Tết ông Táo
Ngày 23 Tháng Chạp, ngày được cho là tết Ông Táo đã đến. Từ thành thị đến nông thôn người dân nô nức đi sắm lễ. Người ta khệ nệ mang về nhà những bộ trang phục: mũ, hia, áo, ngựa, cá chép và tiền vàng bằng giấy để dâng cúng cho vua Bếp. Không biết từ bao giờ ngày 23 tháng Chạp được cho là ngày ông Táo lên Trời. Và cũng khó đoán biết được ai là người kể ra câu chuyện để đến nay đã thành tục lệ. Gọi là tục, vì đã có thời (những năm 60,70 và 80 của thế kỷ trước) không mấy người cúng Ông Táo kiểu như bây giờ. Thế nhưng , Ông Táo vất độ cho nhà nhà được “nhân khang vật thịnh”. Xã hội thật yên bình: không có tệ nạn, nhà không mất trộm, chợ không có kẻ cắp. Người không nhiều bệnh, vật không mấy dịch. Mọi người sống với nhau tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp nhau vô tư, không chút vụ lợi.
Ngày nay người người, nhà nhà nô nức đua nhau cúng Vua Bếp giữ nhà mà trộm vẫn vào nhà cướp của giết người, ra ngoài đường không thấy an, các tệ nạn xã hội tràn lan, mỗi ngày một gia tăng. Trước thực tế này, một câu hỏi được đặt ra: “Liệu Vua Bếp có sở hữu chức năng và quyền hạn thật như được gán cho không?”
Tục ở mỗi địa phương cúng Ông Táo không giống nhau và cũng không theo qui định cụ thể nào. Cúng như thế nào phụ thuộc vào suy nghĩ và tâm lý người dâng cúng. Tuy nhiên, vào thời đại thông tin thì sự lan truyền tập tục và bắt chước lẫn nhau giữa các địa phương diễn ra rất nhanh chóng và trở nên phổ biến thành phổ thông. Vì vậy, yếu tố địa phương, vùng miền ngày càng mai một, thay vào đó là hỗn dung, đại trà, đâu đâu cũng na ná như nhau. Ý nghĩa đích thực linh thiêng ban đầu của lễ ngày 23 tháng Chạp đã phai mờ, thay thế nó là mong muốn thực dụng của con người được thể hiện qua vật cúng lễ. Còn thần linh bị gán buộc cho là cần những vật dụng như quần áo, mũ hia, tiền vàng (mã), cá chép…
Mặc dù hủ tục cúng ông Công và ông Táo chưa rõ nguồn gốc từ đâu nhưng câu chuyện về ba ông Vua Bếp (đầu rau) đã được nhân cách hóa bằng một mối tình “Hai ông một bà”. Câu chuyện Vua Bếp được kể với nhiều dị bản khác nhau. Thật khó đoán biết đâu là nguyên bản. Hơn thế, đây là câu chuyện không chỉ riêng có ở Việt Nam mà Trung Quốc cũng có nhiều dị bản. Thậm chí, tại Ấn Độ, quốc gia Tây Á cũng lưu truyền truyện về ba Ông Táo. Điểm chung của các chuyện cổ tích về Vua Bếp đều liên quan đến lửa – yếu tố vô cùng quan trọng đến đời sống con người. Việc phát minh ra lửa cũng là tiêu chí ghi nhận bước tiến văn minh của loài người.
Nhưng điều cần làm rõ là nếu thờ thần Lửa thì sao lai chỉ ngày 23 tháng Chạp? Có lẽ ngoài nhân tố thần Lửa còn có gì đó liên quan đến khoảng thời gian trước tết: 7 ngày.
Con số 7 có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với các dân tộc trên trái đất. Có thể coi đây là con số tự nhiên liên quan nhiều sự vật, hiện tượng phổ quát nhất nên nó là con số Thiêng.
Trước hết, con số 7 được gọi ra liên quan đến Vũ trụ, Con người:
- Có 7 hành tinh liên quan đến Trái đất của chúng ta: Mặt Trời, Mặt Trăng, và 5 hành tinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
- Tuần lễ có 7 ngày tương ứng với 7 hành tinh và cũng là một tuần sang tạo của Thượng Đế.
- Con người có: 7 luân xa
7 vầng hào quang (7 cơ thể)
7 khiếu trên mặt (2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, 1 miệng)
7 phẩm chất quí (thất bảo): Bạch Liên, Quang Liên, Tư Liên, Ân Liên, Tri Liên, Đức Liên, và sự gắn kết không tách rời 6 phẩm chất này làm thành Thất bảo(Thất Liên).
7 trạng thái tâm lý: mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn).
- Có 7 sắc cầu vồng: đỏ,vàng, cam, lục, lam, chàm, tím.
- Âm nhạc có 7 nốt : đồ, rê, mi, pha, son, la, si.
- Nền văn minh cổ đại của nhân loại có 7 kỳ quan.
- Có 7 vị : ngọt, bùi, cay, chua, mặn, chát, đắng.
- Loài người cho đến nay sáng tạo ra 7 loại hình nghệ thuật: điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn học, múa, sân khấu, điện ảnh.
- 7 loại quân trên bàn cờ
- 7 . 7 Âm lịch là ngày Ngâu để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Cữ sinh của bé cũng là 7 ngày. Tuần cúng của người chết là 7 ngày. Lễ định nghiêp cho linh hồn người chết là 49 ngày, tức sau 7 tuần.
…
Có thể còn nhiều sự vật, hiện tượng, sự kiện liên quan đến con số 7 thiêng.
Ngày 23 tháng Chạp là ngày cuối cùng trong năm liên quan đến số 7. Sau 23 chỉ còn 7 ngày là hết năm. Phải chăng đây là ngày lên nén hương tâm để kính cáo đến Trời, Đất, Thánh, Thần, Tổ Tiên về Công - Đức đã tạo ra trong một năm? Công là việc làm, Đức là Chính (không sai lệch). Nếu việc làm không chính thì chỉ tạo Công mà không đạt Đức. Nếu đúng vậy, việc trồng cây Nêu vào ngày 23 tháng Chạp là biểu trưng cho sự Trung – Thiện: mực thước cho mọi việc làm tạo nên Công - Đức trong một năm. Trời, Đất, Thánh, Thần dựa trên Thất Bảo, mỗi ngày một bảo, tổng cộng 7 ngày. Ngày 30 Tết là thời điểm mọi Công Đức tạo ra trong năm được ghi nhận bởi Trời Đất, Thánh Thần.
Cây nêu Mực Thước ấy lại là thước Chuẩn Mực để con người ước mong một năm mới với nhiều việc mới để tạo Công Đức cho một năm. Thời gian để Trời Đất và Thánh Thần chuẩn mong ước của con người diễn ra cũng trong 7 ngày. Ngày mồng 7 tháng Giêng cây Nêu (thước chuẩn mực) được hạ (thước chuẩn mực đem cất đi). Kết thúc 2 tuần ghi nhận công đức và phê chuẩn Công Đức và ước mong của con người.
Không biết có phải vì cây Nêu là biểu trưng cho chuẩn mực cân đo Công Đức đã làm khó con người nên nó đã biến tướng thành biểu tượng xua đuổi Ma Quỉ, rồi biến đi để thay nó bằng dâng cúng lễ vật cho Táo Quân. Quả đúng là theo chính nghiệp để tạo Công Đức khó khăn hơn nhiều so với sắm vài thứ vật phẩm dâng cúng cho Thần!
Thiết nghĩ, cúng Táo Quân Vua Bếp bằng những thứ vàng mã (của giả) để tạ ơn và nhờ Táo quân báo công lên Thượng Đế thì quả là vô lý. Đến người bình thường cũng chả ai bỏ công sức ra để nhận sự đáp đền bằng đồ giả huống hồ là thần linh. Hơn thế, thả con cá chép con xuống nước (còn không chắc nó sống được không) mong nó hóa rồng để đưa Táo Quân bay lên trời gặp Thượng Đế thì thật là vô lý đến ngớ ngẩn.
Nên chăng rũ bỏ tập tục vô lý mà sống theo minh lý để cùng tiến với bè bạn năm châu trên con đường văn minh của nhân loại!
Ba Vì ngày 31.1.2016 (22 tháng Chạp năm Ất Dậu)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015