Sách dạy tiếng Việt và tiếng Việt thật

02:54 CH @ Thứ Tư - 05 Tháng Tám, 2009

Đã mấy mươi năm nay có nhiều người, trong đó có bản thân tôi, đã viết khá nhiều để chứng minh rằng cái môn mà ta dạy cho học sinh và sinh viên dưới tiêu đề “Ngữ pháp tiếng Việt” thật ra chỉ là ngữ pháp tiếng Pháp với những câu thí dụ dịch rất sát từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, và nội dung của giờ “tiếng Việt” chỉ là học những quy tắc ngữ pháp của tiếng Pháp hay một thứ tiếng Âu châu nào đó, bất chấp những quy tắc này có tác dụng gì đối với việc nói và viết đúng tiếng Việt, thậm chí bất chấp cả những trường hợp nó trái ngược hoàn toàn với những quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt – những quy tắc vẫn thực sự chi phối lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt.

Những bài vở của chúng tôi tuy kể từ 1968 đã đăng khắp các tạp chí phổ thông cũng như chuyên ngành, suốt mấy mươi năm qua chưa bao giờ gây được một sự phản ứng dù tích cực hay tiêu cực từ phía các bạn đồng nghiệp. Nhìn chung, thái độ của các độc giả cùng ngành đều là cố tình im lặng, coi như chưa bao giờ có ai phát biểu ra những ý kiến ấy. Mãi đến những năm đầu của thế kỷ sau, nhân hai cuộc hội thảo về ngữ pháp tiếng Việt tổ chức ở Hà Nội và ở TPHCM, mới có một bài báo cáo phê phán ý kiến của chúng tôi về cấu trúc đề thuyết của câu, trong đó ai cũng có thể thấy rõ rằng tác giả hoặc đã quên hết những ý kiến được đem ra phê phán, hoặc chưa từng tìm hiểu những ý kiến ấy với một thái độ vô tư tối thiểu.

Thế nhưng bất kỳ người nào đã qua một quá trình đào tạo ngôn ngữ học nhất định khi lần giở một cuốn sách dạy tiếng Việt xuất bản ờ Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1945 cho đến nay đều có ngay một ấn tượng rất rõ: đó là mối mâu thuẫn gay gắt giữa tính đơn lập lộ rõ trên cách viết chữ dùng trong sách (với những khoảng cách ngăn câu ra thành từng âm tiết một), và cách miêu tả hệ thống ngữ pháp gần y hệt như ngữ pháp tiếng Pháp, tiếng Anh, hay tiếng Nga.

Chẳng lẽ tính đơn lập lại có thể đi đôi với một hệ thống ngữ pháp thuần túy Ấn Âu như thế? Chẳng lẽ sự tiếp xúc với tiếng Pháp, vốn bắt đầu chỉ cách đây chừng một thế kỷ, mà cũng chưa bao giờ vượt quá giới hạn của một số người ít ỏi có học tiếng Tây, lại có đủ thì giờ để làm cho một ngôn ngữ Nam Á đơn lập biến thành một ngôn ngữ khúc chiết Ấn Âu hay sao? Đó là một câu hỏi không thể không nảy ra trong tâm trí của một con người bình thường khi tiếp xúc lần đầu với sách dạy tiếng Việt.

Những điều trình bày trong bài này nhằm mục đích tìm hiểu xem các sách giáo khoa tiếng Việt đã dùng những biện pháp gì để thực hiện cuộc chuyển biến khó tưởng tượng này. Do những điều kiện thời gian, chúng tôi không thể dẫn hết những tài liệu được dùng làm căn cứ cho những ý kiến được trình bày dưới đây. Kính xin những vị nào muốn có tài liệu tham khảo tìm đọc những cuốn sách và những bài vở của chúng tôi (bản thân tôi và các tác giả như Nguyễn Đức Dương, Hoàng Dũng, Bùi Mạnh Hùng, Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Thị Ly Kha, Nguyễn Văn Bằng v.v. đều thuộc Hội Ngôn ngữ học TP Hồ Chí Minh).

1. Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập

Trong tiếng Việt, đơn vị cơ bản là âm tiết - hình vị, hay tiếng, chứ không phải là “từ”. Điều này GS Nguyễn Tài Cẩn đã viết từ lâu, căn cứ trên một lý thuyết rất cơ bản của các nhà đông phương học Liên Xô mà ngày nay cả thế giới đều chấp nhận. Nhưng không biết tại sao ở ta có những tác giả cho rằng một ngôn ngữ như thế là “không văn minh”, cho nên nhất quyết tìm cách chứng minh rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ “đa âm tiết”, trong đó có những từ đa hình vị như xe đạp, máy gặt đập liên hợp v.v... Những cố gắng anh dũng và tài tình mà các tác giả này đã dùng để chứng minh cho bằng được tính “đa tiết” của những "từ" như thế rất đáng cho ta khâm phục và tìm hiểu thật kỹ.

Trước hết ta thử theo dõi cách lập luận của các tác giả hữu quan. Họ đều công nhận rằng xe và đạp là hai từ. Nhưng xe + đạp không phải là hai từ, mà là một, vì nó có tính “thành ngữ”: ở đây “xe đạp không phải là thứ xe đi bằng cách đạp” (như xe xích-lô, xe ba gác) mà là một cái gì không thể trực tiếp suy ra từ hai chữ xeđạp.

Không thể hiểu được từ bao giờ tính thành ngữ lại được dùng để chứng minh rằng hai từ khi kết hợp với nhau lại thì lập tức trở thành một từ duy nhất, trong khi tất cả các từ điển đều định nghĩa thành ngữ là một tổ hợp gồm ít nhất là hai từ.

Các tác giả chủ trương thuyết này còn đi xa đến mức không công nhận rằng chữ xe chính là chữ xe, chữ đạp chính là chữ đạp của tiếng Việt: theo họ, đây là hai từ không rõ nguồn gốc chỉ vì tình cờ mà “đồng âm” với hai chữ xe đạp của tiếng Việt khiến cho nhiều người tưởng lầm xe đạp là một “thứ xe” thật. Và lạ thay, cách lập luận này hình như được toàn thế giới ngôn ngữ học của ta tán thành. Đủ biết mối ác cảm của họ đối với thuyết “đơn âm” mãnh liệt đến chừng nào.

Thật ra, lý do duy nhất để coi xe đạp như một từ đa tiết là: trong tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga, vélocipède, bécane, bicyclette v.v... đều là một từ. Vậy phải tìm đủ cách để chứng minh rằng tiếng Việt cũng không thua kém gì ba thứ tiếng kia, và xe đạp cũng phải là một từ đa tiết như ai mới được.

Phải nói rằng không phải ở ta mới có hiện tượng lạ lùng này. Trong một thời gian khá dài, ngay ở châu Âu cũng có người nghĩ rằng chemin de ferzheleznaja doroga (đường sắt) đều là những “từ”: sự lầm lẫn “từ” với “ngữ định danh” là một hiện tượng khá phổ biến trong giới sinh viên và giới nghiệp dư.

Ở ta, nó còn được tăng cường gấp bội do một sự xấu hổ đáng ngạc nhiên đối với những đặc trưng tiêu biểu của tiếng mẹ đẻ.

