Phụ nữ càng già tội càng nặng
Search Google cụm “Trần Thị Dung” “tử hình”, chỉ thấy thông tin giống hệt nhau là tử hình một người đàn bà giết chồng.
Thêm cụm “quá nặng” thì không thấy có nội dung nào phối hợp đủ cả ba thông tin ấy. Có nghĩa là không một báo nào bảo án tử hình ấy là quá nặng.
Xuất thân là gái mại dâm, đã hoàn lương và đã hơn 40 tuổi, sống cùng một ông đạp xích lô. Chồng uống rượu liên miên, vợ túng tiền và cáu là kịch bản không có gì lạ ở nước ta. Nhưng cầm dao giết chồng và đâm đến hai lần, đâm cả khi đã gục ngã thì các vị quan tòa đàn ông không chấp nhận được.
Không cải tạo nổi. Phải tử hình. Các vị đàn ông kết luận, và bị cáo Trần Thị Dung đến lần ra tòa thứ hai thì đã biết mình đang đối diện với thế lực nào. Đó không còn là luật pháp đơn thuần nữa, đó là luật giữa giống đực với giống cái; đó là sự đối diện trước đàn ông của một người đàn bà đã bị đàn ông không còn coi là đàn bà. Mày tàn bạo. Mày cựu gái điếm. Mày già. Lực lượng đến bắt mày còn chống cự. Không cần phải nghĩ đến tình tiết giảm nhẹ cho mày.
Trần Thị Dung (44 tuổi) sau khi bị chồng tát vào mặt, đánh chửi cãi vã nhau, đã cay cú lấy một con dao đuổi theo đâm nhiều nhát vào ngực chồng khiến ông gục chết tại chỗ. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao TP. HCM đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt án tử hình của Trần Thị Dung do Dung đã quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng.
Giết chồng, thử hỏi có mấy phụ nữ Việt Nam không một lần âm thầm nghĩ muốn giết chết “nó” cho rồi? Có người còn nói đùa, ước mơ lớn nhất là một hôm công an vào nhà giải mẹ “nó” đi cho nhẹ nợ. Nhưng phụ nữ trí thức, phụ nữ còn nhiều thứ để mất thì còn phải giữ nhiều. Giữ chồng để dẫn đi ăn hỏi ăn cưới. Giữ chồng để khi các chị em văn phòng đùa tục thì mình không lạc loài. Giữ chồng để khỏi hoang mang, mặc dù chồng luôn làm mình hoang mang, “Hay mình không còn giá trị về thể xác, về tâm hồn…?…?…?…” Họ giết mình âm thầm, bền bỉ, bằng không ngủ với vợ, bằng không mang tiền về, bằng lầm lỳ, gia trưởng…
Còn phụ nữ ít học, họ nghĩ gì trước khi giết chồng? Họ đã phải chịu đựng bao lâu? Họ đâm tàn bạo thật nhưng họ có muốn chồng chết thật không? Hình như phóng viên pháp luật của các báo thấy cũng chẳng có gì để khai thác, cứ thế tương lên bản án, coi như tử hình là đương nhiên. Có báo lại còn đưa tin một cách như đùa cợt.
Còn giết vợ, năm ngoái có một ông giết vợ vì con gà. Cũng hệt như bà Dung đây, ông cãi nhau và lấy dao đuổi theo vợ. Báo viết bài thương cảm. Ông cũng được tòa thương, chỉ phạt 20 năm tù. Hai mươi năm là đúng rồi, vì ông ngã gục trước tòa vì ân hận. Nhưng vậy sao bà Dung cũng khóc ngất trước tòa mà phải chịu tử hình?
Tôi ở trong Hội Phụ nữ nhưng search trên Google thêm cụm “Hội Phụ nữ” nối liền những cụm từ đã nói, tịnh chẳng thấy gì.
Các chị đâu hết rồi, các chị ơi? Sao các chị không có một tiếng nói nào, tôi cứ tưởng phong trào chúng ta là “sâu rộng” chứ, đến từng thân phận? Hay vì trong các hội nghị, chúng ta đã thông qua các nghị quyết về bình đẳng giới và chống bạo lực gia đình, nay bà Trần Thị Dung là một ví dụ xấu, đi ngược lại một cách quá đáng nghị quyết của Hội Phụ nữ chúng ta mà khiến các chị giận, các chị coi như không biết đến thân phận ấy?
Hay là, là phụ nữ, các chị cũng biết chúng ta không thay đổi gì được một khi đàn ông nổi nóng? Trong một xã hội trẻ măng này, chúng ta quả đã già rồi. Và tiếng nói của các bà già chỉ là tiếng nói của một giới tính thứ n, nhẫn nhục câm đi là tốt nhất?
(2009)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân