"Tôi sợ nhất tư duy bảo sao làm vậy"
Ở góc độ người trực tiếp tham gia, điều hành các chính sách Nông Nghiệp-Nông thôn, nguyên Bộ trưởng, Phó thủ tướng phụ trách Nông nghiệp-nông thôn, Nguyễn Công Tạn, thẳng thắn: “Tư duy hồi đó của lãnh đạo ta chỉ có như vậy tôi cũng không hơn…”. Với mười năm ở cương vị cao nhất của ngành nông nghiệp (1987-1997), và là người chứng kiến, khởi động, điều hành nhiều chương trình lớn: 5 triệu hecta rừng, 1 triệu tấn mía đường, cấp 1 hóa giống lúa lai… Những chương trình ấy được gì, mất gì và tại sao thành công vẫn còn khiêm tốn?
Không quên
Ông còn nhớ những chương trình chuyển đổi nông nghiệp được phát động hơn 10 năm về trước?
Tôi vẫn còn day dứt lắm, làm sao quên được. Nhiều chương trình ý tưởng lớn, tham vọng lớn, thời điểm cũng thuận lợi, vậy mà sau nhiều thực hiện mức độ thành công không được như mong đợi. Kết cục là bây giờ bà con nông dân nhiều vùng dự án vẫn nghèo túng, khó khăn, vẫn phải loay hoay với ruộng vườn... Tôi gắn bó với nông nghiệp - nông thôn đúng 50 năm rồi, trải qua mấy đời Tổng Bí thư, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã thử nghiệm phát động rất nhiều mô hình, thành công cũng có, thất bại cũng nhiều...
Theo ông các chương trình đó, thành công đến mức độ nào?
Cần phải nói rõ rằng, nhiều chủ trương chuyển đổi phát triển kinh tế xã hội cho vùng nông thôn, không thể nói tất cả đều thất bại, có điều thành công, hiệu quả mang lại còn thấp. Không thành công một phần do không phân tích, mổ xẻ đúng nguyên nhân, các yếu tố cần và đủ trước khi khởi động một chương trình KT-XH lớn cho nông nghiệp - nông thôn, do vậy các chính sách giải pháp đề ra chưa trúng lắm. Trong khi đó, đa phần nông dân chỉ biết trông chờ thụ động vào các chính sách của chúng ta.
Nể nang
Trở lại chương trình 1 triệu tấn đuờng. Được biết đây là chương trình mang dấu ấn của ông nhiều, nhưng tại sao lại thua lỗ không thành công. Nguyên nhân ở đâu thưa ông?
Đây là một chương trình quốc gia lớn (1995-2000) và tôi rất nặng lòng với nó. Đánh giá được hay không được theo góc độ nào, kinh tế hay xã hội? Về góc độ kinh tế, sau đó nói các doanh nghiệp mía đường thua lỗ gần 3.000 tỷ đồng, tôi không bình luận vì chưa có tổng kết đánh giá rõ ràng... Tôi chỉ muốn nói ở góc độ xã hội, nhờ có chương trình phát triển vùng cây nguyên liệu mía đường Lam Sơn, Bình Định, Nghệ An... mà nhiều cơ sở hạ tầng điện đường, trường trạm đã được xây dựng ở các địa phương vùng dự án và vùng phụ cận khá nhiều, lôi kéo hàng chục vạn hộ nông dân tham gia, cái được về mặt xã hội làm sao tính được hết? Còn việc có quá nhiều tỉnh xây dựng nhà máy mía đường, thực ra hồi đó khi triển khai, qua nhiều tỉnh lên Trung ương xin xây dựng nhà máy đường, phát triển ồ ạt vùng cây nguyên liệu. Họ cũng muốn tỉnh, huyện mình đi lên phát triển KT-XH từ cây mía. Nó xuất phát từ sự nể nang...
Lúc đó, tư cách là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại sao, ông không phanh lại?
Vấn đề ở chỗ đó. Sai là vì nể nang, khi thấy quá dư thừa, “phanh” không kịp. Mà anh biết rồi, quy hoạch vùng nguyên liệu không chỉ có một ngành NN-PTNT làm, mà còn cả bên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rồi Bộ tài chính. Cái chính là thiếu qui hoạch tổng thể. Khi có quy hoạch lại bị phá vỡ do địa phương, phát triển nóng vội, tưởng ngon ăn dẫn đến ra quyết định đầu tư theo kiểu nể nang, dàn trải. Bên cạnh đó khâu dự báo vĩ mô nhu cầu tiêu thụ đường (trong nước và xuất khẩu) đều sai, không tính đến những thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc hay Thái Lan họ cũng đang dư thừa đường, giá thành sản xuất của họ lại rẻ hơn nhiều so với ta (thời điểm đó 1 kg xuất của Việt Nam giá 7.500 đồng, giá đường của Thái Lan, Indonesia nhập khẩu chỉ 5.300 đồng/ kg)...
Xin hỏi thẳng, không chỉ một dự án mía đường, suốt quá trình làm Bộ trưởng, rồi là Phó thủ tướng khi phê duyệt đề án, chính sách do cấp dưới trình, ông đã bác cái nào chưa?
Những chính sách điều hành chung của ngành NN-PTNN liên quan đến mùa vụ, giống má, cây con cụ thể hàng năm… theo quy trình do các Thứ trưởng điều hành, tất nhiên tôi cũng được biết. Tôi còn nhớ, khi xem xét một số dự án, tôi cũng nhiều lần phê vào đề án: Đề nghị anh (Thứ trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng) xem lại kỹ hoặc điều chỉnh lại theo hướng... Còn với những chương trình Quốc gia tất nhiên phải trải qua họp hành, hội thảo nhiều lần, trình lên, chỉnh sửa tập thể theo ý cấp trên. Nhiều khi đầu bài đã ra rồi, Nghị quyết đã chuẩn bị rồi, cứ thế mà làm. Phản biện mạnh chỉ là các nhà khoa học, sau đó mọi thứ vẫn thực hiện. Làm sao mà dừng được…
Khó học lắm!
Thưa ông, trước khi quyết định một chính sách, chương trình lớn chúng ta đều tham khảo học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài. Như vậy là có tính toán rất kỹ. Nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa tạo ra mô hình chuẩn?
Mô hình, đường hướng phát triển nông nghiệp trên thế giới thì nhiều lắm. Tôi ví dụ: Nhật Bản là một nước công nghiệp, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, vậy mà một năm vẫn phải nhập siêu hàng hóa nông nghiệp 47 tỷ USD, còn Hà Lan là quốc gia giàu có, cũng có nền công nghiệp hiện đại, với 16 triệu dân lại xuất siêu hàng hóa sản phẩm nông nghiệp trị giá mỗi năm 17 tỷ USD. Hai đường lối, tư duy phát triển KT-XH, hai chính sách phát triển nông nghiệp khác nhau, đẻ ra nền nông nghiệp khác nhau. Ta học được gì ở các nước đó? Khó học lắm, xuất phát điểm của ta thấp, văn hóa tiểu nông đè nặng, kìm hãm không thể tạo đột phá lớn, tìm ra chính sách đúng để giải quyết các vấn đề nông nghiệp nông thôn chúng ta cần. Do vậy, vẫn cứ là thử nghiệm...
Vậy là ruộng đồng và nông dân được đưa ra làm thí nghiệm?
Có dự án, chính sách KT-XH nào muốn triển khai mà không phải trải qua thực tiễn? Bây giờ nhìn lại tôi thấy, nhiều dự án chưa đủ độ chín, chưa phản biện rõ ràng, không nên đem ra cổ súy đại trà, nếu không sẽ mắc sai lầm ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội nông thôn. Nhiều chính sách chúng ta đặt ra tưởng là giúp nông dân, thương nông dân, nhưng nếu không tính toán kỹ thì...
Phải chăng, các cuộc “cách mạng ruộng đồng” của ta trong những năm qua vẫn chưa đủ tầm?