2. Tiếng Việt có “chủ ngữ ” không?

Từ những năm 30, nhà văn Đoàn Phú Tứ đã ra sức “đi tìm chủ từ” trong tiếng Việt của Truyện Kiềumà không sao tìm được. Năm 1965, Lawrence C. Thompson, tác giả cuốn Ngữ pháp tiếng Việttốt nhất của thời bấy giờ, đã nêu rõ và chứng minh rằng tiếng Việt không có Chủ ngữ (grammatical subject), mà chỉ có Chủ đề Lô-gích (logical subject). Đây là một điều hiển nhiên, vì trong tiếng Việt chỉ có Chủ đề lô-gích được ngữ pháp hoá – được đánh dấu bằng chữ thì. Nhưng sách dạy ngữ pháp ở nhà trường (NPNT), vốn sao chép từng chữ một từ sách ngữ pháp tiếng Pháp, cứ bạ đâu thấy có cụm từ Chủ Vị (sau khi thử dịch ra tiếng Tây) cũng gọi ngay đó là “câu phụ”, trong khi những cụm từ ấy ngay cả HS cấp một cũng thấy ngay là “bất thành cú”. Kết quả là HS không còn biết thế nào là câu, và lên đến đại học cũng viết ra những “câu” bất thành cú như thế.

Theo cách phân loại hình mới đối với các ngôn ngữ của thế giới (kể từ 1976, năm xuất bản cuốn Subject and Topic của Ch. Li và S. Thompson), tiếng Việt cùng với tiếng Hán, tiếng La Hu v.v. phải được xếp vào loại hình các ngôn ngữ Đề -Thuyết, trong đó Đề không được ngữ pháp hóa như Chủ ngữ của các ngôn ngữ Ấn Âu, nhưng lại được đánh dấu (khi cần thiết) bằng chữ thì. Làm Đề cho câu tiếng Việt có thể là bất cứ vai nghĩa nào, kể cả vai đối tượng của hành động (“bổ ngữ trực tiếp”) hay khung cảnh của sự tình (cf. Cơm đã dọn xong, Bàn lau rồi đấy, Hôm qua mưa, Tham thì thâm...).

Những đặc trưng loại hình học của tiếng Việt kéo theo những hệ quả quan trọng về ngữ pháp khiến cho nó khác hẳn các thứ tiếng phương Tây, trong đó có sự phân biệt về thái (voice) tức sự phân biệt ngữ pháp giữa “chủ động” và “bị động” (x. mục 6).

3.“Loại từ”

Một trong những sự ngộ nhận thô thiển nhất của NNH Âu châu là khái niệm “loại từ”. Từ 1883, Trương Vĩnh Ký đã biết đó thật ra là những danh từ chính danh, tiêu biểu nhất (vì chỉ sự vật đếm được). Và từ 1960, M. Halliday và hầu hết các nhà ngữ học dạy tiếng Anh đã loại bỏ hẳn khái niệm này ra khỏi lý thuyết ngôn ngữ học. Và chính GS Nguyễn Tài Cẩn, tác giả cuốn Từ loại danh từ trong tiếng Việt, trong phần phụ lục ở cuối sách đã viết rằng ngay sau khi viết ông đã thấy lý thuyết coi “loại từ” như một yếu tố phụ trợ cho danh từ là không đúng (đó chính là danh từ trung tâm). Lời đính chính này còn được ông công bố một cách hiển ngôn và đầy đủ hơn trong một vựng tập xuất bản ở Liên Xô (1967). Thế nhưng sách NPPT vẫn coi đó là một “từ loại” riêng thuộc loại hư từ vì nó “không độc lập”. Thật ra tính “không độc lập” chỉ là một cái cớ hoàn toàn hư ảo, vì trong tiếng Việt có hơn 100 từ cũng “không độc lập” như thế nhưng lại được coi là danh từ chỉ vì khi dịch ra tiếng Pháp thì thấy đó là những danh từ.

Công sức được bỏ ra nhiều nhất là khi phải làm việc này với những ngữ đoạn như: cái đẹp, cái hay, cái khó bó cái khôn, việc làm, sự thiên vị, phép cộng, phép trừ, cách xử sự. Vì đã trót coi các danh từ như: cái, sự, việc, phép là "hư từ" rồi, người ta đành phải coi mấy từ này như những yếu tố phụ trợ cho từ đi sau, trong khi vẫn thừa nhận cả tổ hợp là những ngữ đoạn danh từ, không nhận thấy rằng cách làm này mâu thuẫn với mọi nguyên tắc phân tích ngữ pháp: làm sao một yếu tố “phụ”, một hư từ lại có thể làm cho một yếu tố chính từ chỗ vốn là động từ (hay “tính từ”) có được tư cách danh từ?

Trong lý luận ngữ pháp đại cương (phổ quát), ai cũng thừa nhận rằng trong bất kỳ thứ tiếng nào trung tâm của một ngữ đoạn là từ nào mà:

A. làm cho cả ngữ đoạn có được tính cách ngữ pháp của chính nó (trung tâm của ngữ đoạn danh từ phải là một danh từ), hay

B. làm cho cả ngữ đoạn thay đổi chức năng cú pháp cho phù hợp với nó (như tác dụng thay đổi “cách” của các giới từ)

C. giữ đặc quyền thay mặt cho cả ngữ đoạn để có quan hệ ngữ pháp (và ngữ nghĩa) với một ngữ đoạn khác trong câu.

Sở dĩ những danh từ đơn vị như: cái, con, sự, không đứng một mình được không phải vì nó là “hư từ” (trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có dăm bảy trăm thực từ không bao giờ dùng một mình) mà chính là vì nó cần có một định ngữ, một lượng ngữ hay một bổ ngữ đi kèm theo để phụ trợ (làm phụ ngữ) cho nó.

Một trường hợp ngộ nhận tương tự về từ loại danh từ là đồng nhất chữ "khi" làm trung tâm cho một câu định ngữ với một “liên từ phụ thuộc" (conjonction de subordination – kiểu như quand, lorsque trong tiếng Pháp hay when, while trong tiếng Anh, kogda trong tiếng Nga) dùng để mở đầu cho một “câu phụ chỉ thời gian”, như trong câu:

Khi gặp cô ấy, tôi thấy xúc động lạ thường.

Những tác giả xử lý từ "khi" theo mẫu của câu tiếng Tây như vậy, quên mất rằng "khi", ngay cả trong trường hợp đứng trước một câu như câu trên, vẫn giữ nguyên những đặc trưng mà chỉ có từ loại danh từ mới có được, cụ thể là:

A. có thể đi sau một trong các lượng từ (hay quán từ) những, một, mỗi (Những khi gặp…; Mỗi khi gặp…).

B. có thể đi sau một giới từ như trước, sau, trong (Trước khi gặp…; Sau khi gặp…; Trong khi gặp…).

3. Giới từ và giới ngữ

Từ lâu, lý luận ngôn ngữ học đại cương đã chỉnh lý được một quan niệm sai lầm coi các hư từ như một thứ yếu tố thừa ở bên lề của câu, chẳng thuộc về một ngữ đoạn nào, trong khi đó chính là một từ có vị trí trung tâm trong tất cả các ngữ đoạn mà nó tham gia với tính cách là một tác từ (operator) quyết định “cách” và vai nghĩa của ngữ đoạn trong câu. Điều này Trương Vĩnh Ký, đi trước Ch. Fillmore gần một thế kỷ (1883-1968), đã hiểu khá tường tận.

Trong tiếng Việt, nếu không kể từ đánh dấu ly cách (ablatif) và từ "tại", tất cả các giới từ đều vốn là vị từ (cho, ở, đi, tới, đến, vào, ra, lên, xuống), hay là danh từ (trên, dưới, trong, ngoài, bên, cạnh), và cũng như các thực từ (nhất là các vị từ ngoại động làm cội nguồn cho nó, nó đều có những bổ ngữ trực tiếp là những ngữ đoạn danh từ và do đó phải được coi là trung tâm của ngữ đoạn mới hình thành – những giới ngữ (prepositional phrases).

Nó được khu biệt với các vị từ và các danh từ bằng khinh âm (so sánh: Cởi áo cho nhau [1111] và Cởi áo cho nhau [1101]; Cá lội dưới sông [1101] và Đào đường xe điện ngầm ở dưới sông [11001011]) . Tác dụng ngữ pháp của giới từ trong các ngôn ngữ đơn lập phân tích tính chính là tác dụng của biến vĩ trong những ngôn ngữ biến hình như tiếng châu Âu. Trong các thứ tiếng này, biến vĩ cũng được một số tác giả Pháp coi là phụ tố làm trung tâm cho từ đa hình vị (xem thêm mục 7 dưới đây).

4. Vị từ tình thái

Có liên quan đến việc xác định trung tâm của các ngữ đoạn còn có vấn đề các vị từ tình thái. Ở đây, cũng như đối với các danh từ bị gọi là “loại từ”, hay đối với các giới từ bị coi là không có chỗ đứng trong câu, các vị từ tình thái được coi là một thứ trợ ngữ lệ thuộc vào các vị từ chính danh. Quan niệm này có thể thấy rõ qua cách dùng thuật ngữ của một số tác giả viết về tiếng Việt như Elisabeth Clark (“Coverbs”) hay Nguyễn Phú Phong (“Préverbes”). Thế mà trong lý luận ngôn ngữ học đại cương đã có sẵn một thuật ngữ dành riêng cho loại vị từ này: đó là thuật ngữ Vị từ tình thái (modal verbs).

Vị từ tình thái là những vị từ làm trung tâm cho ngữ đoạn vị từ. Trong một thứ tiếng SVO nhất quán như tiếng Việt, đó là vị trí đầu tiên trong ngữ đoạn vị từ. Nó chỉ khác với các vị từ khác ở chỗ bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp của nó là một ngữ đoạn vị từ hay là một câu chứ không phải một ngữ đoạn danh từ. Cùng với bổ ngữ trực tiếp của nó, nó trả lời những câu hỏi như muốn làm gì, được ăn gì, dám làm gì, phải ra sao, bị làm sao, đã làm gì, sẽ ra sao, chưa biết gì... chứ không phải ăn cái gì, đánh ai, nuôi con gì.

5. Thì và Thể trong tiếng Việt

Vẫn một mực trung thành với nguyên lý thiêng liêng “tiếng Pháp thế nào thì tiếng Việt phải y như thế”!, SDTV khẳng định rằng tiếng Việt có ba “thời” quá khứ, hiện tại và tương lai, được diễn đạt bằng ba từ đã (rồi), đang, sẽ, trong khi chỉ cần thử nghe một người Việt nói chuyện vài phút cũng đủ thấy ba từ này không bao giờ chỉ ba cái “thời” ấy. Trái lại, ba từ này dùng cho bất cứ “thời” nào – quá khứ, hiện tại hay tương lai, để diễn đạt một ý nghĩa hoàn toàn khác – ý nghĩa “thể” và ý nghĩa tình thái, và đã từ lâu, người ta biết rằng tiếng Việt, cũng như các ngôn ngữ Đông Nam Á khác, bên cạnh rất nhiều ngôn ngữ không phải là tiếng châu Âu, vốn không có và không thể có thì với tính cách là một phạm trù ngữ pháp (bắt buộc), tuy khi cần có thể cho biết thời gian của sự việc bằng phương tiện từ vựng (không bắt buộc – như trước đây, hiện nay, hồi ấy, sau này).

Tôi đã từng phải tranh luận trên mặt báo với một dịch giả chủ trương rằng cách duy nhất để dạy cho học sinh hiểu thế nào là “thì” trong ngữ pháp tiếng Nga là dùng ba từ đã, đangsẽ (tuy ông, vốn là một dịch giả gần như chuyên nghiệp, biết rõ rằng người Việt hầu như không bao giờ dùng mấy từ này như người Nga). Tôi đã phải viết rằng nếu một câu như On byl zdorovym mà dịch sang tiếng Việt là Nó đã khoẻ hay Nó khoẻ rồi thì không phải chỉ sai, mà còn ngược hẳn với nghĩa của nguyên bản, vì câu tiếng Nga có nghĩa là Trước đây nó khoẻ(chứ bây giờ thì không còn khoẻ nữa),còn câu tiếng Việt thì lại có nghĩa là Trướcđây nó ốm,còn bây giờ thì nó khoẻ rồi.

Năm 1940, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm viết trong cuốn Văn phạm Việt Nam rằng đã cho biết hành động đã hoàn thành, còn đang cho biết nó đang tiếp diễn. Trong bản dịch sang tiếng Pháp, họ gọi hai từ này là từ chỉ thể (aspects du verbe). Thể là một phạm trù rất ít được biết đến trong ngữ pháp học đường của tiếng Pháp. Thế mà họ đã hiểu được ý nghĩa của hai từ này một cách chình xác, chứ không bị mắc lừa như trong SDTV của nhà trường ta.

6.Thái bị động?

Như ở mục 3 trên kia đã nói rõ, một ngôn ngữ thuộc loại hình “Đề - Thuyết” như tiếng Việt tuyệt nhiên không cần đến sự phân biệt ngữ pháp giữa hai thái chủ động và bị động, một khi Đề có thể đảm đương bất cứ vai nghĩa nào trong câu. Thế nhưng một số tác giả, trung thành với lối suy nghĩ theo nếp sao phỏng ngữ pháp tiếng Pháp, vẫn khẳng định rằng tiếng Việt, tuy không có “thái bị động”, nhưng vẫn có “câu bị động” hay “câu có nghĩa bị động”, và do đó có khả năng diễn đạt “phạm trù bị động".

Thật ra như vậy chính là thừa nhận tính phi ngữ pháp (không bắt buộc) của phạm trù thái. Nhưng các tác giả hữu quan không hề ý thức được ý nghĩa thật của những điều họ viết ra. Muốn chứng minh được những điều ấy, họ phải chứng minh được rằng:

A. hai chữ bịđược là những hư từ, tức những công cụ ngữ pháp không có (hay đã mất hết) ý nghĩa từ vựng. Đằng này hai chữ đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa từ vựng.

B. Hai hư từ này có tác dụng như những tác tử bị động hóa (operators of passivization) đối với tất cả các vị từ đứng sau nó. Đằng này hai chữ bị và được rất ít khi có tác dụng ấy. Muốn khẳng định như trên, phải coi khoảng 87% trường hợp là lệ ngoại”, trong khi rất khó tìm thấy nhưng lệ ngoại ngữ pháp lên đến con số dăm bảy từ trên một tổng số vài trăm từ.

Còn nếu họ đứng trên quan điểm ngữ nghĩa mà xét, thì không thể hiểu tại sao họ không xếp những câu như Cơm đã dọn lên, Tôi có các anh giúp cho, Vườn trồng toàn bưởi, Việc này ai cũng biết, Đội B thua hai không (số câu kiểu này nhiều hơn và thông dụng hơn số “câu bị động” của các tác giả nói trên đến mấy trăm lần).

Cách đây hơn nửa thế kỷ, năm 1940, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm đã hiểu hoàn toàn đúng ý nghĩa từ vựng và ngữ pháp của hai từ bịđược, chính vì họ xét hai từ này trong toàn bộ mấy nghìn cách sử dụng: với hầu hết các vị từ, ta đều thấy nó có nghĩa chủ động (bị ngã, bị đau, được ăn, được học v.v...) và họ cũng biết rõ các thứ tiếng Âu châu để thấy rằng ý nghĩa của bịđược tuyệt nhiên không có chút gì dính dáng đến “thái bị động” hay “ý nghĩa bị động”.

7. Trọng âm ngữ đoạn, một phương tiện ngữ pháp quan trọng của tiếng Việt cần được dạy ngay ở cấp tiểu học.

Cuối cùng, không thể không nói vài lời đến trọng âm, mặc dầu ở đây không có biểu hiện nào của thói sao chép ngữ pháp tiếng Pháp cả - chẳng qua vì chưa có ai nghĩ đến, và cũng chưa có ai viết gì về vấn đề này.

Nhưng chỉ riêng một thí dụ dẫn ở mục 3 trên đây cũng đủ cho thấy vai trò của trọng âm đối với cấu trúc cú pháp và ngữ nghĩa của câu quan trọng như thế nào. Bài nghiên cứu về Trọng âm và các quan hệ ngữ phápđã được công bố từ hơn 20 năm nay (1978 – Báo cáo tại Hội nghị Khoa học của Viện KHXH tại TP.HCM) và trong một cuốn sách xuất bản gần đây (1998), nó đã được in lại, lần này có kèm theo những biểu đồ có được bằng máy ghi thanh phổ. thanh điệu, độ dài (với sai số 10% giây) và cương độ chính xác. Nhưng không hiểu tại sao giới nghiên cứu tiếng Việt vẫn im lặng, và các tác giả SDTV vẫn không đưa nội dung này vào chương trình.

Trong khi đó, các em ở cấp tiểu học vẫn phải tập “đọc diễn cảm”, một nghệ thuật mà ngay ở trường Đại học Sân khấu cũng không có mấy thầy dám viết ra cho sinh viên học.

8. Kết luận

Để kết luận cho bài báo cáo đã khá dài này, tôi chỉ xin nêu một câu hỏi mà những người tha thiết với tiếng Việt, trong đó có chúng tôi và giới phụ huynh học sinh, vẫn mong mỏi được nghe giải đáp từ mấy chục năm nay:

Đến bao giờ sách giáo khoa tiếng Việt mới dạy thứ tiếng Việt mà hơn 70 triệu người Việt đang nói hàng ngày, chứ không phải thứ “tiếng Việt” giả tạo sao chép một cách máy móc từ sách cũ dùng để dạy tiếng Pháp cho dân thuộc địa?

C.X.H

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ

    20/04/2016Roland JacquesLàm sao quên được công trình vĩ đại mà các vị tiên phong của công cuộc truyền giáo tại Việt Namđã thực hiện? Những điều mà các vị truyền giáo dòng Tên đến từ Bồ Đào Nha, do Bồ Đào Nha gửi đi, đã thực hiện trong phạm vị ngữ học kỳ cùng là những công trình có tính cách quyết định cho tương lai văn hóa Việt Nam...
  • Lộn xộn tiếng Việt thời giao lưu văn hóa

    10/10/2015Vương Trí NhànVới một niềm tin dai dẳng, các phương tiện thông tin đại chúng ở ta thường không mệt mỏi trong việc nhắc nhở mọi người là phải giữ gìn bản sắc dân tộc, hoặc trong ngôn ngữ thì nhắc nhau là phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy mà mọi chuyện cứ diễn ra theo hướng ngược lại, tại sao lạ vậy?
  • Dịch giả Cao Xuân Hạo: Giới trẻ đang học cái thứ gần 100%... không phải là tiếng Việt

    04/11/2012Chỉ thương cho những người Việt nhỏ tuổi sẽ bắt chước kiểu nói ngô ngọng giống mấy ông Tây học tiếng Việt 3 tuần mà quên dần những phương tiện diễn đạt trau chuốt, chính xác và tinh tế của tiếng mẹ đẻ, cho đến khi đọc Kiều hay thơ Xuân Diệu không còn chút khả năng rung đùi nào nữa - nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã phải thốt lên như vậy trước bi kịch ngôn ngữ Việt Nam hiện đại...
  • Chữ Nho với văn quốc ngữ

    29/07/2009Phạm QuỳnhVăn quốc ngữ do Hán văn mà ra, không thể dời khuôn phép của Hán văn mà thành lập được; nhưng hiện nay chữ Hán không mấy người biết nữa, làm thế nào cho quốc văn thành được? Có thể bỏ hết chữ Hán mà chỉ dùng tiếng Nôm được không?
  • Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây

    28/07/2009Hoàng TiếnNền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu.
  • Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh

    24/07/2009Nguyễn Đình ĐăngTôi đã vẽ bức tranh “Sự ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh.
  • Trương Vĩnh Ký, người mở đầu cho cuộc đối thoại Đông Tây

    14/07/2009Đỗ Lai ThúyTrong văn hóa, đối thoại không phải để giành trọn phần thắng về mình mà để nhận thức sâu thêm về mình, về người nhằm đạt tới một chân lý cao hơn cho cả hai bên. Ở Việt Nam, có thể nói, Trương Vĩnh Ký là người mở đầu cho cuộc trò chuyện Đông - Tây.
  • Tiếng Việt - Những công lao bị quên lãng

    08/07/2009Cao Xuân HạoTrong lịch sử của ngành Việt ngữ học, ông là một trong những tác giả ít bị những định kiến "dĩ Âu vi trung" chi phối hơn cả, nhất là khi đem so với sách học tiếng Việt ngày nay. Kể cho đến bây giờ, ít có cuốn sách nào cung cấp cho ta nhiều thông tin về ngữ pháp tiếng Việt như mấy cuốn sách không lấy gì làm dày của ông. Trong mấy cuốn này không thiếu những phát hiện quan trọng mà ngày nay chẳng mấy ai nhắc đến, trong khi lẽ ra nó phải được những người đi sau tiếp thu và khai triển, đào sâu hơn nữa.
  • Ngôn ngữ mới của nước Nam

    03/07/2009Phạm QuỳnhKhông thể chối cãi là hiện giờ đang có một ngôn ngữ mới của nước Nam đa dạng hơn, uyển chuyển hơn, đủ khả năng hơn cho sự diễn tả các tư tưởng mới và các quan niệm trừu tượng so với ngôn ngữ đó cách đây mười lăm, hai mươi năm.
  • Tiếng Tây-Tiếng ta

    19/05/2009Lê Trường- Tri NiênĐất nước ta đang ở thời kỳ mở rộng giao lưu với các nước đã khiến tiếng Việt tiếp nhận ồ ạt nhiều khái niệm mới bao hàm những nội dung ngữ nghĩa mới của những từ ngữ đang dùng hoặc từ ngữ mới . Điều nhận ra trước tiên là sự xuất hiện của những từ nước ngoài, những tên riêng nước ngoài không gì cản nổi trên các trang báo, trên các kênh truyền hình, các văn bản viết và trên các bảng hiệu quảng cáo...
  • Một vấn đề ngôn ngữ học

    15/04/2009Phạm QuỳnhSự cuồng tín đối với tiếng mẹ đẻ này khởi từ cuộc xung đột nổi tiếng chia rẽ nước Bỉ giữa người Flamand và người Wallon. Cũng còn thấy nó ở đáy sâu của phong trào ly khai đã và đang khuấy động miền Alsacevừa giành lại được. Một tác giả nổi tiếng, ông RENÉ GILLOUIN, đã viết cả một cuốn sách về những xung đột ngôn ngữ này, cuốn sách nhan đề Từ Alsace đến Flandre: tính thần bí ngôn ngữ học. Quả thực, trong mối liên hệ của con người đối với tiếng mẹ đẻ của họ có một thứ tính chất thần bí và đó là một trong những thế lực đang tác động tới thế giới hiện đại.
  • Cuộc tiến hóa của tiếng nước Nam (*)

    09/04/2009Phạm Quỳnh (1)Thưa quý ngài, khi hai người không hoà thuận với nhau, các ngài bảo đó là họ không nói cùng một thứ tiếng. Chúng tôi thì nói: ngôn-ngữ-bất-đồng (không có cùng một ngôn ngữ). Đối với các cá nhân đã vậy; đối với các dân tộc càng như vậy. Để đi sâu vào tâm thức của một dân tộc, để có thể thiện cảm với nó, không gì bằng sự hiểu biết ngôn ngữ.
  • xem toàn bộ