Tản mạn về Tiếng Việt
1. Có gì mâu thuẫn không khi ở Mỹ một thời gian thì lại đâm ra cảm thấy buồn khi đọc báo Việt in ấn xuất bản trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên,... mà cứ dùng nhiều tù tiếng Anh như: “tuổi teen”, ăn mặc rất “hot”, M.C này, M.C nọ,... ôi đủ thứ?
Buồn có phải vì nổi máu tự ái dân tộc là thấy tiếng Việt của ta quá nghèo nàn, khiến những người viết báo, viết văn này phải vay mượn tiếng của người nước ngoài mới diễn đạt được ý? Hay buồn vì thấy chính người Việt ở trong nước mà đua nhau chê tiếng Việt?
Thật ra tiếng Việt tuy còn nghèo từ ngữ về khoa học, kỹ thuật, nhưng rất phong phú từ ngữ để diễn tả tình cảm và cũng có thừa từ để diễn ý mà các từ Anh Mỹ trên đây chuyển tải. Vậy tại sao các phóng viên, nhà báo, nhà văn, đặc biệt các Tổng biên tập các báo, đài truyền thanh, truyền hình ở Việt Nam lại chê của gia bảo cha ông để lại mà đi vay mượn của người ta khiến cho các câu viết, lời nói lai căng, có vẻ thiếu tinh thần và lòng tự trọng dân tộc, cứ tự nhiên phát triển như cỏ dại sau cơn mưa?
Hiện nay, một số người gốc Việt viết văn Việt ở nước ngoài như Mỹ thường hay chen một số từ tiếng Anh, tiếng Mỹ vào câu văn, nhất là lời thoại. Lý do có nhiều: Có thể họ thật sự thiếu vốn tiếng Việt, cũng có thể họ muốn làm dáng để mọi người đọc biết ta đây là Việt kiều, hiểu biết sâu sắc văn hóa bản địa! Viết có phong cách như người bản xứ, nhưng cũng có thể họ muốn câu khách vì độc giả của họ là những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài dù tiếng Anh không đủ tinh thông nhưng vẫn tỏ ra rất sính nói chữ!
Nhưng dẫu sao thì những người viết văn này cũng đang ở nước ngoài và viết chủ yếu cho người Việt ở nước ngoài, thì họ viết thế nào kệ họ, cũng chẳng hại gì cho văn hóa Việt Nam.
Còn những phóng viên, những nhà báo, nhà đài ở trong nước viết tiếng Việt cho người Việt Nam đọc, mà cớ sao lại viết như thế? Nếu có viết để cho người Việt ở nước ngoài hay cho người nước ngoài đọc thì lại càng phải dùng một văn phong thuần Việt để họ học tập chứ! Đặc biệt là những phương tiện truyền thông như báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên v. v… những đài phát thanh, truyền hình đang có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ Việt Nam, thì với cách dùng từ như thế, họ có vô tình cổ xúy cho lớp trẻ Việt Nam hiện đại coi thường tiếng Việt không? Coi thường văn hóa Việt Nam không? Nếu đúng như thế thì lấy gì và làm sao bồi dưỡng lòng yêu quê hương đất nước, để thanh niên có đủ dũng khí chống ngoại xâm như lớp cha ông trong mấy nghìn năm lịch sử.
Vẫn biết Việt Nam cần phải hội nhập với thế giới. Hội nhập nhưng phải giữ bản sắc, chọn lọc hấp thu lấy cái tinh hoa của thế giới để làm phong phú cho mình, chứ không phải nhắm mắt bắt chước người ta để bị hòa tan và cuối cùng mất bản sắc, trở thành nô lệ cho người ta. Chính ở nước ngoài một thời gian mới dễ thấy rõ tiếng Việt lả di sản rất quý giá của cha ông mà người Việt cần phải bảo vệ, tất nhiên phát triển theo thời đại, nhưng phải giữ gìn cho trong sáng, bởi vì ai cũng biết là có rành tiếng Việt mới hiểu được văn hóa Việt, hiểu lịch sử Việt, hiểu được công đức của cha ông, xương máu của biết bao anh hùng, chiến sĩ từ mấy nghìn năm nay tạo dựng ra giang sơn nước Việt Nam ngày nay. Sự hiểu biết ấy là tiền đề của lòng yêu nước, yêu quê hương, mới thúc đẩy tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Thiếu hiểu biết ấy thì không thể có được tình yêu quê hương đất nước phát xuất từ đáy lòng được.
Bằng chứng cụ thể có thể thấy được qua việc nhìn vào tâm hồn của những con em người Việt đang ở nước ngoài.
Hiện nay, con em người Việt có một số lượng đáng kể ở khắp nơi trên thế giới, từ Đông Âu tới Tây Âu, Mỹ, Canada, Úc... và trong số đó có khá nhiều người được học hành thành đạt. Nhưng chúng ta có biết trong tâm hồn lớp thanh thiếu niên này có tình cảm đối với Việt Nam, là quê hương của họ như thế nào không? Thực tế là một số thanh thiếu niên này đã được gia đình khuyến khích về thăm đất nước theo những chuyến du lịch, được hướng dẫn thăm viếng, được nghe thuyết minh bằng tiếng Anh nhiều di tích lịch sử, nhiều địa điểm văn hóa, dự những lễ hội văn hóa truyền thống từ Bắc chí Nam. Nếu có ai hỏi họ có thích, có yêu đất nước Việt Nam, quê hương của cha ông họ hơn khi chưa trở về không? Câu trả lời thường rất phũ phàng là “không”! Lý do không phải họ là những kẻ vô tình, bạc bẽo, thiếu văn hóa mà đơn giản là vì họ không hiểu rành tiếng Việt, không hiểu văn hóa Việt, không biết lịch sử Việt, nên không cảm thấy được chất liệu của cái tổng thể Việt Nam trong máu thịt của họ, mà họ chỉ thấy cái hình hài bên ngoài của những di tích, những cảnh quan ở đất nước Việt Nam, mà những hình hài này ở nước ta làm sao to lớn, nguy nga, hấp dẫn hơn những hình hài ở năm châu bốn bể mà họ đã biết. Chẳng hạn những cung điện của các vua nhà Nguyễn ở Huế làm sao so với những cung điện vua chúa ở Trung Quốc, v.v... Lớp thanh thiếu niên này chưa có sợi dây ràng buộc máu thịt với Việt Nam. Sợi dây đó hình thành trước hết là nhờ hệ thống tiếng Việt rất phong phú diễn tả mối quan hệ từ gia đình ra xã hội. Như các từ: cha, mẹ, ba, má, ông, bà, anh chị, em, chú bác, cô dì, dượng, thầy, cô; thưa cha con.., thưa mẹ con..., thưa ông cháu..., thưa bà cháu…, thưa thầy con (hay em)... ở nước ngoài như Mỹ thì chỉ có “I” với “You” tuốt tuột mà thôi. Kinh nghiệm của nhiều cha mẹ Việt ở Mỹ cho biết rằng, những con trẻ gốc Việt nào biết nói rành tiếng Việt với những từ ngữ như “thưa cha (ba), con...” hay “thưa mẹ (má), con...”, “thưa ông (bà), con (cháu)...” thì dễ dạy hơn, biết nghe lời khuyên của cha mẹ, ông bà hơn, còn những đứa không nói được tiếng Việt, chỉ biết nói “I” với “You”... Đặc biệt khi những cô cậu bé này không vừa ý, nổi xung lên thì khẩu khí “I” với “You” trong đối thoại với cha mẹ chúng y như khẩu khí chúng nói với bạn bè hay kẻ xa lạ (là “tao”, “mày”), và có khi đe dọa cha mẹ với câu “tao kêu cảnh sát bắt mày!”. Đó là một trong những cái “nhức đầu” của không ít cha mẹ người Việt ở Mỹ!
Nhưng ở trong nước ta, qua những tù ngữ phong phú đó, mối liên hệ trong gia tộc được nâng lên thành những tình cảm khó quên từ những họp mặt trong gia đình như chạp, giỗ, tiệc tùng, lễ tết, cưới hỏi, tảo mộ ông bà, nhà thờ họ tộc. Rồi ra xã hội từ cái đình làng, cái miếu xóm, cây đa đầu làng, giếng nước, bờ ao, ánh trăng rằm nơi vườn nhà, nơi vườn chùa làng... với biết bao ân tình của nơi chôn nhau cắt rốn... Rồi tiếng Việt qua kho tàng ca dao tục ngữ, qua thơ văn, qua lịch sử dựng nước giữ nước, qua đền đài kỷ niệm từ cha ông, qua địa lý đất nước, con người, di tích… Tất cả những thứ đó tạo nên sợi dây bền chặt, nối con người Việt Nam với quê hương, với cội nguồn tổ tiên, dân tộc, mà nhờ đó yêu đất nước, yêu quê hương. Với mối dây sắc son ấy, dẫu đi ra nước ngoài, thấy những cái vĩ đại hơn, nguy nga hơn, nhưng vẫn tỉnh mà biết những cái đó là của người ta, không có mối dây “tâm linh” trong máu thịt của mình, nên tự mình cảm nhận không thể nào yêu hơn cái tuy thô sơ, mộc mạc của quê hương, nhưng gắn bó máu thịt với mình qua bao năm tháng và gắn bó tâm linh với cha ông từ bao đời để lại.
Hẳn là nhiều người đã báo động cái nguy cơ lạm dụng tiếng nước ngoài trong một số bài báo. Chẳng hạn như bài: Lòng tự trọng dân tộc ở trong ngôn ngữ, trên báo Hồn Việt, ( 12/2009). Nhưng tiếng nói thiết tha của những vị ấy dường như chỉ là cơn gió thoảng qua... cho mát một chút, cho vui một chút với những người đồng cảm với tác giả mà thôi, chứ có ai nghe đâu. Phóng viên các báo, các đài phát thanh, truyền hình ngày đêm cứ tự ý tha hồ mà “teen”, “hot”, M.C..., khiến cho giới trẻ theo đó học đòi, tạo ra biết bao từ “quái” trong tiếng Việt đến nỗi một ông thầy dạy Vật lý muốn hướng dẫn học sinh học Vật lý bèn soạn bài theo nhạc lập với những từ “quái,” như “wá” thay cho “quá”,... (Theo Vietnamnet ngày 24/03/2010: Bùi Như Lạc - giáo viên dạy Vật lý trường THPT Nguyễn Du (Q.l0, TP.HCM) giãi bày với Vietnamnet sau khi bài tập của thầy được đăng tải trên các diễn đàn gây xôn xao cư dân mạng).
2. Ôi tiếng “quá” tuyệt vời!
Tôi đã biết bao lần trên những chuyến đi đây đi đó, nhiều chuyến xuyên lục địa, đại dương với hành trình dài trên 20 giờ bay mà chỉ sử dụng “I”với “You”, còn những từ ngữ Việt Nam rất phong phú diễn tả nhân xưng thích hợp trong từng ngữ cảnh thì nằm im trong tâm tưởng; tôi vẫn tự hào là tiếng Việt của dân tộc mình rất phong phú trong việc diễn tả các cung bậc của tình cảm và đôi lúc bỗng thèm được nghe lại một tiếng “qua” của nơi chôn nhau cắt rốn!
“"Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua. Hôm nay qua nói qua không qua mà qua qua!”
Đó là câu “chọc quê” của những bạn bè thời đi học dành cho tôi khi biết tôi xuất thân từ miền quê Quảng Nam mà tiếng “qua” nhiều khi được người lớn tuổi hơn tự xưng trong lúc nói chuyện với người nhỏ tuổi, khi hai bên không có quan hệ huyết thống.
Hồi còn đi học trung học, bị chọc như thế, tôi cảm thấy bực mình vì bạn bè có ý chê mình xuất thân từ chốn quê mùa mộc mạc. Nhưng càng về sau, khi đã ra làm việc, đi đây đi đó, thì tôi lại cảm thấy rất tự hào về những phương ngữ mang đậm Quảng Nam tính như tiếng “qua” mà tôi cho rằng rất độc đáo, không phải địa phương nào ở Việt Nam cũng có từ như thế. Còn trong văn hóa Anh - Mỹ với hai từ “I” và “You” thì với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, hẳn là tuyệt đối không thể dịch ra được? Ôi tiếng “qua” của quê tôi nói lên nghe sao mà thân thương, chan chứa tình cảm bao dung, rộng lượng, tốt bụng của một người tự nhận là đàn anh nói với đàn em dù trước đó có thể chưa bao giờ biết nhau. Và cũng trên muôn dặm hành trình của mình, trong nền văn hóa chỉ với hai từ “I” và “You”, tôi không thể nào nghe lại được tiếng “qua” tuyệt vời ấy và cũng không thể dùng tiếng “qua” hay diễn dịch tiếng “qua” cho người ngồi bên mình.
Tiếng Việt ơi? Việt Nam ơi? Quảng Nam ơi! Ta mãi mãi yêu thương và quay về.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh