Ngày nghỉ của đàn ông
Ngày nghỉ là ngày để nghỉ. Ngày nghỉ là của tất cả mọi người: đàn ông, đàn bà, trẻ con… thậm chí là ngày nghỉ của cả chó và mèo. Vậy mà ngày nghỉ là những ngày hết sức vất vả và mệt mỏi đối với đàn ông - Trích sách Phong độ đàn ông (Phan An, Bách Việt Books)
Tên sách: PHONG ĐỘ ĐÀN ÔNG
Tác giả: Phan An
Phát hành: Bách Việt Books & NXB Hội nhà văn
*****
NGÀY NGHỈ CỦA ĐÀN ÔNG
Ngày nghỉ là ngày để nghỉ. Ngày nghỉ là của tất cả mọi người: đàn ông, đàn bà, trẻ con… thậm chí là ngày nghỉ của cả chó và mèo. Vậy mà ngày nghỉ là những ngày hết sức vất vả và mệt mỏi đối với đàn ông.
Những ngày vất vả và mệt mỏi có thể bắt đầu ngay từ đêm hôm trước, khi vợ trằn trọc: Anh ơi, em nóng. Nóng thì bật điều hòa nhiệt độ. Điện ban đêm rẻ hơn điện ban ngày. Vợ trằn trọc một lúc rồi lại bảo: Anh ơi, em lạnh. Lạnh thì tắt điều hòa nhiệt độ. Điện ban đêm rẻ hơn điện ban ngày nhưng tắt điều hòa nhiệt độ là rẻ nhất.
Vợ trằn trọc một lúc rồi lại bảo y như trong phim hay như trong mơ: Anh ơi, em muốn đàn ông. Chẳng lẽ lại bảo: Giờ này thì lấy đâu ra đàn ông bây giờ? Rõ ràng không thể bảo: Ngày mai có cuộc họp quan trọng lắm, anh đang phải suy nghĩ chuẩn bị. Ngày mai là ngày nghỉ.
Sáng hôm sau, như thể sau chuyến xe bão táp, vợ muốn đi siêu thị, đi mua sắm, con muốn đi công viên (Công viên nước và Công viên cạn)… Có thể còn nhiều việc thú vị hơn chờ đón đàn ông: sửa điện, sửa nước, sửa đồ gỗ, dọn nhà, lau nhà, thau bể, thông cống, hút bể phốt… tùy sức tưởng tượng phong phú của ông đốc công trong ngày nghỉ có tên là vợ. Có thể còn có những phương án hay hơn đang chờ đón đàn ông: đi thăm ai đó, đi ăn cơm ở nhà bố mẹ anh chị em… vân vân và vê vê.
Tóm lại, nếu mất cảnh giác, nếu không có sự định hướng đúng đắn, ngày nghỉ của đàn ông sẽ thành một cơn ác mộng, ngày nghỉ mà đàn ông không hề được nghỉ ngơi. Sau ngày nghỉ đàn ông sẽ mệt nhoài, còn sức đâu mà cống hiến, còn sức đâu mà đi cứu thế giới, còn sức đâu mà làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Hiến pháp Mỹ có câu: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, có quyền hưởng hạnh phúc". Và có quyền nghỉ ngơi vào ngày nghỉ. Tất nhiên trên đời này quan trọng nhất là trẻ con, đàn bà, chó mèo rồi mới đến đàn ông nhưng dẫu sao đàn ông cũng cần được nghỉ ngơi vào ngày nghỉ. Đàn ông chúng ta ai cũng có trách nhiệm, ai cũng yêu thương gia đình. Nhưng đàn ông chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi vào ngày nghỉ để có sức lực mà trách nhiệm, mà yêu thương gia đình.
Ngày nghỉ, đàn ông nên đưa gia đình đi ăn sáng, uống café. Sau đó đi chơi thể thao. Nếu đi bơi thì cho cả gia đình đi bơi. Nếu đi đánh tennit thì cho cả gia đình đi đánh tennit. Nếu con đã lớn một chút có thể nhân dịp này dạy con bài giáo dục công dân thực hành nghĩa là thuê con nhặt bóng, để con vừa biết giá trị của đồng tiền, vừa có tiền tiêu vặt, vừa khỏe.
Trong một buổi, vợ yên tâm nhìn thấy chồng trong tầm mắt của mình, trong tầm kiểm soát của mình, ảo tưởng này sẽ có tác dụng như liệu pháp tâm lý để trong tuần đàn ông có đi biền biệt cũng chẳng sao.
Ngày nghỉ, đàn ông nên đưa gia đình đi chơi xa. Nếu định đến thăm ai, đến nhà ai ăn cơm có thể rủ đi cùng. Thế là đỡ phải rồng rắn lên mây, ngày nghỉ này đến ăn ở nhà này, ngày nghỉ sau lại phải mời đến đáp lễ, nghỉ ngơi gì mà chỉ toàn ăn với uống…
Hướng giải quyết vấn đề đại thể là như vậy, nghĩa là ngày nghỉ đàn ông phải nghỉ ngơi và cho gia đình nghỉ ngơi cùng. Còn tùy công việc, tùy thời gian, sở thích của đàn ông chúng ta mà có thể sắp xếp, lựa chọn hình thức nghỉ ngơi thích hợp. Theo cách này, ngày nghỉ vợ sẽ không đòi đi siêu thị, đi mua sắm mà sẽ phải chủ động đi siêu thị, đi mua sắm từ trước – để còn nhân tiện mua cái gì để đi chơi xa mang đi ăn…
Các việc sửa điện, sửa nước, sửa đồ gỗ, dọn nhà, lau nhà, thau bể, thông cống, hút bể phốt… không có việc gì khó, không làm được thì thuê. Nếu không đừng được thì có thể làm vào chiều ngày nghỉ đầu tiên. Nhưng buổi sáng ngày nghỉ đầu tiên nhất thiết phải tạo đà, phải nghỉ ngơi thực sự.
Và ngày nghỉ sinh ra là để đàn ông chúng ta tiêu tiền. Hãy tiêu tiền vì gia đình. Tiêu tiền để trong tuần lại kiếm. Đó cũng là một liệu pháp tâm lý, một cách tạo động lực, tạo niềm vui cho cuộc sống.
Mong sao sau ngày nghỉ, được nghỉ ngơi thực sự, đàn ông chúng ta sẽ tươi rói như những quả dưa chuột, chúng ta sẽ trách nhiệm, yêu thương và cống hiến. Chúng ta sẽ cứu thế giới, chúng ta sẽ làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Cả vào ngày nghỉ.
Phan An
Vài nét về tập sách PHONG ĐỘ ĐÀN ÔNG
Ngay trong phần đầu sách, Phan An đã viết: Khi gặp đàn bà, có rất nhiều thứ để khen: khen đẹp, khen xinh, khen trẻ, khen gầy đi, khen béo ra… Không thấy có gì khen được trong những thứ để khen kể trên thì có thể chuyển sang khen áo, khen túi… Khi gặp đàn ông, thường chỉ có một câu khen - phong độ: "Dạo này anh phong độ thế!" Phong độ đàn ông được Phan An viết theo lối tản văn, văn phong khoáng đạt, cá tính, câu từ sử dụng tương đối chuẩn xác. Vì nhà văn viết theo cảm hứng về đàn ông và các vấn đề trong cuộc sống nên nếu đọc riêng mỗi phần đọc có thể cảm thấy rất thú vị, nhưng khi gom tất cả các phần lại với nhau lại dễ gây cảm giác dàn trải. Mặt khác, người đọc sẽ mong muốn các bài viết được sắp xếp logic hơn để có thể theo dõi được mạch viết, ý tưởng và từng chủ đề của tác giả. Với các chủ đề khác nhau diễn ra xung quanh cuộc sống của đàn ông như: Khi đàn ông vỡ chạn, Đàn ông và tình ảo, Khi đàn ông không gọi điện, Đàn ông và hàng hiệu, Đàn ông và xe, Đàn ông đi café, Đàn ông nuôi con gì, Đàn ông và tự phục vụ, Đàn ông và hàng rong, Đàn ông và phim, Hình như đàn ông là mưa… hướng về sự nhạy cảm. Những quan niệm (và có lẽ là cả những... trải nghiệm) về "phong độ đàn ông" của chính tác giả được thể hiện tự nhiên, nhẹ nhõm và hài hước. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005