Vui như Tết

12:33 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Hai, 2018

Mọi người vẫn ví vui như Tết. Vậy mà oái oăm thay, khối người lại bảo:

- Sợ nhất là ngày Tết.

Có người còn ước:

- Giá như mười năm mới có một lần Tết thì sướng biết bao...

Ờ, ý muốn của con người thật vô cùng, nói thế nào cũng được. Lạ thế, Tết được nghỉ ngơi, có thời gian đi thăm bạn bè, họ hàng mà lại bảo không sướng, lại còn sợ. Cái sướng cái khổ là tự mình mà ra cả, chứ cái Tết nó làm gì mà phải sợ nó.

Người nghèo sợ Tết vì tủi thân, khi thấy món quà năm mới biếu bên nội, bên ngoại không được đầy đặn. Thương ông bà, tổ tiên nơi chín suối tủi phận vì mâm cỗ của con cái nhà mình dâng không bằng của nhà hàng xóm. Thương cái áo mới của con mình xấu hơn con người. Tủi khi nhà mình vắng bóng đào quất...

Người ham địa vị vừa sợ mà cũng vừa thích ngày Tết. Sợ vì phải tất bật suốt mấy ngày trước Tết, lo chạy ngược chạy xuôi mang quà tặng sếp này biếu sếp kia chóng cả mặt, chẳng lo được việc gì cho gia đình. Sau Tết cũng chẳng được nghỉ ngơi lại phải đi chúc gặp mặt các sếp, mong sếp nhớ rõ mặt mình với tấm lòng thành của mình...

Sợ đấy, nhưng cũng thích. Vì Tết mới có dịp để bày tỏ tình cảm của mình với sếp. Vất vả, tốn kém để mua về sự phập phồng lo không biết có được cơm cháo gì không.

Người có địa vị cũng vừa sợ vừa mong cái Tết đến. Họ mong nhận được quà nhưng lại sợ phải đi ăn. Hết nơi này đến nơi kia, hết người này đến người khác mời ăn để tỏ lòng biết ơn.

Không đi không được. Phải đi để còn hứa hẹn sao cho xứng đáng với những phong bao mà mình đã nhận. Nhưng bụng nào mà nhét cho được. Người đói thì sợ đói. Nhưng người no thì sợ no gấp bội phần.

Người sợ Tết nhất phải kể đến cô em gái của tôi. Mới giữa năm cô nàng đã rên lên: Trời ơi, em sợ đến Tết quá... Ai cứu em với...

Năm nào cô cũng phải về quê chồng ăn Tết. Quê chồng cô cách Hà Nội gần 200 km. Ngày yêu nhau cô đâu có nghĩ đến kilômét, chỉ nghĩ đến mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Cô không thể tưởng tượng được cảnh đoạn trường sau này.

Cô mắc chứng say xe, say điên say đảo, chỉ ngửi mùi xe ô tô là đã say, lần nào về quê lên cô cũng sụt cân vì mất nước do nôn, vì không ăn uống được gì do say. Cô nôn ra mật xanh rồi đến mật vàng mà đường tới nhà chồng vẫn mịt mù xa lắc xa lơ.

Đã vậy, về được đến nơi hồn bay phách lạc nhưng đâu có dám nằm nghỉ. Riêng màn chào hỏi, xã giao đã đủ làm cho người khỏe chóng mặt, huống là cô. Thế là cô em tôi mỗi lần về quê chồng là tọng cho đủ loại thuốc bổ để tăng lực.

Nhưng điều làm cô em tôi khốn khổ hơn cả là cái toilet ở quê. Cô nàng bị mắc bệnh sạch. Đã liệt vào dạng bệnh có nghĩa là sự sạch ở cô đã quá nghiêm trọng rồi.

Anh chồng thấy vợ lao từ nhà xí ra rồi ôm lấy cây chuối nôn thốc, nôn tháo thì mừng hí hửng tưởng vợ có mang. Đến bữa cơm, mẹ chồng thấy nàng dâu vừa bưng bát cơm lên đã đặt vội xuống và lao ra gốc bưởi ọe khan, thì mừng ra mặt. Cô dâu quay vào nhà, nước mắt nước mũi còn đang nhòe nhoẹt thì mọi người ồ lên vui vẻ nâng cốc mừng: hai anh chị sinh quý tử - làm cô dâu thẹn chín người.

Quý tử thì chưa có nhưng lần nào về quê ra, cô em gái tôi cũng bị rối loạn tiêu hóa. Hai năm như thế, cậu em rể tôi thấy vợ vất vả khổ sở quá thì xót, nên quyết định về quê một mình. Tết là ngày xum họp gia đình, ai đi đâu cũng muốn về gần vợ gần con, đằng này Tết đến vợ chồng cô em tôi lại trở thành ông Ngâu bà Ngâu. Cô vợ ở nhà đón giao thừa một mình thì tủi thân, sụt sùi nhớ chồng. Anh chồng ở quê thấy ai cũng có đôi có lứa lại thương vợ ở nhà một mình nên cứ rối lòng, ở quê có một hôm đã quay về.

Cảnh Ngâu ăn Tết ấy chỉ có một lần. Thương vợ, năm sau anh chồng về quê trước Tết, chiều 30 Tết lại ra. Tưởng thế là ổn, được cả đôi đường, nhưng cô vợ thấy mấy ngày Tết chồng cứ luôn miệng nhắc nhỏm đến cha mẹ ở quê, đôi lúc lại buồn vu vơ thì áy náy.

Cô em tôi quyết tự chữa bệnh cho mình. Tình yêu có sức mạnh lạ kỳ. Để chữa chứng nôn, cô em của tôi không đi xe máy nữa mà đi xe bus. Phải mất mấy tháng trời cô mới quen được với xe.

Nói thì nghe dễ, nhưng với người bị chứng say xe như cô em tôi thì chẳng dễ chút nào, chỉ có tình yêu vô biên cô mới làm được. Hôm nào đi làm về cô cũng vật ra giường vì say xe. Không ăn nổi cơm. Nhưng cô vẫn không nản.

Nghĩ mà thương cô em tôi. Cô chữa bệnh sạch vô cùng kỳ công. Ở nhà được chiều là thế, chẳng phải làm gì, vậy mà vì yêu chồng, ngày nào cô cũng đến nhà trẻ, nơi cô bạn gái đang làm việc để xin giặt không công những quần áo bọn trẻ ị đùn, để cho quen với cái bẩn...

Anh chồng thấy vợ vất vả thì thương và nể - càng yêu vợ hơn. Bây giờ thì cô ấy chẳng còn than sợ Tết nữa rồi. Cũng nhờ thế mà năm nào nhà tôi cũng có bao nhiêu là quà quê của vợ chồng cô chú ấy mang ra. Nhìn cảnh hai vợ chồng đùm đùm gói gói mang quà về quê và tay xách nách mang quà từ quê ra với nét mặt vui như Tết mà thấy vui lây niềm hạnh phúc của họ.

Tôi thì thích Tết vô cùng. Thích không khí người người tấp nập bán mua. Thích màu xanh mướt của những lá non mơn mởn.

Thích cả những cơn mưa phùn lắc rắc. Thích cơn gió lạnh mang hơi ẩm mùa xuân. Thích cả những hạt mưa châm chích tê tê. Thích không khí mùa xuân trong lành thoang thoảng hương hoa... Thích nhất là đi vào vườn đào ngắm hoa. Ngắm từ khi hoa đào mới là những cái nụ con tí.

Trước Tết vài tuần, cứ hết giờ làm là tôi lại phóng xe đi ra chợ hoa như người nghiện. Đi xuôi rồi đi ngược, vài vòng như thế, chẳng mua, chẳng dừng lại hàng nào, chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà vẫn thích, chỉ cần ngửi mùi hương hoa lá là thấy lòng dịu đi những ưu phiền.

Trước Tết vài ngày thì tôi mới thực sự ngắm hoa để mua. Cái thú hỏi giá, mặc cả cũng thích vô cùng. Thích nhất là mua đắt về nhà nói rẻ để được vợ khen. Năm nào tôi cũng được vợ khen.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Tản mạn đời văn phòng

    17/03/2016Nguyễn Trương QuýThế thì đời viên chức khác gì một cái cốc mỳ ăn liền, loại người ta gọi là mỳ tôm có sẵn hộp cho nước nóng vào 5 phút là ăn được hay một hộp cơm vuông vức, ô này to để cơm, ô kia bé để thịt rau cá, tí gia vị cho khỏi nhạt mồm? Tròn vành vạnh hay vuông chằn chặn và có vẻ đủ thứ để xuôi cái bụng. Nhưng ai không muốn ổn định, muốn thành thục việc cần làm, dù rằng tất cả chỉ đến những cái đích mà ở đấy, lại lặp lại một chu kỳ quen thuộc đến phát ngấy?
  • Giới trẻ thời @ đón tết

    19/01/2009Phương LanĐối với giới trẻ Trung Quốc, cũng như ở Việt Nam, Tết ngoài ý nghĩa đoàn tụ gia đình, còn là ngày hội để bạn bè gặp nhau, vui chơi thỏa thích. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, nên cách đón Tết, chơi Tết của các bạn trẻ cũng trở nên rất phong phú, mới lạ...
  • Xuân Nam Bắc - Tết Bắc Nam

    19/01/2009Nguyễn Trọng HuấnHơn bảy trăm năm trước, Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, một chiều, từ đỉnh cao non thiêng Yên Tử, phóng tuệ quang bát nhã nhìn về phương Nam, thấy chân trời nơi cuối đất, ...
  • Mùa xuân mới lại về

    01/03/2007Vũ Hoàng TiếnTôi đi và cứ nghĩ miên man như thế, mưa xuân phủ một lớp mỏng lên mái tóc và chiếc áo choàng… Có hạt mưa xuân nào chui vào cổ áo – rùng mình, người tôi mát lạnh, tim tôi rung lên, đập nhịp: Mùa xuân ơi, Mùa xuân đã về!
  • Tết đến

    19/02/2007Chử Văn LongNhắm mắt lại, giờ tôi như vẫn được nghe những tiếng xột xoạt của thứ vải “trúc bâu” hồ cứng nơi cánh tay mình ngày ấy vuốt ve nhìn ngắm. Tôi thấy mình bỗng thành đứa trẻ, hay đứa trẻ vừa biến thành tôi khi năm mới vừa sang...
  • Tết trong mỗi người

    16/02/2007Phan Triều HảiMùa xuân tuyết tan, cây đâm chồi nảy lộc. Chim hót líu lo. Mặt trời sáng bừng, và trời xanh. Câu này nghe quen, nhưng đó là mùa xuân ở đâu, chứ tôi nay thật sự đã được tận hưởng mùa xuân ở mọi miền đất nước rồi nên mới biết điều lẽ ra không cần đến gần bốn mươi năm để biết, rằng cả nước vào xuân nghĩa là miền Bắc đón những đợt rét tái tê người, miền Trung là những cơn mưa sụt sùi bất tận, còn miền Nam thì nắng như đổ lửa...
  • Lời chúc thời đại @

    16/02/2007Minh Tú25 tháng Chạp. Năm nay chẳng có 30, nghe hơi Tết như đã thổi phà phà vào gáy. Người ta hỏi nhau những địa chỉ các trang web thiệp điện tử, để vào đó, tìm một tấm thiệp gửi nhau. Bạn bè đặc biệt thì chọn riêng mỗi người một tấm. Bạn bè thường thì một tấm gửi chung. Chỉ cần vào sổ địa chỉ, click chuột một cái, đã gửi được thêm một lời chúc đầu xuân đến cho một người bạn...
  • Thời gian với giao thừa

    16/02/2007Băng SơnThời gian là cái gì đó, hoàn toàn vô hình nhưng lại hết sức hữu hình. Nó như một nguyên tố không màu, không mùi, không vị, không đặc, không loãng, cứ lặng lẽ trôi nhưng bất biến...
  • Hoa xuân

    07/02/2007Trần ĐìnhKhoảnh khắc khi xuân đến, đắm mình trong phiên chợ hoa xuân, giữa những khuôn mặt náo nức tràn trề hạnh phúc. Hãy chọn đi, chọn cho gia đình, cho người thân yêu một nhành hoa. Cò thể là cành đào mang hơi thở mùa xuân, một nhành mai tinh khiết, một đóa hoa hồng cho tình yêu bất diệt, hay một bình gốm vỗ về mềm vui xuân...
  • xem toàn bộ