Những ẩn dụ của chủ nghĩa tư bản

05:51 CH @ Thứ Bảy - 04 Tháng Tư, 2015

Thế giới hôm nay đang diễn ra cuộc đụng độ quyết liệt và phức tạp giữa nhu cầu thẳm sâu dai dẳng của những khát vọng văn hoá, đạo đức, tâm linh với quyền lực ngày càng tinh vi và bất khả kháng của đồng tiền. Sự đụng độ này diễn ra đặc biệt rõ rệt trong các nước thuộc thế giới thứ ba, trong đó có Việt nam. Vũ điệu của đồng tiền lấp lánh ánh sáng văn minh phương Tây lướt qua cuộc sống của các xã hội phi phương Tây làm biến đổi mãnh liệt về văn hoá, làm biến dạng và huỷ diệt những chiều kích tâm hồn rất riêng trong giao tiếp, chơi đùa, nghệ thuật, nghi lễ và huyền thoại…

Sự áp đặt và lây nhiễm ẩn dụ

Mỗi dân tộc, mỗi cá nhân đều mắc bẫy trong những ẩn dụ riêng, vướng mắc vào những mạng lưới ý nghĩa mà những cộng đồng, những cá thể tự giăng mắc cho mình, ở đó, nó vừa cảm thấy cuộc đời trở nên có ý nghĩa và đầy sinh khí, lại vừa thấy chật chội và tù túng muốn cải cách, đổi thay.

Quá trình đối thoại giao lưu và hội nhập đã giúp cho các dân tộc hình thành ý thức khoan dung văn hoá, đưa tới những cơ hội lành mạnh cho sự canh tân, biến đổi về văn hoá như là một quá trình sáng tạo ra những ý nghĩa mới, những tập tục mới, những cấu trúc tinh thần mới. Những cái mới nảy sinh đần dà từ sự vận động tự thân đó được toàn thể cộng đồng tự nguyện chấp nhận vì nó vẫn là một phương cách riêng của cộng đồng nhằm mở rộng và phát triển thế giới biểu trưng và ý nghĩa của chính mình. Nhưng những sứ giả của chủ nghĩa tư bản mang cảm hứng mãnh liệt về lợi nhuận không chấp nhận những bước đi chậm chạp vòng vo ấy. Tiến trình hội nhập toàn cầu hoá là con đường tất yếu mở ra nhiều triển vọng phát triển cho các dân tộc, nhưng cũng là tiến trình kèm theo sự áp đặt, sự lây nhiễm cái ẩn dụ khíếp đảm của chủ nghĩa tư bản trong mọi ngõ ngách của thế gian.

Ẩn dụ chính của chủ nghĩa tư bản là xem thế gian như một thị trường, tất cả đất đai, con người, linh hồn, thần thánh, đức tinvà nghi lễ đều có thể mua bán được.

Từ bao đời nay, phương Tây không bao giờ nguôi ngoai cái khát vọng bao thầu sự đổi thay văn hoá của toàn nhân loại để áp đặt cái ẩn dụ sâu thẳm ấy của mình. Nếu như trước đây, phương Tây phải gieo cấy văn minh và áp đặt văn hoá một cách công phu, kiên nhẫn nhọc nhằn bằng bạo lực của các đội quân viễn chinh, bằng sự tận tâm của những nhà truyền giáo và lý lẽ của các nhà khoa học, thì giờ đây, đồng tiền đã thâu tóm mọi quyền lực và trí tuệ của sen đầm, thầy tu và bác học. Các chính khách hiếu chiến, các thầy tu sùng đạo kính Chúa cùng các học giả tự tin vào tri thức và trí tuệ giờ đây cũng nhiều khi trở thành những nô lệ của đồng tiền, trở thành kẻ làm thuê trong gói thầu đổi thay văn hoá của toàn nhân loại. Thời đại ngày nay là thời điểm mà con người với vũ trụ ý nghĩa thiêng liêng và tinh tế của nó bị các quyền lực chính trị, kinh tế và văn hoá có nguồn gốc tư bản quăng ra giữa phiên chợ toàn cầu để cân đong đo đếm, mặc cả, ép giá, mua bán và đổi chác như một món hàng.

