Lớp “Học làm Người” giữa lòng TP.HCM
Người giáo viên kiêm hiệu trưởng của Trường Hán Nôm Nguyễn Trãiấy chính là giáo sư - học giả Hoàng Xuân Việt (tên khai sinh là Nguyễn Tùng Nhân), sinh năm 1930 tại làng Vĩnh Thành, tỉnh Bến Tre. Ông đã tốt nghiệp Cao học Đa khoa tại hai trường Đại Chủng viện Saint Joseph (Sài Gòn) và Saint Sulpice (Thị Nghè) năm 1957. Sau đó, ông còn theo học và được cấp nhiều chứng chỉ các môn khác như triết, thần học, xã hội học, thiên văn học, năng lực hạnh tâm. Ông thông thạo các ngoại ngữ như Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Anh và cổ ngữ Hi Lạp, La tinh. Hơn 50 năm nay, ông chuyên tâm viết sách cũng như tự biên khảo bộ “Bách khoa Thư vi Nhân học Nguyễn Trãi - Trương Vĩnh Ký” bao gồm 272 đầu sách đa khoa mà phần lớn đã xuất bản trong loại sách “Học làm Người”
Năm 1993, bức xúc trước những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một và tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng nhiều trong xã hội, ông đã xin ý kiến Sở Giáo dục – Đào tạo và Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM thành lập Trường Hán Nôm Học Làm Người Nguyễn Trãi để giáo dục thế hệ trẻ.
Ngày đầu thành lập, trông trường lớp thật ngán ngẩm, học trò chỉ thưa thớt vài ba người. Ông Hoàng Xuân Việt phải treo bảng ngoài cổng nhà để thu hút thêm học viên. Ông động viên những người theo học không bỏ lớp đồng thời mời gọi thêm bạn bè cùng tham gia. Thời gian tiếp nối thời gian, lớp học của ông ngày càng đông. Những ai khi đã gắn bó với lớp học đặc biệt này rồi thì khó mà rời xa nó. Trong số học trò của ông có nhiều người từng là những nạn nhân một thời lầm lỗi, nay theo lớp “Học làm Người” với ý nguyện được làm lại cuộc đời. Thầy Hoàng Xuân Việt kể: “Ngày đầu tiên tôi lấy tên lớp là “Học làm Người”, nhiều bạn trẻ đã thắc mắc: con vốn đã là người thì còn phải học làm NGƯỜI chi nữa?”. Nhưng càng học thì họ càng hiểu hơn chữ NGƯỜI viết hoa ấy như thế nào. Điều thuận lợi cho lớp học này là nguồn tài liệu vô cùng phong phú từ thư viện “Sách học làm Người”, bao gồm những sách do chính ông viết và biên soạn cùng nhiều loại sách của các học giả đi trước như Nguyễn Hiến Lê, Phạm Cao Tùng, Nguyễn Duy Cần...
Lớp học “hậu” học đường
Giờ học của trường thường chỉ kéo dài trong khoảng 120 phút, từ 7h đến 9h sáng các ngày thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần. Nhưng số học viên hiện đang tham gia lớp “Học làm Người” này rất đông. Họ thuộc đủ mọi tầng lớp: từ nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư cho đến nhà sư, giới trẻ đã bỏ học từ lâu Đặc thù của lớp là ai cũng đều có thể đến nghe và tự đúc kết cho mình những bài học bổ ích quý giá bởi ông chuyên dạy về những điều thiết thực, gần gũi với cuộc sống thường nhật.
Có nhiều bạn đang là sinh viên của các trường đại học, ngoài giờ học ở trường, cũng đã tìm đến ông để nghe giảng về những điều mà ở trường không có, điển hình là những “môn”: Thông đạt học, Giao tế học, Đắc nhân tâm, Thuật hùng biện rất hiệu quả. Bạn M. Huyền (cựu sinh viên Đại học Luật) bộc bạch: “Mình tình cờ đến với lớp học này của thầy Việt và đã gắn bó suốt một năm nay. Đến đây, quả thật là mình học thêm được rất nhiều điều bổ ích mà trong giáo trình ở trường đại học không có ”. Lại có nhiều anh chị đã lập gia đình cũng theo học ở thầy, bởi “đến đây, chúng tôi học được tâm lý ứng xử vợ chồng, học được cách nuôi dạy con cái cũng như học được cách làm cha làm mẹ trong một xã hội hiện đại” - anh Thành Trung (32 tuổi, trú tại quận 3, TP.HCM) tâm sự.
Ngoài những giờ “Học làm Người” tại lớp, các học viên còn trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau tạo thành một tập thể gắn bó, khăng khít đầy nghĩa tình. Thỉnh thoảng, thầy Hoàng Xuân Việt còn mời các anh chị là học trò cũ, nay đã thành đạt, đến để nói chuyện cũng như phổ biến những kinh nghiệm thực tiễn ở “trường đời” đầy bổ ích.
Bài giảng ở lớp “Học làm Người” thường là những câu danh ngôn, những kinh nghiệm sống, những quyển sách hay mà thầy Việt đã tích góp từ chính cuộc đời – trong gia đình và ngoài xã hội Thầy nêu ra chủ đề để mọi người phát biểu và mổ xẻ vấn đề, sau đó thầy đúc kết lại giá trị nhân bản được kết tinh trong đó. Riêng những môn học mang tính chuyên môn như: đào tạo MC, thuật rèn bút, thuật hùng biện thì thầy để mỗi học viên tự mày mò và tự sáng tạo. Có người lần đầu tiên đứng trước đám đông thuyết trình về một đề tài nào đó thường hay ấp úng, đã được thầy động viên và hướng dẫn nên tiến bộ rất nhanh
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20/11, nhiều học giả, nhà văn, nhà hảo tâm, và cả những người quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội ở thành phố thường hội tụ dưới mái trường Hán Nôm Nguyễn Trãi để cùng với thầy ôn lại những kỷ niệm, đóng góp những ý kiến và xây dựng cho ngôi trường ngày một tươi đẹp hơn.
Khi nói về mình, thầy Hoàng Xuân Việt chỉ xin gởi tâm niệm của bản thân: “Nguyện suốt đời cống hiến cho lớp “Học làm Người”, để được làm một cánh én nhỏ đóng góp vào mùa xuân đổi mới của đất nước...".
Thanh Tân – Bá Dũng
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý