Sử học và Học sử

08:12 SA @ Chủ Nhật - 31 Tháng Bảy, 2011

Nhân đọc bài Điểm Thi Môn Sử Thấp Không Ngờ trên báo Tuổi Trẻ, tôi không bất ngờ về thực trạng có trên 90% bài thi môn sử dưới điểm mức trung bình trong kỳ thi tuyển đại học năm nay.[1] Người ta lý giải rằng, vì môn sử khó học do phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian hoặc khi không công bố là môn thi tốt nghiệp thì việc học lẫn dạy bị xem nhẹ. Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần.

Nhớ lại thời kỳ học sinh, dù là người yêu thích các môn học khoa học xã hội, nhưng tôi cũng ngán học môn sử bởi cách thức học và dạy thô cứng. Sử học, như muôn đời qui luật hấp dẫn của nó là luôn chứa đựng sự bí ẩn để nó không ngừng được khám và đồng hành cùng thời đại. Tuy nhiên, môn sử mà tôi học dường như chẳng có gì mới, chẳng có gì gọi khám phá vì tất cả đều có sẵn một công thức: ta thắng địch thua. Trong lớp học không có sự phản biện, nhất loạt đều nói và nghe một chiều nhàm chán. Phản biện ư? Không khéo lại bị quy chụp là phản động hoặc bôi nhọ dân tộc, nghi ngờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Có lần, tôi hỏi một thầy giáo dạy sử, tại sao ta luôn thắng mà cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ phải kéo dài đến mấy mươi năm máu lửa? Sao các lãnh tụ của ta, cũng là người như bao nhiêu lãnh tụ có sai có đúng trên thế giới, nhưng luôn luôn sáng suốt, không bao giờ mắc sai lầm? Không lẽ, lãnh đạo của ta là các bậc thánh? Chúng ta học sử để thấu hiểu những thăng trầm của dân tộc, lĩnh hội những kinh nghiệm bao hàm cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại. Thầy nghiêm giọng bảo tôi đừng lặp lại câu hỏi đó, nếu không cả thầy lẫn trò đều có nguy cơ rời trường ra đường! Học sử, dạy sử mà sợ sự thật lịch sử đến như vậy, thử hỏi làm sao học sinh và giáo viên có được niềm đam mê đích thực với một trong những môn học quan trọng nhất của nhân loại.

Khác với cách dạy và học sử ở Việt Nam, tôi bất ngờ về cách thức giảng dạy lịch sử rất linh hoạt và hấp dẫn ở Mỹ. Có lần tôi thấy cậu con trai mới học lớp 5 say sưa trên máy tính mãi đến khuya quên cả ngủ. Hỏi ra mới biết là cu cậu đang “nghiên cứu” chiến tranh lạnh và hậu quả của nó! Tôi choáng người khi đọc những câu hỏi về các sự kiện và nhận định cơ bản, quan điểm khác biệt chủ yếu giữa các nước cộng sản và không cộng sản. Con tôi giải thích đó là một dự án nghiên cứu-bài tập cô giáo đặt ra cho học sinh. Tôi bảo con có hiểu gì đâu mà cô giáo bảo nghiên cứu. Cậu con trai tôi liền cho tôi một bài học: Sao cái gì ba cũng bắt phải hiểu mà không hỏi có thích thú hay không, nếu không thích làm sao hiểu được! Chương trình lớp 5, lịch sử được xếp vào bộ môn khoa học xã hội là một một trong các môn học cả lớp thích nhất vì cả lớp được xem phim tài liệu, hình ảnh và các bạn thuyết trình từng chủ đề rất sôi động. Đặc biệt cô giáo rất khuyến khích bạn nào đưa ra những câu hỏi hay ý tưởng mới, đi ngược lại với những điều trên phim hay trong sách đã viết. Tôi có dự thính một lớp học về chiến tranh Việt Nam của ông giáo sư từng là cựu binh Mỹ ở Playcu năm 1971 và rất lấy làm hứng khởi bởi cách dạy và học sinh động như là một cuộc du ngoạn vào quá khứ hơn đang ngồi bó cứng trong giảng đường chứa đến hàng trăm sinh viên trong và ngoài khoa sử dự học. Tất cả các bài giảng đều có trích đoạn những thước phim tài liệu, phim truyện, âm nhạc phản chiến minh họa cực kỳ sinh động. Một tiết học hơn một tiếng rưỡi nhưng giáo sư chỉ giảng bài chừng 20 đến 30 phút, phần còn lại là xem sử liệu minh họa và tranh luận, thuyết trình theo nhóm về các chủ đề. Nội dung giáo trình do giáo sư tự biên soạn rất phong phú, không bị ràng buộc theo công thức“ta thắng địch thua” nên những cái được cái mất của chính phủ Mỹ, sự thất bại cay đắng của quân đội Mỹ, tinh thần chiến đấu của người lính cộng sản ví như bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong cuốn nhật ký chiến trường của cô hay Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh đều được khảo xét kỹ càng.

Sử học và học sử ở Mỹ, không chỉ đắm chìm vào quá khứ mà còn nghiên cứu những vấn đề sử học đương đại, cập nhật với đời sống đang diễn ra trên thế giới. Trong khi cuộc chiến Iraq hay Afghanistan đang diễn ra nóng bỏng thì ở Mỹ, không ít công trình nghiên cứu liên quan đến những trận chiến này đã xuất hiện kịp thời, giúp cho việc giảng dạy và học sử về chiến tranh hiện đại trong nhà trường có được cái nhìn cận cảnh và nóng hổi của thời đại. Sử học, có thể không phải là một trong những chuyên ngành lựa chọn hàng đầu của sinh viên nhưng thực sự nó không phải là môn học buồn tẻ ở các cấp học nhờ vào phương pháp truyền thụ và lĩnh hội sinh động như vậy.

Nhìn lại bối cảnh dạy và học sử ở Việt Nam, lòng dân không quên nhưng các sự kiện lịch sử đương đại quan trọng của đất nước lại bị lờ đi. Tại sao trận hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, hải chiến Trường Sa 1988 với những tài liệu và nhân chứng sống là điều kiện thuận lợi giúp các nhà nghiên cứu một cách công phu và chân thực. vắng bóng trong các chương trình giảng dạy? Khi lịch sử được dựng lên bởi sự không minh bạch sẽ để lại những di họa khôn lường. Giả dối và bóp mép lịch sử không chỉ làm cho một dân tộc bị khủng khoảng niềm tin mà còn gây ra lòng căm thù, không có sự cảm thông giữa các dân tộc mỗi khi sự giả dối bị bóc trần. Lâu nay chúng ta thường cho rằng thái độ thù ghét của người dân các nước Đông Âu đối với Liên Xô và chế độ cộng sản từng được ngơi ca trên chính quê hương của họ là quá thái, thậm chí bị xem là “bắn đại bác vào quá khứ”. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng chỉ ngay sau khi đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, hồng quân Liên Xô tái hiện hình ảnh tàn bạo của kẻ thù mà họ vừa đánh bại- đơn cử, tại Đông Đức từ 1945-1947, ngoài việc người dân bị chiếm đoạt tài sản, hồng quân Liên Xô đã hãm hiếp khoảng 2 triệu phụ nữ [2]-chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết một trong những lý do tại sao Liên Xô sụo đổ, tại sao người cộng sản bị thù ghét ở Đông Âu đến như vậy.

Lịch sử của đất nước, dù có đau thương hay tủi nhục biết bao cũng cần phải học, huống hồ một đất nước có truyền thống lịch sử đáng tự hào như Việt nam. Nhưng tại sao, môn sử trở nên một môn học miễn cưỡng? Đành rằng giữa Mỹ và Việt Nam có nhiều điều khác biệt, nhưng chúng ta không thể vin vào nhiều lý do, chẳng hạn như khác biệt về cấu trúc chính trị xã hội để giải thích cho sự khác biệt về mặt truyền bá kiến thức. Lịch sử hay bất kỳ ngành khoa học nào cũng hướng đến một chân lý tối thượng: khám phá và phản ánh sự thật.

Nghiên cứu sử học là một con đường tìm thấy tương lai từ quá khứ! Đã đến lúc, sử học cũng cần có một chính sách “cởi trói” như văn học dưới thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Khởi sự cho chính sách này, trước hết chính phủ cần phải đuổi việc những ông quan vô trách nhiệm, vô cảm như ông bộ trưởng bộ giáo dục khi thớ lợ tuyên bố việc hàng ngàn thí sinh bị điểm O môn sử là chuyện bình thường. Nếu không chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một tương lai tươi sáng từ quá khứ giàu có nhưng bị dạy, học và lãnh đạo rất nghèo nàn.

26.7.2011.VCH


[1]Minh Giảng, “Điểm Thi Môn Sử Thấp Không Ngờ,” http://tuoitre.vn/Tuyensinh/Tuyen-sinh/448241/Diem-thi-mon-su-thap-khong-ngo.htm.

[2]John Lewis Gaddis, the Cold War: A New History (Penguin Book, 2005), 24.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài học lịch sử

    04/08/2019Phạm QuỳnhLịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục; nó còn khích lệ. Nó làm nguôi ngoai, đem lại sự bình tâm; nó xoa dịu những nôn nóng cũng như những âu lo và cung cấp chỗ dựa cho niềm tin và hy vọng. Giữa những ưu tư nặng nề trước các khó khăn hiện tại, nó đưa lại sự tĩnh tâm thư thái khi thanh thản chiêm ngưỡng quá khứ vì dường như ta được tham dự vào sự bất tận của thời gian và vĩnh hằng của muôn vật. Nó là một phương thuốc tuyệt vời chống lại sự nản lòng và bi quan.
  • Bài học lịch sử

    16/11/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Bỏ được chiếc ngai vàng là một bước tiến vĩ đại giúp cho nhà lãnh đạo phải thân dân, chịu sự kiểm soát của dân. Nhưng cũng do đó mà họ có sự hậu thuẫn thường xuyên của dân tộc. Thiếu sự hậu thuẫn đó hay làm mất sự hậu thuẫn đó, họ sẽ bị lạc lõng cô đơn. Nếu họ không bị nhân dân quật ngã thì họ cũng bị ngoại bang chi phối...
  • Bàn về “Cái vô lý” và “Cái thiếu hiểu biết” trong xã hội

    01/07/2015Vũ Duy PhúLâu nay, những ai quan tâm đến cải cách giáo dục, đều thấy rõ tầm quan trọng của việc xác định “Triết lý Giáo dục". Có lẽ cũng không thừa, nếu nói một chút về khái niệm Triết lý nói chung...
  • Điểm lịch sử thấp là vấn đề của thời đại

    30/07/2011Châu Anh ghi“Điểm lịch sử thấp là vấn đề của thời đại... Việc có hàng ngàn điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua là vấn đề bình thường” – đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khi trả lời các phóng viên về những vấn đề liên quan đến việc dạy và học môn lịch sử.
  • Tinh thần Đại học

    28/06/2011Nguyễn Thị Từ HuyNhững suy nghĩ trong bài viết này tập trung xung quanh một vấn đề: thế nào là tinh thần đại học. Những gì được nói ra ở đây cũng không phải là mới mẻ, tuy thế dường như đã bị lãng quên hay chưa được ý thức đầy đủ. Những suy nghĩ này cũng không có tham vọng bao quát hết mọi phương diện, mà chỉ dừng lại ở những phương diện đã không còn gây tranh cãi khi các nhà giáo dục thế giới đề cập đến giáo dục đại học...
  • Cần chấm dứt giáo dục nhồi nhét!

    12/09/2010Phạm Việt HưngChương trình giáo khoa hiện nay quá nặng, lối dạy học và thi cử hiện
    nay quá hình thức, khoa trương chữ nghĩa, xa rời thực tế, làm khổ cả
    thầy lẫn trò, dẫn tới tình trạng “dạy giả”, “học giả” tràn lan chưa
    từng có...
  • Tiếp lửa từ Tiến quân ca

    24/08/2010Nguyễn Quang VinhNhờ sự phát triển ngày càng mạnh của các phương tiện nghe - nhìn, nên đã hơn nửa thể kỷ, cứ mỗi nửa cuối tháng Tám hàng năm là khắp nước Việt mình lại vang tràn các bài ca Cách mạng. Nghe trên sóng phát thanh, vừa nghe vừa nhìn qua truyền hình, từng bài... từng câu ca... đều như “tiếp lửa” thêm vào lòng mỗi người...
  • Tư duy kinh tế thời bao cấp và phá rào, “những bài học lịch sử từ những mũi đột phá”

    31/03/2010Đặng PhongSau Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, xuất bản năm 2008, tái bản năm 2009 với nhiều bổ sung và tên mới Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 – Nhật ký thời bao cấp (Nxb Tri Thức, 476 trang), sử gia kinh tế Đặng Phong đã cho ra tiếp theo ‘Phá rào’ trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (Nxb Tri Thức 2009, 534 trang).
  • xem toàn bộ