũng đang sắm sửa tết, chị lại nhớ quê, rưng rưng thương món bánh khúc của bà. Đang vui nơi này lại nhớ nơi kia, sợi dây tâm cảm của em quyện vào chị để cơn gió mùa đông bắc phía đầu kia đất nước thành cơn gió chướng chiều nay ướp lạnh chỗ chị ngồi.
“Tết này, Cà Mau mình có vui không?”. Em ạ, tết Cà Mau hẳn cũng sẽ vui như năm trước, năm trước nữa, người Cà Mau vẫn ăn tết trong không khí thanh bình tươi trẻ và cũng giàu truyền thống của mảnh đất này. Khi gió chướng thổi về, dọc hai bờ sông mai vàng khoe sắc trong vườn nhà. Khắp các con đường, dưới cái nắng vàng của mùa xuân phương Nam, những xâu lạp xưởng lúc lỉu như những chùm quả chuông treo trên cây sào buộc sẵn. Người dân miền Tây thường vui Tết kéo dài đến Rằm tháng Giêng, nhiều người gọi vui là “ăn Tết hết mùng hết mền”. Em còn nhớ “Xóm Giáo” (gọi là Xóm Giáo vì xóm ấy toàn nhà của giáo viên) của mình không? Hết 3 ngày tết, nhưng “ngày xuân hãy còn dài” nên Xóm Giáo thay phiên nhau “ăn mừng mùa xuân” hết nhà này đến nhà khác. Xóm Giáo mình toàn kẻ tha hương, Cà Mau là đất khách, những gia đình không có điều kiện về quê đã xem nhau là người thân, cứ thế, hết ngày này qua ngày khác mọi người tập trung ăn Tết luân phiên nhà nhau trong không khí ấm áp, nghĩa tình. Khi “Xóm Giáo” không phải lên lớp, không bận rộn với giáo án, giờ dậy thì đón Tết rất dài…
.
Món ăn ngày Tết ở Cà Mau và miền Tây Nam bộ
Tết này, chị biết, em mình sẽ nhớ… Cà Mau. Nỗi nhớ đâu chỉ là hương vị của thịt kho tàu, của bánh tét nhân chuối, của chiếc bánh tổ chiên vàng… Cũng như chị vậy, chị nhớ lắm con đường Dục Quang vàng rơm rạ, nhớ bánh khúc bà làm, nhớ hơi ấm ổ rơm năm nào bà bện. Nỗi nhớ miên man, bất tận cho chị xuôi chuyến tàu kí ức để được về bên em, cùng em đặt bó cúc đại đóa lên mộ bà, mộ mẹ, mời bà, mời mẹ về ăn tết… Chị em mình sẽ che ấm cho nhau bằng đôi chút niềm vui không bị “đánh cắp” bởi rất nhiều giông tố đã qua. Chị biết lòng em đang cất giữ một nỗi buồn chưa qua. Nhưng em ạ, nỗi buồn hay bất hạnh đã đến để mình thấy cuộc sống luôn có những lúc buộc phải trải qua, phải thấm thía, phải đủ dũng cảm để đi cùng nỗi buồn đó. Rồi mình sẽ lớn lên, đứng trên nỗi buồn, nỗi bất hạnh ấy.
Em hay gọi là “Cà Mau mình”… Chị lại hay gọi là “Bắc Giang mình” thân thương, trìu mến… Như thế Cà Mau là của em, Bắc Giang là của chị… Bởi nỗi nhớ mình dành cho nơi đất đó, không chỉ có mùi vị của quê hương xứ sở và trên hết là “mùi của tình yêu máu mủ”. vì nơi đó có chị, có em… Có những tháng ngày chị em mình chung sống…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015