Lưu Quang Vũ - Những chuyện ít người biết
Tôi may mắn được quen Lưu Quang Vũ ấy là khi làm phóng viên viết về lĩnh vực sân khấu. Trong lần đến Nhà hát Kịch Trung ương, giám đốc nhà hát lúc ấy là NSND Mạnh Linh bảo viết về sân khấu thì nên gặp Lưu Quang Vũ, hiện đang là tác giả tung hoành sân khấu từ Bắc vào Nam.
1. Ở Hà Nội, ngôi nhà 96 Phố Huế (còn gọi là nhà Lục quốc) - đối diện với chợ Hôm - và ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học là hai ngôi nhà quần tụ nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của cả nước. Hai căn phòng trên tầng 3, mỗi phòng khoảng 6-7m2, là nơi ở và làm việc của vợ chồng nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.
Hai căn phòng đầy sách, đồ đạc chẳng có gì; căn phòng phía trong dán đầy kín tường là các tờ chương trình vở kịch của Lưu Quang Vũ đã và đang công diễn - cũng là nơi làm việc của anh; phòng bên ngoài thường là nơi tiếp khách khứa, bạn bè. Mọi người đến chơi đều được mời ngồi trên mấy mét vuông nền nhà còn trống, góc nhà không thể thiếu chiếc điếu cày.
Nhà thơ-nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (bìa phải) và tác giả bài viết (ảnh chụp năm 1987 tại căn phòng làm việc của Lưu Quang Vũ)
Lưu Quang Vũ thích hút thuốc lá 555 nhưng thỉnh thoảng vẫn thú “bắn” thuốc lào. Nhiều buổi, bên phòng này Lưu Quang Vũ tiếp khách kịch, phòng kia Xuân Quỳnh tiếp khách thơ… Từ ngày Lưu Quang Vũ nổi tiếng trong làng kịch, khách đến với anh không chỉ bạn bè văn chương, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo, giới kịch nghệ ở Hà Nội mà còn tấp nập nghệ sĩ, cán bộ, diễn viên của các đoàn kịch hầu như ở mọi địa phương tìm đến để xin vở, đặt vở.
Quãng đầu năm 1988, một đoàn kịch của Hà Nội nổi như cồn cũng nhờ một số vở kịch của anh do đoàn dàn dựng đã hàng ngày, từ 7g sáng cử một nam diễn viên đến nhận vài trang bản thảo về cho đoàn tập.
Cho đến hôm nay cũng không lý giải được sức làm việc phi thường của Lưu Quang Vũ. Chỉ trong khoảng gần mười năm tỏa sáng, tạo nên “Hiện tượng Lưu Quang Vũ”, anh đã viết khoảng trên dưới 50 vở kịch và vẫn làm thơ, viết truyện. Điều lạ kỳ là anh vẫn có mặt thường xuyên ở nhà hát này, đoàn nọ theo dõi dựng vở, công diễn; vẫn rất quảng giao với bạn bè chỗ này chỗ kia... Cũng không thể hiểu nổi Lưu Quang Vũ viết vào lúc nào và nạp nguồn năng lượng thông tin thế nào mà anh có sức viết quá dồi dào, nhanh nhạy, bén sắc cùng tầm tư duy sâu sắc như thế. Gần như mỗi vở kịch của anh được dàn dựng và công diễn đều trở thành những sự kiện của sân khấu nói riêng, đời sống nói chung.
2. Tôi được anh coi như chú em nên thường kéo tôi đi theo chỗ này chỗ kia, trong đó có nhà họa sĩ Doãn Châu - lúc ấy là Trưởng phòng Nghệ thuật, sau là Giám đốc Nhà hát kịch Trung ương. Thường ở nhà Doãn Châu mọi người hào hứng, say sưa bàn luận, trao đổi về sân khấu, về những chuyện đời sống và thi thoảng ai đó khoe thông tin mới về một điều gì đó hầu có thể gợi ý giúp Lưu Quang Vũ trong sáng tác kịch. Anh ngồi nghe hết, thỉnh thoảng có những câu, những chuyện kể hết sức dí dỏm.
Cái không khí sân khấu cách đây hơn 20 năm thật tuyệt vời. Mỗi vở diễn, đặc biệt vở của Lưu Quang Vũ ra mắt khán giả đều được dư luận háo hức đón đợi, báo chí quan tâm; kiếm được đôi vé xem kịch ngày đó cũng thật khó khăn. Rồi không khí làm việc trong các đoàn nghệ thuật, trong đội ngũ nghệ sĩ diễn viên cũng hừng hực, say nghề... Nhiều hôm trong ngôi nhà của họa sĩ Doãn Châu - những lúc không có Lưu Quang Vũ - đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và họa sĩ Doãn Châu nói với tôi: “Vũ là một tài năng hiếm có, những vở kịch của Vũ sâu sắc, có tầm triết lý, nói trúng những vấn đề “tâm trạng” của thời đại, đồng thời ẩn chứa những cảnh tỉnh và dự báo xã hội, nhưng lại đầy nhân ái. Con người Vũ cũng vậy, nhân ái lắm”.
Những vở kịch của Lưu Quang Vũ viết đa số là những vấn đề của thời đại, nhân vật của anh vừa mang hơi thở đương thời vừa sâu sắc, thâm trầm và dự báo xã hội... Bởi vậy nên đương thời người ta mê kịch của Lưu Quang Vũ, kịch của Vũ nói hộ rất nhiều điều mà xã hội lúc ấy không dám nói và bị coi là cấm kỵ.
Vở kịch Tôi và chúng ta, gạt đi lớp vỏ thời sự thì một tầng ngầm ý nghĩa vẫn còn vẹn nguyên cho đến hôm nay: đó là chỉ khi cái tôi trong sáng, lành mạnh được phát huy, được thăng hoa thì mới làm nên được cái chúng ta lớn lao. Cũng chính bởi sự “gai góc” trong các vở viết của anh mà khi dàn dựng được đã là một thành công, đến khi tổng duyệt và công diễn được mới thực sự là tiếng thở phào nhẹ nhõm của những người dựng vở và tác giả.
3. Những ngày đó, hình ảnh Lưu Quang Vũ quá đỗi thân quen với bạn bè và nhiều người: quần bò, áo phông cộc tay bỏ ngoài quần, chân đi đôi giày sục, cưỡi trên chiếc xe đạp Liên Xô rong ruổi đến chỗ này chỗ kia, vai thường đeo chiếc túi vải trong đựng bản thảo đang còn dang dở. Tối, anh thường đến nhà hát này, đoàn kia xem diễn. Anh đến lặng lẽ như một khách xem bình thường rồi đứng ở chỗ khuất quan sát động thái của khán giả đối với vở diễn của mình. Có tối, anh đi 2, 3 điểm diễn; có những đêm xem diễn xong mấy anh em lại kéo nhau đi ăn ở quán phở phố Trần Quý Cáp, rồi trò chuyện, bàn thảo đến 1, 2g sáng.
Cho đến trước khi mất, Lưu Quang Vũ vẫn đau đáu hai ước mơ nhỏ mà hôm nay một người nông dân bình thường cũng thừa sức thực hiện được. Thứ nhất là có một chiếc xe máy để tiện chạy chỗ này chỗ kia trong thành phố, đỡ phải lọc cọc xe đạp lâu và mất thời gian; thứ hai là có chiếc máy điện thoại riêng ở nhà, cũng để khỏi phải nay đi Hải Dương, Hải Phòng mai đi Bắc Giang, Nam Định... chỉnh sửa vở đang dựng của các đoàn. Giai đoạn cuối đời anh đã sắm được chiếc xe máy Peugeot 103, còn điện thoại vẫn là… giấc mơ.
Trước khi Lưu Quang Vũ mất khoảng 2 tháng, trong một lần trò chuyện tại căn phòng chật chội của anh, sau khi rít một hơi dài thuốc lào, ngửa mặt phả khói, anh bảo: “Có lẽ mình viết một vài vở nữa rồi thôi, chuyển sang viết tiểu thuyết”. Không một ai có thể ngờ được, Lưu Quang Vũ đột ngột ra đi ở tuổi 40, khi sức sáng tạo của anh đang thăng hoa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn