Ốc đảo ai-ti
Xứ sở Tình Tang được thiên nhiên ban đãi, có thắng cảnh tự nhiên đẹp mê hồn như hoa hậu hoàn vũ,bãi biển trải dài quanh năm sóng vỗ, nước trong veo.
Người Tình Tang nổi tiếng khắp thế giới là cần cù, thông minh, sáng tạo và rất giỏi ai-ti (IT - công nghệ thông tin). Họ còn nổi tiếng về mức độ tình thương mến thương nhà đầu tư nên chỉ lấy tiền lương giá phải chăng - một cách nói tu từ của lao động giá rẻ. Bất cứ du khách nào đến Tình Tang đều chung nhận xét: “ồ, tốt, tốt. Dân nước này chăm chỉ, sáng tạo và rất giỏi ai-ti.” Hỏi nhà đầu tư: "Vì sao chọn Tình Tang?", ai cũng trả lời: "Môi trường đầu tư tuyệt vời, lương 1 lập trình viên (LTV) bên nước tôi đủ trả cho 20 LTV ở Tình Tang" . Tiếng lành đồn xa. Hàng ngàn doanh nhân tầm cỡ khắp thế giới, trong đó có nhiều gã khổng lồ ai-ti, tìm đến Tình Tang nghiên cứu thị trường, tìm cơ hội đầu tư rất đông. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Mi Co, Ga Ru, Hu Da, Teo Chip... muốn đến xứ này phải đặt vé trước 6 tháng mới có chỗ trên chuyến bay của Tình Tang Airlines.
Bộ Quốc học xứ Tình Tang cũng kịp thời tuyên bố: Thừa sức cung cấp LTV và chuyên viên ai-ti cho 30 tập đoàn cỡ như Mi Co. Đó là chưa kể phủ, huyện nào ở Tình Tang cũng trải thảm đỏ đón nhà đầu tư hai tếch (hi-tech: công nghệ cao) với công viên phần mềm khu công nghệ cao được mọc lên như nấm.
Quá hấp dẫn. Chưa có môi trường đầu tư nào tuyệt vời như thế!
Tập đoàn Teo Chip xây dựng một nhà máy hoành tráng ở Tình tang, báo chí xứ này đua nhau giật tít Tình Tang quê ta nay đã có tên trên bản đồ hai tếch thế giới". Dân Tình Tang đọc báo, ai cũng thấy lòng phơi phới, hừng hực khí thế xông vào ai-ti. Dự án của Teo Chip mở đường cho hàng loạt đại gia ai-ti khác như Hu da, Ga Ru... vào Tình Tang mở văn phòng, dựng dự án, kéo theo nhu cầu tuyển dụng chuyên viên ai-ti khổng lồ. Các tập đoàn hai tếch bên tây chắc mười mươi nhân lực là chuyện nhỏ như con thỏ vì đã có bộ Quốc học Tình Tang cam kết "bao nhiêu dự án cũng có đủ người làm việc".
Khi nhà máy Teo Chip mọc lên, hãng này hăm hở chạy quảng cáo tuyển dụng nguyên trang trên nhật trình Tuổi Ô Mai uy tín nhất xứ Tình Tang. Quả như Bộ Quốc học đã cam kết, hồ sơ ứng tuyển nộp vàn ào ạt, chất hàng đống. Chỉ có điều lạ là hồ sơ nào cũng na ná nhau. Tất cả đều được trình bày đẹp cả nội dung lẫn hình thức như một bài văn mẫu. Các quan chức Teo Chip khấp khởi mừng thầm. Ngày tuyển mộ của Teo Chip rộn ràng như trẩy hội. Bên ngoài các ứng viên hớn hở nói cười, bên trong các chuyên viên nhân sự mồ hôi vã ra như tắm vì số lượng ứng viên quá đông. Hóa ra, hồ sơ nhân sự toàn là những lời có cánh, còn thực tế trình độ lại khác xa. Không biết họ học hành thế nào mà bằng cấp rất nhiều nhưng lại không biết làm chuyện gì cụ thể cả. Hơn 1.000 người ứng thí, Teo Chíp vớt vát lắm chỉ chấm đậu 40 người vào thử việc. Từ dự án hoành tráng ban đầu , Teo Chip phải chuyển công năng nhà máy sang đóng gói bao bì cho sản phẩm loại nhỏ, chứ nếu làm sản phẩm loại lớn thì lấy đâu ra người để làm.
Tuy vậy, chuyện nhân lực chưa đủ làm nản chí các đại gia công nghệ. Không lâu sau, họ tán loạn tháo chạy khỏi Tình Tang, không hẹn ngày trở lại.
Số là cùng với làn sóng đại gia ai-ti, hai tếch khắp nơi trên thế giới dồn về, các công ty bản xứ cũng thi nhau mọc lên, chạy đua tung các sản phẩm nhái kiểu "Mi Co Tình Tang, Ga Ru Tình Tang, Hu Da Tình Tang. . . ", đòi thay cho sản phẩm ngoại với phương châm "người Tình Tang dùng hàng Tình Tang" kèm theo hàng loạt tuyên bố nảy lửa, như "đánh bại Hu Da", "hất cẳng Ga Ru”..., khiến các đại gia nước ngoài xanh mặt.
Trước nguy cơ đó, bộ phận nghiên cứu thị trường của các tập đoàn nháo nhào. Báo cáo khẩn tới tấp gửi về tổng hành dinh xin rút quân sớm, kẻo sa lầy như quân Mỹ ở lraq. Sợ sa vào cánh “thập diện mai phục", những gã khổng lồ hốt hoảng tháo chạy khỏi Tình Tang, nhường sân cho các công ty bản địa.
Một mình một chợ, các công ty bản địa vốn ngày nao sát cánh bên nhau chống ngoại binh, nay xoay ra đánh nhau chí tử, mạnh ai nấy phá giá, dắt tay nhau cùng... sập tiệm hoặc sống lây lất qua ngày. Số khác nhanh nhảu hơn, nhảy qua kinh doanh cái gọi là "công nghiệp nội dung số". Quanh đi quẩn lại chỉ có dân Tình Tang dụ dỗ bán cho người Tình Tang những thứ không bán được cho ai . Từ đó, chẳng mấy chốc, xứ Tình Tang lại nổi danh như cồn là ốc đảo ai-ti duy nhất trên thế giới phẳng phiu này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005