Khi đồng tiền lên ngôi như vậy, nó tước đi quyền lựa chọn văn hoá của các cộng đồng trong quá trình tồn tại và phát triển. Nó không sử dụng hệ tư tưởng với những chuỗi logic và hệ thống cồng kềnh phức tạp để điều tiết đời sống nhân loại như ngày xưa. Nó đưa truyền thông lên ngôi vị những nhà truyền giáo mới để hướng sự quan tâm của con người vào hàng hoá phương Tây và lối sống phương Tây. Truyền thông hiện đại ngày càng có vai trò như một hệ tư tưởng mới hướng đạo xã hội không bằng thuật hùng biện, logic và quyền lực, mà bằng ấn tượng về những giá trị hiển nhiên qua quảng cáo, lăng xê áp đảo về hình ảnh, biến người xem thành một khách hàng mang khát vọng hưởng thụ một cuộc sống giàu sang, đầy đủ tiện nghi.

Một số nhà xã hội học, tương lai học phương Tây như Alvin Tofler, Zbignew Brzezinxki cũng đã đề cập tới sự hình thành đế quốc văn hoá, vai trò hệ trọng của văn hoá trong công cuộc bá chủ toàn cầu. Theo họ, chính sự bành trướng và xâm nhập của văn hoá phương Tây qua hội nhập kinh tế và các phương tiện truyền thông đại chúng đã tạo nên trong những người dân các nước phi phương Tây một mặc cảm tự ti về văn hoá và một tâm lý vọng ngoại, bắt chước phương Tây một cách triệt để từ các mô hình tổ chức, các lối sống, các kiểu dáng, các bố cục đến các cách cảm, cách nghĩ, cách chơi đùa và cách yêu đương. Mặc cảm tự ti này sẽ xói mòn các biểu tượng văn hoá dân tộc, phá huỷ lòng tự hào dân tộc từ đó hình thành thái độ mất gốc, nô lệ về văn hoá.

Nhưng đáng sợ hơn, những người bị những ẩn dụ của chủ nghĩa tư bản bắt làm tù binh sẵn sàng phá huỷ các di sản, các biểu tượng văn hoá thiêng liêng của dân tộc, buôn bán cả tổ tiên, thần linh của chính mình để làm giàu và để vinh thân. Họ trở thành những con thú ăn thịt chính mình và con cái mình mà không biết.

Mã số hạnh phúc riêng và sứ mệnh của người trí thức.

Nhà thơ nữ người Mỹ Yana Jine đã nhận xét: “Chúng ta đang bước vào thời đại tầm thường nhất trong các thời đại”. Đây là một phán quyết nghiêm khắc, nhưng không phải là một phản ứng cảm tính cực đoan. Chính sự thống trị ở mức độ cao chưa từng thấy của ẩn dụ tư bản chủ nghĩa đã tạo nên sự tầm thường của thời đại ngày nay. Chúng ta có thể thấy rõ sự tầm thường đó trong bao sự việc diễn ra ngay cạnh mình, trên đất nước mình trên nền tảng của những thực trạng xã hội đáng báo động đỏ: Sự xuống cấp về đạo đức, sự rạn nứt gia đình, sự hỗn loạn tạp nham về sinh hoạt văn hoá, sự sa sút về y đức, sự bất lực của các cơ quan hành pháp, sự hình thành các thế lực theo kiểu mafia đứng ngoài, đứng trên luật pháp, sự sám hối và gục ngã của một số anh hùng.v.v.

Sau gần ba thập kỷ đổi mới và hội nhập, có lúc Việt nam đã mang dáng dấp một con rồng nho nhỏ của Á Ðông. Nhưng có thể nói chúng ta cũng đang đối diện với những thách thức lớn về văn hoá. Liệu con rồng Việt Nam trong tương lai là con rồng của Vua Hùng, hay chỉ là một con rồng nhân bản từ tế bào của những con rồng, con quạ khác? Sự mở mang đời sống văn hoá làm phong phú đa dạng thêm vốn ấn tượng và biểu tượng trong tâm thức trên cơ sở bảo tồn và củng cố các mẫu gốc của văn hoá dân tộc hoàn toàn khác với sự phá vỡ và thay thế các biểu trưng, các chuẩn mực giá trị truyền thống bằng những biểu trưng và chuẩn mực ngoại lai. Khi đã mất gốc, nô lệ về văn hoá, người ta sẵn sàng chà đạp lên các di sản văn hoá vì những lợi ích vị kỷ và thiển cận.

Nếu văn hoá là tiếng thì thầm sâu kín trong tâm thức của một cộng đồng thì tíếng thì thầm đó giờ đây đang có nguy cơ bị lấn át bởi tiếng thét lác ra oai của đồng tiền trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng chúng ta không thể bi quan sợ hãi mà lui bước chần chừ trên con đường đổi mới và hội nhập. Vì tiếng thì thầm sâu kín của văn hoá cộng đồng đó không bao giờ chịu lặn tắt một cách dễ dàng. Các học giả nghiên cứu về nhân học của Mỹ nhận xét rằng phần lớn lịch sử đương đại của nhân loại có thể được giải thích như là những cố gắng của các dân tộc nhằm duy trì đời sống xã hội có ý nghĩa trước những thay đổi về văn hoá do ngoại nhân đem lại. Lịch sử nhân loại cho thấy tín ngưỡng tôn giáo và quyền lực thế tục có nguồn gốc phương Tây khi được áp đặt vào các xứ sở khác rốt cuộc thường dẫn đến những phản kháng chống lại những kẻ áp đặt. Tổng giám mục Tutu ở Châu Phi và các nhà thần học giải phóng ở châu Mỹ La tinh là những ví dụ nóng hổi về những người bị phương Tây truyền giáo đã biến chính những thông điệp Cơ đốc giáo thành công cụ chống lại phương Tây.

Mỗi dân tộc có một ẩn dụ riêng như mã số ý nghĩa và hạnh phúc của chính nó. Ðem trí tuệ và quyền lực phá huỷ ẩn dụ này, tìm hạnh phúc và thành công trong sự tằm gửi trên những ẩn dụ ngoại lai, thì người trí thức rốt cục chỉ là kẻ vay mượn hạnh phúc, kẻ chế tác hào quang hiện đại cho sự suy đồi, tầm thường hoá của dân tộc mình. Trong bối cảnh đầy lo âu nhưng cũng đầy hy vọng hôm nay, người trí thức không chỉ đơn giản sao chép và phát triển những thành tựu khoa học kỹ thụật của phương Tây hay mê mải suy tư những kỹ nghệ làm giàu như một mốt thời thượng, mà phải biết lắng nghe đằng sau tiếng ồn ào chợ búa những thì thầm của Tổ tiên, thần thánh và cây cỏ, hơn thế nữa, như Quan âm Bồ tát, lắng nghe từ sâu thẳm lòng mình tiếng than van cầu cứu của chúng sinh. Trên thực tế, nhiều trí thức lớn lắng nghe được những tiếng thì thầm sâu thẳm này đã thành công rực rỡ trên con đường hiện đại hoá và hội nhập./.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đã đến lúc châu Á viết lại chủ nghĩa tư bản

    23/03/2014Chandran Nair (Quốc Thái dịch theo FT)Thành công của chủ nghĩa tư bản dựa trên sự tàn phá trong thế kỷ XX đã gây ra cuộc khủng hoảng của thế kỷ XXI: thảm họa biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Châu Á đang ở trung tâm cuộc khủng hoảng này.
  • Cuộc khủng hoảng tư tưởng của chủ nghĩa tư bản phương Tây

    16/07/2011Joseph E. StiglitzTôi là một trong số những người từng hi vọng rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ dạy cho người Mĩ (và cả một số người khác nữa) bài học về sự kiện là cần phải có nhiều công bằng hơn, nhà nước phải can thiệp nhiều hơn, và phải có sự cân bằng hơn giữa nhà nước và thị trường.
  • Chủ nghĩa tư bản thân hữu

    20/10/2010TS. Nguyễn Sĩ DũngNhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), TS Nguyễn Sĩ Dũng có bài bàn về chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thứ quan hệ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia...
  • 7 đại xu hướng 2010 - Sự Vươn Lên Của Chủ Nghĩa Tư Bản Có Ý Thức

    05/01/2010Bảy xu hướng lớn làm thay đổi công việc, đầu tư và cuộc sống của bạn. Chúng ta đang đón nhận một sự thay đổi trong kinh doanh – nhìn nhận một cách sâu xa thì đó là thành tựu của công nghệ thông tin và chính trị toàn cầu...
  • Đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa Tư bản của Max Weber

    23/07/2009Trần Hữu Quang - Bùi Văn Nam SơnQuyển sách mà độc giả đang cầm trên tay bao gồm công trình chính là "Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" mà Max Weber viết vào năm 1904-1905 (in trong "Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik", tập XX, 1904, quyển 1, tr. 1-54, và tập XXI, 1905, quyển 1, tr. 1-110), và có sửa chữa, bổ sung vào năm 1920.
  • Chủ nghĩa tư bản vượt xa hơn cuộc khủng hoảng

    17/03/2009Amartya Sen, TS. Nguyễn Quang A dịchCâu hỏi nổi lên gay gắt nhất bây giờ liên quan đến bản chất của chủ nghĩa tư bản và liệu nó có cần phải được thay đổi cuộc khủng hoảng đang lan rộng hay không? Một số người bảo vệ chủ nghĩa tư bản vô độ, những người chống lại sự thay đổi, tin chắc rằng chủ nghĩa tư bản bị đổ lỗi quá nhiều vì các vấn đề kinh tế ngắn hạn...
  • Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    29/09/2008Minh Bùi tổng hợpQuyển "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" của Max Weber, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, và cho đến nay có lẽ là quyển được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học. Tác phẩm này trở thành một tài liệu giáo khoa không thể thiếu trong các phân khoa học xã hội ở các đại học trên thế giới. Trong công trình này, Weber đi tìm nguồn gốc của sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản cận đại Âu châu nơi ethos và nền đạo đức khổ hạnh duy lý Tin Lành...
  • Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0

    11/03/2008Nguyễn Đình Huy dịchTrong Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0, Peter Barnes biện hộ cho cộng sản một cách thẳng thắn và dứt khoát. Đây là một cuốn sách cần thiết về một chủ đề hệ trọng... (Bill McKibben)
  • Xã hội mở: Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu

    08/06/2007George SorosNếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường và nhấn mạnh thái quá đến các giá trị thị trường, chủ nghĩa tư bản không thể đảm bảo tự do, dân chủ, và pháp trị; có thể, và nó đã dẫn đến những thảm hoạ như hai cuộc Chiến tranh Thế giới, các cuộc khủng hoảng tài chính. Vì sao chúng xảy ra? Làm sao có thể tránh được những thảm hoạ như vậy, hay chí ít làm nhẹ bớt tác động tai hoạ của chúng? Đó là những vấn đề Soros quan tâm.
  • Henry Ford – chủ nghĩa tư bản và kinh tế toàn cầu

    23/08/2005Trần Cao Dũng (sưu tầm)Vào năm 1914, Henry Ford, một trong những nhà công nghiệp vĩ đại nhất, nhà tư bản giàu có nhất, đã làm sững sờ cộng đồng kinh doanh Mỹ với lời tuyên bố rằng tất cả nhân viên của Ford Motor Company sẽ được trả lương gấp 2 lần so với mức lương của bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. ...
  • xem toàn bộ