Nhịn ở lời nói - "Vệ sinh tiếng Việt"
Hai bạn tình gọi nhau bằng mày tao, hai câu lại chửi yêu, mắng yêu một câu. "Đ. mẹ baby đáng yêu. Ai-mit-xinh-du (I'm missing You) "Phắn" ra "vòm" với ta nghe!".Nghe vừa sốc vừa thấy ngộ.
Vào mạng thấy cách anh chị chat với nhau bằng ngôn ngữ mạng quốc tế thì còn đau đầu hơn trăm lần. Nhưng mà họ thích như vậy, họ biểu cảm mày- tao-you-me như vậy. Có khác gì các cụ thời Tây thuộc địa đầy mồm toa-moa làm các cụ đồ Nho điên tiết mắng: "Học cho lắm vào rồi gọi ông bằng thằng, mày tao với cha mẹ!".
Bà cụ mang về 5 bức "thư pháp tiếng Việt" ngoằn nghèo, phát cho 5 dâu, rể bắt treo chỗ dễ đọc nhất trong nhà. Mười mấy dòng thơ lục bát "thất vận, không vần" về chữ nhẫn và sự nhẫn nhịn. Bài văn khuyên nhủ bố mẹ nhẫn nhịn con cháu, cháu nhẫn nhịn ông bà, chồng nhịn vợ, vợ nhẫn chồng, anh em nhẫn nhịn nhau và bạn bè nhẫn nhau, hàng xóm nhịn nhau... Đồng loạt là nhẫn nhịn ở lời nói.
"Cái búa ở trong miệng" không được dùng lung tung tuỳ tiện. Lời nói là cung tên bắn ra không thu về được. Ghét nhất là bọn độc mồm độc miệng. Nghĩa là mồm chúng nó, lời nói của chúng nó có thuốc độc chết người hoặc truyền bệnh nan y. Hỏi cụ sao lại tặng con cháu bài "thơ" ấy. Bà bảo nghe chúng mày nói với nhau vừa chối tai vừa lo lắng cho gia phong nhà mình. Nghe đài, xem báo thì sợ quá. Con lục tuần chửi mẹ bát tuần. Gọi mẹ là "mày", tự xưng là "ông" là "tao". Con cháu kiện bố mẹ, ông bà ra toà. Trước toà điềm nhiên gọi họ bằng "ông ta", "mụ ta", "hắn"... Đảo điên hết cả.
Từ lời nói tới hành động chỉ một gang tay. Nói mãi quen mồm. Nói một trăm lần "tao giết mày" thì rồi đến lúc hung hãn, say xỉn, uất giận là làm thật ! Con đánh mẹ, cháu bóp cổ bà... thì giời đất có dung tha được không! Bà ngân ngấn nước mắt làm em hoảng quá phải an ủi bà: Đó chỉ là số rất ít, là vô cùng hãn hữu, không phải phổ biến trong xã hội ta.
Nói với bà cụ vậy nhưng đêm nằm lòng em đau nhói chị ạ. Chả phải cá biệt nữa đâu. Dâu rể nhà này cử nhân, tiến sĩ mà nói chuyện với nhau, với bạn bè cũng gọi bố mẹ của vợ, của chồng là "thằng, con, lão ta, con mẹ ấy, bọn họ...". Chúng nó tưởng he, she, they tiếng Anh dịch ra tiếng Việt là thế đó! Người mình bây giờ sao hung hãn quá. Ra đường là nghe thấy mày tao, nói tục ghê tai, chửi thề, rủa xả nhau ngay chỗ đông người. Đụng quệt xe một tý là chửi xối xả và liền sau là thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Ngay nơi công cộng, công quyền từ bảo vệ, lái xe đến nhân viên nói cũng như chửi mắng dân tới làm dịch vụ công... đâu đâu cũng là rác rưởi ngôn ngữ.
Cô nói đúng. Ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, rác thải y tế, phóng uế bừa bãi ở ta là thậm tệ rồi nhưng chưa thậm tệ bằng rác ngôn ngữ. Người ta bây giờ không cảm thấy "bẩn mồm" khi nói nữa. Cần dấy lên một phong trào xã hội rộng lớn là "Giữ gìn vệ sinh lời nói. Giữ gìn vệ sinh tiếng Việt" thì thiết thực và cấp bách hơn kêu gọi "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". Nghe cao siêu và bất khả thi.
Các trường học từ mẫu giáo lên đại học, hội cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, hội doanh nhân, các liên hiệp các hội VHNT hay KHKT v.v và v.v... đều nên có tuần hay tháng "vệ sinh lời nói". Thí dụ như "Tháng không nói tục", "Tuần không chửi thề", "Ngày không cãi lộn" v.v... Đất nước ta sẽ tươi đẹp hơn biết bao nhiêu nếu không còn các thứ rác lời nói, rác ngôn ngữ độc hại, nhơ bẩn, nguy hiểm như bây giờ.
Xin tặng cô câu chuyện tu dưỡng sau đây. Xưa có một hiền nhân đắc đạo vui sống cùng trời đất và nhân quần. Học trò hỏi: Vì sao thầy không bao giờ làm điều ác và có thể an lạc vậy? Trả lời: "Ta không chỉ vệ sinh răng miệng mà vệ sinh cả lời nói. Nhịn ở lời nói là bậc thang đầu tiên đến với thiên đường. Bởi lời nói chính là thứ đại diện cho hành động. Chưa làm được thì nói cho "hả giận". Nhịn ở lời nói được rồi thì ta tập nhịn trong ý nghĩ. Quyết không nghĩ điều bậy, điều ác, điều xảo trá... Khi biết nhịn ở ý nghĩ rồi thì ta tập nhịn ở trong tâm. Tâm không chấp nhận cái ác, cái bậy, cái vô đạo đức nữa thì thanh thản. Khi đã nhẫn nhịn cả ở lời, ở ý, ở tâm thì việc ác, việc xấu làm sao mà bộc phát ra được nữa?".
Chính xác, phân tâm học hiện đại cũng đồng ý như vậy về xung lực của các ẩn ức và nguồn gốc tội ác.
"Vệ sinh tiếng Việt", "Vệ sinh lời nói" là quan trọng cấp thiết lắm thay. Là phương thuốc hữu hiệu phòng bệnh cho toàn xã hội ta đó!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh