Nhật ký Tết
Ngày...
Người ta thấy “vui như Tết” sao mình lại thấy... “rầu như Tết” nhỉ! Ra chợ mà coi, Tết gắn liền với mùa chết của cây cỏ, gia súc. Chuồng trại vét sạch. Rau củ nhổ sạch. Từng giỏ, từng xe, từng đống. Vịt chúc đầu kêu cạp cạp. Tiếng kêu lần cuối sao vang to đến thế! Gà trống trong rọ còn vỗ cánh gáy. Tiếng gáy dài, rợn buồn. Những tảng thịt roi rói màu máu. Sáng nay bao con heo rời chuồng, bao con bò, con trâu hết gặm cỏ? Ừ, chúng được nuôi là để phục vụ con người mà!
.
.
Ngang qua chỗ bán tim gan. Những trái tim hồng nhỏ xíu. Những lá gan xinh mướt như lá trầu non. Chị bán hàng mời: “Heo sữa đó cô!”. Đi như chạy ra khỏi chợ, bầy heo sữa hồng hào mũm mĩm còn đuổi theo.
Từ đây đến Tết còn bao buổi chợ phải đi qua, để đưa ông Táo, cúng tất niên, cúng rước ông bà, ăn ba ngày Tết, cúng đưa ông bà, cúng đầu năm. Mấy chục triệu nhà, mỗi nhà vài ký thịt gà, bò, heo, tôm, cá, mực... Sức tiêu thụ mấy ngày Tết thật kinh khủng. Phố chợ, siêu thị nghìn nghịt người, cứ nhìn nhau mà mua, chở về nhà chất đầy tủ lạnh, ăn không hết thì đổ bỏ. Chợt nghĩ muốn tránh mặt cái chết cứ mua báo xuân. Mấy ngày này báo nín buồn. Trần gian vui... như Tết!
Ngày...
Tối nay tiễn ông Táo về Trời. Không mâm cỗ mặn, chỉ hoa và bánh trái. Sắp sửa trang trọng, đèn nến lung linh, trầm hương ngan ngát, thủ thỉ khấn: “Ông bà Táo quân ơi, ông bà là biểu tượng của yêu thương nên khi lên Trời xin tâu tấu sao cho hạ giới thay đổi quan niệm về Tết - chơi hơn là ăn, để Tết không còn là mùa chết của trâu, bò, heo, gà... Các nhà khoa học tính lượng khí CO2 thải ra khi sản xuất một ký thịt bằng lượng khí thải của một xe hơi chạy 155 cây số. Nên để cung cấp nhu cầu tiêu thụ thịt mùa Tết cho cả nước, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khủng khiếp biết dường nào!”.
Ngày...
Hồi mấy năm trước, đến ngày Tết còn được chai rượu biếu, chẳng phải đi mua. Giờ đã về vườn, giáo quèn ai thèm nhớ!
Vô hàng rượu, lướt qua quầy rượu ngâm mới thấm thía con người là chúa tể hành tinh, ác nhất muôn loài. Dữ như gấu cọp mà cũng bị cắt tay, cắt của quý ngâm rượu. Độc như rắn lục, hổ mang, cạp mái gầm cũng chịu nằm ngoan ngoãn trong thẩu. Rồi bào thai động vật đủ loại. Rồi những con vật chân quê, hiền lành như tắc kè, bìm bịp, chim sẻ, ong vò vẽ nguyên mảng sáp cũng bị ngâm rượu tuốt! Cô bán hàng mời chào mấy ông khách: “Muốn trị chứng nhức mỏi, cứng gân cốt chú lấy chai này. Để làm thứ này, người ta phải vô tận tổ bẻ chân bìm bịp con rồi rình lúc mẹ chúng tha cây thuốc về trị bệnh. Bắt ngay lúc ấy ngâm mới hiệu quả đó”. Nghe mà nổi da gà. Vậy mà mấy cha thì xán lại.
Tránh qua bìm bịp con lại chạm mắt khỉ con nhe răng cười trong thẩu... Hoảng hồn bỏ ra ngoài đứng đợi rồi thở phào khi thấy ổng đi ra kè kè chai vang Đà Lạt. Tiền ít có khi lòng nhẹ!
Ngày...
Phía trước quảng trường và xung quanh nó được phân lô cho những người tham dự hội hoa xuân. Hoa tứ phương theo xe tải đổ về Đà Nẵng, vẻ đẹp muôn hồng nghìn tía. Đào Nhật Tân ủ rét phương Bắc. Mai Phú Yên gửi nắng phương Nam. Tulip Đà Lạt trang đài với những sắc hoa kỳ diệu..., và nghìn nghịt hoa đủ màu, đủ loại chen chân, nối hàng bên bonsai với đủ tư thế dồn nén sức sống trong khuôn phép.
Hoa chen hoa, đẹp kề đẹp. Bãi cỏ, ven đường bừng sắc xuân rực rỡ mà người mua thì lác đác. Hồng nở đến sốt ruột. Cúc đại đóa vàng cháy lòng. Quất lúc lỉu quả như bầy con chờ mẹ...
Vào tháng cuối năm trời cũng lắm nỗi niềm, mới hé nắng ban sáng đã se lạnh ban chiều, gió mưa dùng dằng đi ở. Người bán co ro trong các lều tạm. Nắng lo hoa nở sớm. Mưa lo hoa bầm dập. Một năm chăm chút cái đẹp dồn hy vọng trong mươi ngày...
Rồi trời cũng hửng thứ nắng ốm mỏng tang, lọt từng tia, nhỏ từng giọt nhưng cũng đủ cho hoa ửng sắc, người bớt nhợt. Chợ hoa “nóng” lên từng ngày. Năm cạn đáy, dù nhiều hay ít tiền, ai cũng muốn có sắc xuân trong nhà. Cuộc mua bán cái đẹp diễn ra khốc liệt từng giờ và cũng lắm nỗi niềm. Người phương Bắc chọn cành đào gợi nhớ Tết xa. Các cơ quan, doanh nghiệp chọn thế quất, thế mai biểu tượng phát đạt, viên mãn. Người nhiều tiền mua cái rẹt, ít tiền thì ngần ngại, đắn đo.
Tôi cũng chọn một loài hoa đón xuân hợp túi tiền: một bát Thủy Tiên nho nhỏ đẹp mỏng mảnh, tinh khiết, giá 300.000 đồng, dẫu người ta bảo Thủy Tiên khó chơi, phải biết cách gọt tỉa mới ra hoa đúng giao thừa. Thôi, cứ đến thời thì hoa nở hoa ơi!
Ngày...
Đi chợ hoa cận giao thừa ngắm niềm vui đắng đót. Đó là thời khắc người nghèo mua hoa vét. Hoa loại ba, loại bốn dành cho người loại năm, loại sáu. Giá nào họ cũng bán, bán đổ bán tháo để còn kịp về nhà đón năm mới. Người mua thì hể hả vì chỉ cần mấy chục bạc là rước xuân về trước cửa.
Hội hoa tàn bỏ lại đám hoa lá bầm dập cho công nhân vệ sinh mướt mồ hôi dọn dẹp trước giao thừa. Cô công nhân vệ sinh vẫn kịp nhặt nhạnh mấy bông hoa bị quẳng lại - những bông hoa sẽ được đẹp lần cuối trong cái bình nào đó để đón xuân sang.
Ngày...
Mồng hai, Mồng ba Tết đã thấy chợ ven đường lác đác bán mua. Người bán cũ, chỉ mớ rau hành tươi mới. Muốn sà xuống mua mớ rau mới cắt thì sực nhớ tủ lạnh ở nhà còn trữ đủ thứ đã mua mua sắm sắm hồi trước Tết. Thịt đông, thịt dầm ngán tận cổ. Bánh tét, bánh chưng chuẩn bị nổi meo. Rau củ héo vàng đợi quẳng.
Tết Việt thật phí phạm. Vặt sạch, vét sạch, giết sạch, tất cả dồn cho Tết. Chỉ ba ngày Tết mà được mua sắm như cho mấy tuần. Tưng bừng mua, rồi dọn dẹp, nấu nướng, cúng kiếng đến kiệt sức, rồi ngao ngán quẳng đồ thừa, đồ hỏng. Bởi vậy, sau Tết là mùa no của cư dân rác. Họ nhặt nhạnh, bươi móc những thứ thừa mứa được quẳng ra từ mấy ngày Tết lãng phí.
Và cứ đến hẹn... Tết lại lên!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015