Sự tiến hóa của ý thức
Người dữ chống lại sự nhận thức về tình trạng của mình. Một dấu hiệu của người tiên tiến về mặt tinh thần là sự nhận thức của họ về sự lười biếng. Con người thường không nhận thức về tôn giáo hoặc thế giới quan của mình, và trong tiến trình trưởng thành về mặt tôn giáo của mình người ta cần phải nhận thức những giả định và những khuynh hướng thiên lệch của mình. Nhờ chú ý lắng nghe và quan tâm yêu thương chúng ta nhận thức được nhiều hơn về người mình yêu và về thế giới. Một phần cốt yếu của kỷ luật là việc phát triển nhận thức về trách nhiệm và về khả năng lựa chọn của mình. Khả năng nhận thức mà chúng ta gán cho phần tâm trí đó chúng ta gọi là ý thức. Đến đây thì chúng ta có thể định nghĩa sự trưởng thành tinh thần là sự trưởng thành hoặc tiến hóa của ý thức.
Từ "ý thức" (conscious) xuất phát từ tiền tố Latinh con, nghĩa là "với", và từ scire, nghĩa là "biết". Ý thức có nghĩa là "biết với". Nhưng chúng ta phải hiểu thế nào đây về từ "với" này? Biết với cái gì? Chúng ta đã nói về việc phần vô thức của tâm trí chúng ta là sở hữu chủ của những tri thức khác thường. Nó biết nhiều hơn là chúng ta biết, "chúng ta" được định nghĩa là bản ngã ý thức của chúng ta. Và nếu chúng ta nhận thức được một sự thật mới, đó là vì chúng ta nhận ra điều ấy là thật; chúng ta biết lại điều mình vốn đã biết rồi. Vì thế chúng ta phải kết luận rằng ý thức là biết với (bằng) vô thức của chúng ta. Sự phát triển của ý thức là sự phát triển của nhận thức trong ý thức song song với vô thức, phần đã có tri thức đó rồi. Đó là một tiến trình của ý thức đồng đại với vô thức. Điều này không phải là khái niệm lạ đối với những liệu pháp của họ như một tiến trình "làm cho vô thức thành ý thức" hoặc mở rộng vùng ý thức ra tương hợp với vùng vô thức.
Nhưng chúng ta vẫn chưa giải thích bằng cách nào vô thức có được toàn bộ tri thức mà chúng ta học biết một cách ý thức. Lại một lần nữa câu hỏi này quá cơ bản đến nỗi chúng ta không có một trả lời khoa học nào. Chúng ta lại chỉ có thể giả thuyết mà thôi. Và tôi lại thấy không có một giả thuyết nào thỏa đáng bằng sự mặc nhiên công nhận có một Thiên Chúa kết hợp mật thiết với chúng ta - mật thiết đến nỗi Ngài là một phần của chúng ta. Nếu bạn muốn có được cái chỗ sát gần nhất để tìm kiếm ân sủng, thì đó chính là bên trong người của bạn. Nếu bạn ao ước có được sự khôn ngoan to lớn hơn sự khôn ngoan bạn đang có thì bạn có thể tìm thấy nó bên trong người bạn. Điều này cho thấy rằng phần tương giao giữa Thiên Chúa và con người ít ra một phần nào đó là phần tương giao giữa vô thức và ý thức của chúng ta. Nói rõ ra, vô thức của chúng chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa ở trong chúng ta, bao giờ chúng ta cũng là thành phần của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, bây giờ, và mãi mãi về sau này.
Làm thế nào có thể chế được? Nếu độc giả sợ cái khái niệm vô thức của chúng ta là Thiên Chúa, thì độc giả đó cần phải nhớ rằng đó không phải là một quan niệm lạc giáo, nó cũng cốt lõi như quan niệm Kitô giáo về việc Thánh Thần hoặc Thánh Linh ngự trị trong tất cả mọi người chúng ta. Tôi thấy muốn hiểu muốn quan hệ này giữa Thiên Chúa và chúng ta thì rất cần thiết phải xem vô thức của chúng ta như một thân rễ, hoặc một hệ thống rễ rất rộng lớn và được che giấu kỹ, nó nuôi dưỡng cái cây nhỏ xíu ý thức đang vọt ra thấy rõ từ bộ rễ đó. Tôi mượn phép loại suy này ở Jung người đã tự miêu tả mình như "một mảnh vỡ của thần linh vô hạn", khi nói:
"Đối với tôi cuộc sống bao giờ cũng trông giống như một cái cây sống nhờ vào thân rễ. Sự sống thật sự thì không thể nhìn thấy được; nó được ẩn giấu trong thân rễ. Phần xuất hiện trên mặt đất chỉ kéo dài được mỗi một mùa hè. Rồi nó héo tàn đi - một sự xuất hiện phù du. Khi chúng ta nghĩ đến sự phát triển bất tận và sự tàn lụi của cuộc sống và những nền văn minh chúng ta không thể thoát khỏi được cái ấn tượng về tình trạng hư không tuyệt đối. Thế nhưng tôi chưa bao giờ mất đi cảm thức về một cái gì đó đang sống và bền bỉ chịu đựng bên dưới dòng chảy vĩnh cửu. Cái chúng ta thấy là bông hoa, nó sẽ qua đi. Thân rễ thì tồn tại. 1)"
Jung đã không bao giờ đi xa đến độ tuyên bố thực sự rằng Thiên Chúa hiện hữu trong vô thức, mặc dù những bài viết của ông rõ ràng nhắm về hướng đó. Điều mà ông đã làm là chia vô thức thành "vô thức riêng tư" cá nhân, khá nông cạn và "vô thức tập thể" thâm sâu hơn và chung cho cả loài người. Theo cách nhìn của tôi, vô thức tập thể đó chính là Thiên Chúa, ý thức là con người xét như là cá nhân; và vô thức riêng tư là phần tương giao giữa hai bên. Vì đây là phần tương giao nên điều không thể tránh khỏi là vô thức riêng tư phải là một nơi xáo trộn, sân khấu của một cuộc tranh đấu giữa ý muốn Thiên Chúa và ý muốn cá nhân. Trước đây tôi dã miêu tả vô thức như một vùng đất hiền hòa và yêu thương. Tôi tin nó là như thế. Nhưng những giấc mơ, mặc dù chứa đựng những thông điệp của sự khôn ngoan yêu thương, cũng chứa đựng nhiều dấu hiệu của xung đột; trong khi chúng thú vị là sự tự canh tân, đồng thời chúng cũng là những ác mộng hãi hùng và xáo động. Vì sự xáo động này đa số các nhà tư tưởng đã xác định vị trí của bệnh tâm trí là ở vô thức, như thể vô thức là chỗ ở của tâm bệnh lý và các triệu chứng giống như những con quỉ dưới đất trồi lên để làm rối loạn cá nhân đó. Như tôi đã nói, quan điểm của tôi thì trái ngược lại. Tôi tin rằng ý thức là chỗ ở của tâm bệnh lý và những rối loạn tâm trí là những rối loạn của ý thức. Chính vì bản ngã ý thức của chúng ta chống lại sự khôn ngoan vô thức mà chúng ta bị bệnh. Một cách chính xác chính vì ý thức của chúng ta bị xáo trộn mà xung đột diễn ra giữa nó và vô thức là cái tìm cách chữa lành cho nó. Nói cách khác bệnh tâm trí xảy ra khi ý muốn ý thức của cá nhân lệch rất nhiều với ý muốn của Thiên Chúa tức ý muốn vô thức của cá nhân đó.
Tôi đã nói rằng mục tiêu cuối cùng của sự trưởng thành tinh thần là để cá nhân trở nên một với Thiên Chúa. Tức là biết với Thiên Chúa. Vì vô thức chính là Thiên Chúa nên chúng ta có thể định nghĩa thêm nữa mục đích của sự trưởng thành tinh thần là đạt được thần tính bằng bản ngã ý thức. Chính là nhằm để cá nhân trở nên Thiên Chúa hoàn toàn trọn vẹn. Điều này phải chăng có nghĩa mục tiêu là ý thức hoà tan với vô thức, để tất cả là vô thức? Không phải. Chúng ta đang đi đến điểm quan trọng. Đích điểm đó là trở thành Thiên Chúa mà vẫn bảo toàn được ý thức. Nếu cái chồi ý thức mọc lên từ thân rễ của Thiên Chúa vô thức có thể sự trở thành Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ mặc lấy một hình thức sống mới. Đây là ý nghĩa sự hiện sinh cá nhân của chúng ta. Chúng ta được sinh ra để chúng ta có thể trở nên, với tư cách cá nhân ý thức, một hình thức sống mới của Thiên Chúa.
Ý thức là phần điều hành của cả con người chúng ta. Chính ý thức đưa ra những quyết định và chuyển hóa chúng thành hành động. Nếu chúng ta trở nên hoàn toàn vô thức, quả thực chúng ta sẽ giống như một đứa trẻ sơ sinh, làm một với Thiên Chúa nhưng không có khả năng tạo nên một hành động nào khả dĩ làm cho thế giới này cảm nhận hiện diện của Thiên Chúa. Như tôi đã đề cập, có một tính chất thụt lì trong hư tưởng thần bí của một thần học ấn giáo hoặc Phật giáo nàođó, ở đó, tình trạng của đứa trẻ sơ sinh không có những đường biên bản ngã được so sánh với Niết bàn và mục đích nhập Niết bàn trông giống với mục đích của việc quay trở lại tử cung. Mục tiêu của nền thần học được trình bày ở đây, và cũng là thần học của đa số các nhà thần bí, là hoàn toàn trái ngược lại. Nó không nhằm trở thành một đứa trẻ vô ngã, vô thức. Đúng hơn nó nhằm phát triển một bản ngã ý thức và trưởng thành về sau có thể trở thành bản ngã của Thiên Chúa. Nếu với tư cách là những con người trưởng thành, đi trên đôi chân của mình, có khả năng đưa ra những sự lựa chọn độc lập ảnh hưởng đến thế gian, chúng ta có thể đồng hóa ý chí tự do và trưởng thành của chúng ta với ý chí của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ nhận lấy một hình thức sống mới và hiệu năng thông qua bản ngã ý thức của chúng ta. Chúng ta trở thành người đại diện của Thiên Chúa, cánh tay của người, có thể nói như vậy, và do đó thành phần của Người. Và khi đến mức độ chúng ta có thể ảnh hưởng đến thế gian theo ý muốn của Người thông qua những quyết định đầy ý thức của chúng ta, thì cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành biểu hiện của ân sủng Người. Chính chúng ta bấy giờ trở thành một hình thức của ân sủng Thiên Chúa; chúng ta làm việc nhân dân Người ở giữa nhân loại, chúng ta tạo dựng tình yêu ở nơi mà tình yêu không hiện diện trước đó, chúng ta lôi kéo anh em đồng loại của mình lên đến tầm nhận thức của mình, chúng ta thúc đẩy chuyến bay tiến hóa của nhân loại về phía trước.
1) C. G. JHung. Memories, Dreams, Reflections, Aniela Jaffe, ed. (New York: Vintage Books, 1965), tr 4.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh